Đính hôn có làm phát sinh quan hệ hôn nhân không?

07/12/2021
Đính hôn có làm phát sinh quan hệ hôn nhân không? Đính hôn là gì? Làm thế nào để phát sinh quan hệ hôn nhân hợp pháp
407
Views

Từ trước đến nay, theo phong tục truyền thống của người Việt Nam chúng ta thì việc đính hôn là một phần không thể thiếu trước khi các bên nam nữ tổ chức kết hôn. Tuy nhiên, việc đính hôn có làm phát sinh quan hệ hôn nhân không? Phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa các bên hay không? Pháp luật về hôn nhân và gia đình có quy định như thế nào về vấn đề này? Luật sư 247 sẽ giải đáp thắc mắc của bạn qua bài viết dưới đây.

Căn cứ pháp lý

Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014

Luật Hộ tịch năm 2014

Nghị định 123/2015/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Hộ tịch năm 2014

Đính hôn là gì?

Đính hôn là một nghi thức trong phong tục kết hôn theo truyền thống của người Việt Nam, lễ đính hôn được hiểu là nghi lễ hứa gả con của gia đình hai bên và đây chính là bước đệm để hai bên tiến tới hôn nhân.

Trong lễ đính hôn, nhà trai mang lễ vật đến nhà gái; nhà gái nhận lễ ăn hỏi tức là công nhận sẽ gả con gái cho nhà trai. Theo phong tục này, kể từ ngày ăn hỏi, nam nữ có thể coi nhau là cặp vợ chồng chưa cưới. Tùy theo từng vùng miền khác nhau mà yêu cầu về ngày lễ này cũng khác nhau.

Đính hôn được xem là nghi lễ có ý nghĩa quan trọng của đời người. Việc thực hiện nghi lễ đính hôn theo truyền thống giúp giáo dục con cái biết kính trọng tổ tiên, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, là cơ hội để gắn kết tình cảm của gia đình hai bên nam nữ.

Mọi người quan niệm rằng nếu lễ đính hôn được tổ chức thuận lợi, vui vẻ thì cuộc sống hôn nhân sẽ hạnh phúc và quan hệ giữa hai nhà sẽ càng thêm bền chặt.

Như vậy, đính hôn thuộc phạm trù phong tục tập quán, là một nghi lễ cưới hỏi của Việt Nam. Trong Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 không có bất cứ quy định nào về đính hôn cũng như điều kiện của các bên khi làm lễ đính hôn.

Đính hôn có làm phát sinh quan hệ hôn nhân không?

Khoản 1 điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 có quy định về quan hệ hôn nhân như sau:

Hôn nhân là quan hệ giữa vợ và chồng sau khi kết hôn.

      Khoản 5 điều 3 của Luật này giải thích về kết hôn như sau:

Kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định của Luật này về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn.

Như vậy theo các quy định trên thì sau khi vợ chồng tiến hành đăng ký kết hôn theo đúng quy định của Luật Hôn nhân gia đình thì quan hệ hôn nhân đó được pháp luật thừa nhận và bảo vệ.

Do đó, có thể thấy rằng, việc tổ chức lễ đính hôn không đồng nghĩa với việc làm phát sinh quan hệ hôn nhân giữa hai vợ chồng. Đính hôn chỉ là phong tục để hai bên nam nữ giao ước với nhau, tạo niềm tin hai bên sẽ tạo nên gắn kết bền chặt.

Làm thế nào để phát sinh quan hệ hôn nhân hợp pháp?

Để phát sinh quan hệ hôn nhân hợp pháp, hai bên nam nữ khi đã đáp ứng các điều kiện kết hôn cần tiến hành đăng ký kết hôn theo quy định của luật Hôn nhân và gia đình. Khi hai bên tiến hành đăng ký kết hôn theo đúng quy định của pháp luật thì quan hệ hôn nhân mới phát sinh, và khi đó hai bên nam nữ mới chính thức là chồng, là vợ của nhau.

 Theo đó, nam nữ kết hôn phải đảm bảo các điều kiện kết hôn theo quy định tại điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 như sau:

  • Về độ tuổi kết hôn: Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên.
  • Về sự tự nguyện: Việc kết hôn phải do hai bên nam, nữ tự nguyện quyết định; không bị lừa dối, ép buộc.
  • Nam nữ kết hôn không bị mất năng lực hành vi dân sự.
  • Việc kết hôn không thuộc vào các trường hợp cấm kết hôn, bao gồm: kết hôn giả tạo; cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn; người đang có vợ có chồng mà kết hôn với người khác hoặc chưa có vợ có chồng mà kết hôn với người đang có vợ, có chồng; kết hôn giữa những người cùng dòng máu về trực hệ, có họ trong phạm vi 3 đời, giữa cha mẹ nuôi với con nuôi, giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng.

Nam, nữ phải tiến hành đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền. Đối với trường hợp nam nữ là người Việt Nam kết hôn với nhau tại Việt Nam thì việc đăng ký kết hôn phải thực hiện tại ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của một trong hai bên. Hay trường hợp kết hôn giữa công dân Việt Nam với công công dân của nước láng giềng thường trú tại đơn vị hành chính tương đương cấp xã của Việt Nam tiếp giáp với xã ở khu vực biên giới của Việt Nam thì ủy ban nhân dân cấp xã ở khu vực biên giới nơi công dân Việt Nam thường trú có thẩm quyền đăng ký kết hôn.

Đối với trường hợp đăng ký kết hôn tại Việt Nam giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài; giữa công dân Việt Nam cư trú ở trong nước với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài; giữa công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài với nhau; giữa công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài với công dân Việt Nam hoặc với người nước ngoài thì tiến hành tại ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam.

Như vậy, khi nam nữ đủ điều kiện kết hôn và tiến hành đăng ký kết hôn theo đúng quy định của pháp luật thì sẽ phát sinh quan hệ hôn nhân hợp pháp, được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Kể từ thời điểm này, hai bên vợ chồng sẽ phát sinh các quyền và nghĩa vụ với nhau theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình.

Thời gian cấp đăng ký kết hôn là bao lâu?

Giấy chứng nhận kết hôn được cấp ngay sau khi cán bộ tư pháp nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ và xét thấy đủ điều kiện kết hôn theo quy định (theo Điều 18 Nghị định 123/2015/NĐ-CP).

Nếu thấy đủ điều kiện kết hôn; Điều 18 Luật Hộ tịch 2014 nêu rõ, cán bộ tư pháp ghi việc kết hôn vào Sổ hộ tịch. Hai bên nam nữ ký tên vào Sổ hộ tịch và Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn.

Đồng thời hai bên nam; nữ cùng ký vào Sổ đăng ký kết hôn và Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn. Sau đó; cán bộ tư pháp báo cáo Chủ tịch UBND cấp xã trao Giấy chứng nhận kết hôn cho hai bên nam, nữ.

Trong trường hợp nếu cần xác minh thêm các điều kiện kết hôn của hai bên nam; nữ thì thời hạn cấp Giấy chứng nhận kết hôn không quá 05 ngày làm việc.

Do đó; có thể thấy thời hạn cấp Giấy đăng ký kết hôn là ngay sau khi hai bên được xét đủ điều kiện kết hôn và được UBND nơi có thẩm quyền thực hiện đăng ký kết hôn cấp Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn. 

Riêng trường hợp có yếu tố nước ngoài; theo Điều 32 Nghị định 123; việc trao giấy chứng nhận đăng ký kết hôn được thực hiện trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày ký.

Đặc biệt: Nếu trong 60 ngày kể từ ngày ký mà hai bên không thể có mặt để nhận giấy chứng nhận đăng ký kết hôn thì Giấy này sẽ bị hủy. Nếu hai bên vẫn muốn kết hôn thì phải thực hiện thủ tục lại từ đầu. 

Mời bạn xem thêm bài viết

Trên đây là tư vấn của Luật sư 247 về vấn đề “Đính hôn có làm phát sinh quan hệ hôn nhân không?“. Để biết thêm thông tin chi tiết hoặc giải đáp những vấn đề pháp lý khó khăn; vui lòng sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật hoặc liên hệ hotline: 0833102102

Câu hỏi thường gặp

Đăng ký kết hôn được cấp mấy bản?

Theo khoản 7 Điều 4 Luật Hộ tịch, giấy chứng nhận kết hôn là văn bản do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp cho hai bên nam, nữ khi đăng ký kết hôn.
Nếu hai bên nam, nữ đủ điều kiện kết hôn, sau khi nam, nữ cùng ký, ghi rõ họ tên trong Sổ hộ tịch; Giấy chứng nhận kết hôn; mỗi bên vợ, chồng được cấp 01 bản chính Giấy chứng nhận. (theo khoản 3 Điều 18 Nghị định 123).
Như vậy; có thể thấy; đăng ký kết hôn sẽ được cấp thành 02 bản chính cho mỗi bên vợ, chồng giữ 01 bản.

Kết hôn là gì?

 kết hôn là sự kiện pháp lý làm phát sinh quan hệ hôn nhân. Khi kết hôn, các bên nam nữ phải tuân thủ đầy đủ các điều kiện kết hôn được Luật hôn nhân và gia đình quy định và phải đăng ký kết hôn tại cơ quan đăng ký kết hôn có thẩm quyền thì việc kết hôn đó mới được công nhận là hợp pháp và giữa các bên nam nữ mới phát sinh quan hệ vợ chồng trước pháp luật.

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời