Xác định và xử lý với số tiền thu lợi bất chính từ cho vay lãi nặng?

23/12/2021
Xác định và xử lý với số tiền thu lợi bất chính từ cho vay lãi nặng?
755
Views

Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự đang rất phổ biến trong tình hình dịch bệnh. Tuy nhiên trên thực tế việc xử lý với tội này còn gặp nhiều vướng mắc. Đó là việc xác định và xử lý với số tiền thu lợi bất chính từ cho vay lãi nặng. Vậy vấn đề này phải được hiểu như thế nào? Hãy cùng Luật sư 247 làm rõ về thắc mắc này nhé.

Căn cứ pháp lý

Nội dung tư vấn

Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự là gì?

Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự là hành vi vi phạm pháp luật hình sự. Trong đó người vay phải trả mức lãi suất cao hơn nhiều lần mức lãi suất dân sự quy định.

Theo Điều 201 Bộ luật hình sự 2015 :

Người phạm tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự khi thuộc một trong các trường hợp:

  • Cho vay với lãi suất gấp 05 lần mức lãi suất cao nhất theo Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng
  • Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà vi phạm
  • Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm,

Bên cạnh đó, người này chỉ bị truy cứu hình sự khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:

  • Có năng lực trách nhiệm hình sự: về tuổi, khả năng nhận thức và điều khiển hành vi
  • Thực hiện hành vi phạm tội với lỗi cố ý

Xác định số tiền thu lợi bất chính từ việc cho vay lãi nặng

Xét trên sự chênh lệch lãi suất cho vay so với Bộ luật dân sự

Khoản tiền thu lợi bất chính là tổng số tiền lãi thu được từ việc cho vay? Hay là còn phải trừ đi tiền lãi theo quy định của Bộ luật Dân sự?

Khoản tiền thu lợi bất chính là một trong các căn cứ để xác định trách nhiệm hình sự. Vậy số tiền lãi này được xác định như thế nào?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật Dân sự thì:

“Lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay…”.

Do đó, khoản tiền thu lợi bất chính để xác định trách nhiệm hình sự là số tiền lãi thu được sau khi trừ đi số tiền lãi tương ứng với mức lãi suất theo quy định của Bộ luật Dân sự.

Vậy ta có công thức tính:

Tiền thu lợi bất chính= Số tiền lãi thu được (-) số tiền lãi theo quy định BLDS ( mức lãi suất 20%)

Xét trên số người vay

-Khoản tiền thu lợi bất chính để xác định trách nhiệm hình sự trong vụ án là tổng số tiền lãi mà người phạm tội thu được của tất cả những người vay hay số tiền lãi thu được của từng người vay?

Khoản tiền thu lợi bất chính để xác định trách nhiệm hình sự là tổng số tiền lãi mà người phạm tội thu được của tất cả những người vay, nếu hành vi cho vay lãi nặng được thực hiện một cách liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian.

Trường hợp một người thực hiện nhiều lần hành vi cho vay lãi nặng, mà tổng số tiền thu lợi bất chính của các lần phạm tội từ 100 triệu đồng trở lên, nếu các lần phạm tội đều chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, thì ngoài việc bị áp dụng khung hình phạt tương ứng với trị giá tài sản chiếm đoạt, họ còn bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội 02 lần trở lên” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự.

Xử lý đối với số tiền thu lợi bất chính từ việc cho vay lãi nặng?

Khoản tiền thu lợi bất chính này bị tịch thu sung công hay trả lại cho người vay?

Theo quy định tại đoạn 2 khoản 1 Điều 468 của Bộ luật Dân sự thì:

“Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực”.

 Do đó, khoản tiền lãi tương ứng với mức lãi suất trên 20%/năm là khoản tiền mà người phạm tội thu lợi bất chính của người vay nên được trả lại cho người vay tiền, trừ trường hợp người vay sử dụng tiền vay vào mục đích bất hợp pháp (như đánh bạc, mua bán trái phép chất ma túy…) thì khoản tiền thu lợi bất chính bị tịch thu sung công quỹ nhà nước.

Xử lý với số tiền của người phạm tội dùng để cho vay?

-Khoản tiền người phạm tội dùng để cho vay và khoản lãi tương ứng với mức lãi suất 20%/năm có xác định là phương tiện phạm tội để tịch thu sung quỹ nhà nước hay trả cho người phạm tội?

Đối với khoản tiền cho vay (tiền gốc) được xác định là phương tiện phạm tội, nên bị tịch thu sung quỹ Nhà nước.

Đối với khoản tiền lãi tương ứng với mức lãi suất 20%/năm tuy không bị tính khi xác định trách nhiệm hình sự, nhưng đây cũng là khoản tiền phát sinh từ tội phạm, đồng thời hoạt động cho vay lãi nặng thường gắn với các băng nhóm tội phạm.

Do đó, để bảo đảm yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm thì Tòa án phải tuyên tịch thu sung công quỹ nhà nước khoản tiền này.

Tư cách tham gia tố tụng của người vay tiền trong vụ án

-Người vay tiền trong vụ án cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự tham gia tố tụng với tư cách là bị hại hay là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan?

Theo quy định tại Điều 65 Bộ luật Tố tụng hình sự:

Người vay tiền tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Họ không phải bị hại vì mức lãi suất đó do cả hai bên thỏa thuận chấp nhận. Đồng thời mục đích phạm tội không phải là gây thiệt hại cho bên vay mà là số tiền lãi.

Có bắt buộc phải trưng cầu giám định về tiền lãi không?

Theo Điều 4 của Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-VKSNDTC- TANDTC-BCA-BTP:

Những trường hợp cần thiết phải trưng cầu giám định tư pháp trong giải quyết vụ án, vụ việc về tham nhũng, kinh tế thì việc xác định tiền lãi, tiền lãi nặng trong vụ án này không thuộc trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định tư pháp. Do đó số tiền này có thể xác định dựa trên các chứng cứ mà không cần phải giám định.

Trên đây là tư vấn của Luật sư 247 về nội dung vấn đề “ Xác định và xử lý với số tiền thu lợi bất chính từ cho vay lãi nặng?” Hy vọng rằng các kiến thức trên có thể giúp ích cho bạn trong công việc và cuộc sống. Nếu có thắc mắc cần thêm sự tư vấn và giúp đỡ hãy liên hệ 0833102102.

Mời bạn xem thêm

Câu hỏi thường gặp

Lãi suất tối đa theo quy định Bộ luật dân sự?

Điều 468 BLDS năm 2015 quy định:
Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Xác định loại tội phạm thế nào?

Theo Điều 9 Bộ luật hình sự thì có 4 loại tội phạm. Bao gồm: tội ít nghiêm trong, tội nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng. Việc xác định sẽ căn cứ vào mức cao nhất của khung hình phạt và tương ứng với Điều 9 để suy ra loại tội.

Tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự là gì?

Theo Điều 21 Bộ luật hình sự :
Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.

5/5 - (1 bình chọn)
Chuyên mục:
Hình sự

Comments are closed.