Hành vi vượt đèn đỏ là một hành vi diễn ra phổ biến trong đời sống hằng ngày. Đây là một hành vi vi phạm pháp luật và các quy định về an toàn giao thông đường bộ. Những người thực hiện hành vi này sẽ bị xử lý thích đáng theo quy định. Tuy nhiên không phải ai cũng nắm rõ các chế tài xử phạt này. Liên quan tới chủ đề này, chúng tôi nhận được rất nhiều thắc mắc. Cụ thể có câu hỏi như sau về mức tiền phạt hành vi vượt đèn đỏ:
“Chào Luật sư, tôi hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Gần đây, tôi có tham gia giao thông và bị xử phạt hành vi vượt đèn đỏ. Tuy nhiên tôi vẫn có thắc mắc về quy định xử phạt cụ thể với hành vi vượt đèn đỏ này là gì? Và mức xử phạt này có giống nhau giữa các loại phương tiện không? Mong được Luật Sư 247 giải đáp, tôi cảm ơn.”
Căn cứ pháp lý
Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020
Luật giao thông đường bộ 2008
Nghị định 100/2019/NĐ-CP
Quy định của pháp luật về hành vi vượt đèn đỏ?
Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (có hiệu lực từ ngày 01/01/2020). Hành vi phạm vượt đèn đỏ, đèn vàng là lỗi vi phạm an toàn giao thông rất nguy hiểm, có thể dẫn tới những tai nạn kinh hoàng. Theo đó, mức xử phạt vi phạm giao thông đối với chủ phương tiện có hành vi vượt đèn đỏ, đèn vàng hiện nay cao hơn quy định trước.
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 10 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thì:
3. Tín hiệu đèn giao thông có ba mầu, quy định như sau:
a) Tín hiệu xanh là được đi;
b) Tín hiệu đỏ là cấm đi;
c) Tín hiệu vàng là phải dừng lại trước vạch dừng; trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp; trong trường hợp tín hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát; nhường đường cho người đi bộ qua đường.
Như vậy, việc vượt đèn vàng khi đèn sắp sang đỏ cũng là hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ.
Mức tiền phạt vượt đèn đỏ đối với người điều khiển xe máy
Hình phạt chính
Với xe mô tô, xe gắn máy kể cả xe máy điện mức xử phạt được quy định tại điểm e, khoản 4, điều 6, Nghị định 100/2019/NĐ-CP như sau:
“4. Phạt tiền từ 600.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
e) Không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông;”
Với máy kéo, xe máy chuyên dùng:
Phạt tiền từ 01 – 02 triệu đồng theo điểm đ khoản 5 Điều 7, Nghị định 100/2019/NĐ-CP
“5. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
đ) Không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông.”
Như vậy với xe mô tô, xe gắn máy kể cả xe máy điện có hành vi vượt đèn đỏ thì sẽ bị phạt tiền từ 600.000 đồng – 01 triệu đồng. Với máy kéo, xe máy chuyên dùng thì có thể bị phạt tiền từ 01 – 02 triệu đồng.
Hình phạt bổ sung
Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe (bằng lái) từ 01- 03 tháng theo điểm b, khoản 10, điều 6, Nghị định 100/2019/NĐ-CP:
“Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:
b) Thực hiện hành vi quy định tại điểm b, điểm e, điểm i khoản 3; điểm đ, điểm e, điểm g, điểm h khoản 4; khoản 5 Điều này bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng;”
Trường hợp thực hiện hành vi vi phạm quy định nêu trên mà gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng theo điểm c khoản 6 điều 10, Nghị định 100/2019/NĐ-CP:
“c) Thực hiện hành vi quy định tại một trong các điểm; khoản sau của Điều này mà gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng:
Điểm a, điểm g, điểm h, điểm k, điểm l, điểm m, điểm n, điểm q khoản 1; điểm b, điểm d, điểm e, điểm g, điểm l, điểm m khoản 2; điểm b, điểm c, điểm k, điểm m khoản 3; điểm đ, điểm e, điểm g, điểm h khoản 4 Điều này;”
Như vậy, ngoài mức xử phạt chính ở trên, người điều khiển xe mô tô còn có thể bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1-4 tháng.
Mức tiền phạt vượt đèn đỏ đối với người điều khiển xe ô tô
Hình phạt chính
Theo điểm a, khoản 5, điều 5, Nghị định 100/2019/NĐ-CP, mức xử phạt hành vi vượt đèn đỏ khi điều khiển ô tô là:
“5. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông”
Như vậy, người điều khiển ô tô thực hiện hành vi vượt đèn đỏ sẽ bị xử phạt từ 3-5 triệu đồng.
Hình phạt bổ sung
Khoản 11, điều 5, Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định như sau:
“11. Ngoài việc bị phạt tiền; người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:
b) Thực hiện hành vi quy định tại điểm đ khoản 2; điểm h, điểm i khoản 3; khoản 4; điểm a, điểm b, điểm d, điểm đ, điểm g, điểm h, điểm i khoản 5 Điều này bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng;
c) Thực hiện hành vi quy định tại một trong các điểm, khoản sau của Điều này mà gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng: điểm a, điểm d, điểm đ, điểm e, điểm g khoản 1; điểm b, điểm d, điểm g khoản 2; điểm b, điểm g, điểm h, điểm m, điểm n, điểm r, điểm s khoản 3; điểm a, điểm c, điểm e, điểm g, điểm h khoản 4; điểm a, điểm b, điểm e, điểm g, điểm h khoản 5 Điều này;”
Như vậy, ngoài hình phạt chính; người vi phạm còn có thể bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe (bằng lái) từ 01- 04 tháng.
Mức tiền phạt vượt đèn đỏ đối với người điều khiển xe đạp, xe đạp điện
Theo điểm đ, khoản 2, Điều 8, Nghị định 100/2019/NĐ-CP với xe đạp, xe đạp máy, kể cả xe đạp điện, người thực hiện hành vi vượt đèn đỏ sẽ bị xử phạt như sau:
“2. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
đ) Không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông.”
Như vậy, với hành vi vượt đèn đỏ người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 100.000 đến 200.000 đồng.
Mức tiền phạt vượt đèn đỏ đối với người đi bộ
Theo điểm b, khoản 1, Điều 9, Nghị định 100/2019/NĐ-CP với người đi bộ khi thực hiện hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt như sau:
“1. Phạt tiền từ 60.000 đồng đến 100.000 đồng đối với người đi bộ thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
b) Không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường, trừ hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này;”
Như vậy, với hành vi vượt đèn đỏ người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 60.000 đến 100.000 đồng.
Quy định về hình thức phạt tiền theo quy định pháp luật
Quy định chung
Theo điều 23, Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, sửa đổi bổ sung 2020 quy định như sau:
“1. Đối với khu vực nội thành của thành phố trực thuộc trung ương thì mức phạt tiền có thể cao hơn, nhưng tối đa không quá 02 lần mức phạt chung áp dụng đối với cùng hành vi vi phạm trong các lĩnh vực giao thông đường bộ; bảo vệ môi trường; an ninh trật tự, an toàn xã hội.”
Như vậy theo quy định trên, trong trường hợp người vi phạm ở trong khu vực nội thành của các thành phố trực thuộc trung ướng thì mức xử phạt sẽ cao hơn mức quy định về xử phạt hành vi vượt đèn đỏ đã nêu ở trên.
Tuy nhiên mức xử phạt này sẽ không vượt quá 2 lần so với quy định và sẽ phải nộp phạt trong thời hạn nộp phạt vi phạm hành chính quy định.
Mức phạt cụ thể
Ngoài ra, tại khoản 4 điều này quy định:
“4. Mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó; nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống; nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên; nhưng không được vượt quá mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt.”
Như vậy, mức phạt thông thường với hành vi vượt đèn đỏ sẽ là mức tiền trung bình trong khung xử phạt. Nếu có hành vi tăng nặng thì sẽ là mức trần trong khung xử phạt và ngược lại khi có tình tiết giảm nhẹ.
Mời bạn xem thêm bài viết:
Hành vi cản trở giao thông đường sắt bị xử lý như thế nào?
Quy trình khiếu nại quyết định xử phạt của cảnh sát giao thông
Cảnh sát giao thông có quyền kiểm tra hàng hóa trên xe không?
Trên đây là tư vấn của chúng tôi về “Mức tiền phạt vượt đèn đỏ được quy định là bao nhiêu tiền?”. Nếu có thắc mắc gì về vấn đề này xin vui lòng liên hệ: 0833102102
Câu hỏi thường gặp
Điều 6, Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định:
Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Chuyển hướng không giảm tốc độ hoặc không có tín hiệu báo hướng rẽ (trừ trường hợp điều khiển xe đi theo hướng cong của đoạn đường bộ ở nơi đường không giao nhau cùng mức);”
Điều 57, Luật xử lý vi phạm hành chính quy định:
1. Xử phạt vi phạm hành chính có lập biên bản được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không thuộc trường hợp quy định tại đoạn 1 khoản 1 Điều 56 của Luật này.
2. Việc xử phạt vi phạm hành chính có lập biên bản phải được người có thẩm quyền xử phạt lập thành hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính. Hồ sơ bao gồm biên bản vi phạm hành chính, quyết định xử phạt hành chính, các tài liệu, giấy tờ có liên quan và phải được đánh bút lục.
Điều 22, luật xử lý vi phạm hành chính về cảnh cáo quy định:
Cảnh cáo được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không nghiêm trọng, có tình tiết giảm nhẹ và theo quy định thì bị áp dụng hình thức xử phạt cảnh cáo hoặc đối với mọi hành vi vi phạm hành chính do người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện. Cảnh cáo được quyết định bằng văn bản.