Trên nhãn hàng hoá có bắt buộc ghi hạn sử dụng không?

18/08/2022
688
Views

Xin chào luật sư. Tôi ra cửa hàng tạp hóa mua các thực phẩm, đồ dùng để nấu ăn. Với một số sản phẩm tôi không thấy có ghi hạn sử dụng hay ngày sản xuất. Vậy xin hỏi trên nhãn hàng hoá có bắt buộc ghi hạn sử dụng không? Trên nhãn hàng hóa sẽ có các nội dung nào là bắt buộc? Liệu nhà kinh doanh có bị phạt khi nhãn hàng hóa không ghi đủ các nội dung bắt buộc không? Mong luật sư giải đáp giúp tôi.

Hạn sử dụng là thông tin vô cùng quan trọng mà người tiêu dùng sẽ để ý tới đầu tiên khi mua bất kỳ sản phẩm nào. Hạn sử dụng sẽ quyết định việc sản phẩm có còn đảm bảo chất lượng khi sử dụng hay không. Vậy pháp luật quy định như thế nào về việc các nội dung cần ghi trên nhãn hàng hóa? Hạn sử dụng có cần phải ghi trên nhãn không? Nhãn hàng hóa không ghi hạn sử dụng thì bị xử lý như thế nào? Để làm rõ vấn đề này, Luật sư 247 xin giới thiệu đến bạn đọc bài viết “Trên nhãn hàng hoá có bắt buộc ghi hạn sử dụng không?“. Mời bạn đọc cùng tham khảo.

Căn cứ pháp lý

Nhãn hàng hóa là gì?

Theo Điều 3 Nghị định 43/2017/NĐ-CP quy định về khái niệm nhãn hàng hóa như sau:

Nhãn hàng hóa là bản viết, bản in, bản vẽ, bản chụp của chữ, hình vẽ, hình ảnh được dán, in, đính, đúc, chạm, khắc trực tiếp trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa hoặc trên các chất liệu khác được gắn trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa;

Nhãn gốc của hàng hóa là nhãn thể hiện lần đầu do tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa gắn trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa;

Nhãn phụ là nhãn thể hiện những nội dung bắt buộc được dịch từ nhãn gốc của hàng hóa bằng tiếng nước ngoài ra tiếng Việt và bổ sung những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt theo quy định của pháp luật Việt Nam mà nhãn gốc của hàng hóa còn thiếu;

Trong đó ghi nhãn hàng hóa là thể hiện nội dung cơ bản, cần thiết về hàng hóa lên nhãn hàng hóa để người tiêu dùng nhận biết, làm căn cứ lựa chọn, tiêu thụ và sử dụng; để nhà sản xuất, kinh doanh, thông tin, quảng bá cho hàng hóa của mình và để các cơ quan chức năng thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát;

Nhãn hàng hóa là một trong các dấu hiệu nhận biết hàng hóa và được người tiêu dùng chú ý đến. Trên hàng hóa sẽ thể hiện nội dung cơ bản mà vô cùng cần thiết về hàng hóa để cho người tiêu dùng có thể nhận biết về hàng hóa và lấy đó làm cơ sở để lựa chọn, sử dụng hàng hóa đúng với mục đích và đảm bảo được chất lượng. 

Đối với các nhà hoạt động kinh doanh sản xuất thì nhãn hàng hóa có vai trò vô cùng to lớn trong việc quảng bá hiệu quả của sản phẩm. Không những thế, nhãn hiệu còn có vai trò vô cùng quan trọng để các cơ quan chức năng lấy căn cứ để đem đi kiểm tra chất lượng và kiểm soát hàng hóa.

Quy định về nội dung trên nhãn hàng hóa

Các nội dung bắt buộc phải có trên nhãn hàng hóa

Tại Khoản 1 Điều 10 Nghị định 43/2017/NĐ-CP được sửa đổi bởi Khoản 5 Điều 1 Nghị định 111/2021/NĐ-CP có quy định về nội dung bắt buộc ghi trên nhãn hàng hóa như sau:

1. Nhãn hàng hóa của các loại hàng hóa đang lưu thông tại Việt Nam bắt buộc phải thể hiện các nội dung sau bằng tiếng Việt:

a) Tên hàng hóa;

b) Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa;

c) Xuất xứ hàng hóa.

Trường hợp không xác định được xuất xứ thì ghi nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa theo quy định tại khoản 3 Điều 15 Nghị định này;

d) Các nội dung bắt buộc khác phải thể hiện trên nhãn theo tính chất của mỗi loại hàng hóa quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này và quy định pháp luật liên quan.

Trường hợp hàng hóa có tính chất thuộc nhiều nhóm quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này và chưa quy định tại văn bản quy phạm pháp luật khác liên quan, tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa căn cứ vào công dụng chính của hàng hóa tự xác định nhóm của hàng hóa để ghi các nội dung theo quy định tại điểm này.

Trường hợp do kích thước của hàng hóa không đủ để thể hiện tất cả các nội dung bắt buộc trên nhãn thì phải ghi những nội dung quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều này trên nhãn hàng hóa, những nội dung quy định tại điểm d khoản 1 Điều này được ghi trong tài liệu kèm theo hàng hóa và trên nhãn phải chỉ ra nơi ghi các nội dung đó.

Có bắt buộc ghi hạn sử dụng trên nhãn hàng hóa không?

Trên nhãn hàng hoá có bắt buộc ghi hạn sử dụng không?
Trên nhãn hàng hoá có bắt buộc ghi hạn sử dụng không?

“Hạn sử dụng” hoặc “hạn dùng” là mốc thời gian sử dụng ấn định cho hàng hóa hoặc một lô hàng hóa mà sau thời gian này hàng hóa không còn giữ được đầy đủ các đặc tính chất lượng vốn có của nó.

Hạn dùng của hàng hóa được thể hiện bằng khoảng thời gian tính từ ngày sản xuất đến ngày hết hạn hoặc thể hiện bằng ngày, tháng, năm hết hạn. Trường hợp hạn dùng chỉ thể hiện tháng, năm thì hạn dùng được tính đến ngày cuối cùng của tháng hết hạn;

Theo Điểm d Khoản 1 Điều 10 Nghị định 43/2017/NĐ-CP được sửa đổi bởi Khoản 5 Điều 1 Nghị định 111/2021/NĐ-CP, trên nhãn hàng hóa bắt buộc phải có các nội dung khác phải thể hiện trên nhãn theo tính chất của mỗi loại hàng hóa quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định.

Bên cạnh cứ căn cứ Theo Phụ lục I ban hành kèm Nghị định 43/2017/NĐ-CP , về nhãn hàng hóa thì các nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn của lương thực, thực phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm đã qua chiếu xạ, thực phẩm biến đổi gen, đồ uống, rượu, phụ gia thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm bắt buộc phải ghi hạn sử dụng trên nhãn sản phẩm.

Nội dung không cần thể hiện tập trung trên nhãn hàng hóa?

Căn cứ Khoản 1 Điều 4 Thông tư 05/2019/TT-BKHCN quy định về vị trí nhãn hàng hóa như sau:

1. Những nội dung bắt buộc phải ghi trên nhãn hàng hóa không cần thể hiện tập trung trên nhãn, có thể ghi trên vị trí khác của hàng hóa, bảo đảm khi quan sát có thể nhận biết được dễ dàng, đầy đủ mà không phải tháo rời các chi tiết, các phần của hàng hóa. Những nội dung bắt buộc đó là một phần của nhãn hàng hóa.

Ví dụ 1: số khung của xe máy được dập trên khung xe hay số Vm của ô tô được khắc trực tiếp trên thân xe tuy không được thể hiện cùng vị trí với các nội dung bắt buộc khác nhưng ở vị trí có thể nhận biết được dễ dàng, không phải tháo rời các chi tiết, nội dung này là một phần của nhãn hàng hóa.

Ví dụ 2: ngày sản xuất, hạn sử dụng hoặc định lượng của hàng hóa được in sẵn trên đáy hoặc thân chai, không cùng vị trí với các nội dung khác trên bản in nhãn gắn trên chai nhưng vẫn dễ dàng nhận biết được, nội dung này là một phần của nhãn hàng hóa.

Như vậy, nội dung bắt buộc phải ghi trên nhãn hàng hóa không cần thể hiện tập trung trên nhãn, có thể ghi trên vị trí khác của hàng hóa, bảo đảm khi quan sát có thể nhận biết được dễ dàng, đầy đủ mà không phải tháo rời các chi tiết, các phần của hàng hóa.

Không ghi các nội dung bắt buộc cần có trên nhãn hàng hóa bị xử phạt như thế nào?

Nếu dán tem/decal và vẫn để nhãn hàng hóa thiếu thông tin bắt buộc cần phải có thì sẽ phải chịu rủi ro bị phạt hành chính theo Khoản 1, 2 Điều 31 Nghị định 119/2017/NĐ-CP; khoản 48, khoản 49 Điều 2 Nghị định 126/2021/NĐ-CP. Cụ thể:

1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị dưới 5.000.000 đồng, trừ trường hợp hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam đã có nhãn gốc nhưng không đọc được các nội dung trên nhãn theo quy định pháp luật mà các tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa không khắc phục được, hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam đã có nhãn gốc nhưng chưa có nhãn phụ khi làm thủ tục thông quan:

a) Sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, lưu giữ, buôn bán hàng hóa có nhãn (kể cả nhãn phụ) hoặc tài liệu kèm theo không ghi đủ hoặc ghi không đúng các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa hoặc nội dung bắt buộc phải thể hiện theo tính chất hàng hóa theo quy định pháp luật về nhãn hàng hóa;

b) Nhập khẩu, vận chuyển, lưu giữ, buôn bán hàng hóa hàng nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam.”.

2. Mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 5.000.000 đồng trở lên được quy định như sau:

a) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng;

b) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng;

c) Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng;

d) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 30.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;

đ) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 70.000.000 đồng;

e) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 70.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

g) Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên;

h) Phạt tiền gấp 02 lần mức tiền phạt quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e và g khoản này trong trường hợp hàng hóa vi phạm là: lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thực phẩm chức năng.”.

Theo đó nhãn hàng hóa không ghi đủ các thông tin bắt buộc cần có thì người kinh doanh có thể bị phạt từ 500.000 đồng đến 30.000.000 tùy thuộc vào giá trị của hàng hóa dán nhãn. Với ương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thực phẩm chức năng, mức phạt này sẽ gấp đôi.

Thông tin liên hệ

Trên đây là tư vấn về “Trên nhãn hàng hoá có bắt buộc ghi hạn sử dụng không?”. Mong rằng các kiến thức trên có thể giúp ích cho bạn trong cuộc sồng hằng ngày. Hãy theo dõi chúng tôi để biết thêm nhiều kiến thức bổ ích. Và nếu quý khách có thắc mắc về cách báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn quý 4 hoặc muốn tham khảo mẫu biên bản hủy hóa đơn giấy cũng như các vấn đề pháp lý khác của chúng tôi mời quý khách hàng liên hệ đến hotline để được tiếp nhận.

Liên hệ hotline: 0833102102. Hoặc bạn có thể tham khảo thêm các kênh sau:

Mời bạn xem thêm

Câu hỏi thường gặp

Ghi hạn sử dụng trên nhãn hàng hóa nhập khẩu như thế nào?

Hàng hóa nhập khẩu mà thông tin ngày sản xuất và hạn sử dụng trên nhãn gốc được ghi bằng ký tự chữ thì doanh nghiệp có thể chú thích các ký tự chữ này trên nhãn phụ sản phẩm mà không cần phải ghi lại “NSX” và “HSD” theo ký tự số.
Ví dụ: MFG 20 Jan 2020, EXP 20 Feb 2022, trên nhãn ghi như sau: NSX, HSD xem “MFG”, “EXP” trên bao bì, Jan=01, Feb = 02… Dec =12.

Nhãn hàng hóa được dán ở vị trí nào?

Nhãn hàng hóa phải được thể hiện trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa ở vị trí khi quan sát có thể nhận biết được dễ dàng, đầy đủ các nội dung quy định của nhãn mà không phải tháo rời các chi tiết, các phần của hàng hóa.
Trường hợp không được hoặc không thể mở bao bì ngoài thì trên bao bì ngoài phải có nhãn và nhãn phải trình bày đầy đủ nội dung bắt buộc.

Nhãn hàng hóa sử dụng tiếng nước ngoài được không?

Theo Điều 5 Thông tư 05/2019/TT-BKHCN quy định về ngôn ngữ trình bày trên nhãn hàng hóa như sau:
1. Ngôn ngữ trình bày trên nhãn hàng hóa không phải dịch tất cả nội dung bằng tiếng Việt ra ngôn ngữ khác. Nếu dịch ra ngôn ngữ khác thì nội dung ngôn ngữ khác phải bảo đảm cho người đọc hiểu tương ứng với nội dung tiếng Việt.
2. Những nội dung không phải nội dung bắt buộc mà thể hiện bằng ngôn ngữ khác không được làm hiểu sai lệch bản chất, công dụng của hàng hóa và không được làm hiểu sai nội dung khác của nhãn hàng hóa.
3. Tên quốc tế của nước hoặc vùng lãnh thổ không thể phiên âm được ra tiếng Việt hoặc phiên âm được ra tiếng Việt nhưng không có nghĩa thì được phép sử dụng tên quốc tế đó.
Do đó với một sô nội dung không bắt buộc phải sử dụng tiếng Việt mà có thể bằng tiếng nước ngoài.

5/5 - (1 bình chọn)
Chuyên mục:
Luật khác

Comments are closed.