Không khai báo y tế bị xử phạt bao nhiêu tiền theo quy định pháp luật?

12/11/2021
Không khai báo y tế bị xử phạt bao nhiêu tiền theo quy định pháp luật?
768
Views

Hiện nay, dịch Covid 19 đang lây lan và diễn biến rất khó lường. Đi kèm là sự xuất hiện của các loại biến thể nguy hiểm. Để đảm bảo thực hiện công việc kiểm tra, truy vết, sàng lọc các ca nhiễm một cách hiệu quả cần có sự khai báo y tế trung thực của người dân. Tuy nhiên, trên thực tế rất nhiều người trốn tránh, không khai báo y tế hoặc khai báo gian dối. Vậy Không khai báo y tế bị xử phạt bao nhiêu tiền theo quy định pháp luật? Hãy cùng lắng nghe tư vấn của Luật sư X nhé!

Căn cứ pháp lý:

  • Quyết định số 219/QĐ-BYT ngày 29/01/2020 của Bộ Y tế
  • Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm
  • Nghị định 117/2020/NĐ-CP
  • Công văn 45/TANDTC-PC

Nội dung tư vấn:

Khai báo y tế là gì?

Khai báo y tế được hiểu là việc người dân cung cấp cho cơ quan có thẩm quyền những thông tin cá nhân của mình, đặc biệt là thông tin dịch tễ với mục đích ngăn ngừa và kiểm soát bệnh dịch. Dựa trên những thông tin đó, cơ quan y tế có thẩm quyền sẽ tiến hành kiểm tra, sàng lọc, truy vết, thực hiện các biện pháp y tế trong các trường hợp cụ thể.

Tại sao việc không khai báo y tế về tình trạng Covid lại nghiêm trọng và có thể bị xử phạt? 

Theo Quyết định 219/QĐ-BYT, Covid-19 được liệt kê vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A, là các bệnh các bệnh đặc biệt nguy hiểm, có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và có tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh. 

Dựa trên tình hình thực tế, Covid 19 cũng đang gây ra sức tàn phá vô cùng khủng khiếp trên toàn thế giới. Theo thông tin của Bộ Y tế, tính đến ngày 10/11/2021, Việt Nam đã ghi nhận 22.765 ca tử vong do mắc COVID-19. Do đó, việc áp dụng các quy định nhóm A để kiểm soát tình hình dịch bệnh là vô cùng cần thiết. 

Các nội dung cụ thể cần khai báo

Người khai báo cần phải kê khai thông tin đầy đủ dựa trên tờ khai cá nhân liên quan đến dịch Covid-19. Thông thường, tờ khai sẽ bao gồm các thông tin cơ bản về tên, tuổi, địa chỉ, tình trạng sức khỏe và yếu tố dịch tễ của người khai trong thời gian14 ngày. Các thông tin về sức khỏe của người khai rất được chú trọng gồm các triệu chứng về hô hấp: ho, sốt, đau rát họng, khó thở, tức ngực,… và các thông tin dịch tễ của người khai đễ xác định rằng họ có di chuyển từ vùng dịch, tiếp xúc với người mắc Covid-19, hoặc có nguy cơ cao bị lây nhiễm hay không để cơ quan y tế kịp thời có những biện pháp thích hợp ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Không khai báo y tế bị xử phạt bao nhiêu tiền theo quy định pháp luật?

Không khai báo y tế hoặc khai báo gian dối có thể bị xử phạt hành chính lên tới 20.000.000 đồng. 

Xử phạt hành chính

Như đã nói, Covid-19 được xếp vào nhóm A, do đó, mức phạt với các hành vi không khai báo y tế, khai báo y tế gian dối được quy định tại khoản 3 Điều 7 Nghị định 117/2020/NĐ-CP như sau:

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi:

a) Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng bệnh truyền  nhiễm thuộc nhóm A của bản thân hoặc của người khác mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A;

b) Cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A;

c) Cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A.

Mức phạt còn phụ thuộc vào lỗi và ý chí chủ quan của người vi phạm trong tình huống thực tế. Bên cạnh đó, việc không khai báo hoặc khai báo không trung thực diễn biến bệnh với với thầy thuốc, nhân viên y tế cũng sẽ bị xử phạt hành chính theo khoản 1 Điều 10 Nghị định 117 với mức phạt tiền từ 1.000.000 – 3.000.000 đồng. 

Trong một số trường hợp, người không khai báo y tế hoặc khai báo gian dối còn có thể bị phạt tù. 

Điều 1 Công văn 45/TANDTC-PC quy định: “Người đã được thông báo mắc bệnh; người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh Covid-19 đã được thông báo cách ly thực hiện một trong các hành vi sau đây gây lây truyền dịch bệnh Covid-19 cho người khác thì bị coi là trường hợp thực hiện “hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” quy định tại điểm c khoản 1 Điều 240 và xử lý về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người:

a) Trốn khỏi nơi cách ly;

b) Không tuân thủ quy định về cách ly;

c) Từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly;

d) Không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối.

Việc không tuân thủ quy định của pháp luật có thể cấu thành tội phạm. Như vậy, nếu một người không khai báo y tế, khai báo không trung thực hoặc khai báo gian dối dẫn đến hậu quả nghiêm trọng trong việc lây lan dịch bệnh cộng đồng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Bộ luật Hình sự 2015. Mức phạt có thể là phạt tiền từ 50 – 200 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ 01 – 05 năm.

Với trường hợp nghiêm trọng hơn, người phạm tội có thể phải chịu phạt tù 5-10 năm. Đó là khi hậu quả họ gây ra dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc làm chết 01 người.

Nghiêm trọng hơn nữa, người phạm tội có thể bị áp dụng mức phạt tù từ 10 – 12 năm. Cụ thể khi dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ hoặc làm chết 02 người trở lên,

Trên đây là bài viết tư vấn của chúng tôi về vấn đề trên: “Không khai báo y tế bị xử phạt bao nhiêu tiền theo quy định pháp luật?”. Hy vọng bài viết có ích cho độc giả. Mọi thắc mắc xin vui lòng liên hệ: 0833.102.102

Mời bạn xem thêm bài viết:

Câu hỏi thường gặp

Test Covid mất bao nhiêu tiền?

Hiện tại, giá của một số bệnh viện công, dịch vụ xét nghiệm virus Sars-Cov-2 theo yêu cầu từ 238.000 – 350.000 đồng/mẫu đối với test nhanh và 734.000 đồng/mẫu đối với xét nghiệm sinh học phân tử PCR. Còn đối với các bệnh viện tư nhân, xét nghiệm sinh học phân tử PCR có thể lên đến 1.5 – 4 triệu đồng/mẫu tùy bệnh viện.

Quy trình khai báo y tế điện tử? 

Bước 1: Truy cập địa chỉ https://tokhaiyte.vn để thực hiện khai báo thông tin (Tên điểm kiểm soát dịch/Số điện thoại/ Địa chỉ liên hệ yêu cầu phải chính xác….)
Bước 2: Hệ thống cung cấp cho đơn vị một Mã QR Code
Bước 3: Các đơn vị thực hiện dán Mã QR-Code ở vị trí dễ nhìn nhất để người dân thực hiện quét.

Bệnh truyền nhiễm nhóm A gồm những bệnh nào?

Các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A bao gồm bệnh bại liệt; bệnh cúm A-H5N1; bệnh dịch hạch; bệnh đậu mùa; bệnh sốt xuất huyết do vi rút Ê – bô – la (Ebola), Lát-sa (Lassa) hoặc Mác-bớc (Marburg); bệnh sốt Tây sông Nin (Nile); bệnh sốt vàng; bệnh tả; bệnh viêm đường hô hấp cấp nặng do vi rút và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới phát sinh chưa rõ tác nhân gây bệnh

Đánh giá bài viết
Chuyên mục:
Hình sự

Trả lời