Quảng cáo sai sự thật xử lý như thế nào?

20/10/2021
Quảng cáo sai sự thật xử lý như thế nào?
2094
Views

Thế nào là quảng cáo sai sự thật? Quảng cáo sai sự thật xử lý như thế nào? Yếu tố cấu thành Tội quảng cáo gian dối?

Hiện nay, quảng cáo là điều vô cùng quen thuộc với mỗi chúng ta. Nhờ có quảng cáo mà mọi người biết đến sản phẩm, dịch vụ nhiều hơn; đồng thời cá nhân, tổ chức cũng bán được nhiều sản phẩm hơn. Tuy nhiên, nhiều người lợi dụng quảng cáo để đưa thông tin sai sự thật, gian dối đến người dùng, gây nên nhiều hậu quả cho người tiêu dùng. Nếu nghiêm trọng, thậm chí có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng con người. Vậy pháp luật có những quy định xử phạt như thế nào đối với hành vi này? Luật sư 247 có những giải đáp sau:

Căn cứ pháp lý

Luật Quảng cáo 2012 sửa đổi, bổ sung 2018

Nghị định 158/2013/NĐ-CP

Bộ luật hình sự 2015

Thế nào là quảng cáo sai sự thật?

Theo quy định tại khoản 1, Điều 2 Luật Quảng cáo 2012 sửa đổi, bổ sung 2018 đã giải thích rõ: “Quảng cáo là việc sử dụng các phương tiện nhằm giới thiệu đến công chúng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có mục đích sinh lợi; sản phẩm, dịch vụ không có mục đích sinh lợi; tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được giới thiệu, trừ tin thời sự; chính sách xã hội; thông tin cá nhân.

Hành vi quảng cáo sai sự thật là hành vi do một cá nhân; tổ chức thực hiện hoạt động quảng cáo nhưng nội dung của quảng cáo lại không đúng; “thổi phồng” những công dụng, bản chất, nguồn gốc… vốn có của sản phẩm, dịch vụ; có khả năng gây ảnh hưởng đến cá nhân hoặc tổ chức khác.

Hành vi quảng cáo sai sự thật tức là gian dối, đưa thông tin không đúng về hàng hóa, dịch vụ; gây nhầm lẫn cho khách hàng, trái với quy định của pháp luật về quảng cáo. Thông thường quảng cáo gian dối là hàng xấu, kém chất lượng; nhưng lại nói rằng đó là hàng tốt, chất lượng cao. Ngoài ra, còn nói xấu hàng hóa của doanh nghiệp khác để làm nền quảng cáo cho hàng hóa của mình; quảng cáo không đúng công dụng của hàng hóa;…

Quảng cáo sai sự thật là hành vi bị cấm

Theo Điều 8 Luật Quảng cáo 2012 sửa đổi, bổ sung 2018 có quy định về các hành vi bị cấm, trong đó có:

“Quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố.”

Vậy, khi quảng cáo không đúng, sai sự thật là một trong những hành vi bị cấm theo pháp luật quy định về quảng cáo.

Quảng cáo sai sự thật xử lý như thế nào?

Xử phạt hành chính

– Phạt tiền

Theo quy định tại khoản 5 Điều 51 Nghị định 158/2013/NĐ-CP có quy định rõ mức xử phạt khi quảng cáo sai sự thật:

“Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Quảng cáo sai sự thật, không đúng quy cách, chất lượng, công dụng, … trừ trường hợp quy định tại Điểm d Khoản 3 Điều 68, Điểm c Khoản 3 Điều 69, Điểm a Khoản 2 Điều 72, Điểm b Khoản 1 Điều 75 và Khoản 1 Điều 78 Nghị định này;

b) Quảng cáo lừa dối, gây nhầm lẫn cho công chúng, người tiêu dùng, khách hàng về tổ chức, cá nhân,… trừ trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều 68, Điểm a Khoản 3 Điều 69 và Khoản 4 Điều 70 Nghị định này;…”

Và tại Điều 78 của Nghị định này quy định: “Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo sai sự thật về bản chất, công dụng, chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ của thức ăn chăn nuôi.”

Từ các quy định trên có thể thấy; một khi quảng cáo sai sự thật thì xử phạt ít nhất là từ 10 triệu đồng. Tuy nhiên mức phạt tiền này là đối với cá nhân; theo quy định tại khoản 2, Điều 3 Nghị định 158/2013/NĐ-CP.

Đối với trường hợp tổ chức có hành vi quảng cáo sai sự thật; thì mức phạt tiền gấp 2 lần so với cá nhân cũng theo quy định tại khoản 2, Điều 3 Nghị định này.

 – Biện pháp khắc phục hậu quả 

Theo quy định tại khoản 7 Điều 51 Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định các biện pháp khắc phục hậu quả khi quảng cáo sai sự thật:

  • Buộc tháo gỡ, tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo vi phạm;
  • Buộc cải chính thông tin bị sai.

Xử lý hình sự

Ngoài xử phạt hành chính theo quy định trên; hành vi quảng cáo gian dối, sai sự thật còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự; theo Điều 197 Bộ luật hình sự 2015 về Tội quảng cáo gian dối:

“1. Người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

Vậy, khi quảng cáo sai sự thật; tùy vào mức độ vi phạm mà người phạm tội có thể bị phạt tù lên đến 5 năm.

Yếu tố cấu thành Tội quảng cáo gian dối

– Khách thể của tội phạm

  • Tội quảng cáo gian dối về hàng hoá xâm hại chế độ quản lý của Nhà nước đối với các hoạt động về quảng cáo hàng hoá, dịch vụ, xâm phạm lợi ích người tiêu dùng.

– Mặt khách quan

  • Người phạm tội quảng cáo gian dối với nhiều thủ đoạn, hình thức khác nhau như: vẽ tranh, chụp ảnh, đăng báo, ghi âm, đưa tin trên đài truyền hình, đặt các phương tiện quảng cáo khác ở nơi công cộng…
  • Hành vi quảng cáo gian dối chỉ cấu thành tội phạm khi gây hậu quả nghiêm trọng hoặc tuy chưa gây hậu quả nghiêm trọng nhưng trước đó đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa đựơc xoá án tích mà còn vi phạm.
  • Hậu quả của hành vi quảng cáo gian dối gây ra là những thiệt hại nghiêm trọng cho tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự, tài sản cho con người, cho cơ quan, tổ chức và những thiệt hại nghiêm trọng khác cho xã hội.
  • Hậu quả không phải dấu hiệu bắt buộc của tội phạm. Tội phạm hoàn thành khi có hành vi quảng cáo gian dối xảy ra và chủ thể thực hiện hành vi đã bị xử lý hành chính hoặc bị kết án về tội này, chưa hết thời hiệu xóa án tích mà còn vi phạm.

– Chủ thể

  • Chủ thể của tội quảng cáo gian dối chỉ có thể là người từ đủ 16 tuổi trở lên, có năng lực trách nhiệm hình sự đầy đủ.

– Mặt chủ quan

  • Tội phạm thực hiện do lỗi cố ý; gây ra hậu quả nguy hiểm cho người tiêu dùng và xã hội, nhận thức được hậu quả có thể hoặc tất yếu xảy ra nhưng vẫn mong muốn cho hậu quả xảy ra hoặc tuy không mong muốn nhưng bỏ mặc cho hậu quả xảy ra.

Mời bạn xem thêm

Trên đây là tư vấn của Luật sư 247 về vấn đề “Quảng cáo sai sự thật xử lý như thế nào?“. Để biết thêm thông tin chi tiết hoặc giải đáp những vấn đề pháp lý khó khăn; vui lòng sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật hoặc liên hệ hotline: 0833102102

Câu hỏi thường gặp

Đăng quảng cáo có so sánh trực tiếp về chất lượng sản phẩm có bị phạt không?

Căn cứ Khoản 4, 7 Điều 51 Nghị định 158/2013/NĐ-CP:
– Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với: “Quảng cáo có nội dung so sánh trực tiếp về giá cả, chất lượng, hiệu quả sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của mình với giá cả, chất lượng, hiệu quả sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cùng loại của tổ chức, cá nhân khác;…”
– Đông thời sử dụng biện pháp khắc phục: Buộc tháo gỡ, tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo vi phạm.

Dán quảng cáo trên cột điện có bị phạt không?

– Căn cứ khoản 1 Điều 51 Nghị định 158/2013/NĐ-CP: “Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi treo, đặt, dán, vẽ các sản phẩm quảng cáo trên cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông và cây xanh nơi công cộng.”
– Vậy khi dán quảng cáo trên cột điện bị phạt ít nhất 1 triệu đồng.

5/5 - (1 bình chọn)
Chuyên mục:
Hình sự

Để lại một bình luận