Có được thay đổi họ tên và dân tộc sau khi nhận con nuôi không?

25/08/2021
thay đổi họ tên và dân tộc
1247
Views

Nuôi con nuôi được xem là một việc làm rất ý nghĩa; thể hiện sự quan tâm; chia sẻ giữa con người với con người. Sau khi thực hiện thủ tục đăng ký nhận con nuôi; cha mẹ nuôi có mong muốn thay đổi họ tên và dân tộc cho con có được không? Và căn cứ vào đâu để thực hiện; thủ tục thực hiện ra sao? Hãy cùng với Luật sư 247 làm rõ các nội dung qua bài viết dưới đây.

Căn cứ pháp lý

Nội dung tư vấn

Các trường hợp được thay đổi họ tên và dân tộc theo pháp luật dân sự

Các trường hợp được thay đổi họ

Theo khoản 1 Điều 27 Bộ luật dân sự quy định về các trường hợp được thay đổi họ như sau:

  • Thay đổi họ cho con đẻ từ họ của cha đẻ sang họ của mẹ đẻ hoặc ngược lại;
  • Thay đổi họ cho con nuôi từ họ của cha đẻ; mẹ đẻ sang họ của cha nuôi; họ của mẹ nuôi theo yêu cầu của cha nuôi, mẹ nuôi;
  • Khi người con nuôi thôi làm con nuôi và người này; cha đẻ, mẹ đẻ yêu cầu lấy lại họ cho người đó theo họ của cha đẻ hoặc mẹ đẻ;
  • Thay đổi họ cho con theo yêu cầu của cha đẻ, mẹ đẻ; của con khi xác định cha, mẹ cho con;
  • Thay đổi họ của người bị lưu lạc đã tìm ra nguồn gốc huyết thống của mình;
  • Thay đổi họ theo họ của vợ, họ của chồng trong quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài để phù hợp với pháp luật của nước mà vợ, chồng người nước ngoài là công dân; lấy lại họ trước khi thay đổi;
  • Thay đổi họ của con khi cha, mẹ thay đổi họ;
  • Trường hợp khác do pháp luật về hộ tịch quy định.

Như vậy, việc xác định lại họ không phải người có yêu cầu thích là được; mà yêu cầu đó phải phù hợp với các trường hợp được pháp luật quy định.

Các trường hợp được thay đổi tên

Theo khoản 1 Điều 28 Bộ luật dân sự có quy định các trường hợp được đổi tên như sau:

  • Theo yêu cầu của người có tên mà việc sử dụng tên đó gây nhầm lẫn; ảnh hưởng đến tình cảm gia đình; đến danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của người đó;
  • Theo yêu cầu của cha nuôi, mẹ nuôi về việc thay đổi tên cho con nuôi; khi người con nuôi thôi làm con nuôi và người này; cha đẻ, mẹ đẻ yêu cầu lấy lại tên mà cha đẻ, mẹ đẻ đã đặt;
  • Theo yêu cầu của cha đẻ, mẹ đẻ; người con khi xác định cha, mẹ cho con;
  • Thay đổi tên của người bị lưu lạc đã tìm ra nguồn gốc huyết thống của mình;
  • Thay đổi tên của vợ, chồng trong quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài để phù hợp với pháp luật của nước mà vợ, chồng người nước ngoài là công dân; lấy lại tên trước khi thay đổi;
  • Thay đổi tên của người đã xác định lại giới tính, người đã chuyển đổi giới tính;
  • Trường hợp khác do pháp luật về hộ tịch quy định.

Do đó khi người có yêu cầu thay đổi tên phù hợp với các quy định của pháp luật có thể tiến hành các thủ tục cần thiết thay đổi tên.

Các trường hợp thay đổi dân tộc

Các cá nhân chỉ có quyền xác định lại dân tộc khi thuộc 02 trường hợp tại khoản 3 Điều 29 Bộ luật dân sự:

  • Xác định lại theo dân tộc của cha đẻ hoặc mẹ đẻ trong trường hợp cha đẻ, mẹ đẻ thuộc hai dân tộc khác nhau;
  • Xác định lại theo dân tộc của cha đẻ hoặc mẹ đẻ trong trường hợp con nuôi đã xác định được cha đẻ, mẹ đẻ của mình.

Như vậy, có thể thấy pháp luật quy định khá chặt chẽ về việc xác định lại dân tộc. Không phải trong trường hợp nào có mong muốn xác định lại dân tộc cũng được thực hiện; mà chỉ trong trường hợp xác định lại theo cha mẹ đẻ khi cha mẹ đẻ có nhiều hơn một dân tộc; xác định khi con nuôi xác định được cha mẹ đẻ.

Có thực hiện thay đổi họ tên và dân tộc cho con nuôi được không?

Thủ tục thực hiện thay đổi họ tên cho con nuôi

Căn cứ theo quy định như trên thì cha mẹ nuôi có quyền thay đổi họ tên cho con nuôi. Và theo khoản 2 Điều 24 Luật nuôi con nuôi cũng quy định:

Theo yêu cầu của cha mẹ nuôi, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định việc thay đổi họ, tên của con nuôi.

Việc thay đổi họ, tên của con nuôi từ đủ 09 tuổi trở lên phải được sự đồng ý của người đó.

Như vậy, sau khi tiến hành thủ tục đăng ký nhận nuôi con nuôi; cha mẹ nuôi có thể thực hiện thay đổi họ tên cho con nếu có mong muốn. Tuy nhiên, nếu người con nuôi đó từ đủ 09 tuổi trở lên thì phải có sự đồng ý của người đó theo quy định tại khoản 2 Điều 27, khoản 2 Điều 28 Bộ luật Dân sự và khoản 2 Điều 24 Luật Nuôi con nuôi.

Hồ sơ cần chuẩn bị để thay đổi họ tên cho con nuôi

Khoản 1 Điều 28 Luật Hộ tịch nêu rõ: “Người yêu cầu đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy tờ liên quan cho cơ quan đăng ký hộ tịch“.

Như vậy, khi có yêu cầu thay đổi họ tên cho con nuôi thì cha mẹ nuôi cần chuẩn bị các giấy tờ sau:

  •  Tờ khai cải chính hộ tịch ( theo mẫu); phải lưu ý rằng, nếu người con nuôi từ đủ 09 tuổi trở lên thì còn phải có sự đồng ý của người đó.
  • Giấy khai sinh của con nuôi.
  • Giấy chứng nhận nuôi con nuôi.
  • Các giấy tờ khác liên quan để làm căn cứ cho việc thay đổi họ, tên của con nuôi.
Cơ quan có thẩm quyền thay đổi họ tên cho con nuôi

Căn cứ khoản 1 Điều 19 Thông tư 04/2020/TT-BTP, Điều 27 và Điều 46 Luật Hộ tịch; cơ quan có thẩm quyền thay đổi họ tên cho con nuôi gồm:

  • Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đã đăng ký khai sinh trước đây; nơi người con nuôi cư trú có thẩm quyền thay đổi họ, tên cho con nuôi chưa đủ 14 tuổi;
  • Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi đã đăng ký khai sinh trước đây; nơi cư trú của người nước ngoài có thẩm quyền giải quyết việc thay đổi họ, tên của con nuôi từ đủ 14 tuổi trở lên cư trú trong nước.
Tiếp nhận hồ sơ và giải quyết

Theo khoản 2 Điều 28 Luật Hộ tịch; thời gian giải quyết việc thay đổi họ tên cho con nuôi được quy định như sau:

  • 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ: Nếu thấy việc thay đổi họ tên cho con nuôi là có cơ sở, phù hợp quy định thì công chức tư pháp, hộ tịch sẽ ghi vào sổ hộ tịch, cùng cha, mẹ nuôi ký vào sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch UBND và ghi nội dung thay đổi vào giấy khai sinh.
  • Kéo dài không quá 03 ngày làm việc: Cần phải xác minh thêm.

Nếu thay đổi họ, tên không thực hiện tại nơi đăng ký trước đây thì UBND cấp xã phải thông báo bằng văn bản kèm bảo sao trích lục hộ tịch đến UBND nơi đăng ký trước đây để ghi vào sổ hộ tịch.

Riêng việc đăng ký hộ tịch trước đây là cơ quan đại diện thì UBND cấp xã phải thông báo bằng văn bản kèm bản sao trích lục hộ tịch đến Bộ Ngoại giao để chuyển cơ quan đại diện ghi vào sổ hộ tịch.

Có được thay đổi dân tộc cho con nuôi không?

Khoản 2 Điều 29 Bộ luật dân sự quy định về quyền xác định, xác định lại dân tộc như sau:

  • Cá nhân khi sinh ra được xác định dân tộc theo dân tộc của cha đẻ, mẹ đẻ. Trường hợp cha đẻ, mẹ đẻ thuộc hai dân tộc khác nhau thì dân tộc của con được xác định theo dân tộc của cha đẻ; mẹ đẻ theo thoả thuận của cha đẻ, mẹ đẻ; trường hợp không có thỏa thuận thì dân tộc của con được xác định theo tập quán; trường hợp tập quán khác nhau thì dân tộc của con được xác định theo tập quán của dân tộc ít người hơn.
  • Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi; chưa xác định được cha đẻ, mẹ đẻ và được nhận làm con nuôi thì được xác định dân tộc theo dân tộc của cha nuôi; mẹ nuôi theo thỏa thuận của cha mẹ nuôi. Trường hợp chỉ có cha nuôi; mẹ nuôi thì dân tộc của trẻ em được xác định theo dân tộc của người đó.
  • Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi, chưa xác định được cha đẻ, mẹ đẻ và chưa được nhận làm con nuôi thì được xác định dân tộc theo đề nghị của người đứng đầu cơ sở nuôi dưỡng trẻ em đó; theo đề nghị của người đang tạm thời nuôi dưỡng trẻ em vào thời điểm đăng ký khai sinh cho trẻ em.

Như đã nêu ở trên thì chỉ có 02 trường hợp xác định lại dân tộc cho một người. Trong trường hợp nhận con nuôi thì cha mẹ không thể thực hiện thay đổi dân tộc cho con nuôi nếu có nuôi đã được xác định dân tộc theo cha mẹ đẻ.

Mời bạn đọc xem thêm

Thông tin liên hệ

Trên đây là tư vấn của Luật sư 247 về vấn đề Có được thay đổi họ tên và dân tộc sau khi nhận con nuôi không? Nếu có thắc mắc gì xin vui lòng liên hệ: 0833.102.102 để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.

Câu hỏi thường gặp

Các trường hợp nào không được phép nhận con nuôi?

Các trường hợp không được nhận con nuôi:
– Đang bị hạn chế một số quyền của cha, mẹ với con chưa thành niên;
– Đang bị chấp hành quyết định xử lý hành chính tại cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục;
– Đang chấp hành hình phạt tù tại thời điểm nhận con nuôi;
– Chưa được xóa án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm sức khỏe, tính mạng,…

Cá nhân muốn nhận con nuôi cần đáp ứng các điều kiện nào?

Cá nhân muốn nhận nuôi con nuôi thì phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:
– Hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên.
– Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.
– Có điều kiện về, kinh tế, sức khỏe và chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi.
– Có tư cách đạo đức tốt.

Sau khi ly hôn mẹ muốn thay đổi họ tên cho con có cần sự đồng ý của bố?

Căn cứ theo các Khoản 1 Điều 26 Luật hộ tịch; Điều 27 Bộ luật dân sự; Điều 7 Nghị định 123/2015/NĐ-CP thì:
việc thay đổi họ cho con phải được sự đồng ý của cả cha và mẹ của người đó; thể hiện rõ trong tờ khai. Việc thay đổi họ cho con từ 9 tuổi trở lên phải được sự đồng ý của con. Việc thay đổi họ không được gây ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, nhân phẩm….. của người khác; với mục đích là cản trở quyền và nghĩa vụ người cha trong việc, thăm nom, chăm sóc, chia rẽ tình cảm của con với cha.

5/5 - (1 bình chọn)
Chuyên mục:
Luật hành chính

Để lại một bình luận