Tội dâm ô bị xử phạt như thế nào theo quy định pháp luật?

31/12/2021
Tội dâm ô bị xử phạt như thế nào theo quy định pháp luật? Cấu thành tội phạm của tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi
806
Views

Gần đây, tình trạng xâm hại tình dục trẻ em đang là vấn đề đáng lo ngại tại Việt Nam. Trong đó, dâm ô trẻ em là hành vi xảy ra phổ biến. Vậy tội dâm ô bị xử phạt như thế nào theo quy định pháp luật? Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, Luật sư 247 mời bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây

Căn cứ pháp lý

Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017

Dâm ô là gì?

Dâm ô là một loại hành vi xâm hại tình dục, hành vi xúc phạm thân thể, nhân phẩm người khác nhưng không nhằm mục đích giao cấu.

Hành vi dâm ô được coi là tội phạm khi đối tượng của hành vi này hướng tới người dưới 16 tuổi (theo quy định pháp luật hiện hành).

Tội dâm ô bị xử phạt như thế nào theo quy định pháp luật?

Tại Điều 146 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về Tội dâm ô người dưới 16 tuổi như sau:

“1. Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà có hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi không nhằm mục đích giao cấu hoặc không nhằm thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Phạm tội có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Đối với 02 người trở lên;

d) Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh;

đ) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

e) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:

a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

b) Làm nạn nhân tự sát.

Cụ thể, tại khoản 3 Điều 3 Nghị quyết 06/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn về hành vi dâm ô người dưới 16 tuổi như sau:

Dâm ô quy định tại khoản 1 Điều 146 là hành vi của những người cùng giới tính hoặc khác giới tính tiếp xúc về thể chất trực tiếp hoặc gián tiếp qua lớp quần áo vào bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác trên cơ thể của người dưới 16 tuổi có tính chất tình dục nhưng không nhằm quan hệ tình dục.

Trong đó, các hành vi dâm ô bao gồm:

– Dùng bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm tiếp xúc (ví dụ: đụng chạm, cọ xát, chà xát…) với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác của người dưới 16 tuổi;

– Dùng bộ phận khác trên cơ thể (ví dụ: tay, chân, miệng, lưỡi…) tiếp xúc (ví dụ: vuốt ve, sờ, bóp, cấu véo, hôn, liếm…) với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm của người dưới 16 tuổi;

– Dùng dụng cụ tình dục tiếp xúc (ví dụ: đụng chạm, cọ xát, chà xát…) với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm của người dưới 16 tuổi;

– Dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 tuổi dùng bộ phận khác trên cơ thể của họ tiếp xúc (ví dụ: vuốt ve, sờ, bóp, cấu véo, hôn, liếm…) với bộ phận nhạy cảm của người phạm tội hoặc của người khác;

– Các hành vi khác có tính chất tình dục nhưng không nhằm quan hệ tình dục (ví dụ: hôn vào miệng, cổ, tai, gáy… của người dưới 16 tuổi).

Như vậy, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà người từ đủ 18 tuổi trở lên phạm tội dâm ô người dưới 16 tuổi khi thực hiện một trong các hành vi dâm ô trẻ em như trên có thể bị phạt tù đến 12 năm.

Đồng thời, theo khoản 4 Điều 146 Bộ luật Hình sự, người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 – 05 năm.

Lưu ý: Không xử lý hình sự theo quy định tại Điều 146 nếu thuộc một trong các trường hợp:

– Người trực tiếp chăm sóc, giáo dục người dưới 10 tuổi, người bệnh, người tàn tật, có hành vi tiếp xúc với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm của họ nhưng không có tính chất tình dục (ví dụ: cha, mẹ tắm rửa, vệ sinh cho con dưới 10 tuổi; giáo viên mầm non tắm rửa, vệ sinh cho trẻ mầm non…);

– Người làm công việc khám, chữa bệnh, chăm sóc y tế; người cấp cứu, sơ cứu người bị nạn có hành vi tiếp xúc với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác của người dưới 16 tuổi nhưng không có tính chất tình dục (ví dụ: bác sĩ khám, chữa bệnh cho bệnh nhân; sơ cứu, cấp cứu người bị tai nạn, người bị đuối nước…)

Cấu thành tội phạm của tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi

Mặt khách quan của tội phạm

Mặt khách quan của tội phạm là mặt bên ngoài của tội phạm bao gồm những dấu hiệu của tội phạm, diễn ra và tồn tại bên ngoài thế giới khách quan. Mặt khách quan của tội này bao gồm những dấu hiệu sau:

Hành vi khách quan

Người phạm tội có các hành vi kích dục đối với người dưới 16 tuổi như: sờ, bóp, hoặc dùng các bộ phận nhạy cảm về tình dục (như dương vật) cọ sát vào cơ thể hoặc bộ phận sinh dục của trẻ em. Hoặc buộc trẻ em sờ, bóp, cọ xát… vào những bộ phận kích thích tính dục hoặc bộ phận sinh dục của người phạm tội hoặc của người khác.

Hậu quả

Hành vi dâm ô xâm phạm đến thân thể, nhân phẩm của người dưới 16 tuổi. Ảnh hưởng đến sức khỏe về cả thể chất và tinh thần của nạn nhân.

Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả

Hành vi dâm ô của người phạm tội là một hành vi trái pháp luật, là nguyên nhân tất yếu dẫn đến hậu quả xâm hại thân thể, nhân phẩm của nạn nhân.

Mặt chủ quan của tội phạm

Mục đích của tội dâm ô với người dưới 16 tuổi

Mục đích cửa người phạm tội là nhằm thỏa mãn dục vọng của bản thân nhưng không nhằm mục đích giao cấu với nạn nhân.

Nếu người phạm tội có mục đích giao cấu hoặc đã giao cấu với nạn nhân thì sẽ phạm vào tội khác theo quy định của Bộ luật Hình sự như: Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi, Cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi.

Yếu tố lỗi

Người phạm tội thực hiện tội phạm với lỗi cố ý trực tiếp.

Chủ thể của tội phạm

Chủ thể tội phạm là người từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi và năng lực trách nhiệm hình sự.

Khách thể của tội phạm

Hành vi dâm ô đã xâm phạm đến quyền được bảo vệ về nhân phẩm, thân thể, sức khỏe, tâm lí và sự phát triển bình thường của người dưới 16 tuổi (trẻ em).

Nạn nhân là người dưới 16 tuổi, không phân biệt nam hay nữ.

Như vậy, hành vi dâm ô được coi là tội phạm khi thể hiện đầy đủ các yếu tố cấu thành tội phạm nêu trên.

Nếu không có đầy đủ các yếu tố cấu thành trên đây thì không được coi là phạm tội Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi.

Mời bạn xem thêm bài viết

Trên đây là quan điểm của Luật sư 247 về vấn đề “Tội dâm ô bị xử phạt như thế nào theo quy định pháp luật?”. Để biết thêm thông tin chi tiết hoặc giải đáp những vấn đề pháp lý khó khăn; vui lòng sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật hoặc liên hệ hotline: 0833.102.102.

Câu hỏi thường gặp

Hành vi giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi là gì?

Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi là hành vi của một người đã thành niên giao cấu; hoặc thực hiện hành vi tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi không trái với ý muốn của nạn nhân.

Chủ thể tội phạm tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi

Người phạm tội phải là người đã thành niên, tức là người đã đủ 18 tuổi trở lên. Chủ thể của tội phạm này có thể là nữ giới, nhưng đa số là nam giới.

5/5 - (1 bình chọn)
Chuyên mục:
Hình sự

Comments are closed.