Bắt cóc chủ vườn dừa tống tiền bị xử phạt như thế nào?

15/10/2021
Bắt cóc chủ vườn dừa tống tiền bị xử phạt như thế nào?
506
Views

Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản là gì? Bắt cóc chiếm nhằm chiếm đoạt tài sản bị xử phạt như thế nào? Bắt cóc chủ vườn dừa tống tiền bị xử phạt như thế nào?

Theo VTCNEW, ngày 14/10/2021 “Phòng CSHS vừa bắt thêm 4 nghi can liên quan đến vụ bắt cóc chủ vườn dừa ở huyện Xuyên Mộc (Bà Rịa – Vũng Tàu) đòi 4,5 tỷ tiền chuộc, gây xôn xao dư luận vào cuối năm 2020.”

Tóm tắt vụ việc như sau:

Theo hồ sơ điều tra, vào tháng 12/2020; do cần tiền tiêu xài và từng có mối quan hệ quen biết với ông T.Q.V.; nên Trần Anh Tuấn (34 tuổi) đã thuê người bắt cóc ông V để đòi tiền chuộc.

Để thực hiện kế hoạch trên, thông qua Trần Văn Tín (31 tuổi); Tuấn thuê Lê Minh bắt cóc ông V với giá 100 triệu đồng. Sau đó, Minh đã rủ thêm Vương, Sang, Nam và một số đối tượng khác tham gia.

Tuấn nhiều lần gọi điện cho vợ ông V; yêu cầu chuyển 4,5 tỷ đồng để “thả người”, nếu không sẽ sát hại nạn nhân. Thời điểm này, vợ ông V đồng ý, xin cho thêm thời gian để vay mượn tiền và đã báo công an.

Theo cơ quan điều tra, 4 nghi can vừa bị bắt giữ đều từng có tiền án về các tội giết người, cướp tài sản và trộm cắp tài sản.

Vậy các hành vi bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản này có thể bị xử lý như thế nào? Luật sư 247 có những giải đáp sau:

Căn cứ pháp lý

Bộ luật hình sự năm 2015

Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản là gì

Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản là hành vi nguy hiểm cho xã hội; không chỉ xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản mà còn xâm phạm đến nhân thân của người khác.

Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản là một loạt những hành động: dùng nhiều thủ đoạn như đùng vũ lực, dụ dỗ, lừa dối… để bắt giữ con tin; có hành vi dùng vũ lực gây tổn hại đến con tin nếu không giao nộp tài sản theo yêu cầu; hành vi này có thể thực hiện trực tiếp hoặc qua thư, điện thoại…

Các yếu tố cấu thành tội Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản

Mặt khách quan

  • Có hành vi bắt giữ người trái với pháp luật quy định. Sử dụng những thủ đoạn khác nhau như dùng vũ lực; lừa dối, dùng chất gây mê,… để bắt giữ người nhằm tạo áp lực buộc phía người bị hại phải giao tài sản theo yêu cầu.
  • Đối tượng bị bắt cóc thường phải là người có quan hệ huyết thốngnhư: cha, mẹ, con, anh, chị…; quan hệ hôn nhân hoặc quan hệ tình cảm, xã hội thân thiết khác như: cha nuôi, mẹ nuôi, người yêu… với người bị hại. Hầu hết là những người quen; có hiểu biết về hoàn cảnh người bị hại để uy hiếp chiếm đoạt tài sản.
  • Gây áp lực đòi người bị hại giao tài sản để đổi lấy người bị bắt giữ. Tức là khi thực hiện xong vụ bắt cóc thì người phạm tội sẽ gây sức ép về mặt tinh thần; đối với người bị hại bằng việc đe dọa gây tổn hại đến tính mạng, sức khỏe con tin. Theo đó, buộc người bị hại phải giao ra một số tài sản để đổi lấy sự an toàn của con tin. Có thể thực hiện qua viết thư, điện thoại, nhờ người thông báo…
  • Tội phạm hoàn thành được tính bắt đầu từ lúc người phạm tội có hành vi bắt cóc người khác làm con tin; (với mục đích nhằm chiếm đoạt tài sản) để đòi chuộc bằng tài sản.

Khách thể

Hành vi nêu trên xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người khác. Ngoài ra còn xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ; quyền tự do thân thể, danh dự, nhân phẩm của công dân.

Mặt chủ quan

Đối tượng phạm tội thực hiện tội phạm với lỗi cố ý. Mục đích nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác chính là dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội này.

Chủ thể

Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm; quy đinh tại Điều 12 Bộ luật Hình sự.

Như vậy, từ các yếu tố trên có thể thấy, ông Trần Anh Tuấn cùng những đối tượng khác tham gia có hành vi lừa đảo để bắt cóc ông V và dùng điện thoại uy hiếp vợ ông V yêu cầu chuyển 4,5 tỷ đồng, nếu không sẽ sát hại ông V. Từ những hành vi này; có thể thấy ông Tuấn đủ năng lực trách nhiệm hình sự; và đã đủ yếu tố cấu thành tội Bắt cóc chiếm đoạt tài sản.

Hình phạt đối vối tội phạm bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản

Căn cứ Điều 169 Bộ luật hình sự 2015 quy định khung hình phạt đối với tội Bắt cóc chiếm đoạt tài sản; Người nào bắt cóc người khác làm con tin nhằm chiếm đoạt tài sản sẽ bị xử phạt như sau:

Phạt tù từ 02 năm đến 07 năm

Với bất cứ người nào đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự; mà người đó có hành vi bắt cóc người khác làm con tin nhằm chiếm đoạt tài sản.

Phạt tù từ 05 năm đến 12 năm

– Có tổ chức:

Nhiều người cố ý cùng bàn bạc, cấu kết, hành động có kế hoạch; để thực hiện việc bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, dưới sự điều khiển của người cầm đầu. Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm quy định tại Điều 17 Bộ luật Hình sự 2015.

– Có tính chất chuyên nghiệp:

Tính chuyên nghiệp của tội phạm phải xem xét việc thực hiện tội phạm có phải là thường xuyên và là những hoạt động để sống hay không. Nếu phạm tội nhiều lần nhưng họ không lấy việc phạm tội là lẽ sống thì không coi là có tính chất chuyên nghiệp mà chỉ là trường hợp phạm tội nhiều lần.

– Dùng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác:

Vũ khí nguy hiểm như: vũ khí quân dụng, súng săn,… (Điều 3 Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ).

Phương tiện nguy hiểm là những vật mà người phạm tội sử dụng như: dùng các loại dao; chất độc; chất cháy; thuốc… Những vật có khả năng tổn hại đến người khác; không phụ thuộc vào việc người sử dụng có gây nguy hiểm đến con người hay không; mà chỉ xác định công dụng của các vật mà người phạm tội sử dụng có khả năng gây nguy hại đến tính mạng, sức khoẻ của con người.

Đối với người dưới 16 tuổi:

Nếu không xác định được năm sinh thì phải tiến hành giám định để xác định tuổi.

– Đối với 02 người trở lên;

– Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

– Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người bị bắt làm con tin mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%;

– Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%;

– Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

– Tái phạm nguy hiểm:

Trước đây người phạm tội này đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà đã bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản hoặc trước đây họ đã bị kết án về tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà nay lại tiếp tục bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác.

Phạt tù từ 10 năm đến 18 năm

– Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

– Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người bị bắt làm con tin mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

– Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên.

Phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân

– Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

– Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe:

Của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên;

– Gây rối loạn tâm thần và hành vi của 02 người trở lên mà tỷ lệ của mỗi người 46% trở lên;

– Làm chết người.

Căn cứ để xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể của nạn nhân cũng dựa vào kết quả giám định pháp y theo quy định tại Thông tư số 22/2019/TT-BYT quy định Tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể sử dụng trong giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần.

Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm

Hình phạt bổ sung

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Kết luận

Ông Tuấn là người tổ chức vụ bắt cóc, đã thuê người để thực hiện tội phạm thuộc trường hợp phạm tội có tổ chức, có thể bị phạt từ từ 5 năm đến 12 năm tù.

Đồng phạm có tiền án về các tội giết người, cướp tài sản và trộm cắp tài sản; mà chưa được xóa án tích, thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm; có thể bị phạt từ 5 năm đến 12 năm tù.

Tuy nhiên, vì ông Tuấn đòi tiền chuộc lên đến 4,5 tỷ; vì vậy, thuộc trường hợp Chiếm đoạt tài sản trị giá trên 500.000.000 đồng; có thể bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Ngoài ra, đối tượng phạm tội còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng; phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm; hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Mời bạn đọc thêm

Trên đây là tư vấn của Luật sư 247 về vấn đề “Bắt cóc chủ vườn dừa tống tiền bị xử phạt như thế nào?“. Để biết thêm thông tin chi tiết hoặc giải đáp những vấn đề pháp lý khó khăn; vui lòng sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật hoặc liên hệ hotline: 0833102102

Câu hỏi thường gặp

Trộm chó bị xử phạt như thế nào?

– Nếu giá trị của tài sản bị trộm cắp dưới 02 triệu đồng, chưa bị xử lý hành chính về hành vi trộm cắp tài sản, chưa bị kết án về một trong các tội chiếm đoạt tài sản thì bị phạt hành chính. Theo a khoản 1 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP là phạt tiền từ 01 – 02 triệu đồng.
– Nếu tài sản trên 02 triệu có thể phạt tù theo quy định tại Điều 173 Bộ luật hình sự 2015.

Bắt cóc trẻ em đi bán xử phạt như thế nào?

– Hành vi bắt cóc trẻ em nhằm mục đích mua bán thì sẽ bị xử lý về Tội mua bán người dưới 16 tuổi theo quy định tại Điều 151 Bộ luật Hình sự 2015 với mức hình phạt cao nhất là tù chung thân.
– Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

5/5 - (1 bình chọn)
Chuyên mục:
Hình sự

Trả lời