Hướng dẫn thủ tục người nước ngoài nhận con nuôi ở Việt Nam

30/09/2021
Hướng dẫn thủ tục người nước ngoài nhận con nuôi ở Việt Nam
580
Views

Nuôi con nuôi là việc xác lập quan hệ cha mẹ và con giữa người nhận con nuôi với người được nhận làm con nuôi. Vậy, khi nào người nước ngoài được nhận con nuôi? Thủ tục khi người nước ngoài nhận con nuôi ở Việt Nam như thế nào? Hãy cùng Luật sư 247 tìm hiểu qua bài viết này nhé!

Căn cứ pháp lý

Luật Nuôi con nuôi 2010

Nghị định 24/2019/NĐ-CP

Nội dung tư vấn

Khi nào người nước ngoài được nhận con nuôi?

Nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài là việc nuôi con nuôi giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, giữa người nước ngoài với nhau thường trú tại Việt Nam, giữa công dân Việt Nam với nhau mà một bên định cư ở nước ngoài (khoản 5 Điều 3 Luật Nuôi con nuôi 2010).

Việc nhận nuôi phải được thực hiện theo những nguyên tắc được nêu tại Điều 5 Luật Nuôi con nuôi với thứ tự ưu tiên:

  • Cha dượng, mẹ kế, cô, cậu, dì, chú, bác ruột của người được nhận làm con nuôi;
  • Công dân Việt Nam thường trú ở trong nước;
  • Người nước ngoài thường trú ở Việt Nam;
  • Công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài;
  • Người nước ngoài thường trú ở nước ngoài.

Trong đó, chỉ được cho làm con nuôi người ở nước ngoài khi không thể tìm được người nhận nuôi ở trong nước.

Điều kiện người nước ngoài được nhận trẻ Việt Nam làm con nuôi?

Để được nhận trẻ Việt Nam làm con nuôi, cả người nước ngoài thường trú ở nước ngoài và người nước ngoài thường trú ở Việt Nam đều phải đáp ứng các điều kiện nêu tại Điều 14 của Luật Nuôi con nuôi gồm:

  • Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
  • Hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên;
  • Có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi;
  • Có tư cách đạo đức tốt;
  • Không thuộc các trường hợp: Đang chấp hành quyết định xử phạt hành chính tại cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh; Đang chấp hành hình phạt tù; Chưa được xóa án tích về một trong những tội như mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em…

Ngoài ra, người nước ngoài thường trú ở nước ngoài còn phải đáp ứng các điều kiện của pháp luật nước người đó thường trú.

Người nước ngoài nhận con nuôi đăng ký ở đâu?

Thẩm quyền đăng ký nuôi con nuôi được quy định cụ thể tại Điều 9 Luật Nuôi con nuôi; và hướng dẫn tại Điều 2 Nghị định 19/2011/NĐ-CP của Chính phủ (sửa đổi bởi Nghị định 24/2019/NĐ-CP):

  • Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi thường trú của người được nhận làm con nuôi;
  • Nếu trẻ em có cơ sở nuôi dưỡng thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, nơi có trụ sở của cơ sở nuôi dưỡng trẻ em.

Sau khi có quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thì Sở Tư pháp sẽ thực hiện đăng ký việc nuôi con nuôi nước ngoài.

Thủ tục khi người nước ngoài nhận con nuôi

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

Hồ sơ của người nhận nuôi: Chuẩn bị 02 bộ:

  • Đơn xin nhận con nuôi;
  • Hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay thế (Bản sao);
  • Văn bản cho phép được nhận con nuôi ở Việt Nam;
  • Bản điều tra về tâm lý, gia đình;
  • Văn bản xác nhận tình trạng sức khoẻ;
  • Văn bản xác nhận thu nhập và tài sản;
  • Phiếu lý lịch tư pháp;
  • Văn bản xác nhận tình trạng hôn nhân;
  • Tài liệu chứng minh thuộc trường hợp được xin đích danh (nếu có).

Trong đó, hồ sơ của người nước ngoài nhận nuôi phải do cơ quan có thẩm quyền của nước nơi người nhận con nuôi thường trú lập, cấp hoặc xác nhận.

Hồ sơ của người được nhận nuôi: Chuẩn bị 03 bộ

  • Giấy khai sinh;
  • Giấy khám sức khỏe do cơ quan y tế cấp huyện trở lên cấp;
  • Hai ảnh toàn thân, nhìn thẳng chụp không quá 06 tháng;
  • Văn bản về đặc điểm, sở thích, thói quen đáng lưu ý của trẻ em;
  • Tài liệu chứng minh đã tìm gia đình thay thế trong nước cho trẻ em nhưng không thành…

Lưu ý rằng: Những giấy tờ; tài liệu do cơ quan nước ngoài cấp, lập; hoặc xác nhận thì phải được hợp pháp hóa lãnh sự khi sử dụng ở Việt Nam trừ trường hợp được miễn theo Điều ước quốc tế.

Bước 2: Kiểm tra, xác minh hồ sơ và xác nhận trẻ em có đủ điều kiện

Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, tiến hành lấy ý kiến (lập thành văn bản, có chữ ký, điểm chỉ của người được lấy ý kiến).

Sau khi kiểm tra, xác minh, nếu thấy trẻ em đủ điều kiện để làm con nuôi nước ngoài; thì Sở Tư pháp xác nhận và gửi Bộ Tư pháp.

Bước 3: Bộ Tư pháp kiểm tra, chuyển hồ sơ của người nhận con nuôi

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ; Bộ Tư pháp có trách nhiệm kiểm tra; xử lý hồ sơ của người nhận con nuôi:

  • Hết thời hạn tìm gia đình thay thế cho trẻ em; nếu không được người trong nước nhận làm con nuôi thì chuyển hồ sơ cho Sở Tư pháp; nơi trẻ em thường trú để xem xét, giới thiệu trẻ em làm con nuôi.
  • Người nhận con nuôi đích danh; Chuyển hồ sơ cho Sở Tư pháp nơi người được giới thiệu làm con nuôi thường trú để trình Ủy ban nhân dân xem xét, quyết định.

Bước 4: Quyết định cho trẻ em được nhận con nuôi nước ngoài

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ do Sở Tư pháp trình; Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định cho trẻ em làm con nuôi nước ngoài.

Sau khi có quyết định sẽ thông báo cho người nhận con nuôi; đến Việt Nam để làm thủ tục nhận con nuôi.

Người này phải có mặt ở Việt Nam trong thời hạn 60 ngày; kể từ ngày nhận được thông báo để trực tiếp nhận con nuôi.

Bước 5: Giao nhận con nuôi

Việc giao nhận con nuôi phải được lập thành biên bản; có chữ ký hoặc điểm chỉ của các bên và của đại diện Sở Tư pháp.

Sau đó, Bộ Tư pháp gửi quyết định này đến Bộ Ngoại giao để thông báo cho Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài; về việc trẻ em được nhận làm con nuôi để thực hiện biện pháp bảo hộ trong trường hợp cần thiết.

Thông tin liên hệ Luật sư 247

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật sư 247 về nội dung “Hướng dẫn thủ tục người nước ngoài nhận con nuôi ở Việt Nam”. Hy vọng bài viết sẽ giúp ích cho bạn đọc!

Luật sư 247 là đơn vị Luật uy tín; chuyên nghiệp, được nhiều cá nhân và tổ chức đặt trọn niềm tin. Được hỗ trợ và đồng hành để giải quyết những khó khăn về mặt pháp lý của quý khách là mong muốn của Luật sư 247. Để biết thêm thông tin chi tiết và nhận thêm sự tư vấn, giúp đỡ của luật sư 247 hãy liên hệ: 0833 102 102

Mời bạn xem thêm bài viết:

Hứa thưởng có rút lại được không?

Tranh chấp hợp đồng đặt cọc khi mua đất thì giải quyết như thế nào?

Câu hỏi liên quan

Con nuôi có quyền được biết về nguồn gốc của mình không?

Con nuôi có quyền được biết về nguồn gốc của mình. Không ai được cản trở con nuôi được biết về nguồn gốc của mình.
Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện cho con nuôi là người Việt Nam ở nước ngoài về thăm quê hương, đất nước.

Người nhận con nuôi phải đáp ứng các điều kiện nào?

Người nhận con nuôi phải có đủ các điều kiện sau đây:
a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
b) Hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên;
c) Có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi;
d) Có tư cách đạo đức tốt.

Đăng ký nhu cầu nhận con nuôi với cơ quan nào?

Công dân Việt Nam có nguyện vọng và đủ điều kiện nhận con nuôi theo quy định của Luật này nhưng chưa tìm được trẻ em để nhận làm con nuôi thì đăng ký nhu cầu nhận con nuôi với Sở Tư pháp nơi người đó thường trú; nếu có trẻ em để giới thiệu làm con nuôi thì Sở Tư pháp giới thiệu đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi trẻ em đó thường trú để xem xét, giải quyết.

Giấy tờ, tài liệu trong hồ sơ của người nhận con nuôi có phải hợp pháp hóa lãnh sự không?

Giấy tờ, tài liệu trong hồ sơ của người nhận con nuôi, hồ sơ của tổ chức con nuôi nước ngoài do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài lập, cấp hoặc xác nhận phải được hợp pháp hóa lãnh sự khi sử dụng ở Việt Nam, trừ trường hợp được miễn hợp pháp hóa lãnh sự theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc theo nguyên tắc có đi có lại.

5/5 - (1 bình chọn)
Chuyên mục:
Dân sự

Để lại một bình luận