Người dân không đóng tiền điện trong bao lâu sẽ bị cắt điện?

27/07/2022
913
Views

Xin chào luật sư. Bên cơ quan điện thông báo đóng tiền điện cho gia đình tôi 2 lần vào ngày 22/5/2022 và ngày 24/5/2022. Nhưng do tôi thấy công tơ điện nhà tôi đã bị ngừng hoạt động trước đó nhưng bên thợ điện vẫn chốt số điện cho nhà tôi và khác với chỉ số trên công tơ điện. Do vậy nên tôi đã không đóng tiền điện. Và vào 11h trưa ngày 31/5/2022 họ cắt điện nhà tôi. Thấy vậy nên đến 1h30 chiều ngày hôm đó tôi đã nộp tiền điện luôn nhưng họ vẫn không cấp lại điện cho nhà tôi. Và đến tận ngày hôm sau điện mới được cấp lại. Vậy cho hỏi việc cắt điện trên của bên cơ quan điện có đúng không? Công tơ hỏng thì họ xác định công suất điện của nhà tôi như thế nào?

Điện là một trong những thứ vô cùng cần thiết với tất cả chúng ta. Khi đa số dụng cụ trong nhà đều cần tới điện. Người sử dụng điện có nghĩa vụ phải thanh toán tiền điện cho bên cung cấp. Nếu không bạn sẽ đối mặt với tình trạng bị cắt điện. Vậy việc thanh toán tiền điện được quy định như thế nào? Không đóng tiền điện trong bao lâu sẽ bị cắt điện? Xác định tiền điện cần đóng như thế nào? Để giải đáp các thắc mắc này; Luật sư 247 xin giới thiệu bài viết “Người dân không đóng tiền điện trong bao lâu sẽ bị cắt điện? ”. Mời bạn đọc cùng tham khảo để giải đáp câu hỏi trên nhé.

Căn cứ pháp lý

Quy định về việc thanh toán tiền điện của người dân

Theo Điều 23 Luật Điện lực 2004 quy định về việc thanh toán tiền điện như sau:

1. Bên mua điện phải thanh toán đủ và đúng thời hạn số tiền điện ghi trong hóa đơn cho bên bán điện theo biểu giá điện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Tiền điện được thanh toán tại trụ sở, nơi ở của bên mua điện hoặc tại địa điểm thuận lợi do hai bên thoả thuận trong hợp đồng mua bán điện.

2. Bên mua điện chậm trả tiền điện phải trả cả tiền lãi của khoản tiền chậm trả cho bên bán điện.

3. Bên bán điện thu thừa tiền điện phải hoàn trả cho bên mua điện, kể cả tiền lãi của khoản tiền thu thừa.

4. Lãi suất của số tiền chậm trả hoặc thu thừa do các bên thoả thuận trong hợp đồng nhưng không vượt quá mức lãi suất cho vay cao nhất của ngân hàng mà bên bán điện có tài khoản ghi trong hợp đồng tại thời điểm thanh toán.

5. Bên mua điện có quyền yêu cầu bên bán điện xem xét lại số tiền điện phải thanh toán. Khi nhận được yêu cầu của bên mua điện, bên bán điện có trách nhiệm giải quyết trong thời hạn mười lăm ngày. Trường hợp không đồng ý với cách giải quyết của bên bán điện, bên mua điện có thể đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tổ chức việc hoà giải. Trong trường hợp không đề nghị hoà giải hoặc hoà giải không thành, bên mua điện có quyền khởi kiện tại Toà án theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự. Trong thời gian chờ giải quyết, bên mua điện vẫn phải thanh toán tiền điện và bên bán điện không được ngừng cấp điện.

6. Trong trường hợp bên mua điện không trả tiền điện và đã được bên bán điện thông báo hai lần thì sau mười lăm ngày, kể từ ngày thông báo lần đầu tiên, bên bán điện có quyền ngừng cấp điện. Bên bán điện phải thông báo thời điểm ngừng cấp điện cho bên mua điện trước 24 giờ và không chịu trách nhiệm về thiệt hại do việc ngừng cấp điện gây ra.”

Như vậy, việc thanh toán đủ và đúng thời hạn số tiền điện ghi trong hóa đơn cho bên bán điện là việc mà bên mua phải làm. Trong trường hợp bên mua chậm thanh toán thì sẽ phải trả cả khoản tiền chậm trả của bên bán điện.

Không đóng điện trong bao lâu sẽ bị cắt điện?

Người dân không đóng tiền điện trong bao lâu sẽ bị cắt điện?
Người dân không đóng tiền điện trong bao lâu sẽ bị cắt điện?

Tại Khoản 6 Điều 23 Luật Điện lực 2004 (sửa đổi 2012) quy định về việc ngừng cấp điện như sau:

“Trong trường hợp bên mua điện không trả tiền điện và đã được bên bán điện thông báo hai lần thì sau mười lăm ngày, kể từ ngày thông báo lần đầu tiên, bên bán điện có quyền ngừng cấp điện. Bên bán điện phải thông báo thời điểm ngừng cấp điện cho bên mua điện trước 24 giờ và không chịu trách nhiệm về thiệt hại do việc ngừng cấp điện gây ra.”

Trong trường hợp của gia đình bạn, bên cung cấp điện thông báo nộp tiền lần đầu vào ngày 22/5/2022 (theo giấy thông báo tiền điện). Do đó thời hạn đóng tiền điện là đến hết ngày 6/6/2022. Nếu muốn cắt điện họ phải thông báo cho bạn trước 24 giờ tức ngày 5/6/2022 bạn phải nhận được thông báo cắt điện.

Tuy nhiên đến 11h trưa ngày 31/5/2022 họ cắt điện nhà bạn, 1h30 chiều ngày hôm đó gia đình bạn đã nộp tiền điện luôn. Ngày 31/5/2022 vẫn còn trong thời hạn 15 ngày, nên việc bên cơ quan điện cắt điện như vậy là sai quy định. Do đó bạn hoàn toàn có thể khiếu nại việc này đến cơ quan đã cắt điện và yêu cầu họ cấp lại điện cho gia đình bạn.

Không đồng ý với số tiền điện phải trả thì làm như thế nào?

Để tránh tình trạng không đáng như trên xảy ra khi có thắc mắc về tiền điện, bạn hoàn toàn có thể yêu cầu bên bán điện xem xét lại số tiền điện phải thanh toán.

Khi nhận được yêu cầu, bên bán điện có trách nhiệm giải quyết trong thời hạn mười lăm ngày.

Trường hợp không đồng ý với cách giải quyết của bên bán điện, bên mua điện có thể đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tổ chức việc hoà giải.

Trong trường hợp không đề nghị hoà giải hoặc hoà giải không thành, bên mua điện có quyền khởi kiện tại Toà án theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự. Trong thời gian chờ giải quyết, bên mua điện vẫn phải thanh toán tiền điện và bên bán điện không được ngừng cấp điện.

Tính tiền điện ra sao trong trường hợp công tơ điện bị hỏng, bị mất?

Việc xác định chỉ số điện dựa trên công tơ điện. Công tơ sẽ đo công suất điện năng mà người sử dụng điện đã sử dụng. Do đó khi công tơ bị hỏng, bị mất thì việc xác định sẽ được thực hiện như sau:

Trường hợp hỏng công tơ điện

Theo Khoản 3 Điều 20 Nghị định 137/2013/NĐ-CP quy định:

Trường hợp bên mua điện sử dụng điện trong thời gian hệ thống thiết bị đo đếm điện bị hư hỏng làm cho công tơ điện ngừng hoạt động, tiền điện phải thanh toán được tính theo điện năng bình quân ngày của 03 chu kỳ ghi chỉ số công tơ điện liền kề trước đó nhân với số ngày thực tế sử dụng điện.

Số ngày thực tế sử dụng điện được tính từ thời điểm công tơ ngừng hoạt động được lưu lại trong bộ nhớ của công tơ điện hoặc từ ngày ghi chỉ số công tơ điện gần nhất trong trường hợp công tơ điện không lưu lại được thời điểm ngừng hoạt động đến ngày hệ thống thiết bị đo đếm điện được phục hồi hoạt động.

Trường hợp công tơ bị mất

Căn cứ Khoản 4 Điều 20 Nghị định 137/2013/NĐ-CP:

Trường hợp bên mua điện sử dụng điện trong thời gian công tơ điện bị mất thì tiền điện phải thanh toán được tính theo điện năng bình quân ngày của 03 chu kỳ ghi chỉ số công tơ điện liền kề trước đó nhân với số ngày thực tế sử dụng điện, số ngày thực tế sử dụng điện được tính từ ngày ghi chỉ số công tơ điện gần nhất đến ngày công tơ điện được lắp đặt và hoạt động trở lại.

Xác định chu kỳ chỉ số ghi công tơ điện

Có thể thấy trong các trường hợp trên việc xác định điện năng dựa vào chu kỳ ghi chỉ số công tơ điện liền kề trước đó. Theo đó việc xác định chu kỳ ghi công tơ điện được quy định như sau:

Điều 17 Nghị định 137/2013/NĐ-CP quy định:

“1. Đối với việc mua bán điện sử dụng cho mục đích sinh hoạt, bên bán điện ghi chỉ số công tơ điện mỗi tháng một lần vào ngày ấn định, cho phép dịch chuyển thời điểm ghi chỉ số công tơ trước hoặc sau một ngày, trừ trường hợp bất khả kháng.

2. Đối với việc mua bán điện sử dụng ngoài mục đích sinh hoạt, việc ghi chỉ số công tơ điện của bên bán điện được quy định như sau:

a) Dưới 50.000 kWh/tháng, ghi chỉ số một lần trong một tháng;

b) Từ 50.000 đến 100.000 kWh/tháng, ghi chỉ số hai lần trong một tháng;

c) Trên 100.000 kWh/tháng, ghi chỉ số ba lần trong một tháng.

3. Đối với bên mua điện sử dụng điện năng ít hơn 15 kWh/tháng, chu kỳ ghi chỉ số công tơ do hai bên thỏa thuận.

4. Đối với việc mua bán buôn điện, việc ghi chỉ số công tơ do hai bên thỏa thuận trong hợp đồng.”

Thông tin liên hệ

Trên đây là tư vấn về “Người dân không đóng tiền điện trong bao lâu sẽ bị cắt điện?”. Mong rằng các kiến thức trên có thể giúp ích cho bạn trong cuộc sồng hằng ngày. Hãy theo dõi chúng tôi để biết thêm nhiều kiến thức bổ ích. Và nếu quý khách có nhu cầu tìm hiểu về thủ tục cấp hộ chiếu tại Việt Nam; hoặc muốn sử dụng dịch vụ xác nhận tình trạng hôn nhân của chúng tôi; mời quý khách hàng liên hệ đến hotline để được tiếp nhận.

Liên hệ hotline: 0833102102. Hoặc bạn có thể tham khảo thêm các kênh sau:

Mời bạn xem thêm:

Câu hỏi thường gặp

Có thể tra cứu giá tiền điện phải trả ở đâu?

Hiện nay bạn có thể truy cập vào cổng thông tin của tập đoàn điện lực Việt Nam để tra cứu giá điện. bên cạnh đó bạn cũng có thể kiểm tra số tiền điện phải trả thông qua phần tra cứu tại mục “EVN& Khách hàng”. Tại đây bạn chọn loại điện sử dụng; điền các thông số điện; số hộ sử dụng. Trang web sẽ giúp bạn tính ra số tiền điện phải đóng bao gồm cả thuế giá trị gia tăng.

Dựa vào đâu để tính tiền điện?

Việc tính tiền điện phải dựa trên các thông số sau:
– Lượng điện thực tế khách hàng sử dụng trong kỳ
– Số ngày sử dụng điện thực tế
– Biểu giá bán điện
Do đó tùy loại điện sử dụng; thông số điện sử dụng mà mức áp dụng giá điện sẽ khác nhau và từ đó tiền điện cũng thay đổi. Nếu theo giá điện sinh hoạt nếu bạn dùng càng nhiều thì giá tiền điện trên 1 số sẽ càng cao.

Trộm cắp điện bị xử lý như thế nào?

Theo Khoản 15 Điều 2 Nghị định 17/2022/NĐ-CP quy định:
Phạt tiền đối với hành vi trộm cắp điện dưới mọi hình thức như sau:
a) Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi trộm cắp điện với giá trị sản lượng điện trộm cắp dưới 1.000.000 đồng;
b) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi trộm cắp điện với giá trị sản lượng điện trộm cắp từ 1.000.000 đồng đến dưới 2.000.000 đồng.
Nếu số tiền trộm điện từ trên 2 triệu đồng người này có thể bị xử lý hình sự về tội Trộm cắp tài sản.

5/5 - (1 bình chọn)
Chuyên mục:
Luật khác

Comments are closed.