Quy định về kháng nghị phúc thẩm trong giải quyết vụ án hình sự?

19/12/2021
Quy định về kháng nghị phúc thẩm trong giải quyết vụ án hình sự?
592
Views

Kháng nghị phúc thẩm trong giải quyết vụ án hình sự không còn là hiếm thấy. Đây là một quyền năng pháp lý của Viện kiểm sát nhằm đảm bảo giải quyết vụ án đúng pháp luật, không làm oan người vô tội và tránh bỏ lọt tội phạm. Vậy quy định về kháng nghị phúc thẩm trong giải quyết vụ án hình sự là như thế nào? Thẩm quyền, căn cứ thực hiện ra sao? Hãy cùng Luật sư 247 làm rõ về vấn đề này nhé!

Căn cứ pháp lý

Kháng nghị phúc thẩm là gì?

Theo quy định tại Điều 336 Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) 2015 thì:

Kháng nghị phúc thẩm là việc Viện kiểm sát cùng cấp, Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp yêu cầu Toà án xét lại bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật theo thủ tục phúc thẩm.

Quy định về kháng nghị phúc thẩm trong giải quyết vụ án hình sự

Thẩm quyền kháng nghị phúc thẩm

Thẩm quyền kháng nghị thuộc về Viện kiểm sát cùng cấp và Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp với Tòa án đã xét xử bản án, quyết định sơ thẩm.

Theo Điều 41 BLTTHS năm 2015 thì người có thẩm quyền quyết định việc kháng nghị phúc thẩm là Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát các cấp.

 Điều 36 Quy chế công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự (ban hành kèm theo Quyết định số 505/2017/QĐ-VKSTC ngày 18/12/2017 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao) quy định:

  • Viện trưởng hoặc Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện có quyền kháng nghị đối với những bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật của Toà án nhân dân cấp huyện;
  • Viện trưởng hoặc Phó viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh có quyền kháng nghị phúc thẩm đối với bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật của Toà án nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh;
  • Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao uỷ quyền cho Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao kháng nghị những bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật của Toà án nhân dân cấp tỉnh.

Đối tượng kháng nghị phúc thẩm

Đó là bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật. Nghĩa là chúng vẫn còn trong thời hạn kháng cáo, kháng nghị và chưa được phép thi hành.

BLTTHS năm 2015 quy định cụ thể các quyết định sơ thẩm có thể bị kháng nghị bao gồm: 

  • Quyết định tạm đình chỉ, quyết định đình chỉ vụ án
  • Quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với bị can, bị cáo
  • Quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can, bị cáo
  • Quyết định khác của Tòa án cấp sơ thẩm theo quy định của Bộ luật này.

Ngoài ra, Điều 363, khoản 2 Điều 453 BLTTHS còn quy định các bản án, quyết định sau có thể bị kháng nghị phúc thẩm: 

  • Bị cáo đang bị tạm giam mà Tòa án cấp sơ thẩm quyết định đình chỉ vụ án, không kết tội, miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt cho bị cáo, hình phạt không phải là tù giam hoặc phạt tù nhưng cho hưởng án treo hoặc khi thời hạn phạt tù bằng hoặc ngắn hơn thời hạn đã tạm giam
  • Quyết định của Tòa án về việc áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh

Căn cứ kháng nghị phúc thẩm

BLTTHS không có điều luật nào quy định về căn cứ kháng nghị phúc thẩm. Tuy nhiên, theo Điều 371 và Điều 398 quy định về căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm và tái thẩm, có thể rút ra được các căn cứ để kháng nghị phúc thẩm sau:

  • Việc điều tra, xét hỏi tại phiên tòa sơ thẩm không đầy đủ dẫn đến đánh giá, kết luận về vụ án không đúng tính chất, mức độ của hành vi phạm tội và nhân thân bị cao.
  • Kết luận của bản án, quyết định hình sự sơ thẩm không phù hợp với các tình tiết khách quan của vụ án dẫn đến oan sai, bỏ lọt tội phạm, người phạm tội.
  • Có sai lầm trong việc áp dụng các quy định của Bộ luật hình sự, Bộ luật dân sự và các văn bản pháp luật khác.

Nội dung kháng nghị phúc thẩm

Quyết định kháng nghị phúc thẩm được thực hiện theo Mẫu số 15/XP Theo QĐ số 505/QĐ-VKSTC ngày 18 tháng 12 năm 2017 do ngành Kiểm sát nhân dân ban hành. Trong đó quyết định bao gồm những nội dung cơ bản sau:

“Quyết định kháng nghị của Viện kiểm sát có các nội dung chính:

a) Ngày, tháng, năm ra quyết định kháng nghị và số của quyết định kháng nghị;

b) Tên của Viện kiểm sát ra quyết định kháng nghị;

c) Kháng nghị đối với toàn bộ hay một phần bản án, quyết định sơ thẩm;

d) Lý do, căn cứ kháng nghị và yêu cầu của Viện kiểm sát;

đ) Họ tên, chức vụ của người ký quyết định kháng nghị.”

Thời hạn kháng nghị phúc thẩm

Thời hạn kháng nghị sẽ căn cứ vào đối tượng kháng nghị và cấp kháng nghị.

Theo quy định tại Điều 337 BLTTHS 2015 thì :

  • Thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát cùng cấp đối với bản án là 15 ngày. Với Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 30 ngày kể từ ngày tuyên án.
  • Thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát cùng cấp đối với quyết định là 7 ngày. Với Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 15 ngày kể từ ngày Tòa án ra quyết định.

Hậu quả của việc kháng nghị

Phần bản án, quyết định bị kháng nghị chưa được đưa ra thi hành trừ trường hợp đó là bản án, quyết định được thi hành ngay quy định tại Điều 363 BLTTHS 2015.

Trên đây là tư vấn của Luật sư 247 về nội dung vấn đề “Quy định về kháng nghị phúc thẩm trong giải quyết vụ án hình sự?” Hy vọng rằng các kiến thức trên có thể giúp ích cho bạn trong công việc và cuộc sống. Nếu có thắc mắc cần thêm sự tư vấn và giúp đỡ hãy liên hệ: 0833.102.102

Mời bạn xem thêm

Câu hỏi thường gặp

Tội phạm là gì?

Tội phạm là hành vi gây nguy hiểm cho xã hội và chịu các hình phạt theo quy định của bộ luật hình sự .

Ai có quyền kháng cáo?

Theo quy định BLTTHS 2015thì những người sau đây có quyền kháng cáo:
– Bị cáo và người đại diện hợp pháp của họ.
– Người bị hại và người đại diện hợp pháp của họ.
– Người bào chữa hoặc người bảo vệ quyền lợi cho bị cáo là người chưa thành niên hoặc là người có nhược điểm về thể chất hoặc tinh thần.
– Nguyên đơn dân sự và người đại diện hợp pháp của họ.
– Bị đơn dân sự và người đại diện hợp pháp của họ.
– Người có quyền và nghĩa vụ liên quan đến vụ án và người đại diện hợp pháp của họ.

Người tiến hành tố tụng trong vụ án hình sự bao gồm ai?

Theo quy định của BLTTHS thì người tiến hành tố tụng bao gồm: Thủ trưởng, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên; Viện trưởng, Phó viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên; Chánh án, Phó chánh án Toà án, Thẩm phán, Hội thẩm và Thư ký Toà án.

5/5 - (1 bình chọn)
Chuyên mục:
Hình sự

Comments are closed.