Tiêu chuẩn bổ nhiệm giám định viên pháp y và giám định viên pháp y tâm thần

13/08/2021
764
Views

Giám định viên là một ngành nghề đặc thù nhưng vô cùng quan trọng; đặc biệt trong một số hoạt động điều tra phục vụ quá trình tố tụng. Vậy tiêu chuẩn bổ nhiệm giám định viên pháp y và giám định viên pháp y tâm thần là gì? Phòng tư vấn pháp lý của Luật sư X xin thông tin tới bạn đọc.

Căn cứ pháp lý

Luật giám định tư pháp 2012 sửa đổi 2020;

Thông tư 02/2014/TT-BYT

Nội dung tư vấn

Giám định viên tư pháp là gì?

Căn cứ theo luật giám định tư pháp 2012 sửa đổi 2020; hoạt động giám định tư pháp được quy định như sau về ý nghĩa và vai trò:

Giám định tư pháp là việc người giám định tư pháp sử dụng kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để kết luận về chuyên môn những vấn đề có liên quan đến hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự, giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính theo trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc theo yêu cầu của người yêu cầu giám định theo quy định 

Như vậy, Giám định viên tư pháp là người sử dụng kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ thuộc chuyên môn của mình để kết luận những vấn đề có liên quan đến hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự, giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính theo trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc theo yêu cầu của người yêu cầu giám định.

Tiêu chuẩn bổ nhiệm giám định viên pháp y và giám định viên pháp y tâm thần

Tiêu chuẩn chung về bổ nhiệm giám định viên

Để được cân nhắc bổ nhiệm làm giám định viên tư pháp, công dân cần đáp ứng điều kiện chung sau:

  • Công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam;
  • Có đầy đủ năng lực hành vi dân sự;
  • Có sức khỏe, phẩm chất đạo đức tốt;
  • Có trình độ đại học trở lên;
  • Đã qua thực tế hoạt động chuyên môn ở lĩnh vực được đào tạo từ đủ 05 năm trở lên.

Tiêu chuẩn chuyên môn bổ nhiệm giám định viên pháp y và giám định viên pháp y tâm thần

  • Tiêu chuẩn “trình độ đại học trở lên” được cụ thể như sau:

Đối với giám định viên pháp y phải là bác sỹ, dược sỹ đại học; hoặc tốt nghiệp đại học trở lên các chuyên ngành khác; phù hợp với lĩnh vực giám định pháp y;

Đối với giám định viên pháp y tâm thần phải là bác sỹ đã qua đào tạo định hướng chuyên khoa tâm thần trở lên;

  • Tiêu chuẩn “đã qua thực tế hoạt động chuyên môn ở lĩnh vực được đào tạo” được chi tiết:

Thời gian làm việc theo đúng chuyên ngành được đào tạo tại cơ sở y tế từ đủ 05 năm trở lên.

Trường hợp người được đề nghị bổ nhiệm giám định viên pháp y; giám định viên pháp y tâm thần là người trực tiếp giúp việc trong hoạt động giám định ở tổ chức giám định pháp y; pháp y tâm thần; thì thời gian hoạt động thực tế chuyên môn phải từ đủ 03 năm trở lên;

  • Đối với người được đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp trong lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần và kỹ thuật hình sự phải có chứng chỉ đã qua đào tạo hoặc bồi dưỡng nghiệp vụ giám định.

Chứng chỉ “đã qua đào tạo hoặc bồi dưỡng nghiệp vụ giám định” quy định phải là chứng chỉ do Viện Pháp y Quốc gia; Viện Pháp y tâm thần Trung ương; hoặc cơ sở đào tạo có Bộ môn Pháp y; Bộ môn Tâm thần cấp cho người tham gia khóa đào tạo; hoặc bồi dưỡng nghiệp vụ giám định từ đủ 03 tháng trở lên; theo chương trình đào tạo đã được Bộ Y tế phê duyệt.

Người đã có bằng; hoặc chứng chỉ định hướng chuyên khoa trở lên về pháp y; pháp y tâm thần thì không phải qua đào tạo hoặc bồi dưỡng nghiệp vụ giám định.

Hy vọng bài viết sẽ có ích cho bạn đọc!

Hãy liên hệ khi có nhu cầu sử dụng dịch vụ tư vấn của Luật sư X 0833.102.102

Câu hỏi thường gặp

Bằng tốt nghiệp đại học trở lên, chứng chỉ đã qua đào tạo hoặc bồi dưỡng nghiệp vụ giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần chỉ hợp pháp đối với chứng chỉ do cơ sở Việt Nam cấp?

Bằng tốt nghiệp đại học trở lên, chứng chỉ đã qua đào tạo hoặc bồi dưỡng nghiệp vụ giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần do cơ sở giáo dục của nước ngoài cấp phải được công nhận tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về giáo dục hoặc theo Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Người có tiền án cố ý gây thương tích có được xem xét bổ nhiệm giám định viên tư pháp?

Người đã bị kết án mà chưa được xoá án tích về tội phạm do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng do cố ý; đã bị kết án về tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý thì không được bổ nhiệm giám định viên tư pháp.

Người nghiện rượu có được xem xét bổ nhiệm giám định tư pháp?

Người nghiện rượu không được xem xét bổ nhiệm giám định tư pháp theo điểm c khoản 2 điều 7 Luật giám định tư pháp 2012 sửa đổi 2020.

Người đã có bằng hoặc chứng chỉ định hướng chuyên khoa trở lên về pháp y có cần học thêm bồi dưỡng nghiệp vụ không?

Người đã có bằng; hoặc chứng chỉ định hướng chuyên khoa trở lên về pháp y; hoặc về pháp y tâm thần; thì không phải qua đào tạo; hoặc bồi dưỡng nghiệp vụ giám định.

5/5 - (1 bình chọn)
Chuyên mục:
Luật khác

Để lại một bình luận