Chi phí cần trả để người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài?

06/12/2021
912
Views

Xin chào Luật sư, tôi năm nay 20 tuổi, vì không tiếp tục học đại học nên tôi đã đi làm từ sớm. Bởi vì không có bằng cấp, nên tôi chỉ đi làm công nhân. Chính vì vậy mà lương thưởng hạn chế; có những tháng không có việc làm, cuộc sống của tôi vô cùng khó khăn. Mới đây bạn tôi có giới rủ tôi đi sang nước ngoài làm việc. Làm việc bên nước ngoài lương cao, một vài năm tôi có thể tích cóp được một khoản lớn. Chính vì thế tôi muốn hỏi luật sư chi phí cần trả để người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài? Tôi cần những giấy tờ gì để có thể sang nước ngoài làm việc?

Tôi xin chân thành cảm ơn!

Căn cứ pháp lý

Bộ luật Lao động năm 2019

Luật người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động

Nghị định số 38/2020/NĐ-CP 

Nội dung tư vấn

Hiện nay, người lao động ra nước ngoài làm việc có xu hướng tăng vọt. Xuất phát từ nhu cầu tìm kiếm thu nhập cao mà rất nhiều người lao động rủ nhau ra nước ngoài làm việc. Vậy chi phí nào cần trả để người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài? Hãy cùng Luật sư 247 tìm hiểu ngay sau đây:

Thế nào là xuất khẩu lao động?

Xuất khẩu lao động Việt Nam ra nước ngoài (gọi tắt là Xuất khẩu lao động hoặc Xuất khẩu lao động Việt Nam) là hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở các doanh nghiệp nước ngoài theo hợp đồng lao động có thời hạn theo nhu cầu của các doanh nghiệp đó. 

Các hình thức xuất khẩu lao động:

Theo Điều 6 Luật người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động quy định như sau:

– Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài với doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài hoặc tổ chức sự nghiệp được phép hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

– Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài với doanh nghiệp trúng thầu; nhận thầu hoặc tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài có đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

– Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề với doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc dưới hình thức thực tập nâng cao tay nghề.

– Xuất khẩu lao động theo hợp đồng cá nhân

Các chi phí cần chi trả để người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài?

Theo quy định tại Điều 21, Điều 23 Luật đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động; người lao động cần thực hiện nộp các khoản tiền sau:

– Tiền môi giới: 

Đây là khoản chi phí mà doanh nghiệp phải trả cho bên môi giới để ký kết; và thực hiện hợp đồng cung ứng lao động. Người lao động có trách nhiệm hoàn trả cho doanh nghiệp một phần; hoặc toàn bộ tiền môi giới theo quy định pháp luật.

Mức tiền môi giới:

Mức trần tiền môi giới cho các thị trường không vượt quá một tháng lương/ người lao động cho một năm hợp đồng. Trường hợp trên thị trường đòi hỏi mức tiền cao hơn thì doanh nghiệp buộc phải báo cáo cho Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội để trao đổi và thống nhất với Bộ Tài chính nhằm quyết định cụ thể mức tiền môi giới cho phù hợp.

– Tiền dịch vụ:

Là khoản chi phí mà người lao động phải trả cho doanh nghiệp dịch vụ để thực hiện Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. 

Mức tiền dịch vụ: Mức trần tiền dịch vụ mà người lao động nộp cho doanh nghiệp không quá một tháng tiền lương (hoặc tiền trợ cấp tu nghiệp) theo hợp đồng cho một năm làm việc; riêng sỹ quan và thuyền viên làm việc trên tàu vận tải biển không quá một tháng rưỡi tiền lương theo hợp đồng cho một năm làm việc. Tổng mức tiền dịch vụ tối đa không quá ba tháng lương theo hợp đồng/người/hợp đồng.

– Tiền ký quỹ:

Đây là khoản tiền người lao động phải ký quỹ để đề phòng trường hợp người lao động vi phạm Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, tiền ký quỹ của người lao động được doanh nghiệp dịch vụ sử dụng để bù đắp thiệt hại phát sinh do lỗi của người lao động gây ra cho doanh nghiệp; khi sử dụng tiền ký quỹ để bù đắp thiệt hại, nếu tiền ký quỹ không đủ thì người lao động phải nộp bổ sung, nếu còn thừa thì phải trả lại cho người lao động.

Mức trần tiền kỹ quỹ phụ thuộc vào từng thị trường mà người lao động Việt Nam sang làm việc.

Bên cạnh đó, còn các chi phí như khám sức khoẻ, học tập tiếng, văn hoá nước ngoài, làm visa, hộ chiếu,… người lao động trước khi ký hợp đồng với doanh nghiệp Việt Nam cần đọc kỹ các điều khoản về các khoản phí cần đóng gồm những khoản nào để tránh trường hợp doanh nghiệp đưa ra các khoản phí không theo quy định.

Quyền và nghĩa vụ của người lao động đi làm việc theo hình thức ký hợp đồng với doanh nghiệp dịch vụ?

Người lao động đi làm việc ở nước ngoài có các quyền sau đây:

  • Người lao động có quyền yêu cầu doanh nghiệp cung cấp các thông tin về chính sách, pháp luật của Việt Nam về người lao động đi làm việc ở nước ngoài; thông tin về chính sách, pháp luật có liên quan và phong tục, tập quán của nước tiếp nhận người lao động; quyền và nghĩa vụ của các bên khi đi làm việc ở nước ngoài;
  • Người lao động được hưởng tiền lương, tiền công, thu nhập khác, chế độ khám bệnh, chữa bệnh, bảo hiểm xã hội và các quyền lợi khác quy định trong các hợp đồng và điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế quy định.
  • Được doanh nghiệp, cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp phù hợp với pháp luật Việt Nam, pháp luật của nước tiếp nhận người lao động, pháp luật và thông lệ quốc tế trong thời gian làm việc ở nước ngoài; được tư vấn, hỗ trợ để thực hiện các quyền và hưởng các lợi ích trong Hợp đồng lao động, Hợp đồng thực tập;
  • Được quyền chuyển về nước tiền lương, tiền công, thu nhập và tài sản khác của cá nhân theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước tiếp nhận người lao động;
  • Được hưởng các quyền lợi từ Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước theo quy định của pháp luật;
  • Thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo hoặc khởi kiện về những hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Bên cạnh đó, người lao động còn có các quyền sau đây:

– Được ký kết hợp đồng với doanh nghiệp dịch vụ làm cơ sở giải quyết tranh chấp và quyền lợi sau này;

– Được bổ túc nghề và ngoại ngữ phù hợp.

– Được vay vốn để đi làm việc ở nước ngoài.

– Được gia hạn hợp đồng hoặc ký kết hợp đồng lao động mới phù hợp với quy định của nước ngoài.

Người lao động đi làm việc ở nước ngoài có các nghĩa vụ sau đây:

  • Phải giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam; tôn trọng phong tục, tập quán của nước tiếp nhận người lao động; đoàn kết với người lao động của nước tiếp nhận người lao động và người lao động của các nước khác;
  • Phải chủ động học nghề, học ngoại ngữ, tìm hiểu các quy định của pháp luật có liên quan;
  • Phải tham gia khóa bồi dưỡng kiến thức cần thiết trước khi đi làm việc ở nước ngoài;
  • Tuân thủ pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước tiếp nhận người lao động;
  • Làm việc đúng nơi quy định; tuân thủ nội quy nơi làm việc và về nước sau khi chấm dứt Hợp đồng lao động hoặc Hợp đồng thực tập theo quy định của nước tiếp nhận người lao động;
  • Chịu trách nhiệm về những thiệt hại do vi phạm hợp đồng đã ký theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước tiếp nhận người lao động;
  • Tham gia bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật Việt Nam và các hình thức bảo hiểm theo quy định của nước tiếp nhận người lao động;
  • Phải nộp thuế thu nhập theo quy định của pháp luật Việt Nam, pháp luật của nước tiếp nhận người lao động;
  • Đóng góp vào Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước theo quy định của Luật này.

Ngoài ra còn thực hiện các nghĩa vụ sau: 

– Trả các khoản tiền dịch vụ, ký quỹ theo quy định.

– Thanh lý hợp đồng với doanh nghiệp theo quy định pháp luật.

Quy trình đưa người lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc?

Bước 1: Người lao động có nguyện vọng đi làm việc ở nước ngoài cần nộp hồ sơ đi làm việc ở nước ngoài cho doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp, cá nhân, tổ chức đầu tư ra nước ngoài được phép hoạt động trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Bước 2: Doanh nghiệp, tổ chức tuyển chọn lao động từ hồ sơ lao động nộp.
Bước 3: Tiến hành khám sức khoẻ, đào tạo và bồi dưỡng kiến thức cần thiết.
Bước 4: Giao kết hợp đồng dịch vụ với doanh nghiệp đưa người lao động sang nước ngoài và Hợp đồng lao động với doanh nghiệp nước ngoài
Bước 5: Thực hiện nộp các khoản phí theo quy định.
Bước 6: Xin visa và xuất cảnh sang nước ngoài làm việc.

Mời bạn xem thêm

Trên đây là tư vấn của Luật sư 247 về nội dung vấn đề Chi phí cần trả để người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài?” Chúng tôi hi vọng rằng bạn có thể vận dụng các kiến thức trên để sử dụng trong công việc; cuộc sống. Nếu có thắc mắc và cần nhận thêm sự tư vấn, giúp đỡ hãy liên hệ 0833.102.102

Câu hỏi thường gặp

Cách để lựa chọn công ty xuất khẩu lao động Nhật Bản uy tín?

Cách 1: Qua website của Bộ LĐTB&XH, tại đây có danh sách các công ty được Bộ cấp giấy phép và bị thu hồi giấy phép.
Cách 2:  Trực tiếp đến các trung tâm giới thiệu việc làm để tìm hiểu.
Cách 3: Qua người thân, bạn bè giới thiệu.
Sau khi tìm được công ty, bạn cần lên trực tiếp trụ sở của họ để tìm hiểu thật kỹ quy trình hồ sơ thủ tục, điều kiện, chi phí, đơn hàng…

Dấu hiệu để nhận biết công ty có dấu hiệu lừa đảo?

– Cảm giác ban đầu khi đến trụ sở làm việc khá sơ sài, thiếu thốn, tồi tàn hoặc quá ít nhân sự và đồ dùng, thiết bị làm việc, biển hiệu,…
– Công ty không có hồ sơ pháp lý rõ ràng và không tìm thấy thông tin công ty trên các website của cơ quan đăng ký kinh doanh hoặc Bộ lao động TBXH.
– Nội dung tư vấn không rõ ràng, đặt ra nhiều lợi ích hơn thực tế và đưa ra chi phí rất thấp  để mê hoặc người lao động.
– Không ký hợp đồng hoặc hợp đồng sơ sài, yêu cầu chuyển tiền ngay mà không ký kết biên nhận hoặc không tư vấn quy trình làm việc.
– Không có quy trình đào tạo cụ thể.

5/5 - (1 bình chọn)
Chuyên mục:
Lao động

Để lại một bình luận