Chế độ đối với quân nhân chuyên nghiệp

23/08/2022
449
Views

Xin chào luật sư. Em tôi hiện đang là quân nhân chuyên nghiệp đang làm việc tại ngũ. Vậy cho hỏi các chế độ đối với quân nhân chuyên nghiệp như thế nào? Em tôi sẽ được hưởng những chế độ gì? Vào những ngày nào thì quân nhân chuyên nghiệp sẽ được nghỉ? Mong luật sư giải đáp giúp tôi.

Quân nhân chuyên nghiệp thuộc quân đội nhân dân Việt Nam. Đây là lực lượng nòng cốt của đội ngũ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ, thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu, phục vụ chiến đấu và các nhiệm vụ khác của quân đội. Với vị trí, chức năng quan trọng và là ngành nghề đặc thì nên chế độ đối với các quân nhân chuyên nghiệp cũng có chút khác biệt so với những ngành nghề khác. Vậy quân nhân chuyên nghiệp sẽ được hưởng những chế độ nào? Chế độ nghỉ ngơi của quân nhân chuyên nghiệp ra sao? Để làm rõ vấn đề này, Luật sư 247 xin giới thiệu bài viết “Chế độ đối với quân nhân chuyên nghiệp”. Mời bạn đọc cùng tham khảo.

Căn cứ pháp lý

Quân nhân chuyên nghiệp là ai?

Theo Khoản 1 Điều 2 Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quân phòng 2015, quân nhân chuyên nghiệp được hiểu như sau:

Quân nhân chuyên nghiệp là công dân Việt Nam có trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ phục vụ trong Quân đội nhân dân, được tuyển chọn, tuyển dụng theo chức danh và được phong quân hàm quân nhân chuyên nghiệp.

Trong đó:

– Quân nhân chuyên nghiệp tại ngũ là quân nhân chuyên nghiệp đang phục vụ trong lực lượng thường trực của Quân đội nhân dân.

– Quân nhân chuyên nghiệp dự bị là công dân Việt Nam có trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ đã đăng ký phục vụ trong ngạch dự bị của Quân đội nhân dân.

Quân nhân chuyên nghiệp với vị trí, chức năng là lực lượng nòng cốt của đội ngũ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ bảo đảm cho công tác lãnh đạo, chỉ huy, quản lý; thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu, phục vụ chiến đấu và các nhiệm vụ khác của quân đội.

Quân nhân chuyên nghiệp được tuyển chọn, tuyển dụng theo chức danh và được phong quân hàm quân nhân chuyên nghiệp.

Quyền và nghĩa vụ của quân nhân chuyên nghiệp

Quyền và nghĩa vụ của quân nhân chuyên nghiệp được quy định tại Điều 6 Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quân phòng 2015. Theo đó:

Quyền của quân nhân chuyên nghiệp

a) Được Nhà nước bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần, chế độ, chính sách ưu đãi phù hợp với tính chất nhiệm vụ của Quân đội nhân dân;

b) Được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, quân sự, pháp luật và chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ phù hợp với vị trí, chức danh đảm nhiệm;

c) Được hưởng các quyền khác theo quy định của pháp luật.

Nghĩa vụ của quân nhân chuyên nghiệp

Quân nhân chuyên nghiệp có các nghĩa vụ sau:

a) Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, Nhân dân, với Đảng và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

b) Chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kỷ luật quân đội, sẵn sàng hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao;

c) Tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh cấp trên; khi nhận mệnh lệnh của người chỉ huy, nếu có căn cứ cho là mệnh lệnh đó trái pháp luật, điều lệnh, điều lệ của Quân đội nhân dân thì phải báo cáo ngay với người ra mệnh lệnh; trường hợp vẫn phải chấp hành thì báo cáo kịp thời lên cấp trên trực tiếp của người ra mệnh lệnh và không phải chịu trách nhiệm về hậu quả của việc thi hành mệnh lệnh đó;

d) Bảo vệ tài sản và lợi ích của Nhà nước, quân đội, cơ quan, tổ chức; bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân;

đ) Học tập chính trị, quân sự, pháp luật, văn hóa, khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ; rèn luyện tính tổ chức, tính kỷ luật và thể lực, nâng cao bản lĩnh chính trị, bản lĩnh chiến đấu phù hợp với từng đối tượng;

e) Quân nhân chuyên nghiệp phải thực hiện nghĩa vụ chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Nhân dân, Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, thực hiện nghĩa vụ quốc tế, chấp hành điều lệnh, điều lệ của Quân đội nhân dân, các nghĩa vụ khác của quân nhân theo quy định của Hiến pháp, pháp luật;

Chế độ đối với quân nhân chuyên nghiệp

Chế độ đối với quân nhân chuyên nghiệp
Chế độ đối với quân nhân chuyên nghiệp

Với đặc thù mỗi ngành nghề đều được hưởng những chế độ nhất định tương ứng với chức danh, chức vụ của người đó. Hiện nay, quân nhân chuyên nghiệp được hưởng 5 chế độ theo quy định Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quân phòng 2015. Các chế độ bao gồm:

Chế độ đào tạo, bồi dưỡng của quân nhân chuyên nghiệp

Quân nhân chuyên nghiệp trong thời gian đào tạo, bồi dưỡng được hưởng các chế độ được quy định theo Khoản 3 Điều 35 Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quân phòng 2015 như sau:

  • Được hưởng nguyên lương, phụ cấp;
  • Được tính vào thời gian phục vụ quân đội để xét nâng lương, thăng cấp bậc quân hàm

Tiền lương, phụ cấp, nhà ở, điều kiện thực hiện nhiệm vụ đối với quân nhân chuyên nghiệp

Tiền lương của quân nhân chuyên nghiệp được xác định theo trình độ đào tạo, chức danh, vị trí việc làm, chức danh nghề nghiệp phù hợp với tính chất, nhiệm vụ của quân đội là ngành lao động đặc biệt.

Theo Khoản 2, 3, 4 Điều 36 Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quân phòng 2015, quân nhân chuyên nghiệp được hưởng phụ chế độ về tiền lương, phụ cấp, nhà ở, điều kiện thực hiện nhiệm vụ. Bao gồm:

  • Phụ cấp thâm niên được tính theo mức lương hiện hưởng và thời gian phục vụ trong lực lượng thường trực của quân đội theo quy định của pháp luật;
  • Phụ cấp, trợ cấp như đối với cán bộ, công chức, viên chức có cùng điều kiện làm việc;
  • Phụ cấp, trợ cấp phù hợp với tính chất hoạt động đặc thù quân sự.
  • Được hưởng chính sách ưu tiên hỗ trợ về nhà ở xã hội; thuê nhà ở công vụ theo quy định của pháp luật.
  • Được hưởng phụ cấp về nhà ở.

Nâng lương

Theo Khoản 1 Điều 37 Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quân phòng 2015, quân nhân chuyên nghiệp được nâng lương nếu có đủ tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực, trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ và đủ thời hạn nâng lương cho từng đối tượng.

Cụ thể, việc nâng lương mỗi lần chỉ được nâng một bậc. Trường hợp lập thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu, học tập và trong thực hiện nhiệm vụ thì được nâng lương trước thời hạn hoặc vượt bậc.

Trong thời hạn xét nâng lương nếu vi phạm kỷ luật quân đội và pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ có thể bị kéo dài thời hạn xét nâng lương.

Chế độ nghỉ ngơi của quân nhân chuyên nghiệp

Theo Khoản 1 Điều 38 Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quân phòng 2015, quân nhân chuyên nghiệp được nghỉ ngơi theo quy định Bộ luật Lao động 2019 và theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. 

Trường hợp do yêu cầu nhiệm vụ mà không được bố trí nghỉ hằng năm thì ngoài tiền lương còn được thanh toán thêm một khoản tiền bằng tiền lương cho những ngày không nghỉ.

Tuy nhiên, khi có lệnh động viên, trong thời chiến và trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ra lệnh đình chỉ thực hiện chế độ nghỉ ngơi; quân nhân chuyên nghiệp đang nghỉ phải trở về đơn vị.

Chế độ chăm sóc sức khỏe quân nhân chuyên nghiệp

Chế độ chăm sóc sức khỏe dành cho quân nhân chuyên nghiệp được quy định tại Điều 39 Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quân phòng 2015. Theo đó:

Quân nhân chuyên nghiệp phục vụ trong quân đội được chăm sóc sức khỏe; khi bị thương, ốm đau, tai nạn, rủi ro nghề nghiệp ở xa cơ sở quân y hoặc mắc những bệnh mà cơ sở quân y không có khả năng điều trị thì được khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế khác, được thanh toán viện phí và thực hiện các chế độ khác theo quy định của pháp luật.

Bố, mẹ đẻ; bố, mẹ vợ hoặc bố, mẹ chồng; vợ hoặc chồng; người nuôi dưỡng hợp pháp của vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi hợp pháp dưới 18 tuổi của quân nhân chuyên nghiệp tại ngũ được hưởng chế độ bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật.

Thân nhân của công nhân và viên chức quốc phòng phục vụ trong quân đội không có chế độ bảo hiểm y tế thì được hưởng chế độ bảo hiểm y tế theo quy định của Chính phủ.

Quân nhân chuyên nghiệp sẽ được nghỉ trong những ngày nào?

Căn cứ Thông tư 113/2016/TT-BQP được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 109/2021/TT-BQP quy định về chế độ nghỉ của quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng. Theo đó chế độ nghỉ ngơi của quân nhân chuyên nghiệp như sau:

Ngày nghỉ hàng tuần do huấn luyện

Theo Điều 4 Thông tư 113/2016/TT-BQP, quân nhân chuyên nghiệp được nghỉ hằng tuần vào thứ Bảy và Chủ nhật và bên cạnh đó cũng theo quy định này, quân nhân chuyên nghiệp có thể được nghỉ bù vào ngày khác trong tuần nếu do tính chất, nhiệm vụ đặc biệt của đơn vị không thể nghỉ vào hai ngày này được. Việc nghỉ bù ngày nào sẽ do chỉ huy đơn vị sắp xếp.

Căn cứ theo khoản 1 Điều 1 Thông tư số 109/2021/TT-BQP, nếu đơn vị thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu hoặc do yêu cầu nhiệm vụ của đơn vị đó thì việc nghỉ hằng tuần sẽ do chỉ huy cấp trung đoàn và tương đương trở lên thực hiện. Việc sắp xếp nghỉ thế nào phải căn cứ vào tình hình nhiệm vụ của đơn vị.

Nghỉ phép hàng năm

Căn cứ Điều 5 Thông tư 113/2016/TT-BQP được sửa đổi bởi Khoản 2 Điều 1 Thông tư 109/2021/TT-BQP quy định:

– Quân nhân chuyên nghiệp được nghỉ phép hằng năm như sau:

a) Dưới 15 năm công tác được nghỉ 20 ngày;

b) Từ đủ 15 năm công tác đến dưới 25 năm công tác được nghỉ 25 ngày;

c) Từ đủ 25 năm công tác trở lên được nghỉ 30 ngày.

– Quân nhân chuyên nghiệp đóng quân ở đơn vị xa gia đình (nơi cư trú của vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi hợp pháp; bố, mẹ, người nuôi dưỡng hợp pháp của bản thân, của vợ hoặc của chồng) khi nghỉ phép hằng năm được nghỉ thêm:

a) 10 ngày khi thuộc một trong các trường hợp sau:

  • Đóng quân cách xa gia đình từ 500 km trở lên;
  • Đóng quân ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới cách xa gia đình từ 300 km trở lên;
  • Đóng quân tại các đảo thuộc quần đảo Trường Sa và ở Nhà giàn DK1.

b) 05 ngày khi thuộc một trong các trường hợp sau:

  • Đóng quân cách xa gia đình từ 300 km đến dưới 500 km;
  • Đóng quân ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới cách xa gia đình từ 200 km đến dưới 300 km và có hệ số khu vực 0,5 trở lên;
  • Đóng quân tại các đảo được hưởng phụ cấp khu vực.

– Trong trường hợp do yêu cầu nhiệm vụ, đơn vị không thể bố trí cho quân nhân chuyên nghiệp nghỉ phép năm hoặc nghỉ chưa hết số ngày phép năm theo quy định thì năm sau chỉ huy đơn vị xem xét, quyết định cho nghỉ bù phép của năm trước.

Trường hợp cá biệt, chỉ huy đơn vị vẫn không thể bố trí cho đi nghỉ phép được thì quân nhân chuyên nghiệp được xem xét, thanh toán tiền lương đối với số ngày chưa nghỉ phép năm.

Nghỉ phép đặc biệt

Ngoài chế độ nghỉ phép hằng năm, quân nhân chuyên nghiệp được nghỉ phép đặc biệt không quá 10 ngày, trong những trường hợp sau đây theo Điều 6 Thông tư:

1. Kết hôn; con đẻ, con nuôi hợp pháp kết hôn.

2. Bố đẻ, mẹ đẻ; bố vợ, mẹ vợ; bố chồng, mẹ chồng; người nuôi dưỡng hợp pháp của bản thân, của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi hợp pháp chết hoặc đau ốm nặng, tai nạn phải điều trị dài ngày tại các cơ sở y tế.

3. Gia đình bị thiệt hại nặng về người và tài sản do tai nạn, thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm gây ra

Ngày nghỉ lễ, Tết của quân nhân

Quân nhân chuyên nghiệp vẫn được nghỉ phép vào các ngày lễ, Tết gồm:

+ 01 ngày Tết Dương lịch;

+ 05 ngày Tết Âm lịch;

+ 01 ngày Chiến thắng 30/4;

+ 01 ngày Quốc tế lao động 01/5;

+ 02 ngày Quốc khánh;

+ 01 ngày Giỗ Tổ Hùng Vương.

Bên cạnh đó, quân nhân chuyên nghiệp còn được nghỉ vào ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam ngày 22/12 hằng năm.

Đối với các đơn vị thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu hoặc do yêu cầu nhiệm vụ, việc nghỉ ngày lễ, tết do chỉ huy cấp trung đoàn và tương đương trở lên căn cứ tình hình nhiệm vụ của đơn vị thực hiện cho phù hợp.

Nghỉ an dưỡng, điều dưỡng

Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng được nghỉ an dưỡng, điều dưỡng theo quy định tại Thông tư số 179/2013/TT-BQP.

Nghỉ chuẩn bị hưu

Điều 9 Thông tư 113/2016/TT-BQP sửa đổi bởi Khoản 4 Điều 1 Thông tư 109/2021/TT-BQP quy định:

– Quân nhân chuyên nghiệp được cấp có thẩm quyền quyết định nghỉ hưu, thời gian được nghỉ để chuẩn bị hậu phương gia đình (nghỉ chuẩn bị hưu) như sau:

a) Từ đủ 20 năm đến dưới 25 năm đóng bảo hiểm xã hội được nghỉ 09 tháng;

b) Từ đủ 25 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên được nghỉ 12 tháng.

– Trong thời gian nghỉ chuẩn bị hưu, nếu mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh cần chữa trị dài ngày, bệnh tâm thần thực hiện theo Thông tư số 157/2013/TT-BQP và Thông tư số 70/2016/TT-BQP.

Thông tin liên hệ

Trên đây là tư vấn về “Chế độ đối với quân nhân chuyên nghiệp”. Mong rằng các kiến thức trên có thể giúp ích cho bạn trong cuộc sồng hằng ngày. Hãy theo dõi chúng tôi để biết thêm nhiều kiến thức bổ ích. Và nếu quý khách có thắc mắc về cách nộp quyết toán thuế tncn online hoặc muốn tham khảo cách xử lý trong trường hợp nộp chậm báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn cũng như các vấn đề pháp lý khác của chúng tôi, mời quý khách hàng liên hệ đến hotline để được tiếp nhận.

Liên hệ hotline: 0833102102. Hoặc bạn có thể tham khảo thêm các kênh sau:

Mời bạn xem thêm

Câu hỏi thường gặp

 Chế độ, chính sách đối với quân nhân chuyên nghiệp dự bị như thế nào?

 Chế độ, chính sách đối với quân nhân chuyên nghiệp dự bị được thực hiện như sau:
1. Quân nhân chuyên nghiệp dự bị đến đăng ký nghĩa vụ quân sự, khám, kiểm tra sức khỏe nghĩa vụ quân sự được đảm bảo chế độ ăn, ở, tiền tàu xe đi, về.
2. Quân nhân chuyên nghiệp dự bị đang làm việc tại cơ quan, tổ chức, trong thời gian thực hiện đăng ký nghĩa vụ quân sự, khám, kiểm tra sức khoẻ nghĩa vụ quân sự thì được trả nguyên lương, phụ cấp hiện hưởng.
3. Trong thời gian tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu, quân nhân chuyên nghiệp dự bị và thân nhân được hưởng các chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.

Quân nhân chuyên nghiệp được nghỉ hưu khi nào?

Quân nhân chuyên nghiệp được nghỉ hưu khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Khi hết hạn tuổi phục vụ tại ngũ cao nhất theo quy định tại khoản 2 Điều 17 của Luật quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên chức quốc phòng và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên;
b) Nam quân nhân chuyên nghiệp có đủ 25 năm, nữ quân nhân chuyên nghiệp có đủ 20 năm phục vụ trong quân đội trở lên do thay đổi tổ chức biên chế mà quân đội không còn nhu cầu bố trí sử dụng;
c) Chiến đấu viên thực hiện nhiệm vụ khi đủ 40 tuổi trường hợp quân đội không thể tiếp tục bố trí sử dụng và không thể chuyển ngành được nếu có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội, trong đó có đủ 15 năm là chiến đấu viên thì được nghỉ hưu.

Đối tượng đăng ký quân nhân chuyên nghiệp dự bị là ai?

Theo Điều 24 Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quân phòng 2015, đối tượng đăng ký quân nhân chuyên nghiệp dự bị:
1. Quân nhân chuyên nghiệp thôi phục vụ tại ngũ còn trong độ tuổi phục vụ trong ngạch dự bị
2. Hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị có trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ phù hợp yêu cầu của quân đội.
3. Công dân nam trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự chưa phục vụ tại ngũ, tốt nghiệp đào tạo tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học và có trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ phù hợp yêu cầu của quân đội.

Đánh giá bài viết
Chuyên mục:
Luật khác

Comments are closed.