Có lẽ cụm từ “pháp nhân” đã không còn xa lạ đối với nhiều người. Đặc biệt là những doanh nghiệp. Song không phải doanh nghiệp nào cũng sẽ có tư cách pháp nhân. Vậy dấu hiệu của pháp nhân là gì? Tại sao doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân? Hãy cùng Luật sư 247 tìm hiểu nha!
Cơ sở pháp lý
Bộ luật dân sự 2015
Nội dung tư vấn
Pháp nhân là gì
Pháp nhân được hiểu là một tổ chức có tư cách pháp lý độc lập, có thể tham gia vào các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội… theo quy định của pháp luật.
Đây là một khái niệm trong luật học dùng để phân biệt với thể nhân (cá nhân) và các tổ chức khác.
Nếu một tổ chức có “tư cách pháp nhân” thì tổ chức đó có đầy đủ quyền và nghĩa vụ của một pháp nhân mà luật đã quy định.
Chẳng hạn như: Công ty cổ phần là những tổ chức có tư cách pháp nhân.
Điều kiện để có tư cách pháp nhân là gì?
Theo điều 74 Bộ luật Dân sự 2015, một tổ chức được công nhận là có tư cách pháp nhân khi đủ 4 điều kiện sau:
“a) Được thành lập theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan;
b) Có cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 83 của Bộ luật này;
c) Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình;
d) Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.”
Tổ chức phải được thành lập theo quy định của pháp luật
Theo như định nghĩa thì rõ ràng pháp nhân không phải là một người mà phải là một tổ chức. Tổ chức này được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập hoặc cho phép thành lập. Vì thế tổ chức đó được công nhận là có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận thành lập.
Tổ chức phải có cơ cấu tổ chức chặt chẽ
Theo điều 83 Bộ luật dân sự 2015, pháp nhân phải là một tổ chức có cơ cấu quản lý chặt chẽ:
“1. Pháp nhân phải có cơ quan điều hành. Tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan điều hành của pháp nhân được quy định trong điều lệ của pháp nhân hoặc trong quyết định thành lập pháp nhân.
2. Pháp nhân có cơ quan khác theo quyết định của pháp nhân hoặc theo quy định của pháp luật.”
Như vậy một tổ chức muốn trở thành pháp nhân phải có điều lệ hoặc quyết định thành lập pháp nhân. Trong điều lệ và quyết định thành lập phải có quy định cụ thể về tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan điều hành pháp nhân.
Tổ chức có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình
Pháp nhân là tổ chức độc lập để xác lập quyền và nghĩa vụ trong hoạt động của nó; nên bắt buộc phải có tài sản độc lập. Có tài sản độc lập mới có thể tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình đối với các giao dịch, quyền và nghĩa vụ mà nó xác lập.
Hoặc một trường hợp tổ chức không có tư cách pháp nhân dù được thành lập hợp pháp là Doanh nghiệp tư nhân. Vì tài sản của doanh nghiệp tư nhân không tách biệt với tài sản cá nhân – chủ doanh nghiệp tư nhân đó.
Tổ chức có thể nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập
Tổ chức có thể nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập là một trong những điều kiện quan trọng để có tư cách pháp nhân.
Vì pháp nhân là một tổ chức độc lập, được quyền giao dịch, xác lập quyền và nghĩa vụ; nên bắt buộc nó có thể tự nhân danh chính mình.
Pháp nhân có quyền nhân danh mình tham gia vào các quan hệ pháp luật thông qua người đại diện theo pháp luật.
Doanh nghiệp tư nhân là gì?
Theo Luật Doanh nghiệp 2020,
Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ. Và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.
Loại doanh nghiệp này không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào.
Mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân. Chủ doanh nghiệp không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh. Và cũng không được trở thành thành viên công ty hợp danh.
Doanh nghiệp tư nhân không được quyền góp vốn thành lập; hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần. Vậy tại sao doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân?
Tại sao doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân?
Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm
Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ; và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp. Người thành lập doanh nghiệp tư nhân là chủ sở hữu duy nhất của doanh nghiệp tư nhân là một cá nhân. Doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân.
Chủ doanh nghiệp tư nhân là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp
Chủ doanh nghiệp tư nhân có toàn quyền quyết định đối với tất cả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; có toàn quyền quyết định việc sử dụng lợi nhuận sau khi đã nộp thuế và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.
Có thể trực tiếp hoặc thuê người khác quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh. Trường hợp thuê người khác làm Giám đốc quản lý doanh nghiệp; thì chủ doanh nghiệp tư nhân vẫn phải chịu trách nhiệm về mọi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Điều thứ ba của định nghĩa pháp nhân đã không thỏa mãn khi chủ doanh nghiệp tư nhân chịu trách nhiệm vô hạn trước quyền và nghĩa vụ về hoạt động kinh doanh của mình; nghĩa là tài sản của chủ doanh nghiệp không tách bạch với khối tài sản của doanh nghiệp.
Do đó, đây là lý do vì sao doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân.
Nhưng lưu ý gì khi thành lập doanh nghiệp tư nhân?
Về vốn của doanh nghiệp tư nhân
Điều 189 Luật doanh nghiệp 2020 quy định rõ về vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp. Theo đó chủ doanh nghiệp là người duy nhất bỏ vốn thành lập doanh nghiệp tư nhân. Vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp do chủ doanh nghiệp tự đăng ký.
Vốn đó có thể là vốn bằng Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng và các tài sản khác. Tính chất một chủ đã hạn chế khả năng huy động vốn, đặc biệt là vốn đầu tư của doanh nghiệp, vì nếu như phá vỡ yếu tố một chủ sở hữu về vốn.
Về quyền quyết định đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp
Khoản 1 Điều 190 Luật doanh nghiệp 2020 quy định:
1. Chủ doanh nghiệp tư nhân có toàn quyền quyết định đối với tất cả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, việc sử dụng lợi nhuận sau khi đã nộp thuế và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.
Quy định này đã làm cho doanh nghiệp tư nhân khác với doanh nghiệp nhiều chủ, vi ở các doanh nghiệp đó, việc quyết định về hoạt động kinh doanh phải do ý chí của các chủ sở hữu chứ không phải do ý chí của môt cá nhân, kể cả cá nhân đó nắm quyền quản lý, điều hành công ty.
Về quyền quản lý điều hành doanh nghiệp
Khoản 2 Điều 190 Luật doanh nghiệp 2020 quy định:
Chủ doanh nghiệp tư nhân có thể trực tiếp hoặc thuê người khác quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh. Trường hợp thuê người khác làm Giám đốc quản lý doanh nghiệp thì vẫn phải chịu trách nhiệm về mọi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo đó, chủ doanh nghiệp tư nhân sẽ có toàn quyền quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân.
Về quyền sử dụng lợi nhuận và nghĩa vụ chịu rủi ro
Chủ doanh nghiệp tư nhân có quyền quyết định việc sử dụng lợi nhuận sau khi đã nộp thuế và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.
Đồng thời chủ doanh nghiệp tư nhân cũng phải gánh chiu mọi rủi ro phát sinh từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mà không có sự chia sẻ với ai. Khi chịu rủi ro, chủ doanh nghiệp tư nhân tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình.
Về quyền định đoạt đối với “số phận” của doanh nghiệp tư nhân
Chủ doanh nghiệp có quyền định đoạt mọi vấn đề của doanh nghiệp như có quyền thành lập doanh nghiệp, giải thể doanh nghiệp, phá sản doanh nghiệp; có quyền bán, cho thuê, tạm ngừng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Hay nói cách khác, doanh nghiệp tư nhân là tài sản riêng của chủ doanh nghiệp, vì thế chủ doanh nghiệp hoàn toàn có quyền định đoạt với tư cách là chủ sở hữu duy nhất của doanh nghiệp.
Ưu điểm của doanh nghiệp tư nhân là gì?
- Do chỉ có 1 chủ sở hữu. Và được quyết định tất cả các vấn đề liên quan đến doanh nghiệp.
- Chủ doanh nghiệp cũng đồng thời là đại diện theo pháp luật cho doanh nghiệp.
- Chủ sở hữu doanh nghiệp có quyền bán hoặc cho thuê doanh nghiệp của mình cho người khác.
- Cơ cấu tổ chức tương đối đơn giản.
- Chế độ trách nhiệm vô hạn, dễ dàng tạo được sự tin tưởng từ đối tác. Dễ dàng huy động vốn và hợp tác kinh doanh.
Nhược điểm của doanh nghiệp tư nhân như thế nào?
- Đây là loại hình doanh nghiệp không có tư cách pháp nhân.
- Tính rủi ro cao khi chủ sở hữu doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm vô hạn.
- Không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào trên thị trường.
- Không được góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần trong các loại hình doanh nghiệp khác.
- Chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân.
Thông tin liên hệ Luật Sư
Trên đây là tư vấn của Luật sư 247 về Tại sao doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân. Chúng tôi hi vọng bạn có thể vận dụng trong công việc và cuộc sống.
Để biết thêm thông tin chi tiết; và nhận thêm sự tư vấn, giúp đỡ của luật sư 247 hãy liên hệ 0833.102.102
Câu hỏi thường gặp:
Người đại diện theo pháp luật là người do pháp luật; hoặc do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định; để đại diện cho một cá nhân hay tổ chức nào đó thực hiện (xác lập) các giao dịch; hay hành vi dân sự, hành chính… (như ký hợp đồng, tham dự phiên tòa…).
Căn cứ theo Luật doanh nghiệp 2020, thành viên công ty TNHH 2 thành viên trở lên; có thể là tổ chức hoặc cá nhân. Số lượng thành viên tối thiểu là 2 người và tối đa không quá 50 người.
Công ty chịu trách nhiệm hữu hạn. Các thành viên trong công ty sẽ phải chịu các khoản nợ; và nghĩa vụ của công ty trong phạm vi số vốn mình đã góp.
Công ty trách nhiệm hữu hạn có tư cách pháp nhân; kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Tuy nhiên, công ty trách nhiệm hữu hạn không được quyền phát hành cổ phiếu để huy động vốn.
Căn cứ theo Điều 21 Nghị định 78/2015/NĐ-CP, Thông tư 20/2015/TT-BKHĐT hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp tư nhân bao gồm:
Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp tư nhân (mẫu Phụ lục I-1 ban hành kèm theo Thông tư 20/2015/TT-BKHĐT);
Bản sao hợp lệ giấy tờ chứng thực cá nhân của chủ doanh nghiệp:
– Đối với công dân Việt Nam: Thẻ căn cước công dân; hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu Việt Nam còn hiệu lực.
– Đối với người nước ngoài: Hộ chiếu nước ngoài hoặc giấy tờ có giá trị thay thế hộ chiếu nước ngoài còn hiệu lực.
Văn bản ủy quyền cho người đi nộp hồ sơ và nhận kết quả nếu không phải là người đại diện theo pháp luật.