Giao dịch dân sự vô hiệu khi trẻ em thực hiện?

18/10/2021
Giao dịch dân sự vô hiệu khi trẻ em thực hiện?
915
Views

Giao dịch dân sự vô hiệu khi trẻ em thực hiện? Người chưa thành niên là gì? Người chưa thành niên có được thực hiện giao dịch dân sự?

Chào luật sư, vào dịp sinh nhật 12 tuổi, tôi đã mua cho con trai tôi một chiếc xe đẹp có giá 5 triệu đồng để đi học. Tuy nhiên, vì mê chơi điện tử nên con tôi đã đem bán chiếc xe cho cháu H trong khu với giá 2 triệu đồng. Vợ chồng tôi có đến nhà cháu H để đòi lại xe rồi trả lại tiền; nhưng mẹ cháu H không đồng ý và nói đã bán rồi thì không đòi lại. Xin hỏi nên giải quyết tình huống này như thế nào? Cám ơn Luật sư!

Hiện nay, xã hội ngày càng phát triển; nhu cầu của mỗi người cũng ngày càng cao, trẻ em cũng không ngoại lệ. Mỗi đứa trẻ sẽ có một niềm yêu thích riêng; và dùng năng lực của mình để đạt được điều đó. Chẳng hạn như tiền mừng tuổi; quà người thân tặng cho;… đều là tài sản riêng của trẻ đặt dưới sự quản lý của cha mẹ. Vậy, trẻ có thể tự mình thực hiện các loại giao dịch như mua bán, trao đổi… hay không? Người chưa thành niên có thể tự mình thực hiện các giao dịch dân sự hay không? Luật sư 247 có những giải đáp sau:

Căn cứ pháp lý

Bộ luật Dân sự năm 2015

Luật hôn nhân và gia đình 2014

Giao dịch dân sự là gì?

Điều 116 Bộ luật Dân sự 2015 đã quy định: “Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.”

Hậu quả của việc xác lập giao dịch dân sự là làm phát sinh, thay đổi; hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của chủ thể trong quan hệ pháp luật dân sự. Trong giao dịch dân sự có ý chí và thể hiện mong muốn của chủ thể tham gia giao dịch.

Người chưa thành niên là gì?

Căn cứ Điều 21 Bộ luật Dân sự 2015, quy định về người chưa thành niên là người người chưa đủ 18 tuổi.

Như vậy, người chưa đủ 18 tuổi là người chưa thành niên. Tuy nhiên, không phải người chưa thành niên nào cũng có thể coi là trẻ em. Bởi theo quy định tại Điều 1 Luật Trẻ em năm 2016: “Trẻ em là người dưới 16 tuổi”

Vậy, trẻ em là người chưa thành niên nhưng người chưa thành niên chưa chắc là trẻ em. Bởi độ tuổi từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi chỉ được xác định là người chưa thành niên mà không được coi là trẻ em.

Tài sản riêng của con

Con có quyền có tài sản riêng

Tại Điều 75 của Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có quy định về Quyền có tài sản riêng của con:

“1. Con có quyền có tài sản riêng. Tài sản riêng của con bao gồm tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng, thu nhập do lao động của con, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của con và thu nhập hợp pháp khác. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của con cũng là tài sản riêng của con.

2. Con từ đủ 15 tuổi trở lên sống chung với cha mẹ phải có nghĩa vụ chăm lo đời sống chung của gia đình; đóng góp vào việc đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình nếu có thu nhập…”

Vậy, con có quyền có tài sản của riêng mình. Con cái khi được ông, bà, cô, chú, bác… để lại tài sản thừa kế hoặc được tặng cho riêng mà được pháp luật quy định là hợp pháp; thì được xác định phần tài sản đó là tài sản riêng của mình; bất cứ ai cũng không được sử dụng phần tài sản riêng đó của người con.

Bên cạnh đó, từ đủ 15 tuổi trở lên; con cái có nghĩa vụ thực hiện bổn phận chăm lo đời sống chung của gia đình; đóng góp phù hợp với thu nhập của mình đối với cuộc sống sinh hoạt chung của gia đình. Đây được xem là một quan hệ ràng buộc trách nhiệm của những thành viên trong một gia đình trong quan hệ hôn nhân và gia đình.

Quản lý tài sản riêng của con

Tuy pháp luật quy định con có tài sản riêng; nhưng để tránh việc con chưa thành niên sử dụng tài sản riêng một cách bất hợp lý; pháp luật đã quy định trao cho cha mẹ quyền quản lý, định đoạt tài sản riêng của con chưa thành niên trong một số trường hợp nhất định.

Theo đó, tại Điều 76 của Luật Hôn nhân và gia đình quy định: Tài sản riêng của con dưới 15 tuổi do cha mẹ quản lý. Cha mẹ có thể ủy quyền cho người khác quản lý tài sản riêng của con. Tài sản riêng của con do cha mẹ; hoặc người khác quản lý được giao lại cho con khi con từ đủ 15 tuổi trở lên; trừ trường hợp cha mẹ và con có thỏa thuận khác.

Bên cạnh đó, tại khoản 1 Điều 77 của Luật Hôn nhân và gia đình đã quy định cụ thể về việc định đoạt tài sản riêng của con chưa thành niên như sau: “Trường hợp cha mẹ hoặc người giám hộ quản lý tài sản riêng của con dưới 15 tuổi thì có quyền định đoạt tài sản đó vì lợi ích của con, nếu con từ đủ 09 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con”.

Người chưa thành niên thực hiện giao dịch như thế nào?

Điều 21 Bộ luật Dân sự năm 2015 nêu rõ:

“2. Giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi do người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện.

3. Người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi.

4. Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.”

Như vậy căn cứ vào quy định trên, có thể chia người chưa thành niên thành các độ tuổi sau đây:

  • Người chưa đủ 06 tuổi: Giao dịch dân sự do người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện.
  • Người từ đủ 06 tuổi – chưa đủ 15 tuổi: Phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý khi xác lập thực hiện giao dịch dân sự; trừ các giao dịch phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi.
  • Người từ đủ 15 tuổi – chưa đủ 18 tuổi: Tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự trừ liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký hoặc các giao dịch mà luật quy định phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật.

Giao dịch dân sự vô hiệu do người chưa thành niên xác lập, thực hiện

Căn cứ khoản 1 Điều 125 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:

“Khi giao dịch dân sự do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện thì theo yêu cầu của người đại diện của người đó, Tòa án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu nếu theo quy định của pháp luật giao dịch này phải do người đại diện của họ xác lập, thực hiện hoặc đồng ý, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.”

 Người đại diện theo pháp luật được liệt kê cụ thể tại Điều 136 Bộ luật Dân sự gồm:

  • Cha, mẹ đối với con chưa thành niên.
  • Người giám hộ đối với người được giám hộ; Nếu được Tòa án chỉ định thì người giám hộ là người đại diện theo pháp luật của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.

Vậy, khi không có người đại diện đồng ý; giao dịch dân sự của người chưa thành niên sẽ bị Tòa tuyên vô hiệu.

Kết luận

Như vậy, con trai anh chị mới 12 tuổi, vẫn còn là trẻ em – người chưa thành niên. Khi con anh chị mang xe đạp đi bán cho cháu H là giao dịch dân sự vô hiệu. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu; hoàn trả cho nhau những gì đã nhận theo khoản 2 Điều 131 Bộ luật Dân sự 2015. Cháu H sẽ trả lại vợ chồng anh chị chiếc xe đạp; và anh chị trả lại 2 triệu đồng cho cháu H.

Mẹ cháu H trả lời như vậy là không phù hợp với quy định của pháp luật. Giữa vợ chồng anh chị cùng nhà cháu H cần hiểu rõ những quy định nêu trên của pháp luật; để thỏa thuận, hòa giải sự việc; nếu không giải quyết được thì có đơn yêu cầu Tòa án nơi hai gia đình cư trú để giải quyết bằng một vụ việc dân sự.

Mời bạn đọc thêm

Trên đây là tư vấn của Luật sư 247 về vấn đề “Giao dịch dân sự vô hiệu khi trẻ em thực hiện?“. Để biết thêm thông tin chi tiết hoặc giải đáp những vấn đề pháp lý khó khăn; vui lòng sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật hoặc liên hệ hotline: 0833102102

Câu hỏi thường gặp

Tất cả các giao dịch dân sự của trẻ em đều cần sự đồng ý của người đại diện?

Theo Điều 1 Luật Trẻ em năm 2016: “Trẻ em là người dưới 16 tuổi”
Căn cứ Điều 3, 4 Bộ luật Dân sự 2015:
– Người từ đủ 6 tuổi trở lên được giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi.
– Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ một số giao dịch dân sự luật định.
Vậy, không phải tất cả các giao dịch của trẻ em đều cần có sự đồng ý của người đại diện.

Người mắc bệnh tâm thần có được thực hiện giao dịch không?

Việc thực hiện các giao dịch của người bị bệnh tâm thần quy định tại Điều 22 Bộ luật dân sự 2015:
– Khi một người bị bệnh tâm thần theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần.
Giao dịch dân sự của người mất năng lực hành vi dân sự phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện.

5/5 - (1 bình chọn)
Chuyên mục:
Dân sự

Để lại một bình luận