Đầu thú sau khi giết người bị xử lý như thế nào theo quy định pháp luật?

20/08/2021
Đầu thú sau khi giết người bị xử lý như thế nào theo quy định pháp luật?
1070
Views

Con người có quyền được tôn trọng và bảo vệ tính mạng, con người sống trong xã hội có quyền tự nhiên là quyền sống và đòi hỏi các chủ thể khác phải tôn trọng. Vì vậy, người xâm phạm tới quyền này sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Liên quan tới vấn đề này, chúng tôi sẽ đề cập tới vụ việc một người đàn ông đầu thú hành vi giết người sau khi gây án đang gây xôn xao trong dư luận gần đây.

Tóm tắt vụ việc

Vào khuya 18/8, ông Trường và vợ xảy ra mâu thuẫn trong lúc che đậy cho chuồng vật nuôi khỏi ướt mưa. Nghi phạm thừa nhận, trong cơn nóng giận đã vào bếp lấy dao nhọn chém nhiều nhát khiến bà Nguyễn tử vong tại chỗ.

Người chồng sau khi gây án đã dùng chăn trùm kín thi thể nạn nhân rồi đến cơ quan công an đầu thú.

Chính quyền địa phương cho hay, vợ chồng ông Trường có kinh tế khá giả, sống hoà thuận, hàng xóm hiếm khi nghe tiếng cãi vã. Họ có hai người con, đều sinh sống ở xa.

Vậy hành vi giết người này sẽ bị xử lý ra sao? Hãy cùng Luật Sư 247 tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Căn cứ pháp lý

Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017

Hành vi giết người bị khép vào tội nào?

Giết người là hành vi cố ý tước đoạt tính mạng của người khác một cách trái pháp luật. Đây là hành vi vi phạm pháp luật đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm đến tính mạng của con người. Hành vi này sẽ bị khép vào tội giết người được quy định tại điều 123, Bộ luật hình sư, sửa đổi bổ sung 2017.

Cấu thành tội phạm của tội giết người

Cấu thành tội phạm của tội giết người được quy định cụ thể như sau:

1. Về mặt khách quan của tội phạm giết người

– Về hành vi: 

Người phạm tội dùng mọi thủ đoạn nhằm tước đoạt mạng sống của người khác. Hành vi này có thể được thể hiện dưới hai dạng hành vi khác nhau là hành vi hành động; và hành vi không hành động, cụ thể như sau:

+ Đối với hành vi hành động:

Người phạm tội cố tình thực hiện các hành vi trái pháp luật nhằm tước đoạt mạng sống người khác.

+ Đối với hành vi không hành động:

Người phạm tội không thực hiện nghĩa vụ phải làm để cứu giúp người khác nhằm tước đoạt mạng sống người khác.

– Về mặt hậu quả: 

Tước đoạt hoặc đe dọa tước đoạt mạng sống của người khác (Mục đích của người phạm tội là tước đoạt mạng sống của người khác, nhưng việc người đó không chết là nằm ngoài mục đích của người phạm tội).

2. Về mặt chủ quan của tội phạm giết người

– Về lỗi: Người thực hiện hành vi do lỗi cố ý, bao gồm lỗi cố ý trực tiếp và lỗi cố ý gián tiếp.

Theo đó, theo quy định tại Bộ luật hình sự 2015 thì cố ý phạm tội trực tiếp là hành vi của người phạm tội; mà khi đó người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình có thể tước đoạt mạng sống; thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả đó xảy ra.

Còn cố ý phạm tội gián tiếp là hành vi của người phạm tội; mà người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình có thể tước đoạt mạng sống người khác; thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra; tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả đó xảy ra.

– Mục đích: Nhằm tước đoạt mạng sống của người khác.

3. Mặt khách thể của tội phạm giết người

Tội phạm xâm phạm đến mối quan hệ liên quan đến tính mạng của con người được pháp luật hình sự bảo vệ; quyền được sống của con người được pháp luật bảo vệ.

4. Về mặt chủ thể của tội phạm giết người

Người có năng lực chịu trách nhiệm hình sự đầy đủ.

Hành vi giết người bị xử lý ra sao?

Với tội giết người, các mức án được quy định cụ thể tại điều 123, Bộ luật hình sự như sau:

Khung 1

Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 đến 20 năm; tù chung thân hoặc tử hình:

a) Giết 02 người trở lên;

b) Giết người dưới 16 tuổi;

c) Giết phụ nữ mà biết là có thai;

d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;

đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;

h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;

i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;

k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;

l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;

m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;

n) Có tính chất côn đồ;

o) Có tổ chức;

p) Tái phạm nguy hiểm;

q) Vì động cơ đê hèn.

Khung 2

Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, bị phạt tù từ 07 – 15 năm.

Chuẩn bị phạm tội

Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Hình phạt bổ sung

Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề; hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm; phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.

Đầu thú sau khi giết người có được giảm nhẹ tội danh?

Ngoài ra, trong tình tiết vụ việc, sau khi gây án, đối tượng đã ra đầu thú và khai báo với cơ quan chức năng. Vậy với tình tiết này, đối tượng có được giảm nhẹ tội danh của mình không?

Đầu thú là gì?

Đầu thú là có người đã biết mình phạm tội, bản thân người phạm tội biết không thể trốn tránh được nên đến cơ quan có thẩm quyền trình diện để cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

Áp dụng tình tiết giảm nhẹ trong trong trường hợp đầu thú

Điều 51, Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định như sau:

Tại khoản 1, bộ luật liệt kê các trường hợp cụ thể được coi là tình tiết giảm nhẹ, trong đó chỉ có quy định về trường hợp tự thú mà không có trường hợp đầu thú.

Trường hợp đầu thú chỉ được nhắc tới ở khoản 2 như sau:

Khi quyết định hình phạt, Tòa án có thể coi đầu thú hoặc tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án.

Như vậy, đầu thú về nguyên tắc không được coi là tình tiết giảm nhẹ bắt buộc phải áp dụng mà chỉ có thể được xem xét cân nhắc tới để giảm nhẹ mức án khi Tòa xét xử.

Mời bạn xem thêm bài viết:

Hành vi đâm chết người trong lúc cãi vã bị xử lý như thế nào?
Hành vi vô ý gây cháy nổ làm thiệt mạng 4 người bị xử lý ra sao?
Đăng ký khai tử cho người đã chết từ lâu thực hiện như thế nào?

Trên đây là tư vấn của chúng tôi về “Đầu thú sau khi giết người bị xử lý như thế nào theo quy định pháp luật?” . Nếu có thắc mắc gì về vấn đề này xin vui lòng liên hệ: 0833102102

Câu hỏi thường gặp

Trường hợp giết người do phòng vệ chính đáng có phạm tội giết người không?

Hành vi tước đoạt tính mạng người khác nhưng thuộc trường hợp phòng vệ chính đáng hoặc thi hành bản án tử hình thì không phạm tội giết người.

Phân biệt tự thú và đầu thú?

Tự thú là mình tự nhận tội và khai ra hành vi phạm tội của mình, trong khi chưa ai phát hiện được mình phạm tội.
Đầu thú là có người đã biết mình phạm tội, bản thân người phạm tội biết không thể trốn tránh được nên đến cơ quan có thẩm quyền trình diện để cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

5/5 - (1 bình chọn)
Chuyên mục:
Hình sự

Trả lời