Cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự bị phạt bao nhiêu năm tù?

18/10/2021
Cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự bị phạt bao nhiêu năm tù?
721
Views

Hiện nay, hiện tượng cho vay nặng lãi đã trở nên vô cùng phổ biến trong đời sống xã hội. Đây là một hành vi gây ảnh hưởng xấu đến xã hội, và đã có một số quy định để xử lý hành vi vi phạm này. Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu rõ về các chế tài được pháp luật quy định. Liên quan tới chủ đề này, chúng tôi sẽ đề cập tới vụ việc đang gây xôn xao dư luận gần đây. Đây là một vụ việc về một nhóm đối tượng đã thực hiện hành vi cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự.

Tóm tắt vụ việc:

Vũ Văn Dũng cho đàn em hưởng 25% lãi suất của mỗi “bát họ”, song chỉ trả công khi khách hàng thanh toán toàn bộ cả gốc lẫn lãi. Đàn em của Dũng vì thế dùng mọi thủ đoạn để đòi được tiền.

Khám xét nơi ở đối với Vũ Văn Dũng, cơ quan điều tra thu giữ 8 sổ ghi chép khách vay nợ, 6 điện thoại di động, cùng nhiều tài liệu liên quan khác.

Quá trình điều tra, cơ quan công an xác định, từ cuối năm 2018, Vũ Văn Dũng tổ chức kinh doanh tài chính dưới hình thức cho vay bốc bát họ, từ 5-50 triệu đồng.

Khách vay tiền của Dũng sẽ bị cắt lãi trước. Với bát họ 10 triệu đồng, Dũng cắt lãi 2 triệu đồng, khách phải trả trong vòng 50 ngày, mỗi ngày 200 nghìn đồng (tương ứng lãi suất 146%/năm).

Vậy hành vi cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự này sẽ bị xử lý thế nào? Hãy cùng Luật Sư 247 tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Căn cứ pháp lý

Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017
Bộ luật dân sự 2015
Bộ luật tố tụng hình sự 2015
Nghị định 167/2013/NĐ-CP

Quy định về lãi suất trong hợp đồng vay dân sự

Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định về lãi suất vay như sau:

Điều 468. Lãi suất

“1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.

Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

2. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi; nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ.

Như vậy theo quy định trên, lãi suất giới hạn là lãi suất cao nhất trong Bộ luật Dân sự. Lãi suất cho vay không được vượt quá 20%/năm (tức 1,67%/tháng) của khoản tiền vay.

Cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự là như thế nào và có thể bị khép vào tội gì?

Từ những quy định trên ta có thể hiểu cho vay nặng lãi là hành vi thực hiện việc cho vay với lãi suất cao so với mặt bằng chung về mức lãi suất cho vay trong xã hội.

Với những trường hợp cho vay mà để lãi suất vượt quá mức quy định của pháp luật tại khoản 1 điều 468, BLDS 2015 thì còn là một hành vi vi phạm pháp luật.

Ngoài ra theo quy định tại điều 201, Bộ luật hình sự 2015:

Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự; thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng; hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này; hoặc đã bị kết án về tội này; chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì người đó sẽ bị xử lý hình sự theo quy định pháp luật.

Do đó, hành vi cho vay nặng lãi nếu có mức lãi suất cao hơn mức quy định của pháp luật thì đối tượng thực hiện vi phạm này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội danh cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự theo điều 201, BLHS 2015.

Cấu thành tội phạm tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự

Để làm rõ hơn về Tội cho vay nặng lãi được quy định tại Điều 201 BLHS 2015 chúng ta cần phân tích các yếu tố cấu thành của tội phạm này, cụ thể là cần phải làm rõ 4 yếu tố sau đây:

Về chủ thể của tội phạm:

Chủ thể của tội cho vay nặng lãi không phải là chủ thể thường. Cho nên bất cứ người nào đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự là từ đủ 16 tuổi trở lên; có đủ năng lực trách nhiệm hình sự khi thực hiện hành vi thì đều phải chịu trách nhiệm về tội này.

Khách thể của tội phạm:

Khách thể của tội phạm là quan hệ xã hội bị tội phạm xâm phạm đến, và quan hệ xã hội mà tội cho vay nặng lại xâm phạm ở đây là trật tự quản lý kinh tế; cụ thể là trong lĩnh vực kinh doanh tiền tệ.

Ngoài ra cho vay nặng lãi có thể là nguyên nhân dẫn đến xâm phạm trật tự an toàn; an ninh khi có hành vi siết nợ diễn ra trên thực tế.

Mặt chủ quan của tội phạm:

Khi xét đến mặt chủ quan của tội phạm, người ta xét đến yếu tố lỗi của người phạm tội; đối với tội cho vay nặng lãi, lỗi của người phạm tội ở đây là lỗi cố ý; tức là biết rõ hành vi cho vay lãi xuất cao của mình là vi phạm pháp luật; nhưng vẫn thực hiện vì lợi nhuận bất chính kiếm được là rất cao.

Mặt khách quan tội phạm:

Về hành vi:

Hành vi khách quan của tội này là hành vi cho người khác vay tiền; nhưng là cho vay với mức lãi xuất cao gấp 05 lần mức lại suất cao nhất trong hợp đồng dân sự.

Việc cho vay này có thể được lập thành hợp đồng hoặc không; do tính chất trái pháp luật của hành vi nay, nên rất ít khi bên cho vay và bên vay có lập một hợp đồng vay ghi mức lãi suất rõ ràng mà thường chỉ là hai bên thỏa thuận bằng miệng với nhau.

Bên cho vay thường dùng thủ đoạn lợi dụng lúc người vay đang gặp khó khăn về tài chính; có thể là do tai nạn, ốm đau, hoặc khó khăn đột xuất, cần gấp một khoản tiền lớn; họ sẽ áp dụng hình thức cho vay nóng, quảng cáo thủ tục đơn giản, giải ngân dễ dàng so với vay ở ngân hàng; hay các tổ chức tín dụng hoạt động chính thống để người vay phải vay với lãi suất cao.

Hậu quả:

Hậu quả gây ra thiệt hại về vật chất đối với người đi vay do phải trả một khoản lãi quá cao so với quy định. Và đôi khi là còn kem theo cả tổn hại về sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm; do trên thực tế, không phải ai vay nặng lãi cũng có khả năng trả nợ; mà nhắc đến vay nặng lãi thì người ta cũng đồng thời nghĩ đến siết nợ xã hội đen; do đó thiệt hại xảy ra không chỉ là đối với người đi vay mà còn ảnh hưởng tớ cả trật tự an ninh xã hội.

Hành vi cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự bị xử phạt bao nhiêu năm tù?

Tùy vào tính chất và mức độ vi phạm, người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự như sau:

Xử phạt hành chính

Khoản 3 điều 11, Nghị định 167/2013/NĐ-CP về vi phạm các quy định về quản lý ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự quy định mức xử phạt như sau:

“3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Hoạt động kinh doanh ngành, nghề có điều kiện về an ninh, trật tự mà không có giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự;

b) Sửa chữa, tẩy xóa giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự;

c) Không duy trì đúng và đầy đủ các điều kiện về an ninh; trật tự trong quá trình hoạt động kinh doanh;

d) Cho vay tiền có cầm cố tài sản; nhưng lãi suất cho vay vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm cho vay.”

Như vậy với hành vi cho vay nặng lãi quá mức lãi suất quy định thì người vi phạm sẽ bị xử phạt từ 5-15 triệu đồng.

Truy cứu trách nhiệm hình sự

Điều 201, BLHS 2015 quy định như sau về các mức hình phạt cho tội danh cho vay nặng lãi:

Điều 201. Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự

“1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự; thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng; hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này; hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Phạm tội mà thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên; thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng; cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

Như vậy, khi bị truy cứu trách nhiệm hình sự, mức án cao nhất dành cho các đối tượng phạm tội cho vay nặng lãi sẽ là bị phạt tù 3 năm.

Những cá nhân gặp trường hợp cho vay nặng lãi cũng có thể tiến hành các thủ tục tố cáo hành vi cho vay nặng lãi này theo quy định pháp luật.

Thực hiện hành vi cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự theo nhóm thì bị xử lý ra sao?

Ngoài ra, trong vụ việc này, còn xuất hiện dấu hiệu đồng phạm. Vậy việc định tội danh cho các đối tượng sẽ được thực hiện như thế nào?

Đồng phạm là gì?

Điều 17, Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định như sau về đồng phạm:

1. Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm.

2. Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm.

3. Người đồng phạm bao gồm người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức.

Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm.

Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm.

Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm.

Người giúp sức là người tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.

4. Người đồng phạm không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của người thực hành.”

Đồng phạm với tội danh cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự bị xử lý ra sao?

Theo quy định của pháp luật; đồng phạm phải chịu trách nhiệm hình sự về toàn bộ tội phạm; như vậy tất cả những người đồng phạm đều bị truy tố xét xử theo cùng một tội danh, cùng một điều luật và trong phạm vi chế tài của điều luật ấy.

Cụ thể, tại điều 58, Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định như sau:

Khi quyết định hình phạt đối với những người đồng phạm, Tòa án phải xét đến tính chất của đồng phạm, tính chất và mức độ tham gia phạm tội của từng người đồng phạm.

Các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng hoặc loại trừ trách nhiệm hình sự thuộc người đồng phạm nào, thì chỉ áp dụng đối với người đó.

Mời bạn xem thêm bài viết:

Hợp đồng vay tiền bằng miệng thì giải quyết như thế nào theo quy định?
Cổ đông sáng lập cho Công ty vay tiền cá nhân được không?

Có phải trả lại tiền lương của chồng khi ly hôn không?

Trên đây là tư vấn của chúng tôi về “Cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự bị phạt bao nhiêu năm tù?”. Nếu có thắc mắc gì về vấn đề này xin vui lòng liên hệ: 0833102102

Câu hỏi thường gặp

Nộp đơn tố cáo tội cho vay nặng lãi ở đâu?

Theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015; thì hành vi cho vay nặng lãi nếu phải đến mức truy cứu truy cứu hình sự; thì người phạm tội có thể sẽ bị khởi tố theo Điều 201 về tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự.
Căn cứ vào Khoản 2 của Điều 145 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015; thì Cơ quan có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố bao gồm: 
Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và một số Cơ quan tổ chức khác tiếp nhận tin báo, tố giác về tội phạm.

Nội dung đơn tố cáo được quy định thế nào?

– Tên cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết khiếu nại.
– Họ tên của người làm đơn tố cáo:
– Họ tên, chức vụ và hành vi vi phạm pháp luật của người bị tố cáo
– Người, có quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo xác minh, kết luận và xử lý người có hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

Giao dịch dân sự có hiệu lực khi nào?

Căn cứ vào Điều 117 Bộ luật Dân sự năm 2015:
a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;
b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;
c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

5/5 - (1 bình chọn)
Chuyên mục:
Hình sự

Trả lời