Thủ tục công chứng bản dịch tiến hành như thế nào?

28/10/2021
Thủ tục công chứng bản dịch
553
Views

Năm 2021, dưới ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều hoạt động bị đình trệ, chậm trễ. Người dân gặp nhiều khó khăn trong việc đi lại, cũng như thực hiện các thủ tục hành chính, hộ tịch như xác nhận tình trạng hôn nhân, trích lục khai sinh… Sắp tới đây, khi Việt Nam mở cửa trở lại, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ tiến tới hoạt động trở lại tại Việt Nam. Tuy nhiên, phần lớn các thủ tục hành chính ở Việt Nam đều yêu cầu văn bản tiếng Việt, nên cần phải có quá trình dịch thuật và công chứng bản dịch. Vậy thủ tục công chứng bản dịch như thế nào? Luật sư X nhận được câu hỏi như sau:

Xin chào luật sư, hiện tại tôi đang có thắc mắc sau. Tôi có dự định hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài để mở công ty tại Việt Nam. Tuy nhiên, các tài liệu mà họ cung cấp chủ yếu là tiếng Anh, và khi làm các thủ tục liên quan thì cơ quan nhà nước yêu cầu tôi phải có bản dịch đã công chứng. Vậy tôi phải thực hiện thủ tục này như thế nào? Mong Luật sư giải đáp. Tôi xin cảm ơn!

Công chứng bản dịch là gì?

Tại Luật Công chứng năm 2014 quy định như sau: “Công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản (sau đây gọi là hợp đồng, giao dịch), tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt (sau đây gọi là bản dịch) mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng.”

Vậy bản dịch là gì? Chắc hẳn mọi người đều đã quá quen thuộc với khái niệm dịch thuật. Về cơ bản, bản dịch là sản phẩm của việc chuyển đổi ngôn ngữ từ ngôn ngữ nguồn đến ngôn ngữ đích cần dịch thuật. Quá trình chuyển đổi ngôn ngữ này được gọi là biên dịch (hay còn gọi là dịch giấy).

Như vậy, hoạt động công chứng bản dịch là hoạt động do cá nhân là công chứng viên thực hiện, các công chứng viên chứng nhận tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ Tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt.

Địa điểm công chứng bản dịch

Như ở khái niệm công chứng nêu trên, công chứng là việc công chứng viên thực hiện việc chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự bằng văn bản. Trên thực tế, thông thường việc công chứng được thực hiện tại tổ chức hành nghề công chứng. Theo quy định, những địa điểm sau đây được coi là tổ chức hành nghề công chứng:

  • Phòng công chứng là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Tư pháp, do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập.
  • Văn phòng công chứng: đây là tổ chức hành nghề công chứng do các cá nhân đủ điều kiện thành lập, hay là tổ chức hành nghề công chứng ngoài công lập, văn phòng công chứng thành lập dưới dạng công ty hợp danh, và có từ hai thành viên hợp danh trở lên thành lập, không có thành viên góp vốn.

Ngoài ra, cũng có những trường hợp thực hiện việc công chứng ngoài trụ sở công chứng. Tuy nhiên, điều kiện và các trường hợp thông thường khá ngặt nghèo; chủ yếu đáp ứng cho điều kiện người yêu cầu công chứng gặp khó khăn trong vấn đề đi lại.

Có thể bạn quan tâm: Công chứng nhầm sổ đỏ giả, công chứng viên chịu trách nhiệm gì?

Thủ tục công chứng bản dịch

Người thực hiện công chứng bản dịch

Tại Điều 61 Luật Công chứng năm 2014 quy định như sau:

Điều 61. Công chứng bản dịch

1. Việc dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt để công chứng phải do người phiên dịch là cộng tác viên của tổ chức hành nghề công chứng thực hiện. Cộng tác viên phải là người tốt nghiệp đại học ngoại ngữ hoặc đại học khác mà thông thạo thứ tiếng nước ngoài đó. Cộng tác viên phải chịu trách nhiệm đối với tổ chức hành nghề công chứng về tính chính xác, phù hợp của nội dung bản dịch do mình thực hiện.

2. Công chứng viên tiếp nhận bản chính giấy tờ, văn bản cần dịch, kiểm tra và giao cho người phiên dịch là cộng tác viên của tổ chức mình thực hiện. Người phiên dịch phải ký vào từng trang của bản dịch trước khi công chứng viên ghi lời chứng và ký vào từng trang của bản dịch.

Từng trang của bản dịch phải được đóng dấu chữ “Bản dịch” vào chỗ trống phía trên bên phải; bản dịch phải được đính kèm với bản sao của bản chính và được đóng dấu giáp lai.

3. Lời chứng của công chứng viên đối với bản dịch phải ghi rõ thời điểm, địa điểm công chứng, họ tên công chứng viên, tên tổ chức hành nghề công chứng; họ tên người phiên dịch; chứng nhận chữ ký trong bản dịch đúng là chữ ký của người phiên dịch; chứng nhận nội dung bản dịch là chính xác, không vi phạm pháp luật, không trái đạo đức xã hội; có chữ ký của công chứng viên và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng.

Như vậy, hoạt động công chứng bản dịch do cộng tác viên là người phiên dịch và công chứng viên thực hiện. Trong đó, cộng tác viên sẽ thực hiện dịch các văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc ngược lại từ tiếng nước ngoài ra tiếng Việt. Và công chứng viên sẽ thực hiện hoạt động kiểm tra, và ghi lời chứng của công chứng viên, thực hiện các hoạt động nghiệp vụ để công chứng bản dịch.

Trình tự, thủ tục công chứng bản dịch

Bước 1: Tiếp nhận yêu cầu

Khi một cá nhân có nhu cầu dịch thuật, thì công chứng viên của phòng công chứng hoặc công chứng viên của văn phòng công chứng sẽ tiến hành tiếp nhận bản chính giấy tờ, văn bản cần dịch sang tiếng Việt hoặc dịch từ tiếng Việt sang.

Bước 2: Kiểm tra hồ sơ

Tiếp đó công chứng viên thực hiện hoạt động kiểm tra tính đúng đắn, tính hợp pháp và thẩm quyền xem văn bản cần dịch có được dịch không.

Bước 3: Tiến hành công chứng

Sau khi kiểm tra tính hợp lệ của văn bản, giấy tờ được yêu cầu dịch thì công chứng viên sẽ giao văn bản, giấy tờ được yêu cầu dịch cho người phiên dịch là cộng tác viên của tổ chức mình thực hiện. Khi nhận được giấy tờ, văn bản được yêu cầu dịch thì cộng tác viên là người phiên dịch sẽ tiến hành dịch văn bản, giấy tờ từ tiếng Việt sang ngôn ngữ yêu cầu hoặc người lại. Trước khi đưa bản dịch cho công chứng viên ghi lời chứng thì phiên dịch viên phải ký tên vào từng trang của bản dịch.

Bước 4: Nhận kết quả

Công chứng viên sau khi nhận được bản dịch sẽ tiến hành kiểm tra, ghi lời chứng của công chứng viên. Lời chứng của công chứng viên là một bộ phận của văn bản công chứng. Sau khi ghi lời chứng, công chứng viên trả lại kết quả cho người yêu cầu.

Mời bạn đọc xem thêm: Có hủy được hợp đồng chuyển nhượng đất đã công chứng không?

Câu hỏi thường gặp

Tiêu chuẩn của cộng tác viên công chứng bản dịch?

Các cộng tác viên là người phiên dịch là người tốt nghiệp đại học ngoại ngữ hoặc đại học khác mà thông thạo thứ tiếng nước ngoài để dịch sang tiếng Việt hoặc dịch từ tiếng Việt sang.

Ai là người chịu trách nhiệm tính chính xác của bản dịch khi công chứng bản dịch?

Khi thực hiện hoạt động dịch thuật, thì cộng tác viên chịu trách nhiệm đối với tổ chức hành nghề công chứng về tính chính xác cũng như sự phù hợp của nội dung bản dịch. Đây là hoạt động bắt buộc vì nếu cá nhân dịch sai sẽ không đảm bảo được tính đúng đắn, tính đúng đắn của bản dịch.

Trường hợp nào không tiến hành công chứng bản dịch?

Trong trường hợp công chứng viên phát hiện hoặc phải có nghĩa vụ viết văn bản cần dịch được cấp sai thẩm quyền, không hợp lệ hoặc là bản giả; văn bản được yêu cầu dịch đã bị tẩy xóa, sửa chữa hoặc bị thêm hoặc bớt nội dung, bị hư hỏng, cũ nát khiến công chứng viên không thể đọc, xác định được nội dùng trong văn bản được yêu cầu dịch và trong trường hợp văn bản được yêu cầu dịch thuật thuộc bí mật nhà nước; giấy tờ, văn bản bị cấm phổ biến thì công chứng viên không được nhận và công chứng bản dịch.

Thông tin liên hệ Luật Sư

Trên đây là tư vấn của Luật sư 247 về Thủ tục công chứng bản dịch. Chúng tôi hi vọng bạn có thể vận dụng trong công việc và cuộc sống.

Để biết thêm thông tin chi tiết; và nhận thêm sự tư vấn, giúp đỡ của luật sư 247 hãy liên hệ 0833.102.102

5/5 - (1 bình chọn)
Chuyên mục:
Luật hành chính

Trả lời