Nộp phạt vi phạm giao thông chậm có bị phạt không?

14/12/2021
Nộp phạt vi phạm giao thông chậm có bị phạt không? Các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
813
Views

Hiện nay, rất nhiều người chưa nắm rõ quy định về việc phải nộp thêm tiền khi đến thời hạn mà chưa hoàn thành nghĩa vụ đóng phạt đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Đơn cử như hành vi tham gia giao thông khi bị CSGT xử lý lập biên bản, ra quyết định xử phạt và cho xe về đồn, trong quyết định xử phạt đó có ghi ngày tháng, địa điểm để người tham gia giao thông có thể tới đóng tiền phạt và lấy phương tiện về. Tuy nhiên, nhiều người vẫn đang thắc mắc liệu đến hẹn rồi mà vẫn để xe ở đó thì có phải trả thêm tiền cho những ngày xe của mình nằm bãi tại cơ quan hay không? Nộp phạt vi phạm giao thông chậm có bị phạt không? Để giải đáp thắc mắc trên cho bạn, Luật sư 247 mời bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây

Căn cứ pháp lý

Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012

Nghị định 100/2019/NĐ-CP xử phạt vi phạm giao thông đường bộ và đường sắt

Nộp phạt vi phạm giao thông chậm có bị phạt không?

Vi phạm giao thông là hành vi vi phạm hành chính và sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Theo quy định tại Điều 2 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, vi phạm hành chính là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm (không xâm phạm đến các quan hệ xã hội được pháp luật hình sự bảo vệ) và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính.

Thủ tục nộp tiền phạt khi bị xử phạt vi phạm hành chính được quy định tại Điều 78 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012. Cụ thể, cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính phải nộp tiền phạt tại Kho bạc Nhà nước hoặc nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước được ghi trong quyết định xử phạt trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt.

Đối với cá nhân, tổ chức vi phạm ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, miền núi thì có thể nộp tiền phạt cho người có thẩm quyền xử phạt. Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm thu tiền phạt tại chỗ và nộp tại Kho bạc Nhà nước hoặc nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước trong thời hạn không quá 07 ngày, kể từ ngày thu tiền phạt.

Nếu việc xử phạt diễn ra ở trên biển hoặc ngoài giờ hành chính, người có thẩm quyền xử phạt được thu tiền phạt trực tiếp và phải nộp tại Kho bạc Nhà nước hoặc nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày vào đến bờ hoặc ngày thu tiền phạt.

Nếu hết thời hạn nêu trên mà cá nhân, tổ chức vi phạm không nộp phạt vào ngân sách nhà nước thì sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và cứ mỗi ngày chậm nộp phạt thì cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp thêm 0,05% trên tổng số tiền phạt chưa nộp.

Như vậy, cá nhân vi phạm giao thông nhưng không nộp phạt đúng thời hạn quy định thì sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt, đồng thời phải nộp thêm 0,05% tiền chậm nộp trên tổng số tiền phạt vi phạm.

Các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính

Căn cứ Nghị định 166/2013/NĐ-CP, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể sử dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính sau đối với cá nhân không nộp phạt vi phạm giao thông:

– Khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập, khấu trừ tiền từ tài khoản của cá nhân vi phạm;

– Kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá;

– Thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính do cá nhân đang giữ trong trường hợp cá nhân sau khi vi phạm cố tình tẩu tán tài sản;

– Buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả.

Các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt được thực hiện theo nguyên tắc: Chỉ áp dụng các biện pháp tiếp theo khi không thể áp dụng các biện pháp cưỡng chế trước đó hoặc đã áp dụng nhưng chưa thu đủ số tiền bị cưỡng chế theo quyết định cưỡng chế.

Nộp phạt do chậm nộp tiền phạt vi phạm

Như đã đề cập ở trên, ngoài việc bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt, người vi phạm giao thông còn phải nộp thêm tiền phạt do chậm nộp tiền vi phạm. Theo đó, cứ mỗi ngày chậm nộp thì cá nhân vi phạm phải nộp thêm 0,05% trên tổng số tiền phạt vi phạm. Cụ thể, số tiền phạt do chậm nộp tiền vi phạm được xác định theo công thức sau:

Số tiền phạt (do chậm nộp)= Số tiền phạt chưa nộp + (Số tiền phạt chưa nộp x 0,05% x Số ngày chậm nộp).

Số ngày chậm nộp tiền phạt bao gồm cả ngày nghỉ lễ, tết và các ngày nghỉ theo chế độ do pháp luật quy định. Số ngày chậm nộp được tính từ ngày kế tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn nộp tiền phạt, thời hạn hoãn thi hành quyết định xử phạt đến trước ngày người vi phạm nộp tiền vào Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại nơi Kho bạc Nhà nước ủy nhiệm thu phạt. Tiền phạt do chậm nộp sẽ được thu cùng với số tiền phạt vi phạm hành chính.

Tình trạng “trốn” nộp phạt rất phổ biến

Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định:

Trong trường hợp chỉ áp dụng hình thức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền xử phạt có quyền tạm giữ một trong các loại giấy tờ theo thứ tự: Giấy phép lái xe hoặc giấy phép lưu hành phương tiện hoặc giấy tờ cần thiết khác có liên quan đến tang vật, phương tiện cho đến khi cá nhân, tổ chức đó chấp hành xong quyết định xử phạt. Nếu cá nhân, tổ chức vi phạm không có giấy tờ nói trên, thì người có thẩm quyền xử phạt có thể tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, trừ trường hợp quy định tại khoản 10 Điều này.

Như vậy, nếu  lỗi vi phạm chỉ bị phạt tiền mà người vi phạm có Giấy phép lái xe thì Cảnh sát giao thông chỉ được giữ Giấy phép lái xe của họ. Vì thế, nhiều người vi phạm lựa chọn bỏ luôn Giấy phép lái xe để không phải nộp phạt.

Có nhiều lý do để người vi phạm quyết định bỏ luôn Giấy phép lái xe như: mức phạt cao hơn chi phí cấp lại Giấy phép lái xe, có Giấy phép lái xe khác hoặc có Giấy phép lái xe giả, người vi phạm ở các tỉnh thành khác “ngại” quay lại đóng phạt…

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, hiện nay theo Thông tư 38/2019/TT-BGTVT người có hành vi gian dối khác để được đổi, cấp lại, cấp mới Giấy phép lái xe thì Giấy phép lái xe đó không có giá trị sử dụng. Đồng thời còn bị phạt và không được cấp Giấy phép lái xe trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm.

Mời bạn xem thêm bài viết

Trên đây là tư vấn của Luật sư 247 về nội dung vấn đề ”Nộp phạt vi phạm giao thông chậm có bị phạt không?” Chúng tôi hi vọng rằng bạn có thể vận dụng các kiến thức trên để sử dụng trong công việc; cuộc sống. Nếu có thắc mắc và cần nhận thêm sự tư vấn, giúp đỡ hãy liên hệ 0833.102.102

Câu hỏi thường gặp

Các xe được ưu tiên khi tham gia giao thông hiện nay?

Căn cứ Điều 22 Luật giao thông đường bộ 2008 quy định các loại xe ưu tiên hiện nay như sau:
– Xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ;
– Xe quân sự, xe công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, đoàn xe có xe cảnh sát dẫn đường;
– Xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu;
– Xe hộ đê, xe đi làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh hoặc xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật;
– Đoàn xe tang.

Việc sử dụng tín hiệu ưu tiên như thế nào?

Căn cứ Nghị định 109/2009/NĐ-CP quy định Sử dụng tín hiệu ưu tiên
– Xe được quyền ưu tiên chỉ được sử dụng tín hiệu ưu tiên khi đi làm nhiệm vụ; việc sử dụng tín hiệu ưu tiên của từng loại xe được quyền ưu tiên phải bảo đảm đúng quy định tại các Điều 4, 5, 6, 7, 8 và Điều 9 Nghị định này.
– Nghiêm cấm các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ không thuộc loại xe được quyền ưu tiên lắp đặt, sử dụng còi, cờ, đèn phát tín hiệu ưu tiên hoặc xe được quyền ưu tiên nhưng lắp đặt, sử dụng tín hiệu còi, cờ, đèn ưu tiên không đúng quy định của Nghị định này.

5/5 - (1 bình chọn)
Chuyên mục:
Giao thông

Comments are closed.