Đề nghị xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính

14/01/2022
Đề nghị xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính
753
Views

Chuyển đổi giới tính không còn là vấn đề mới. Rất nhiều tiếng cũng là người chuyển giới. Tuy nhiên tại Việt Nam vẫn chưa có Bộ luật nào điều chỉnh về vấn đề chuyển đổi giới tính. Do đó thiết nghĩ, cần xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính nhằm đảm bảo quyền lợi của những đối tượng này cũng như sự quản lý của nhà nước với vấn đề trên. Bộ Y tế hiện đang lấy ý kiến về dự thảo hồ sơ Đề nghị xây dựng dự án Luật Chuyển đổi giới tính tại Cổng Thông tin điện tử Chính phủ. Hãy cùng Luật sư X tìm hiểu về vấn đề này nhé!

Căn cứ pháp lý

Nội dung tư vấn

Tại sao cần đề nghị xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính?

Theo Bộ Y tế, hiện tại việc thu thập số liệu về số lượng, tỷ lệ người chuyển giới tại Việt Nam còn gặp khó khăn do sự kỳ thị xã hội, khả năng tiếp cận tới những người chuyển giới ở vùng sâu, vùng xa cũng như hiểu biết, nhận dạng của chính người chuyển giới.

Tại Việt Nam, quyền được chuyển đổi giới tính mới chỉ được ghi nhận tại Điều 37 Bộ luật Dân sự 2015:

“Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật”.

Tuy nhiên vẫn chưa có văn bản luật chuyên ngành quy định chi tiết về vấn đề này. Người chuyển giới tại Việt Nam vẫn phải đi nước ngoài để thực hiện các can thiệp y học để chuyển đổi giới tính. Hoặc thực hiện chuyển đổi giới tính tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bất hợp pháp tại Việt Nam. Từ đó gây ra nhiều hệ lụy về vấn đề sức khỏe, tính mạng của người chuyển giới. Do đó rất cần thiết phải nhanh chóng xây dựng và ban hành Luật điều chỉnh vấn đề này.

Bộ Y tế hiện đang lấy ý kiến về dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính tại Cổng Thông tin điện tử Chính Phủ.

Dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính

Theo Dự thảo Luật chuyển đổi giới tính, có các nội dung sau cần chú ý:

Người chuyển đổi giới tính

Theo Dự thảo, người chuyển đổi giới tính là người đề nghị chuyển đổi giới tính được cơ quan có thẩm quyền công nhận là người chuyển đổi giới tính theo quy định tại Luật này. Vì vậy để được công nhận, người chuyển đổi trước hết phải là người đề nghị chuyển đổi giới tính.

Trong đó, người đề nghị chuyển đổi giới tính phải có các điều kiện sau:

1. Có giới tính sinh học hoàn thiện.

Giới tính sinh học hoàn thiện là giới tính khi sinh của một người đã được xác định là nam hay nữ. Dựa trên sự hoàn chỉnh về cả nhiễm sắc thể, cơ quan sinh dục trong và bộ phận sinh dục ngoài.

2. Có nhận diện giới khác với giới tính sinh học hiện có.

Nhận diện giới là việc tự cảm nhận của một người về việc họ là nam hay nữ.

3. Đề nghị cơ quan có thẩm quyền công nhận là người chuyển đổi giới tính.

Nguyên tắc cơ bản của chuyển đổi giới tính

Việc chuyển đổi giới tính đảm bảo các nguyên tắc sau:

1. Bảo đảm cho người chuyển đổi giới tính được sống thật với giới tính mà họ mong muốn.

2. Thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính trên cơ sở tự nguyện của người đề nghị chuyển đổi giới tính.

3. Không kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người chuyển đổi giới tính và gia đình họ.

4. Tôn trọng và bảo đảm thực hiện quyền của người chuyển đổi giới tính

5. Việc chỉnh sửa thông tin hộ tịch của người chuyển đổi giới tính sau khi được công nhận giới tính mới sẽ không làm thay đổi các quyền và nghĩa vụ dân sự mà người đó có trước khi chỉnh sửa thông tin, cũng như những quyền và nghĩa vụ từ quan hệ hôn nhân và gia đình, bao gồm cả việc nhận nuôi con nuôi.

Quyền của người chuyển đổi giới tính

Theo Dự thảo, người chuyển đổi giới tính có các quyền sau đây:

– Được đề nghị công nhận là người chuyển đổi giới tính mà không bắt buộc phải thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính; việc thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính là hoàn toàn tự nguyện;

– Được tư vấn, hỗ trợ về tâm lý, y tế trước, trong và sau khi thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính;

– Được tôn trọng, bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và các quyền riêng tư khác của người chuyển đổi giới tính;

– Được quyền đăng ký thay đổi giấy tờ hộ tịch cho người chuyển đổi giới tính sau khi được công nhận là người chuyển giới;

– Được bảo đảm quyền học tập, lao động và hòa nhập gia đình, xã hội sau khi thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính;

– Không bị bắt buộc phải triệt sản khi phẫu thuật bộ phận sinh dục, trừ trường hợp tự nguyện;

– Được bảo đảm quyền kết hôn theo giới tính mới sau khi được công nhận là người chuyển đổi giới tính;

– Được bảo đảm các quyền khác theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Nghĩa vụ của người chuyển đổi giới tính

– Tham gia tư vấn, hỗ trợ tâm lý y tế trước, trong và sau khi thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính;

– Tích cực, chủ động học tập, lao động, hòa nhập gia đình, xã hội sau khi thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính;

– Thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Các hành vi bị nghiêm cấm

1. Kỳ thị, phân biệt đối xử, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, bạo lực đối với người có mong muốn chuyển đổi giới tính, người chuyển đổi giới tính.

2. Cản trở, gây khó khăn đối với việc can thiệp y học để chuyển đổi giới tính.

3. Lợi dụng người chuyển đổi giới tính để mua bán người, bóc lột sức lao động, xâm hại tình dục hoặc có các hành vi trái pháp luật khác.

4. Triệt sản khi phẫu thuật bộ phận sinh dục mà người đó không đồng ý.

5. Bắt buộc người chuyển đổi giới tính nghỉ học, thôi việc vì lý do chuyển đổi giới tính.

6. Tiết lộ thông tin, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình mà không được người chuyển đổi giới tính đồng ý.

7. Thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính khi cá nhân, tổ chức chưa đủ điều kiện

8. Lợi dụng việc chuyển đổi giới tính để trốn tránh các nghĩa vụ pháp luật.

Các vấn đề khác trong dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính

Ngoài ra dự thảo còn quy định về một số vấn đề khác như:

Độ tuổi được thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính

Mục tiêu nhằm bảo đảm người có mong muốn chuyển giới hoàn toàn tự nguyện. Tự nhận thức được đầy đủ, toàn diện hành vi và hậu quả có thể xảy ra. Từ đó quyết định có thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính. Cùng với đó là thực hiện quyền chuyển đổi giới tính một cách tự nguyện.

Tình trạng hôn nhân trước khi thực hiện can thiệp y học về chuyển đổi giới tính

Người đề nghị can thiệp y học phải là người độc thân. Người độc thân là người hiện đang không có quan hệ hôn nhân theo quy định của pháp luật.

Người chuyển giới có thể có quan hệ vợ, chồng, quan hệ cha, mẹ, con. Việc chuyển đối giới có thể làm xung đột các quan hệ pháp luật khác nhau. Việc quy định trên nhằm không làm ảnh hưởng, xáo trộn đến các quan hệ xã hội của người chuyển giới.

Xác định tâm lý người chuyển đổi giới tính

Việc chuyển giới phải trên cơ sở tự nguyện. Người đề nghị phải được tư vấn, hỗ trợ về tâm lý, y tế trước, trong và sau khi thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính.

Điều kiện đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính

Các cơ sở phải có năng lực về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực y tế để thực hiện, bảo đảm an toàn về sức khỏe, tính mạng cho người thực hiện.

Công nhận với người chuyển giới trước ngày Luật Chuyển đổi giới tính có hiệu lực

Trường hợp này được áp dụng đối với các trường hợp đã thực hiện phẫu thuật ngực, bộ phận sinh dục hoặc phẫu thuật cả ngực và bộ phận sinh dục để chuyển đổi giới tính trước ngày Luật Chuyển đổi giới tính có hiệu lực.

Chi phí thực hiện can thiệp y học để chuyển giới

Chi phí thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính phải bảo đảm phù hợp, thống nhất với chính sách bảo hiểm y tế của Nhà nước và thực trạng nguồn ngân sách của Nhà nước hiện nay.

Thông tin liên hệ Luật Sư X

Trên đây là nội dung tư vấn về Đề nghị xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính. Mọi thắc mắc về thủ tục pháp lý vui lòng liên hệ Luật Sư X để được hỗ trợ, giải đáp.

Gọi ngay cho chúng tôi qua hotline: 0833.102.102

Mời bạn xem thêm:

Câu hỏi thường gặp

Hôn nhân đồng giới là gì?

Hôn nhân đồng giới là hôn nhân giữa những người có cùng giới tính về sinh học. Đó có thể là cuộc sống chung giữa hai người là đồng tính nam hoặc đồng tính nữ với nhau. Hôn nhân giữa những người này xuất phát từ tình yêu đồng giới. Họ tìm thấy ở những người cùng giới tính như mình sự yêu thương, sự đồng cảm và mong muốn cùng nhau về chung một nhà.

Việt Nam có công nhận hôn nhân đồng giới?

Theo Khoản 2 Điều 8 Luật hôn nhân và gia đình 2014:
“ Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính”
Theo đó Việt Nam không công nhận hôn nhân đồng giới. Tuy nhiên việc kết hôn giữa những người cùng giới tính không bị nhà nước ngăn cấm.

5/5 - (2 bình chọn)

Comments are closed.