Khi tiến hành tố tụng, cơ quan điều tra, viện kiểm soát và tòa án trong phạm vi trách nhiệm của mình luôn thường xuyên tiến hành thực hiện việc kiểm tra tính hợp pháp và sự cần thiết của những biện pháp ngăn chặn để đảm bảo cho mục tiêu kịp thời xử lý, ngăn chặn tội phạm. Tuy nhiên có phải mọi trường hợp khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can đều áp dụng biện pháp ngăn chặn hay không thì đây là vấn đề rất nhiều người thắc mắc. Và để giải đáp thắc mắc này, Luật sư X mời bạn đọc tham khảo bài viết: Phải áp dụng biện pháp ngăn chặn khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can?
Căn cứ pháp lý
Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015
Nội dung tư vấn
Biện pháp ngăn chặn là gì?
Biện pháp ngăn chặn được hiểu là các biện pháp mang tính chất cưỡng chế về mặt tố tụng áp dụng khi có đủ căn cứ đối với bị can, bị cáo hoặc người chưa bị khởi tố trong trường hợp khẩn cấp hoặc phạm tội quả tang, để ngăn chặn những hành vi nguy hiểm của họ trong xã hội, ngăn ngừa họ tiếp tục phạm tội, trốn tránh pháp luật hoặc có hành động gây cản trở cho việc điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án.
Biện pháp ngăn chặn được quy định trong bộ luật tố tụng hình sự gồm: bắt người, tạm giữ, tạm giam, cấm đi khỏi nơi cư trú, bảo lĩnh, đặt tiền hoặc tài sản để bảo đảm.
Một số biện pháp ngăn chặn
– Biện pháp bắt: áp dụng trong các trường hợp: bắt bị can, bị cáo để tạm giam; bắt người trong trường hợp khẩn cấp; bắt người phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã. Việc bắt người phải tiến hành đúng thẩm quyền theo luật định, trừ trường hợp bắt người phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã. Phải có biên bản về việc bắt người và phải thông báo ngay cho gia đình người đã bị bắt, chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó cư trú hoặc làm việc biết.
– Biện pháp tạm giữ: Biện pháp tạm giữ được áp dụng trong trường hợp: người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp, phạm tội quả tang, người phạm tội tự thú, đầu thú hoặc đối với người bị bắt theo quyết định truy nã. Tổng thời hạn tạm giữ (bao gồm thời hạn tạm giữ thông thường và thời hạn gia hạn tạm giữ) là 9 ngày. Thời gian tạm giữ được trừ vào thời hạn tạm giam, một ngày tạm giữ được tính bằng một ngày tạm giam. Trong khi tạm giữ, nếu không đủ căn cứ khởi tố bị can thì người bị tạm giữ phải được trả tự do ngay.
– Biện pháp tạm giam: Các trường hợp áp dụng biện pháp tạm giam bao gồm: bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng; phạm tội rất nghiêm trọng hoặc bị can, bị cáo phạm tội nghiêm trọng, phạm tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự 2015 quy định hình phạt tù trên hai năm và có căn cứ cho rằng người đó có thể trốn hoặc cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội. Đối với bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới ba mươi sáu tháng tuổi, là người già yếu, người bị bệnh nặng mà nơi cư trú rõ ràng thì không tạm giam mà áp dụng biện pháp ngăn chặn khác, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 88 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 . Lưu ý rằng: Chế độ tạm giữ, tạm giam khác với chế độ đối với người đang chấp hành hình phạt tù.
– Biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú: Biện pháp này chỉ áp dụng đối với bị can, bị cáo có nơi cư trú rõ ràng. Chính quyền xã, phường, thị trấn nơi bị can, bị cáo cư trú có trách nhiệm quản lý, theo dõi họ. Bị can, bị cáo vi phạm lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú sẽ bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác.
– Biện pháp bảo lĩnh: Bảo lĩnh là biện pháp ngăn chặn để thay thế biện pháp tạm giam. Điều kiện của chủ thể nhận bảo lĩnh quy định tại khoản 4 Điều 92 Bộ luật tố tụng hình sự 2015. Bị can, bị cáo được nhận bảo lĩnh sẽ bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nếu cá nhân hoặc tổ chức nhận bảo lĩnh vi phạm nghĩa vụ đã cam đoan.
– Biện pháp đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm: Biện pháp này là biện pháp ngăn chặn để thay thế biện pháp tạm giam. Trong trường hợp bị can, bị cáo chấp hành đầy đủ các nghĩa vụ đã cam đoan thì cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm trả lại cho họ số tiền hoặc tài sản đã đặt.
Khi nào khởi tố vụ án, khởi tố bị can?
Khởi tố vụ án hình sự
Thời điểm khởi tố vụ án: Khi xác định có dấu hiệu tội phạm do cá nhân, pháp nhân thực hiện thì cơ quan có thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự theo quy định (Khoản 1 Điều 432; Điều 143).
Căn cứ khởi tố vụ án: Chỉ được khởi tố vụ án khi đã xác định có dấu hiệu tội phạm dựa trên những căn cứ sau:
- Tố giác của cá nhân;
- Tin báo của cơ quan, tổ chức, cá nhân;
- Tin báo trên phương tiện thông tin đại chúng;
- Kiến nghị khởi tố của cơ quan nhà nước;
- Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm;
- Người phạm tội tự thú.
Thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án: Bao gồm 04 cơ quan sau đây:
(1) Cơ quan điều tra quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với tất cả vụ việc có dấu hiệu tội phạm, trừ những vụ việc do cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử đang thụ lý, giải quyết theo quy định;
(2) Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra ra quyết định khởi tố vụ án hình sự trong các trường hợp theo quy định;
(3) Viện kiểm sát ra quyết định khởi tố vụ án hình sự trong các trường hợp sau:
- Viện kiểm sát hủy bỏ quyết định không khởi tố vụ án hình sự của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra;
- Viện kiểm sát trực tiếp giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố;
- Viện kiểm sát trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm hoặc theo yêu cầu khởi tố của Hội đồng xét xử.
(4) Hội đồng xét xử ra quyết định khởi tố hoặc yêu cầu Viện kiểm sát khởi tố vụ án hình sự nếu qua việc xét xử tại phiên tòa mà phát hiện có việc bỏ lọt tội phạm.
Đặc biệt, chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 Bộ luật hình sự 2015 khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết (Khoản 1 Điều 155).
Khởi tố bị can
Thời điểm khởi tố bị can: Sau khi thực hiện khởi tố vụ án và có đủ căn cứ để xác định một người hoặc pháp nhân đã thực hiện hành vi mà Bộ luật hình sự 2015 quy định là tội phạm thì Cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can (Khoản 1 Điều 179).
Căn cứ khởi tố bị can: Cá nhân, pháp nhân thực hiện hành vi mà Bộ luật Hình sự 2015 quy định là tội phạm (Khoản 1 Điều 179).
Thẩm quyền ra quyết định khởi tố bị can: Bao gồm 03 cơ quan sau đây:
(1) Cơ quan điều tra (Khoản 1 Điều 179);
(2) Viện kiểm sát (Khoản 4 Điều 179):
- Trường hợp phát hiện có người đã thực hiện hành vi mà Bộ luật hình sự quy định là tội phạm chưa bị khởi tố thì Viện kiểm sát yêu cầu Cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can hoặc trực tiếp ra quyết định khởi tố bị can nếu đã yêu cầu nhưng Cơ quan điều tra không thực hiện.
- Sau khi nhận hồ sơ và kết luận điều tra nếu Viện kiểm sát phát hiện có người khác đã thực hiện hành vi mà Bộ luật hình sự quy định là tội phạm trong vụ án chưa bị khởi tố thì Viện kiểm sát ra quyết định khởi tố bị can và trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra để điều tra bổ sung.
(3) Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra (Khoản 1 Điều 164).
Phải áp dụng biện pháp ngăn chặn khi khởi tố vụ án, bị can?
Mục đích của việc áp dụng biện pháp ngăn chặn chính là để kịp thời ngăn chặn tội phạm hoặc khi có căn cứ chứng tỏ bị can, bị cáo sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc sẽ tiếp tục phạm tội; và bảo đảm thi hành án. Tại Điều 109 Bộ luật tố tụng hình sự cũng đã quy định rõ:
Điều 109. Các biện pháp ngăn chặn
1. Để kịp thời ngăn chặn tội phạm hoặc khi có căn cứ chứng tỏ người bị buộc tội sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc sẽ tiếp tục phạm tội hoặc để bảo đảm thi hành án, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong phạm vi thẩm quyền của mình có thể áp dụng biện pháp giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam, bảo lĩnh, đặt tiền để bảo đảm, cấm đi khỏi nơi cư trú, tạm hoãn xuất cảnh.
2. Các trường hợp bắt người gồm bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, bắt người phạm tội quả tang, bắt người đang bị truy nã, bắt bị can, bị cáo để tạm giam, bắt người bị yêu cầu dẫn độ.
Theo như quy định trên, không phải mọi trường hợp khi khởi tố bị can, khởi tố vụ án đều áp dụng biện pháp ngăn chặn; mà các biện pháp này chỉ được áp dụng khi có những căn cứ quy định tại Điều 109 trên; như: có khả năng tiếp tục phạm tội; có khả năng lẩn trốn;…
Có thể bạn quan tâm:
- Sếp có được bảo lĩnh nhân viên để không bị tạm giam?
- Căn cứ áp dụng biện pháp tạm giam với người dưới 18 tuổi phạm tội?
Thông tin liên hệ
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của chúng tôi về “ Phải áp dụng biện pháp ngăn chặn khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can?“.
Để biết thêm thông tin chi tiết và nhận thêm sự tư vấn, giúp đỡ khi có nhu cầu về các vấn đề liên quan đến phí dịch vụ công chứng tại nhà, giải thể công ty, thành lập công ty, giấy phép bay flycam; thủ tục tặng cho nhà đất, thủ tục cấp hộ chiếu tại Việt Nam,…. của luật sư X, hãy liên hệ: 0833102102. Hoặc qua các kênh sau:
- FB: www.facebook.com/luatsux
- Tiktok: https://www.tiktok.com/@luatsux
- Youtube: https://www.youtube.com/Luatsux
Câu hỏi thường gặp
Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án trong phạm vi thẩm quyền tố tụng của mình hoặc người có thẩm quyền theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự có quyền áp dụng một trong số các biện pháp ngăn chặn theo quy định của pháp luật.
– Bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng; phạm tội rất nghiêm trọng hoặc bị can, bị cáo phạm tội nghiêm trọng, phạm tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự 2015 quy định hình phạt tù trên hai năm và có căn cứ cho rằng người đó có thể trốn hoặc cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội.
– Đối với bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới ba mươi sáu tháng tuổi, là người già yếu, người bị bệnh nặng mà nơi cư trú rõ ràng thì không tạm giam mà áp dụng biện pháp ngăn chặn khác, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 88 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 .
Biện pháp tạm giữ được áp dụng trong trường hợp: Người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp, phạm tội quả tang, người phạm tội tự thú, đầu thú hoặc đối với người bị bắt theo quyết định truy nã.