Chữ ký điện tử có giá trị pháp lý hay không?

14/11/2021
Chữ ký điện tử có giá trị pháp lý hay không?
756
Views

Sự phát triển của công nghệ thông tin đang tạo ra một làn sống mạnh mẽ. Làn sóng này tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội từ văn hóa, giáo dục, kinh tế,… Chúng ta đang phải thay đổi thói quen của mình để bắt kịp với xu thế. Thuật ngữ “Thời đại số” thường được nhắc tới cũng miêu tả rõ ràng bối cảnh này. Các công cụ điện tử tạo nhiều cơ hội hơn cho chúng ta nâng cao các tiện nghi và năng suất làm việc. Một trong các ví dụ tiêu biểu nhất là các hợp đồng thương mại điện tử.

Dù không chú ý, chúng ta thường tiếp xúc và sử dụng loại hợp đồng này ở khắp nơi. Có thể đó là khi bạn mua một phần mềm trả phí trên website. Hoặc khi bạn mua sản phẩm trên sàn thương mại điện tử. Đơn giản hơn là khi bạn thỏa thuận giao kết hợp đồng qua tin nhắn, email, hóa đơn điện tử,…Tuy nhiên, hợp đồng thương mại điện tử có một nhược điểm là tính bảo mật không cao. Đối với pháp luật Việt Nam, vấn đề giao dịch thương mại điện tử vấn còn khá mới mẻ. Một trong những cách gia tăng tính bảo mật cho những giao dịch này chính là Chữ ký điện tử.

Chữ ký điện tử là gì và Chữ ký điện tử có giá trị pháp lý hay không? Hãy cùng Luật sư X giải đáp câu hỏi này nhé!

Cơ sở pháp lý:

Nội dung tư vấn:

Chữ ký điện tử là gì?

Thông thường, chữ ký được hiểu là dấu viết tay. Đó có thể là tên, biệt danh hay một ký hiệu bất kỳ để thể hiện dấu ấn của một người. Chữ ký thường thấy trên các tài liệu, hợp đồng, văn bản pháp lý,… với ý nghĩa minh chứng cho sự hiện diện của người đó. Khẳng định rằng họ đồng ý với những thỏa thuận của hợp đồng trên văn bản.

Chữ ký điện tử có thể là từ, chữ, số, ký hiệu, âm thanh hoặc các hình thức khác bằng phương tiện điện tử, gắn liền hoặc kết hợp một cách lô gíc với thông điệp dữ liệu, có khả năng xác nhận người ký thông điệp dữ liệu và xác nhận sự chấp thuận của người đó đối với nội dung thông điệp dữ liệu được ký.

Như vậy, hình thức của chữ ký điện tử đa dạng hơn chữ ký thông thường. Trong đó, thông điệp dữ liệu là thông tin được tạo ra, được gửi đi, được nhận và được lưu trữ bằng phương tiện điện tử. Trong nhiều trường hợp, thông điệp dữ liệu chính là hợp đồng hoặc các điều khoản trong hợp đồng.

Chữ ký điện tử có giá trị pháp lý hay không?

Giá trị pháp lý là gì?

Giá trị pháp lý là gì sự hữu ích của tài liệu, văn bản cụ thể. Nó đóng vai trò như một bằng chứng pháp lý về thẩm quyền, nghĩa vụ của một cá nhân, tổ chức đối với một hành vi nào đó.

Giá trị pháp lý của chữ ký điện tử

Trường hợp 1:

Trong trường hợp pháp luật quy định văn bản cần có chữ ký thì yêu cầu đó đối với một thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng nếu chữ ký điện tử được sử dụng để ký thông điệp dữ liệu đó đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Phương pháp tạo chữ ký điện tử cho phép xác minh được người ký và chứng tỏ được sự chấp thuận của người ký đối với nội dung thông điệp dữ liệu;

b) Phương pháp đó là đủ tin cậy và phù hợp với mục đích mà theo đó thông điệp dữ liệu được tạo ra và gửi đi.

Trường hợp 2:

Trong trường hợp pháp luật quy định văn bản cần được đóng dấu của cơ quan, tổ chức thì yêu cầu đó đối với một thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng nếu thông điệp dữ liệu đó được ký bởi chữ ký điện tử của cơ quan, tổ chức đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 22 của Luật Giao dịch điện tử 2005. Cụ thể đó là điều kiện để đảm bảo an toàn cho chữ ký điện tử.

Kết luận, chữ ký điện tử sẽ có hiệu lực pháp lý nếu thỏa mãn các điều kiện được trình bày trong hai trường hợp trên.

Điều kiện để bảo đảm an toàn cho chữ ký điện tử

Dù chữ ký điện tử khá phức tạp và có tính cá nhân cao. Tuy nhiên, pháp luật vẫn quy định chặt chẽ những điều kiện để đảm bảo tính an toàn của chữ ký điện tử. Những điều kiện đó là:

a) Dữ liệu tạo chữ ký điện tử chỉ gắn duy nhất với người ký trong bối cảnh dữ liệu đó được sử dụng;

b) Dữ liệu tạo chữ ký điện tử chỉ thuộc sự kiểm soát của người ký tại thời điểm ký;

c) Mọi thay đổi đối với chữ ký điện tử sau thời điểm ký đều có thể bị phát hiện;

d) Mọi thay đổi đối với nội dung của thông điệp dữ liệu sau thời điểm ký đều có thể bị phát hiện.

Nguyên tắc sử dụng chữ ký điện tử

Các bên tham gia giao dịch điện tử có quyền thỏa thuận:

a) Sử dụng hoặc không sử dụng chữ ký điện tử để ký thông điệp dữ liệu trong quá trình giao dịch;

b) Sử dụng hoặc không sử dụng chữ ký điện tử có chứng thực;

c) Lựa chọn tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử trong trường hợp thỏa thuận sử dụng chữ ký điện tử có chứng thực.

Chữ ký điện tử của cơ quan nhà nước phải được chứng thực bởi tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.

Nghĩa vụ của các bên khi thỏa thuận sử dụng chữ ký điện tử

Người ký chữ ký điện tử

a) Có các biện pháp để tránh việc sử dụng không hợp pháp dữ liệu tạo chữ ký điện tử của mình;

b) Khi phát hiện chữ ký điện tử có thể không còn thuộc sự kiểm soát của mình, phải kịp thời sử dụng các phương tiện thích hợp để thông báo cho các bên chấp nhận chữ ký điện tử và cho tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử trong trường hợp chữ ký điện tử đó có chứng thực;

c) áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo đảm tính chính xác và toàn vẹn của mọi thông tin trong chứng thư điện tử trong trường hợp chứng thư điện tử được dùng để chứng thực chữ ký điện tử.

Bên chấp nhận chữ ký điện tử

a) Tiến hành các biện pháp cần thiết để kiểm chứng mức độ tin cậy của một chữ ký điện tử trước khi chấp nhận chữ ký điện tử đó;

b) Tiến hành các biện pháp cần thiết để xác minh giá trị pháp lý của chứng thư điện tử và các hạn chế liên quan tới chứng thư điện tử trong trường hợp sử dụng chứng thư điện tử để chứng thực chữ ký điện tử.

Cả hai bên phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hậu quả do không tuân thủ quy định về nghĩa vụ khi sử dụng chữ ký điện tử.

Trong trường hợp đó là chữ ký điện tử nước ngoài thì sao?

Nhà nước công nhận giá trị pháp lý của chữ ký điện tử nếu chữ ký điện tử đó có độ tin cậy tương đương với độ tin cậy của chữ ký điện tử theo quy định của pháp luật. Việc xác định mức độ tin cậy của chữ ký điện tử và chứng thư điện tử nước ngoài phải căn cứ vào các tiêu chuẩn quốc tế đã được thừa nhận, điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và các yếu tố có liên quan khác.

Mời bạn xem thêm:

Trên đây là nội dung tư vấn của văn phòng Luật sự X. Hi vọng các bạn đã trả lời được câu hỏi: Chữ ký điện tử có giá trị pháp lý hay không? Mọi thắc mắc xin vui lòng liên hệ: 0833.102.102

Câu hỏi thường gặp

Bên chấp nhận chữ ký điện tử là ai?

Bên chấp nhận chữ ký điện tử là bên đã thực hiện những nội dung trong thông điệp dữ liệu nhận được trên cơ sở tin vào chữ ký điện tử, chứng thư điện tử của bên gửi.

Người ký chữ ký điện tử là ai?

Người ký chữ ký điện tử hoặc người đại diện hợp pháp của người đó là người kiểm soát hệ chương trình ký điện tử và sử dụng thiết bị đó để xác nhận ý chí của mình đối với thông điệp dữ liệu được ký.

Hoạt động chứng thực chữ ký điện tử bao gồm những gì?

1. Cấp, gia hạn, tạm đình chỉ, phục hồi, thu hồi chứng thư điện tử.
2. Cung cấp thông tin cần thiết để giúp chứng thực chữ ký điện tử của người ký thông điệp dữ liệu.
3. Cung cấp các dịch vụ khác liên quan đến chữ ký điện tử và chứng thực chữ ký điện tử theo quy định của pháp luật.

5/5 - (1 bình chọn)
Chuyên mục:
Luật khác

Để lại một bình luận