Tự chia sẻ ảnh nóng cá nhân có vi phạm pháp luật hay không?

09/09/2021
Tự chia sẻ ảnh nóng cá nhân có vi phạm pháp luật hay không?
1225
Views

Những ngày gần đây, trên các nền tảng mạng xã hội đang lan truyền những clip, video của các bạn trẻ với nội dung nhạy cảm. Rất nhiều nhóm zalo, facebook này cũng được thành lập để phục vụ mục đích trên. Xung quanh chủ đề này chúng tôi nhận được rất nhiều các câu hỏi có liên quan. Cụ thể có câu hỏi về hành vi tự chia sẻ ảnh nóng cá nhân như sau:

“Chào Luật sư, tôi hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Tôi thấy hiện nay vụ việc liên quan đến hành vi chia sẻ ảnh nóng đang nhận được rất nhiều sự quan tâm. Tôi muốn hỏi rằng ảnh nóng có phải một loại văn hóa phẩm đồi trụy không? Và nếu cá nhân có hành vi tự chia sẻ ảnh nóng cá nhân thì có vi phạm pháp luật hay không cũng như sẽ bị xử lý thế nào? Mong được Luật Sư 247 giải đáp, tôi cảm ơn.”

Căn cứ pháp lý

Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017

Nghị định 15/2020/NĐ-CP

Nghị định 178/2004/NĐ-CP

Văn hóa phẩm đồi trụy là gì?

Theo quy định tại điều 3 Nghị định 178/2004/NĐ-CP, “Đồi trụy” là sự thể hiện bằng hành động; bằng hình ảnh, bằng âm thanh lối sống ăn chơi; tiêu khiển thấp hèn, xấu xa, hư hỏng đến mức tồi tệ về đạo đức; trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc.

Như vậy, có thể hiểu văn hóa phẩm đồi trụy là sách, báo, phim, tranh, ảnh, nhạc; hoặc những vật phẩm khác có nội dung không lành mạnh; mang tính chất đồi trụy như bạo lực, khiêu dâm…

Trong đó, khiêu dâm là hành vi dùng cử chỉ, hành động, hình ảnh; âm thanh gây kích thích ham muốn tình dục.

Như vậy, theo các quy định trên hình ảnh nóng được coi là một văn hóa phẩm đồi trụy.

Ngoài ra theo điều Điều 326 về tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy quy định như sau:

Người nào làm ra, sao chép, lưu hành, vận chuyển, mua bán, tàng trữ nhằm phổ biến sách, báo, tranh, ảnh, phim, nhạc; hoặc những vật phẩm khác có nội dung khiêu dâm, đồi trụy; hoặc hành vi khác truyền bá vật phẩm đồi trụy thuộc một trong các trường hợp được điều này quy định thì sẽ bị xử lý hình sự.

Cấu thành tội phạm tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy

Truyền bá văn hoá phẩm đồi trụy là phổ biến cho người khác biết các vật phẩm có tính chất ăn chơi đàng điếm, dâm ô; hoặc khêu gợi những ý định thúc đẩy con người thỏa mãn lối sống ăn chơi đàng điếm; dâm ô bằng các thủ đoạn như: làm ra, sao chép, lưu hành, vận chuyển, sử dụng, mua bán, tàng trữ nhằm phổ biến; hoặc có hành vi khác truyền bá những vật phẩm văn hoá có tính chất đồi trụy.

Để xác định hành vi của một người có cấu thành tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy hay không cần phải xét 4 dấu hiệu cấu thành của tội này bao gồm chủ thể, khách thể, mặt khách quan, mặt chủ quan.

Chủ thể tội lan truyền văn hoá phẩm đồi truỵ

Chủ thể của tội truyền bá văn hóa phẩm đổi trụy là chủ thể thường. Theo đó người từ đủ 16 tuổi trở lên và có năng lực chịu trách nhiệm hình sự nghĩa là không mắc bệnh tâm thần; một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức; hoặc khả năng điều khiển hành vi của bản thân theo quy định của Điều 21 Bộ luật hình sự 2015 sẽ là chủ thể của tội này.

Khách thể tội lan truyền văn hoá phẩm đồi truỵ

Khách thể là những quan hệ xã hội được pháp luật hình sự bảo vệ. Tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy được quy định tại chương các tội xâm phạm an toàn công cộng; trật tự công cộng mục các tội xâm phạm trật tự công cộng nên khách thể của tội này sẽ là trật tự công cộng. Theo đó nếu một người có hành vi truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy như sao chép phim khiêu dâm thì đã xâm phạm đến an toàn; trật tự công cộng vì vậy phải chịu trách nhiệm hình sự.

Mặt khách quan tội lan truyền văn hoá phẩm đồi truỵ

Mặt khách quan là những biểu hiện ra bên bên ngoài của tội phạm bao gồm hành vi khách quan; hậu quả nguy hiểm cho xã hội; mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả, công cụ, phương tiện phạm tội…. Hành vi khách quan được quy định cụ thể trong điều luật của Bộ luật hình sự và nếu bất kỳ người nào thực hiện hành vi đó dẫn đến hậu quả bằng phương tiện nào đó thì có thể xem là tội phạm.

Hành vi

Có thể thấy hành vi khách quan trong tội truyền bá văn hóa phẩm đổi trụy bao gồm những hành vi đơn lẻ; hoặc kết hợp những hành vi sau:

Làm ra là hành vi trực tiếp; hoặc gián tiếp tạo ra các loại văn hóa phẩm đồi trụy như dựng; hoặc đóng phim, vẽ tranh ảnh, sáng tác truyện…;

Sao chép là hành vi chụp lại, chép lại, vẽ lại, ghi âm, ghi hình lại… nội dung trong văn hóa phẩm đồi trụy;

Lưu hành là hành vi công bố, phổ biến, cho thuê, cho mượn, lan truyền văn hóa phẩm đồi trụy;

Vận chuyển là hành vi đem các văn hóa phẩm đồi trụy đến những nơi khác nhau ví dụ như vận chuyển từ người bán đến người mua; hoặc từ người làm ra đến người phân phối;

Mua bán văn hóa phẩm đổi trụy;

Tàng trữ văn hóa phẩm đồi trụy là hành vi lưu trữ trong nhà; hoặc trong kho để sử dụng hoặc chờ phân phối ra bên ngoài;

Hậu quả

Hậu quả hành vi này gây ra là làm rối loạn trật tự công cộng, gây lệch lạc đạo đức trong một bộ phận người tiếp cận, xâm phạm đến thuần phong mỹ tục của nền văn hóa Việt Nam.

Mặt chủ quan tội lan truyền văn hoá phẩm đồi truỵ

Mặt chủ quan là biểu hiện về mặt tâm lý bên trong người phạm tội bao gồm lỗi; động cơ và mục đích phạm tội. Người phạm tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy sẽ có lỗi cố ý và mục đích là phổ biến các sách; báo, tranh, ảnh, phim, nhạc; hoặc những vật phẩm khác có nội dung khiêu dâm; đồi trụy trong cộng đồng và có thể kèm với mục đích tìm kiếm lợi nhuận.

Như vậy một người được xem là phạm tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy phải có đầy đủ bốn dấu hiệu được liệt kê như trên. Nếu thiếu một trong bốn dấu hiệu trên thì không bị xem là tội phạm và không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Hành vi tự chia sẻ ảnh nóng cá nhân bị xử lý thế nào?

Hành vi tự chia sẻ ảnh nóng cá nhân có thể được coi là hành vi lan truyền văn hóa phẩm đồi trụy và sẽ bị xử lý như sau:

Xử phạt hành chính lan truyền văn hoá phẩm đồi truỵ

Lan truyền văn hoá phẩm đồi truỵ bị xử phạt hành chính theo các khung phạt quy định tại điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP như sau:

Khung phạt 1 hành vi lan truyền văn hoá phẩm đồi truỵ

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau:

a) Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống; xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;

b) Cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy; không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc;

c) Cung cấp, chia sẻ thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn;

d) Cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong Nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc;

đ) Cung cấp, chia sẻ các tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật; xuất bản phẩm mà không được sự đồng ý của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ; hoặc chưa được phép lưu hành hoặc đã có quyết định cấm lưu hành hoặc tịch thu;

e) Quảng cáo, tuyên truyền, chia sẻ thông tin về hàng hóa, dịch vụ bị cấm;

g) Cung cấp, chia sẻ hình ảnh bản đồ Việt Nam nhưng không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia;

h) Cung cấp, chia sẻ đường dẫn đến thông tin trên mạng có nội dung bị cấm.

Khung phạt 2 hành vi lan truyền văn hoá phẩm đồi truỵ

Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước; bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Biện pháp khắc phục hậu quả hành vi lan truyền văn hoá phẩm đồi trụy

Buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn; hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này.

Truy cứu trách nhiệm hình sự tội lan truyền văn hoá phẩm đồi truỵ

Điều 326 về tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy quy định các khung hình phạt sau:

Khung phạt 1 tội lan truyền văn hoá phẩm đồi trụy

Người nào làm ra, sao chép, lưu hành, vận chuyển; mua bán, tàng trữ nhằm phổ biến sách, báo, tranh, ảnh, phim, nhạc; hoặc những vật phẩm khác có nội dung khiêu dâm, đồi trụy; hoặc hành vi khác truyền bá vật phẩm đồi trụy thuộc một trong các trường hợp sau đây; thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng; phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Dữ liệu được số hóa có dung lượng từ 01 gigabyte (GB) đến dưới 05 gigabyte (GB);

b) Ảnh có số lượng từ 100 ảnh đến dưới 200 ảnh;

c) Sách in, báo in hoặc vật phẩm khác có số lượng từ 50 đơn vị đến dưới 100 đơn vị;

d) Phổ biến cho từ 10 người đến 20 người;

đ) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này; chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Khung phạt 2 tội lan truyền văn hoá phẩm đồi trụy

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Dữ liệu được số hóa có dung lượng từ 05 gigabyte (GB) đến dưới 10 gigabyte (GB);

c) Ảnh có số lượng từ 200 ảnh đến dưới 500 ảnh;

d) Sách in; báo in hoặc vật phẩm khác có số lượng từ 100 đơn vị đến dưới 200 đơn vị;

đ) Phổ biến cho từ 21 người đến 100 người;

e) Phổ biến cho người dưới 18 tuổi;

g) Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử để phạm tội;

h) Tái phạm nguy hiểm.

Khung phạt 3 tội lan truyền văn hóa phẩm đồi trụy

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Dữ liệu được số hóa có dung lượng 10 gigabyte (GB) trở lên;

b) Ảnh có số lượng 500 ảnh trở lên;

c) Sách in, báo in hoặc vật phẩm khác có số lượng 200 đơn vị trở lên;

d) Phổ biến cho 101 người trở lên.

Hình phạt bổ sung tội lan truyền văn hoá phẩm đồi truỵ

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng; cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Mời bạn xem thêm bài viết:

Quấy rối tình dục nơi làm việc bị xử lý như thế nào?
Bị bôi nhọ danh dự, khởi kiện đòi bồi thường như thế nào?
Hành vi hiếp dâm người dưới 16 tuổi bị xử lý như thế nào theo quy định

Trên đây là tư vấn của chúng tôi về “Tự chia sẻ ảnh nóng cá nhân có vi phạm pháp luật hay không?“. Nếu có thắc mắc gì về vấn đề này xin vui lòng liên hệ: 0833102102

Câu hỏi thường gặp

Hành vi lưu trữ một số tranh ảnh đồi trụy trong nhà có bị xử lý hình sự không?

Nếu việc lưu trữ không nhằm mục đích phổ biến ra bên ngoài mà mà vì mục đích cá nhân thì trong trường hợp này sẽ không bị xử lý hình sự. Vì hành vi này không phù hợp với yếu tố chủ quan trong cấu thành tội phạm.

15 tuổi có hành vi bán tạp chí đồi trụy cho các bạn trong trường có bị xử lý hình sự không?

Không vì, dưới 16 tuổi nên sẽ không phải là chủ thể cũng như không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này hay nói cách khác là không phạm tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy theo Điều 326 Bộ luật hình sự 2015.

Những hành vi cụ thể nào được coi là quấy rối?

Theo Bộ Quy tắc ứng về hành vi Quấy rối tình dục nơi làm việc do Bộ LĐ-TB&XH, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam ban hành, Quấy rối tình dục tại nơi làm việc có thể là những hành vi liên quan đến thể xác (tiếp xúc, vuốt ve, sờ mó, sàm sỡ, ôm ấp…), lời nói (gợi ý về tình dục, mời đi chơi mang tính cá nhân liên tục…) hoặc cử chỉ, ngôn ngữ cơ thể (nhìn gợi tình, nháy mắt liên tục, phô bày hình ảnh, màn hình máy tính…, liên quan tới tình dục).  

5/5 - (1 bình chọn)
Chuyên mục:
Hình sự

Để lại một bình luận