Đi xe đạp vượt đèn đỏ bị xử phạt như thế nào theo quy định?
Chào Luật sư, bố tôi đi xe đạp thường xuyên vượt đèn đỏ. Tôi đã nhiều lần khuyên cụ nên chấp hành tín hiệu đèn nhưng cụ không nghe. Hôm nay, sau khi bố tôi vượt đèn đỏ đã bị đồng chí công an lập biên bản. Vậy hành vi này của bố tôi bị xử phạt có đúng không? Cho tôi hỏi đi xe đạp vượt đèn đỏ bị xử phạt như thế nào theo quy định? Tôi có thể nộp phạt thay cho bố tôi được không? Cảm ơn Luật sư!
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến chúng tôi. Luật sư 247 xin phép được giải đáp câu hỏi của bạn như sau
Căn cứ pháp lý
- Bộ luật dân sự 2015
- Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012
- Nghị định 100/2019/NĐ-CP
- Nghị định 81/2013/NĐ-CP
Nội dung tư vấn
Thế nào là hành vi vượt đèn đỏ?
Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (có hiệu lực từ ngày 01/01/2020). Hành vi phạm vượt đèn đỏ, đèn vàng là lỗi vi phạm an toàn giao thông rất nguy hiểm, có thể dẫn tới những tai nạn kinh hoàng. Theo đó, mức xử phạt vi phạm giao thông đối với chủ phương tiện có hành vi vượt đèn đỏ, đèn vàng hiện nay cao hơn quy định trước.
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 10 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thì:
3. Tín hiệu đèn giao thông có ba màu, quy định như sau:
a) Tín hiệu xanh là được đi;
b) Tín hiệu đỏ là cấm đi;
c) Tín hiệu vàng là phải dừng lại trước vạch dừng; trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp; trong trường hợp tín hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát; nhường đường cho người đi bộ qua đường.
Như vậy, việc vượt đèn vàng khi đèn sắp sang đỏ cũng là hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ
Đi xe đạp vượt đèn đỏ bị xử phạt như thế nào theo quy định?
Căn cứ điểm đ Khoản 2 Điều 8 Nghị định 100/2019/NĐ-CP:
“Điều 8. Xử phạt người điều khiển, người ngồi trên xe đạp, xe đạp máy, người điều khiển xe thô sơ khác vi phạm quy tắc giao thông đường bộ
2. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
đ) Không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông.”.
Như vậy, trường hợp bố của bạn điều khiển xe đạp không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông (vượt đèn đỏ) thì bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng.
So với Nghị định 46 (phạt tiền từ 60.000 đồng đến 80.000 đồng đối với hành vi không tuân thủ hiệu lệnh của tín hiệu đèn giao thông đối với xe đạp) thì Nghị định 100 đã nâng mức phạt lên để làm tốt công tác xử phạt lỗi, từ đó hạn chế các trường hợp vi phạm.
Có thể nộp phạt thay người vi phạm luật giao thông?
Căn cứ Điều 138 Bộ luật dân sự 2015 về đại diện theo ủy quyền:
“1. Cá nhân, pháp nhân có thể uỷ quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.
2. Các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân có thể thỏa thuận cử cá nhân, pháp nhân khác đại diện theo ủy quyền xác lập, thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản chung của các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân”.
Theo đó; cá nhân có thể ủy quyền cho người khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự. Theo đó, việc ủy quyền nộp phạt vi phạm về an toàn giao thông là một giao dịch dân sự bình thường; vì vậy, bố bạn hoàn toàn có thể ủy quyền cho bạn thực hiện thủ tục nộp phạt vi phạm an toàn giao thông.
Nộp phạt thay người khác như thế nào?
Khi thực hiện thủ tục nộp phạt vi phạm giao thông trong trường hợp ủy quyền, bạn cần chuẩn bị các giấy tờ sau đây:
- Giấy ủy quyền nộp phạt vi phạm giao thông có dấu xác nhận của chính quyền địa phương nơi bạn cư trú hoặc phải được công chứng theo quy định của pháp luật;
- Biên bản xử phạt vi phạm giao thông;
- Bản sao chứng thực Giấy CMND của bạn
- Bản chính CMND của anh bạn
Các hình thức nộp phạt vi phạm giao thông
Nộp phạt tại chỗ cho cảnh sát giao thông
Đây là hình thức nộp phạt đơn giản và thuận tiện nhất với người vi phạm. Tuy nhiên, thủ tục này chỉ áp dụng đối với trường hợp người vi phạm giao thông bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức (theo khoản 1 Điều 56 và khoản 1 Điều 57 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012).
Chuyển khoản cho Kho bạc Nhà nước
Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt, cá nhân; tổ chức bị xử phạt phải nộp tiền phạt tại Kho bạc Nhà nước hoặc nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước được ghi trong quyết định xử phạt, trừ trường hợp đã nộp tiền phạt quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.
Nộp phạt tại ngân hàng thương mại
Để tạo thuận tiện cho người dân, hiện có một số ngân hàng thương mại được Kho bạc Nhà nước ủy nhiệm thu tiền phạt. Theo điểm a, khoản 1, Điều 10 Nghị định 81/2013/NĐ-CP, tổ chức, cá nhân vi phạm có thể nộp trực tiếp tại Kho bạc nhà nước hoặc ngân hàng thương mại nơi Kho bạc Nhà nước ủy nhiệm thu tiền phạt.
Các ngân hàng thương mại được Kho bạc Nhà nước ủy nhiệm thu được viết trong biên bản xử phạt, trong đó có thể kể tên một số ngân hàng như: Vietcombank; Vietinbank; BIDV; Agribank; MB…
Nộp phạt tại bưu điện
Đây là hình thức nộp phạt mới so với các hình thức nêu trên. Kể từ thời điểm tháng 02/2016, người vi phạm giao thông được nộp phạt qua hệ thống bưu điện trên cả nước.
Chậm nộp phạt vi phạm giao thông bị xử lý thế nào?
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 78 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 và Điều 5 Thông tư 153/2013/TT-BTC quy định về thời hạn nộp phạt vi phạm giao thông, trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt, cá nhân; tổ chức bị phạt phải nộp tiền tại Kho bạc Nhà nước hoặc nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước được ghi trong quyết định xử phạt. Nếu quá thời hạn nêu trên sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và cứ mỗi ngày chậm nộp thì cá nhân, tổ chức vi phạm sẽ phải nộp thêm 0,05% trên tổng số tiền phạt chưa nộp. Không tính trường hợp chậm nộp phạt đối với các trường hợp được hoãn thi hành quyết định xử phạt.
Giải quyết vấn đề
Như vậy, hành vi đi xe đạp vượt đèn đỏ có thể bị xử phạt từ 100.000 đến 200.000 đồng. Do đó, người điều khiển xe đạp cần phải nghiêm túc chấp hành luật hiệu lệnh của đèn tín hiệu.
Video Luật sư 247 giải đáp thắc mắc Đi xe đạp vượt đèn đỏ bị xử phạt như thế nào theo quy định?
Có thể bạn quan tâm
- Đè lên vạch kẻ đường khi dừng đèn đỏ bị phạt bao nhiêu?
- Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của nhà nước, cơ quan
- Hành vi cản trở giao thông đường sắt bị xử lý như thế nào?
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về vấn đề Đi xe đạp vượt đèn đỏ bị xử phạt như thế nào theo quy định? Hy vọng bài viết bổ ích với bạn đọc!
Hãy liên hệ khi có nhu cầu sử dụng dịch vụ của Luật sư 247: 0833.102.102.
Câu hỏi thường gặp
Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định mức phạt đối với xe máy khi chạy quá tốc độ như sau
Quá tốc độ từ 5-10km/h: 200.000 – 300.000 đồng
Quá tốc độ từ 10-20km/h: 3.000.000 – 5.000.000 đồng
Quá tốc độ từ 20-35 km/h: 6.000.000 – 8.000.000 đồng
Quá tốc độ trên 35km/h: 10.000.000 – 12.000.000 đồng
Với hành vi vi phạm sử dụng ô khi điều khiển, ngồi trên xe đạp, tại Điểm h Khoản 1 Điều 8, Nghị định 171/2013/NĐ-CP quy định như sau: Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 60.000 đồng
Đối với xe máy: Khi chuyển hướng, chuyển làn đường không đúng quy định gây tai nạn giao thông thì người lái xe có thể bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 2-4 tháng
Đối với ô tô : Dừng, đỗ xe không đúng quy định trên đường cao tốc người lái xe có thể bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 1-3 tháng.