Thừa kế là việc chuyển tài sản, quyền sở hữu tài sản từ người lâp di chúc cho cá nhân được hưởng di sản. Người thừa kế được ghi trong di chúc trở thành chủ sở hữu mới của tài sản mà mình được hưởng theo di chúc hoặc theo quy định của pháp luật. Trên thực tế có nhiều trường hợp người chết không để lại di chúc (do tai nạn, đột ngột không lập được di chúc hoặc có di chúc nhưng không có hiệu lực pháp luật,..) thì tài sản cần được thực hiện thừa kế theo quy định của pháp luật. Các trường hợp thừa kế theo pháp luật được tại Điều 650 Bộ luật dân sự 2015. Hãy cùng Luật sư 247 tìm hiểu về vấn đề này nhé
Căn cứ pháp lý
Quy định của pháp luật về Điều 650 Bộ luật dân sự 2015
Điều 650. Những trường hợp thừa kế theo pháp luật
1. Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp sau đây:
a) Không có di chúc;
b) Di chúc không hợp pháp;
c) Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế;
d) Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
2. Thừa kế theo pháp luật cũng được áp dụng đối với các phần di sản sau đây:
a) Phần di sản không được định đoạt trong di chúc;
b) Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật;
c) Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
Khoản 1 Điều 650 BLDS 2015
Theo đó, khoản 1 quy định các trường hợp Thừa kế theo pháp luật như sau:
a) Không có di chúc
Những trường hợp sau đây được coi là không có di chúc : Người có tài sản chết mà không lập di chúc hoặc có lập nhưng chính họ đã tiêu hủy (xé, đốt…) hoặc tuyên bố hủy bỏ di chúc đã lập. Người chết có để lại di chúc nhưng kể thời điểm mở thừa kế di chúc đã bị thất lạc hoặc đã bị hư hại đến mức không thể hiện đầy đủ ý chí của người lập di chúc đó và cũng không thể chứng minh được ý nguyện đích thực của người lập di chúc
b) Di chúc không hợp pháp
Di chúc không hợp pháp là những di chúc không đáp ứng được đầy đủ các điều kiện theo quy định của Điều 630 và những điều kiện chung của một giao dịch dân sự theo Điều 122 BLDS 2015.
Di chúc không hợp pháp sẽ không có hiệu lực pháp luật nên sẽ không làm phát sinh quan hệ thừa kế theo di chúc. Tùy theo phạm vi vi phạm của di chúc để xác định di chúc đó vô hiệu một phần hay vô hiệu toàn bộ. Di chúc được coi là vô hiệu toàn bộ nếu di chúc đó do người không minh mẫn, sáng suốt lập ra, di chúc không phải là ý nguyện đích thực của người lập (do sự lừa dối, bị cưỡng ép,…), di chúc do người đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi lập mà không có sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ, hoặc di chúc do người dưới 15 tuổi lập ra.
Ngoài ra di chúc cũng bị coi là vô hiệu toàn bộ nếu toàn bộ nội dung của nó trái pháp luật, trái đạo đức xã hội. Trong những trường hợp này, toàn bộ di sản của người lập di chúc sẽ được chia cho những người thừa kế theo pháp luật.
c) Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế
Nếu toàn bộ những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc cùng thời điểm với người lập di chúc, các cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc đều không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế, thì toàn bộ di sản của người lập di chúc được dịch chuyển toàn bộ cho những người thừa kế theo pháp luật của người đó. Nếu chỉ một hoặc một trong số người thừa kế chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế thì chỉ phần di sản liên quan đến họ mới áp dụng thừa kế theo pháp luật.
d) Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản là những người đáng lẽ được hưởng thừa kế theo di chúc nhưng lại thực hiện các hành vi quy định tại Khoản 1 Điều 621 BLDS 2015. Nếu toàn bộ những người thừa kế theo di chúc đều không có quyền hưởng di sản thì áp dụng thừa kế theo pháp luật đối với toàn bộ di sản mà người lập di chúc để lại. Nếu chỉ có một hoặc một số người thừa kế theo di chúc không có quyền hưởng di sản thì chỉ áp dụng thừa kế theo pháp luật đối với phần di sản liên quan đến những người thừa kế theo di chúc không có quyền hưởng di sản đó.
+. Người thừa kế có quyền nhận hoặc từ chối hưởng di sản của người chết để lại. Phần di sản liên quan đến người đã từ chối sẽ được áp dụng chia theo pháp luật cho những người thừa kế khác. Nếu toàn bộ những người thừa kế theo di chúc đều từ chối quyền hưởng di sản thì toàn bộ di sản của người chết để lại sẽ được áp dụng chia theo pháp luật cho những người thừa kế khác. Nếu chỉ một hoặc một số người thừa kế từ chối quyền hưởng di sản thừa kế thì chia phần di sản liên quan đến người này được áp dụng chia theo pháp luật cho những người thừa kế khác.
Khoản 2 Điều 650 BLDS 2015
Theo khoản 2 Điều 650 BLDS quy định về các trường hợp khác sẽ chia thừa kế theo pháp luật. Thừa kế theo pháp luật cũng được áp dụng đối với các phần di sản sau đây:
- Phần di sản không được định đoạt trong di chúc
- Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật;
- Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
Chia thừa kế theo pháp luật
Chia thừa kế theo hàng thừa kế
Theo Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015, tài sản, quyền và nghĩa vụ của người mất để lại sẽ được chia như sau:
– Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
– Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
– Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống;
Nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.
Chia thừa kế giữa con nuôi và cha, mẹ nuôi và cha, mẹ đẻ; con riêng và bố dượng, mẹ kế
– Con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi được thừa kế di sản của nhau và thuộc hàng thừa kế thứ nhất theo quy định tại Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015;
Thừa kế giữa con nuôi và cha, mẹ nuôi cũng được áp dụng quy định về thừa kế thế vị theo Điều 652 Bộ luật Dân sự 2015.
– Con riêng và bố dượng, mẹ kế nếu có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con thì được thừa kế di sản của nhau và thuộc hàng thừa kế thứ nhất theo quy định tại Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015; được áp dụng quy định về thừa kế thế vị theo Điều 652 Bộ luật Dân sự 2015.
Thông tin liên hệ
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của chúng tôi về vấn đề “Quy định của pháp luật về Điều 650 Bộ luật dân sự 2015”. Mọi thắc mắc về thủ tục pháp lý có liên quan như điều kiện cấp phép bay flycam, Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, Đăng ký bảo hộ thương hiệu, tìm hiểu về thủ tục tặng cho nhà đất, đăng ký xác nhận tình trạng hôn nhân, xin hợp pháp hóa lãnh sự ở Hà Nội, dịch vụ công chứng tại nhà của chúng tôi… Quý khách vui lòng liên hệ Luật Sư 247 để được hỗ trợ, giải đáp.
Liên hệ hotline: 0833.102.102.
Mời các bạn tham khảo thêm bài viết tiếng anh của chúng tôi tại trang web: Lsxlawfirm.
Câu hỏi thường gặp
Theo Điều 649 Bộ luật Dân sự 2015 quy định, thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015.
Pháp luật vẫn tạo điều kiện cho con riêng được hưởng di sản thừa kế theo pháp luật trong trường hợp quy định tại Điều 654 Bộ luật Dân sự 2015, theo đó:
“Con riêng và bố dượng, mẹ kế nếu có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con thì được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định tại Điều 652 và Điều 653 của Bộ luật này.”
Như vậy, nếu có sự chăm sóc, nuôi dưỡng lẫn nhau như máu mủ ruột thịt, thì con riêng và bố dượng, mẹ kế vẫn có quyền nhận thừa kế của nhau. Trong trường hợp này, quyền thừa kế của con riêng cũng giống với quyền thừa kế của con ruột theo pháp luật. Chẳng hạn, nếu vợ mất và không để lại di chúc, thì tài sản do vợ để lại sẽ được chia đều cho các thành viên có quyền hưởng thừa kế ở hàng thứ nhất. Cụ thể, nếu hàng thứ nhất chỉ còn lại 04 người, thì tài sản sẽ được chia đều cho 4 người này. Mỗi người đều được hưởng phần di sản như nhau.