Vùng đỏ vùng xanh và những quy định phòng chống dịch Covid 19

03/09/2021
Vùng đỏ vùng xanh và những quy định phòng chống dịch Covid 19
1570
Views

Sau 45 ngày giãn cách liên tục, công tác phòng chống dịch bệnh Covid tại Hà Nội đã có được những dấu hiệu khả quan. Tuy nhiên trước diễn biến dịch vẫn còn đang rất khó lường, các biện pháp phòng chống dịch cũng cần phải có những điều chỉnh phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội và cần những biện pháp đối phó dài hơi hơn. Mới đây, Hà Nội đã có những thông báo đầu tiên về việc áp dụng biện pháp phòng chống dịch chia theo vùng. Xung quanh vấn đề này chúng tôi nhận được rất nhiều các thắc mắc có liên quan. Cụ thể có câu hỏi về việc chia vùng đỏ vùng xanh trong phòng chống dịch như sau:

“Chào Luật sư, tôi hiện đang sinh sống tại Hà Nội. Tôi thấy hiện nay đã có thông báo về việc chia vùng đỏ vùng xanh và vùng cam trong phòng chống dịch sau ngày 6/9 tới. Vì vậy tôi muốn hỏi rõ hơn về các quy định chia vùng chống dịch này và các vùng đỏ được quy định là những khu vực nào? Mong được Luật Sư 247 giải đáp, tôi cảm ơn.”

Căn cứ pháp lý

Quyết định 2686/QĐ-BCĐQG

Quyết định 3986/QĐ-BYT

Chỉ thị 15/TTg

Chỉ thị 16/TTg

Vùng đỏ, vùng xanh và vùng cam được quy định như thế nào?

Sau ngày 6/9, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội chỉ đạo xây dựng phương án phòng, chống dịch sau đợt giãn cách thứ 3 trên địa bàn Thành phố theo phương châm siết chặt hơn; áp dụng một số biện pháp cao hơn đối với những khu vực nguy cơ rất cao, nguy cơ cao, khu vực “vùng đỏ”, “vùng da cam” để phòng chống dịch.

Theo đó thành phố sẽ phân chia thành 3 vùng để thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 hoặc 15+.

Vùng đỏ là gì?

Vùng đỏ được xác định là vùng có mức nguy cơ lây nhiễm rất cao. Đây là khu vực phong tỏa hoặc khu cách ly. Vùng này là vùng tương đối nguy hiểm; người dân không nên đến gần để tránh nguy cơ lây nhiễm Covid-19.

Các vùng sẽ được xác định là vùng đỏ nếu có 1 trong các yếu tố dịch tễ sau:

Đối với cấp xã

Có chùm F0 chưa rõ nguồn lây.

Có F0 xác định được nguồn lây nhiễm từ khu công nghiệp, trường học; siêu thị lớn và các khu vực có nguồn lây nhiễm khó kiểm soát, khó truy vết.

Đối với cấp huyện

Có 30% số xã trở lên có nguy cơ rất cao; nằm rải rác trên địa bàn huyện hoặc có 50% số xã trở lên có nguy cơ cao.

Có nguồn lây nhiễm khó kiểm soát và có nguy cơ lan nhanh trên 50% số xã.

Đối với cấp tỉnh

Có trên 30% số huyện có nguy cơ rất cao và nằm rải rác trên địa bàn tỉnh; hoặc có 50% số huyện trở lên cỏ nguy cơ cao.

Có ổ dịch lớn khó kiểm soát và có nguy cơ lây lan nhanh trên 50% số huyện; và lây sang tỉnh khác.

Vùng cam là gì?

Vùng cam được xác định là vùng có mức nguy cơ lây nhiễm cao; có khả năng lây nhiễm Covid-19 lớn. Vùng da cam gồm các nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ quan, đơn vị, chợ, siêu thị; bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh…

Các vùng sẽ được xác định là vùng cam nếu có 1 trong các yếu tố dịch tễ sau:

Đối với cấp xã

Có F0 chưa rõ nguồn lây để xác định phòng chống dịch.

Có F0 xác định được nguồn lây trong nhà máy, cơ sở sản xuất kinh doanh, chợ dân sinh, bệnh viện… có nguy cơ lây nhiễm cao.

Liền kề với xã; hoặc địa bàn có điều kiện qua lại thuận tiện được đánh giá nguy cơ rất cao.

Đối với cấp huyện

Có 30% số xã trở lên có nguy cơ cao, nằm rải rác trên địa bàn huyện; hoặc có 50% số xã trở lên ở mức độ nguy cơ; hoặc có 1 xã có nguy cơ rất cao.

Có nguồn lây nhiễm khó kiểm soát và có nguy cơ lây lan nhanh trên 20% số xã.

Có khu công nghiệp, cơ sở sản xuất quan trọng (theo chỉ đạo của cấp tỉnh) cần phải bảo vệ tuyệt đối an toàn; tiếp giáp với khu vực có nguồn lây nhiễm khó kiểm soát, khó truy vết.

Đối với cấp tỉnh

Có 50% số huyện trở lên ở mức độ nguy cơ; hoặc có 2 huyện trở lên ở mức độ nguy cơ cao; hoặc có 1 huyện có nguy cơ rất cao.

Diễn biến dịch có tình huống bất thường chưa lường trước được trong khi năng lực truy vết, xét nghiệm, cách ly, điều trị chưa đảm bảo và chưa đáp ứng được ngay, cần tạm thời đặt trong trạng thái nguy cơ cao hơn.

Vùng xanh là gì?

Màu xanh tương ứng với vùng bình thường mới, trong khu vực này không có khả năng lây nhiễm Covid-19. Mỗi địa phương sẽ có những cách để khoanh vùng và bảo vệ khu vực vùng xanh khác nhau. Vùng xanh có thể là một ngõ, một khu vực, một hẻm chưa có ca nhiễm Covid-19 nào, được lập chốt chặn và có thông báo ở đầu ngõ, hẻm…

Việc phân chia vùng đỏ, vùng xanh và vùng cam ở Hà Nội được quy định như thế nào?

UBND TP Hà Nội quy định như sau:

Vùng đỏ:

Vùng một gồm 10 quận, huyện Tây Hồ, Ba Đình, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông, Thanh Trì, Hoàng Mai; một phần địa giới hành chính của 5 quận, huyện Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tin.

Vùng một tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 và áp dụng một số biện pháp ở mức cao hơn với nguyên tắc “ai ở đâu, ở đó”, “người ở vùng nào, ở vùng đó”. Đây là khu vực đô thị trung tâm với mật độ dân cư cao, tập trung các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ. Hiện là vùng đỏ, nhiều trường hợp nguy cơ cao.

Vùng cam:

Vùng hai gồm toàn bộ địa giới hành chính của 5 quận, huyện: Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh.

Toàn bộ vùng hai áp dụng Chỉ thị 15 và một số biện pháp ở mức cao hơn theo từng phân khu trong vùng.

Vùng xanh:

Vùng ba là toàn bộ địa giới hành chính của 10 quận, huyện: Ba Vì, Sơn Tây, Phúc Thọ, Đan Phượng, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Phú Xuyên; và một phần của 5 quận, huyện của phân vùng một: Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín.

Vùng ba áp dụng Chỉ thị 15 và một số biện pháp ở mức cao hơn theo từng phân khu trong vùng về sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và sản xuất nông nghiệp hỗ trợ “vùng một”.

Các biện pháp phòng dịch áp dụng cho vùng xanh, vùng đỏ và vùng cam

Tại vùng đỏ:

Các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 cần thực hiện:

– Thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo Quyết định 3986/QĐ-BYT ngày 16-9-2020 của Bộ Y tế về việc ban hành “Sổ tay hướng dẫn tổ chức thực hiện cách ly y tế vùng có dịch COVID-19”; tuân thủ tuyệt đối quy định 5K: luôn đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, không tập trung, giữ khoảng cách trên 2 mét, khai báo y tế.  

– Người dân tuyệt đối cách ly ở trong nhà (trừ trường hợp chăm sóc sức khỏe khẩn cấp, thiên tai, hỏa hoạn và các trường hợp đặc biệt khác); tuân thủ nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; hạn chế tiếp xúc, tập trung trong gia đình.

– Kiểm soát chặt chẽ 24/24h không cho người, hàng hóa, phương tiện ra, vào vùng đỏ; trừ những người làm nhiệm vụ và phương tiện vận chuyển lương thực, hàng hóa thiết yếu; nguyên tắc không được vận chuyển hàng hóa, vật dùng ra khỏi vùng đỏ. 

– Yêu cầu người được phép ra, vào vùng đỏ phải mang đồ bảo hộ phòng chống dịch đầy đủ (có kính chắn giọt bắn); đảm bảo khoảng cách tối thiểu trên 2m khi tiếp xúc giao nhận hàng hóa; sát khuẩn tay trước và sau khi ra vào vùng đỏ (bố trí dung dịch sát khuẩn tay tại chốt kiểm soát); và khai báo y tế đầy đủ hằng ngày. 

– Chính quyền tăng cường hoạt động của các Tổ COVID-19 cộng đồng để theo dõi sức khỏe hằng ngày của người dân, phát hiện các trường hợp vi phạm các biện pháp phòng, chống dịch trong vùng đỏ.

Tại vùng cam:

– Người dân tuân thủ tuyệt đối quy định 5K của Bộ Y tế: luôn đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, không tập trung, giữ khoảng cách trên 2 mét, khai báo y tế. 

– Các trường hợp được phép hoạt động, làm việc theo quyết định của cơ quan chính quyền địa phương phải tuân thủ quy định phòng chống dịch.

– Tất cả mọi người khi tiếp xúc phải giữ khoảng cách trên 2 mét, luôn đeo khẩu trang, khuyến cáo mang kính chắn giọt bắn.

– Chính quyền tăng cường hoạt động của các Tổ COVID-19 cộng đồng để theo dõi sức khỏe hằng ngày của người dân, phát hiện các trường hợp vi phạm các biện pháp phòng, chống dịch trong vùng đỏ; tập trung lực lượng, thành lập các tổ, nhóm có sự tham gia của công an tăng cường tuần tra đảm bảo thực hiện nghiêm nguyên tắc “ai ở đâu ở yên đó”.

– Thực hiện xét nghiệm theo quy định của UBND thành phố.

Tại vùng xanh:

Người dân tuân thủ tuyệt đối quy định 5K của Bộ Y tế: luôn đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, không tập trung, giữ khoảng cách trên 2 mét, khai báo y tế

– Thiết lập các lối ra, vào với số lượng hạn chế để đảm bảo kiểm soát chặt chẽ việc ra/vào chốt; bảo vệ vùng xanh.

– Yêu cầu tất cả mọi người và người được phép ra, vào vùng xanh phải luôn đeo khẩu trang; khuyến cáo mang kính chắn giọt bắn khi ra khỏi nhà, sát khuẩn tay (bố trí dung dịch sát khuẩn tay tại chốt kiểm soát), khi tiếp xúc phải giữ khoảng cách trên 2 mét và thực hiện khai báo y tế đầy đủ khi ra ngoài vùng xanh.

– Thành lập tổ phản ứng nhanh chia thành nhiều Tổ gồm 2-3 thành viên thường xuyên kiểm tra; giám sát địa bàn; đảm bảo người dân tuân thủ tuyệt đối các biện pháp phòng, chống dịch và các quy định.

– Ban hành niêm yết các nội quy quy định các điều kiện an toàn phòng chống dịch; qui định đối tượng ra vào khu vực; quyền và trách nhiệm của lực lượng làm nhiệm vụ và người dân.

Mời bạn xem thêm bài viết:

Đi giao thuốc có vi phạm quy định giãn cách theo Chỉ thị 16 không?
Chở người thân đi khám bệnh có vi phạm chỉ thị 16 không?
Đi xem đất khi đang chống dịch có vi phạm Chỉ thị 16 không?

Trên đây là tư vấn của chúng tôi về “Vùng đỏ vùng xanh và những quy định phòng chống dịch Covid 19“ . Nếu có thắc mắc gì về vấn đề này xin vui lòng liên hệ: 0833102102

Câu hỏi thường gặp

Có được di chuyển vào vùng đỏ?

Nguyên tắc là không được phép ra, vào vùng đỏ. Trường hợp phải vào vùng đỏ để lưu trú vì lý do đặc biệt (như công nhân đổi ca trở về, chăm sóc người bệnh, người già, phụ nữ có thai, trẻ em…) phải được sự đồng ý của chính quyền địa phương và không được rời khỏi vùng đỏ cho đến khi kết thúc vùng cách ly y tế và theo dõi sức khỏe ít nhất 14 ngày (thông báo với chính quyền, y tế địa phương khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh hoặc đủ 14 ngày khi về vùng đỏ); cam kết thực hiện biện pháp phòng, chống dịch và xét nghiệm như người dân tại vùng đỏ. 

Hành vi bị cấm trong phòng chống dịch?

Theo điều 8 luật phòng chống bệnh truyền nhiễm 2007, các hành vi bị nghiêm cấm là:
Cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm.
Người mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm; và người mang mầm bệnh truyền nhiễm làm các công việc dễ lây truyền tác nhân gây bệnh truyền nhiễm.
Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm.

Nhu yếu phẩm thiết yếu theo chỉ thị 16 là gì?

Theo Luật giá năm 2013, các mặt hàng thiết yếu là những hàng hóa, dịch vụ không thể thiếu cho sản xuất, đời sống, quốc phòng, an ninh, bao gồm: nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, dịch vụ chính phục vụ sản xuất, lưu thông; sản phẩm đáp ứng nhu cầu cơ bản của con người và quốc phòng, an ninh.

5/5 - (1 bình chọn)
Chuyên mục:
Luật khác

Để lại một bình luận