Sự khác biệt giữa đại lý thuế và công ty dịch vụ kế toán

27/01/2022
Sự khác biệt giữa đại lý thuế và công ty dịch vụ kế toán
737
Views

Thực tế cho thấy hiện có rất nhiều người không phân biệt được đại lý thuế và dịch vụ kế toán. Cho nên họ không biết chọn dịch vụ nào là phù hợp và tốt nhất cho doanh nghiệp của mình. Hiểu được sự bất cập này, hôm nay Luật sư X xin giới thiệu “Sự khác biệt giữa đại lý thuế và công ty dịch vụ kế toán“. Mong rằng có thể giúp các doanh nghiệp hiểu rõ hơn về hai loại hình này và đưa ra lựa chọn đúng đắn. Mời bạn đọc tham khảo.

Căn cứ pháp lý

Tìm hiểu chung về đại lý thuế và công ty dịch vụ kế toán

Đại lý thuế

Đại lý thuế là tổ chức hoạt động kinh doanh dịch vụ về làm các thủ tục thuế. Là doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ có điều kiện. Đại lý thuế được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Doanh nghiệp. Thực hiện các thủ tục liên quan đến thuế theo thỏa thuận với cá nhân, tổ chức có nghĩa vụ nộp thuế.

Đại lý thuế có quyền gì?

Trong thực hiện hợp đồng dịch vụ làm các thủ tục thuế, đại lý thuế có quyền:

– Thực hiện các thủ tục về thuế theo thỏa thuận với khách hàng.

– Yêu cầu khách hàng cung cấp đầy đủ thông tin, chứng từ, tài liệu liên quan một cách chính xác.

– Thực hiện các quyền của chủ thể nộp thuế theo quy định của pháp luật thuế.

– Được các cơ quan nhà nước hỗ trợ:

+ Giới thiệu, cung cấp, hướng dẫn cái đặt, hướng dẫn sử dụng các phần mềm kê khai thuế trực tuyến.

+ Nằm trong danh sách các đối tượng được mời tham dự các lớp đào tạo, tập huấn, phổ biến quy định về thuế, chính sách thuế cũng như nghiệp vụ thuế.

Trách nhiệm của đại lý thuế?

Khi thực hiện hoạt động kinh doanh cung cấp dịch vụ làm các thủ tục về thuế, đại lý thuế có trách nhiệm:

– Ký hợp đồng với cá nhân, tổ chức nộp thuế và thực hiện theo các điều khoản đã thỏa thuận.

– Thực hiện khai, ký tên, đóng dấu của tổ chức lên tờ khai, hồ sơ, chứng từ thuế, quyết toán thuế, hồ sơ miễn giảm thuế theo quy định.

– Cung cấp tài liệu, chứng từ về việc kê khai, nộp, quyết toán thuế… của cá nhân, tổ chức nộp thuế cho cơ quan nhà nước.

– Không được thông đồng thực hiện các hành vi trốn thuế, gian lận thuế. Nếu có phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

– Giữ bí mật thông tin cho khách hàng sử dụng dịch vụ của đại lý thuế. Nếu có hành vi không thực hiện trách nhiệm này mà gây ra hậu quả thì đại lý thuế phải chịu trách nhiệm bồi thường.

– Báo cáo tình trạng với cơ quan quản lý nhà nước về thuế trong một số trường hợp nhất định.

Điều kiện mở đại lý thuế

Theo Điều 22 Thông tư 10/2021/TT-BTC, Điều kiện cấp giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế gồm:

a) Là doanh nghiệp đã được thành lập theo quy định của pháp luật;

b) Có ít nhất 02 người được cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế, làm việc toàn thời gian tại doanh nghiệp;

c) Có ít nhất một nhân viên đại lý thuế có chứng chỉ kế toán viên làm việc toàn thời gian tại doanh nghiệp đối với trường hợp đăng ký cung cấp dịch vụ kế toán cho doanh nghiệp siêu nhỏ.

Công ty dịch vụ kế toán

Công ty dịch vụ kế toán là tổ chức kinh doanh cung cấp dịch vụ làm kế toán cho doanh nghiệp, chỉ được thành lập và hoạt động khi có sự đồng ý của cơ quan quản lý Nhà nước.

Theo Luật kế toán 2015 thì:

Kinh doanh dịch vụ kế toán là việc cung cấp dịch vụ làm kế toán, làm kế toán trưởng, lập báo cáo tài chính, tư vấn kế toán và các công việc khác thuộc nội dung công tác kế toán theo quy định của Luật này cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu.

Loại hình kinh doanh dịch vụ kế toán

 Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán được thành lập theo các loại hình sau đây:

a) Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên;

b) Công ty hợp danh;

c) Doanh nghiệp tư nhân.

Điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán

Với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên

a) Có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc giấy tờ khác có giá trị tương đương theo quy định của pháp luật;

b) Có ít nhất hai thành viên góp vốn là kế toán viên hành nghề;

c) Người đại diện theo pháp luật, giám đốc hoặc tổng giám đốc của công ty trách nhiệm hữu hạn phải là kế toán viên hành nghề;

d) Bảo đảm tỷ lệ vốn góp của kế toán viên hành nghề trong doanh nghiệp, tỷ lệ vốn góp của các thành viên là tổ chức theo quy định của Chính phủ.

Công ty hợp danh

a) Có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc giấy tờ khác có giá trị tương đương theo quy định của pháp luật;

b) Có ít nhất hai thành viên hợp danh là kế toán viên hành nghề;

c) Người đại diện theo pháp luật, giám đốc hoặc tổng giám đốc của công ty hợp danh phải là kế toán viên hành nghề.

Doanh nghiệp tư nhân

a) Có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc giấy tờ khác có giá trị tương đương theo quy định của pháp luật;

b) Có ít nhất hai kế toán viên hành nghề;

c) Chủ doanh nghiệp tư nhân là kế toán viên hành nghề và đồng thời là giám đốc.

Chi nhánh doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán nước ngoài tại Việt Nam

a) Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán nước ngoài được phép cung cấp dịch vụ kế toán theo quy định của pháp luật của nước nơi doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán nước ngoài đặt trụ sở chính;

b) Có ít nhất hai kế toán viên hành nghề, trong đó có giám đốc hoặc tổng giám đốc chi nhánh;

c) Giám đốc hoặc tổng giám đốc chi nhánh doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán nước ngoài không được đồng thời giữ chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp khác tại Việt Nam;

d) Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán nước ngoài phải có văn bản gửi Bộ Tài chính bảo đảm chịu trách nhiệm về mọi nghĩa vụ và cam kết của chi nhánh tại Việt Nam.

Sự khác nhau giữa đại lý thuế và công ty dịch vụ kế toán

Khoản mụcĐại lý thuếCông ty dịch vụ kế toán
Dịch vụ được cấp phép – Khai thuế, nộp thuế, quyết toán thuế, lập hồ sơ đề nghị số tiền thuế được miễn, số tiền thu được giảm, số tiền thu được hoàn theo quy định của pháp luật thay cho doanh nghiệp. – Làm kế toán
– Làm kế toán trưởng
– Thiết lập cụ thể hệ thống kế toán cho đơn vị kế toán.
– Cung cấp và tư vấn áp dụng công nghệ thông tin về kế toán.
– Bồi dưỡng nghiệp vụ kế toán, cập nhật kiến thức kế toán.
– Tư vấn tài chính.
– Kê khai thuế, nộp thuế, quyết toán thuế.
Lợi ích mà khách hàng nhận được – Doanh nghiệp sẽ cắt giảm được nhiều chi phí và nhân lực cho việc tìm hiểu về kiến thức về thủ tục thuế. Đại lý thuế còn đại diện cho doanh nghiệp làm việc trực tiếp với cơ quan thuế và các cơ quan Nhà nước. Ngoài ra, còn trực tiếp tham gia trong quá trình tranh tụng về vấn đề liên quan đến thuế.– Công ty dịch vụ kế toán giúp giải quyết các vấn đề liên quan đến thuế, tài chính,… một cách nhanh gọn và chính xác. Bên cạnh đó, giúp cho chủ doanh nghiệp có thể theo dõi thường xuyên tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp mình. Bao gồm quá trình sản xuất, thị trường và kiểm soát nội bộ thông qua báo cáo.
Cơ quan cấp chứng chỉ hành nghềTổng Cục ThuếBộ Tài Chính
Chi phí dịch vụTương đối caoTương đối thấp

Nên chọn dịch vụ của đại lý thuế hay công ty dịch vụ kế toán?

Tùy vào quy mô và ngành nghề hoạt động của công ty, số lượng hóa đơn chứng từ mà doanh nghiệp có thể chọn cho mình dịch vụ phù hợp. Tuy nhiên, dịch vụ kế toán có thế giải quyết được nhiều công việc liên quan đến thuế, kế toán, tài chính khác nhau nên được nhiều doanh nghiệp ưa chuộng. Còn đại lý thuế mới xuất hiện, còn tương đối xa lạ với các doanh nghiệp. Chưa kể, dịch vụ này chỉ giúp đơn vị của bạn thực hiện các việc liên quan về thuế.

Thông tin liên hệ Luật sư X

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của chúng tôi. Nếu quý khách có nhu cầu soạn thảo hồ sơ ngừng kinh doanh; hoặc muốn sử dụng dịch vụ tạm ngừng kinh doanh của chúng tôi; mời quý khách hàng liên hệ đến hotline để được tiếp nhận.

Liên hệ hotline: 0833102102. Bạn cũng có thể tham khảo thêm các kênh sau:

  1. FaceBook: www.facebook.com/luatsux
  2. Tiktok: https://www.tiktok.com/@luatsux
  3. Youtube: https://www.youtube.com/Luatsux

Mời bạn xem thêm

Câu hỏi thường gặp

Nhiệm vụ kế toán là gì?

1. Thu thập, xử lý thông tin, số liệu kế toán theo đối tượng và nội dung công việc kế toán, theo chuẩn mực kế toánvà chế độ kế toán.
2. Kiểm tra, giám sát các khoản thu, chi tài chính, nghĩa vụ thu, nộp, thanh toán nợ; kiểm tra việc quản lý, sử dụng tài sản và nguồn hình thành tài sản; phát hiện và ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật về tài chính, kế toán.
3. Phân tích thông tin, số liệu kế toán; tham mưu, đề xuất các giải pháp phục vụ yêu cầu quản trị và quyết định kinh tế, tài chính của đơn vị kế toán.
4. Cung cấp thông tin, số liệu kế toán theo quy định của pháp luật.

Hồ sơ đăng ký cấp giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế như thế nào?

Hồ sơ đăng ký cấp giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế gồm:
a) Đơn đăng ký cấp giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế theo Mẫu 2.6 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này;
b) Chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế của các cá nhân làm việc tại doanh nghiệp (bản scan);
c) Chứng chỉ kế toán viên của cá nhân làm việc tại doanh nghiệp (nếu đăng ký làm dịch vụ kế toán cho doanh nghiệp siêu nhỏ) (bản scan);
d) Hợp đồng lao động giữa doanh nghiệp với cá nhân có chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế, chứng chỉ kế toán viên (bản scan);

5/5 - (1 bình chọn)
Chuyên mục:
Doanh nghiệp

Comments are closed.