Có được từ chối tạm ứng lương cho nhân viên không?

22/08/2022
480
Views

Xin chào luật sư. Gia đình hiện đang gặp khó khăn do tình hình dịch bệnh nên mới đây tôi xin công ty cho ứng trước một tháng lương nhưng giám đốc không đồng ý vì cho rằng không có quy định nào về việc được tạm ứng lương trong trường hợp này. Xin hỏi công ty làm như vậy có vi phạm pháp luật? Công ty có được từ chối tạm ứng lương cho nhân viên không? Mong luật sư giải đáp giúp tôi.

Tạm ứng tiền lương trước kỳ hạn trả lương là một trong các vấn đề được người lao động vô cùng quan tâm. Không ít trường hợp gặp khó khăn nên buộc phải xin công ty cho tạm ứng tiền lương. Vậy tại sao có công ty ứng trước lương cho nhân viên, có công ty lại không đồng ý với việc này? Quy định về tạm ứng tiền lương trong Bộ luật lao động như thế nào? Các trường hợp nào người lao động được tạm ứng tiền lương? Để làm rõ vấn đề này, Luật sư 247 xin giới thiệu bài viết “Có được từ chối tạm ứng lương cho nhân viên không?”. Mời bạn đọc cùng tham khảo.

Căn cứ pháp lý

Tạm ứng tiền lương là gì?

Tiền lương là khoản tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động để thực hiện công việc theo thỏa thuận bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Mức lương theo công việc hoặc chức danh không được thấp hơn mức lương tối thiểu. Người sử dụng lao động phải bảo đảm trả lương bình đẳng, không phân biệt giới tính đối với người lao động làm công việc có giá trị như nhau.

Phụ thuộc vào hình thức làm việc mà thời hạn trả lương sẽ khác nhau theo sự thỏa thuận. Có thể được trả lương sau giờ, ngày, tuần, sau tháng/ nửa tháng hoặc cho đến khi hoàn thành công việc.

Trong thực tế cuộc sống do những nhu cầu cần thiết của bản thân, gia đình, người lao động thường tạm ứng tiền lương trước kỳ hạn trả lương. Nghĩa là chưa đến hạn được trả lương theo thỏa thuận, người lao động đề nghị người sử dụng lao động trả tiền lương tạm ứng trước cho mình.

Tạm ứng tiền lương được quy định nhằm mục đích chủ yếu là giúp người lao động kịp thời khắc phục những khó khăn gặp phải trong cuộc sống, trong thời gian nghỉ việc hoặc phải nghỉ việc không có tiền lương. Việc tạm ứng tiền lương cho người lao động được thực hiện trên cơ sở kết quả thỏa thuận của người sử dụng lao động và người lao động hoặc phải thực hiện theo quy định của pháp luật. 

Có được từ chối tạm ứng lương cho nhân viên?

Có được từ chối tạm ứng lương cho nhân viên không?
Có được từ chối tạm ứng lương cho nhân viên không?

Các trường hợp người lao động được tạm ứng trước tiền lương

Vấn đề tạm ứng tiền lương được đề cập đến tại Điều 97, Điều 101, Điều 128 Bộ luật lao động 2019. Theo đó thì người sử dụng lao động bắt buộc phải tạm ứng tiền lương cho người lao động trong các trường hợp sau:

– Người lao động hưởng lương theo sản phẩm, khoán mà công việc phải làm trong nhiều tháng (khoản 3 Điều 97 Bộ luật lao động). Hàng tháng, người lao động được tạm ứng tiền lương theo khối lượng công việc đã làm trong tháng.

– Theo khoản 2 Điều 101 Bộ luật lao động, người lao động được tạm ứng tiền lương tương ứng với số ngày tạm thời nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân từ một tuần trở lên nhưng tối đa không quá một tháng tiền lương theo hợp đồng lao động. Trong trường hợp này, người lao động phải hoàn trả số tiền đã tạm ứng.

Ở trường hợp này, chúng ta có thể hiểu rằng doanh nghiệp chỉ phải tạm ứng tiền lương cho nhân viên trong trường hợp nhân viên nghỉ tạm thời và chắc chắn sẽ quay lại công ty trong tháng đó. Còn trường hợp nhân viên nghỉ dài hạn như đi nghĩa vụ quân sự thì doanh nghiệp không có nghĩa vụ cho tạm ứng vì khi đó, nhân viên được nhà nước đảm bảo chế độ sinh hoạt, ăn uống từ ngân sách có sẵn. 

– Người lao động được tạm ứng một khoản tiền ít nhất bằng tiền lương của những ngày nghỉ hàng năm theo quy định tại Điều 113 Bộ luật lao động 2019.

 Theo Điều 113 Bộ luật Lao động 2019, người lao động làm việc đủ 12 tháng cho doanh nghiệp hoàn toàn đủ tư cách để nghỉ hàng năm. Như vậy, pháp luật chỉ quy định mức lương tạm ứng tối thiểu mà không quy định mức tối đa cho trường hợp này. Do đó, người lao động và chủ doanh nghiệp có thể thỏa thuận với nhau để đưa ra mức tạm ứng lớn hơn tiền lương những ngày nghỉ.

– Trong thời gian người lao động bị tạm đình chỉ công việc (khoản 2 Điều 128 Bộ luật lao động), thì được tạm ứng 50% tiền lương trước khi bị đình chỉ công việc.

Người sử dụng lao động có buộc phải tạm ứng trước tiền lương cho nhân viên?

Như vậy, căn cứ vào quy định trên, pháp luật chỉ quy định người sử dụng lao động phải tạm ứng tiền lương cho nhân viên trong một số trường hợp nhất định. Nếu không thuộc các trường hợp này, việc tạm ứng tiền lương được thực hiện trên cơ sở thỏa thuận của người lao động và người sử dụng lao động theo khoản 1 Điều 101 Bộ luật lao động và nếu người sử dụng lao động từ chối thì cũng không trái quy định pháp luật.

Với trường hợp của bạn lấy lý do là gia đình khó khăn cần khoản tiền để trang trải cho cuộc sống hiện tại. Đây không phải là căn cứ bắt buộc để người sử dụng lao động trả lương tạm ứng trước cho bạn. Do đó việc ứng trước tiền lương trong trường hợp này sẽ dựa trên sự thỏa thuận với người sử dụng lao động. Bạn có thể trình bày các lý do cho sự khó khăn của bạn và mong công ty đồng ý với việc tạm ứng tiền lương. Tuy nhiên người sử dụng lao động không bắt buộc phải thực hiện theo trong trường hợp này.

Quy trình tạm ứng lương cho người lao động

Việc tạm ứng tiền lương cho người lao động có thể được thực hiện theo quy trình sau: (trừ trường hợp có những thay đổi khác)

  • Bước 1: Người lao động lập giấy Đề nghị tạm ứng tiền lương

Nhân viên muốn tạm ứng lương cần lập giấy Đề nghị tạm ứng. Trong đơn đề nghị cần phải ghi đúng, đầy đủ các nội dung để làm cơ sở để người sử dụng lao động cần ứng tiền lương cho người lao động.

  • Bước 2: Người lao động trình trưởng phòng Giấy đề nghị tạm ứng:

Sau khi hoàn thiện xong mẫu giấy, người lao động phải xin ý kiến của trưởng bộ phận của mình trước tiên. Nếu được đồng ý, trưởng phòng sẽ ký vào giấy, phê duyệt yêu cầu, sau đó mới được chuyển lên cấp cao hơn để phê duyệt.

  • Bước 3: Trình giám đốc ký duyệt tạm ứng:

Sau khi trưởng phòng duyệt, người lao động tiếp tục trình lên giám đốc để xem xét và ký duyệt nguyện vọng. 

  • Bước 4: Chuyển kế toán thanh toán viết phiếu chi với tiền lương tạm ứng :

Kế toán sẽ chi trả lương tạm ứng theo đơn tạm ứng của người lao động đã được giám đốc phê duyệt. Kế toán sẽ kiểm tra tính đúng đắn của thông tin khai trên giấy đề nghị tạm ứng, sau đó viết phiếu chi tạm ứng và ký tên người lập phiếu. Mẫu phiếu chi tạm ứng mà kế toán viết thực hiện theo Mẫu số 02-TT ban hành kèm theo thông tư 200/2014/TT-BTC

  • Bước 5: Kế toán trưởng duyệt chi:

Kế toán thanh toán làm nhiệm vụ viết phiếu chi xong sẽ cần chuyển Kế toán trưởng kiểm tra lại và ký duyệt

  • Bước 6: Trình Giám đốc duyệt chi:

Sau khi kế toán trưởng ký giấy, kế toán thanh toán chuyển phiếu chi để trình giám đốc ký duyệt một lần nữa

  • Bước 7: Thủ quỹ chi tiền cho người lao động:

Thủ quỹ sẽ căn cứ vào phiếu chi có đầy đủ chữ ký của: nhân viên có nguyện vọng tạm ứng, kế toán thanh toán, kế toán trưởng và giám đốc để chi số tiền đề nghị đã được phê duyệt cho nhân viên.

  • Bước 8: Hạch toán kế toán và lưu trữ chứng từ:

Kế toán cần lưu lại các chứng từ, đơn đề nghị vào sổ sách theo đúng đối tượng. Giấy tờ cần lưu trữ gồm có: đơn đề nghị tạm ứng, phiếu chi tạm ứng với đầy đủ nội dung, chữ ký của các bên liên quan. 

Lưu ý: Trường hợp công ty không có các nhân sự/bộ phận như trên thì sẽ bỏ qua các bước đó. Quan trọng là phải được sự đồng ý của người sử dụng lao động đối với việc tạm ứng tiền lương.

Thông tin liên hệ

Trên đây là tư vấn về “Có được từ chối tạm ứng lương cho nhân viên không?”. Mong rằng các kiến thức trên có thể giúp ích cho bạn trong cuộc sồng hằng ngày. Hãy theo dõi chúng tôi để biết thêm nhiều kiến thức bổ ích. Và nếu quý khách có thắc mắc về cách nộp quyết toán thuế tncn online hoặc muốn tham khảo cách xử lý trong trường hợp nộp chậm báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn cũng như các vấn đề pháp lý khác của chúng tôi, mời quý khách hàng liên hệ đến hotline để được tiếp nhận.

Liên hệ hotline: 0833102102. Hoặc bạn có thể tham khảo thêm các kênh sau:

Mời bạn xem thêm

Câu hỏi thường gặp

Tạm ứng tiền lương trong trường hợp nghỉ phép năm như thế nào?

Theo khoản 5 Điều 113 Bộ luật lao động 2019 quy định:
“5. Khi nghỉ hằng năm mà chưa đến kỳ trả lương, người lao động được tạm ứng tiền lương theo quy định tại khoản 3 Điều 101 của Bộ luật này.”
Khoản 3 Điều 101 Bộ luật lao động quy định như sau:
” Khi nghỉ hằng năm, người lao động được tạm ứng một khoản tiền ít nhất bằng tiền lương của những ngày nghỉ.”
Do đó khi bạn nghỉ phép năm mà chưa đến kỳ trả lương thì bạn có thể được tạm ứng một khoản tiền ít nhất bằng tiền lương của những ngày nghỉ phép năm theo quy định.

Không trả lương trong thời giam tạm đình chỉ công việc cho người lao động, công ty bị phạt bao nhiêu?

Trường hợp công ty trả lương không đúng quy định cho người lao động trong thời gian tạm đình chỉ công việc sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Nghị định 28/2020/NĐ-CP như sau:
 – Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
 – Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
– Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
– Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
 – Từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.

Người lao động được trả lương khi nào?

Theo Điều 97 Bộ luật lao động quy định về kỳ hạn trả lương như sau:
1. Người lao động hưởng lương theo giờ, ngày, tuần thì được trả lương sau giờ, ngày, tuần làm việc hoặc được trả gộp do hai bên thỏa thuận nhưng không quá 15 ngày phải được trả gộp một lần.
2. Người lao động hưởng lương theo tháng được trả một tháng một lần hoặc nửa tháng một lần. Thời điểm trả lương do hai bên thỏa thuận và phải được ấn định vào một thời điểm có tính chu kỳ.
3. Người lao động hưởng lương theo sản phẩm, theo khoán được trả lương theo thỏa thuận của hai bên; nếu công việc phải làm trong nhiều tháng thì hằng tháng được tạm ứng tiền lương theo khối lượng công việc đã làm trong tháng.
4. Trường hợp vì lý do bất khả kháng mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn thì không được chậm quá 30 ngày; nếu trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì người sử dụng lao động phải đền bù cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do ngân hàng nơi người sử dụng lao động mở tài khoản trả lương cho người lao động công bố tại thời điểm trả lương.

5/5 - (1 bình chọn)
Chuyên mục:
Lao động

Comments are closed.