Bao lâu sau khi người thân qua đời mới được chia thừa kế?

05/05/2022
Bao lâu sau khi người thân qua đời mới được chia thừa kế?
810
Views

Tôi nghe nói trong một số trường hợp không được phân chia tài sản ngay khi người thân qua đời; mà phải chờ đợi một khoảng thời gian nhất định. Vậy trong di chúc nêu chỉ chia thừa kế sau 5 năm người để lại di chúc mất thì bao giờ mới được phân chia thừa kế? Xin hỏi luật sư, về vấn đề này pháp luật quy định như thế nào?

Chia thừa kế vẫn luôn là một trong các vấn đề nhận được rất nhiều sự quan tâm? Ngoài vấn đề về chia như thế nào? Ai được hưởng thì thời điểm chia thừa kế cũng là một vấn đề mà người đọc cần tìm hiểu? Vậy khi nào thì được chia thừa kế? Theo nguyện vọng của người lập hay theo quy định pháp luật? Để giải đáp các thắc mắc này, Luật sư 247  xin giới thiệu bài viết “Bao lâu sau khi người thân qua đời mới được chia thừa kế?“. Mời bạn đọc cùng tham khảo

Căn cứ pháp lý

Một số quy định chung về thừa kế

Quyền thừa kế là gì?

Theo Điều 609 Bộ luật dân sự 2015, Quyền thừa kế được quy định như sau:

  • Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.
  • Người thừa kế không là cá nhân có quyền hưởng di sản theo di chúc.

Từ quy định trên có thể hiểu, Quyền thừa kế bao gồm các quyền như sau: quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình sau khi mất, quyền để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật và quyền được hưởng phần di sản theo di chúc hoặc theo quy định của pháp luật của người được hưởng di sản.

Đối tượng của quyền thừa kế

Về đối tượng của quyền thừa kế là tài sản thuộc sở hữu của người chết để lại cho người còn sống (di sản thừa kế). Tài sản theo Điều 105 BLDS 2015 là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và hình thành trong tương lai.

Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác.

Ngoài ra, tài sản thừa kế bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác.

Về quyền thừa kế của người nhận di sản

Mọi cá nhân đều có quyền nhận di sản trong trường hợp thuộc diện nhận di sản theo pháp luật hoặc theo di chúc. Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trường hợp người thừa kế theo di chúc không là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.

Trường hợp người nhận di sản theo di chúc thì căn cứ vào quyền thừa kế của họ, họ sẽ được hưởng phần di sản mà người đã chết để lại theo đúng những điều khoản trong di chúc. Người được thừa kế theo di chúc có thể là bất kỳ ai theo ý chí của người lập di chúc.

Lưu ý: Người được thừa kế theo di chúc không được là người làm chứng cho di chúc; hoặc công chứng, chứng thực di chúc.

Quy định về thời điểm mở thừa kế

Thời điểm mở thừa kế

Theo khoản 1 điều 611 Bộ luật Dân sự năm 2015, thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Theo điều 614 Bộ luật Dân sự năm 2015, kể từ thời điểm mở thừa kế, những người thừa kế có các quyền, nghĩa vụ tài sản do người chết để lại.

Như vậy, có thể hiểu sau khi người để lại tài sản chết thì những người thừa kế được quyền chia tài sản thừa kế. Tuy nhiên, trong một số trường hợp thời điểm chia thừa kế sẽ khác thời điểm trên; như trường hợp hạn chế phân chia di sản thừa kế.

Bao lâu sau khi người thân qua đời mới được chia thừa kế?
Phân chia di sản thừa kế

Trường hợp nào bị hạn chế phân chia di sản thừa kế?

Căn cứ điều 661 Bộ luật Dân sự năm 2015; các trường hợp hạn chế phân chia di sản thừa kế gồm:

Theo ý chí của người lập di chúc; thỏa thuận của tất cả những người thừa kế

Theo ý chí của người lập di chúc; hoặc theo thỏa thuận của tất cả những người thừa kế; di sản chỉ được phân chia sau một thời hạn nhất định. Theo đó thì chỉ khi đã hết thời hạn mà các đối tượng quy định thì di sản mới được đem chia.

Vậy trong trường hợp bạn đọc thắc mắc ở trên; nội dung di chúc người lập yêu cầu “sau khi chết 5 năm, những người được hưởng tài sản theo di chúc mới được quyền chia tài sản thừa kế“. Như vậy, sau thời hạn 5 năm kể từ ngày người để lại di sản chết; thì mới được yêu cầu phân chia tài sản thừa kế. Còn trong 5 năm trên việc phân chia là không được phép.

Hoặc trường hợp tất cả những người thừa kế thỏa thuận trong vòng 5 năm kể từ ngày người để lại di sản chết không được phân chia tài sản thừa kế (dù người lập di chúc không yêu cầu); thì việc hạn chế phân chia di sản thừa kế được thực hiện theo thỏa thuận này.

Việc chia tài sản ảnh hưởng nghiêm trọng đời sống vợ/chồng và gia đình

Trường hợp yêu cầu chia di sản thừa kế mà việc chia di sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của bên vợ; hoặc chồng còn sống và gia đình; thì bên còn sống có quyền yêu cầu Tòa án xác định phần di sản mà những người thừa kế được hưởng; nhưng chưa cho chia di sản trong một thời hạn nhất định. Thời hạn này không quá 3 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn 3 năm mà bên còn sống chứng minh được việc chia di sản vẫn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của gia đình họ; thì có quyền yêu cầu Tòa án gia hạn một lần nhưng không quá 3 năm.

Theo đó tối đa thời gian hạn chế việc chia di sản thừa kế trong trường hợp này có thể lên tới 6 năm; kể từ ngày người để lại thừa kế chết.

Thông tin liên hệ

Trên đây là tư vấn về “Bao lâu sau khi người thân qua đời mới được chia thừa kế?”. Mong rằng các kiến thức trên có thể giúp ích cho bạn trong cuộc sồng hằng ngày. Hãy theo dõi chúng tôi để biết thêm nhiều kiến thức bổ ích. Và nếu quý khách có nhu cầu soạn thảo hồ sơ ngừng kinh doanh; hoặc muốn sử dụng dịch vụ tạm ngừng kinh doanh của chúng tôi; mời quý khách hàng liên hệ đến hotline để được tiếp nhận.

Liên hệ hotline: 0833102102. Hoặc bạn có thể tham khảo thêm các kênh sau:

Mời bạn xem thêm

Câu hỏi thường gặp

Những hàng thừa kế theo pháp luật là gì?

 Theo BLDS 2015, những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
+ Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
+ Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
+ Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

Di sản thừa kế là gì?

Di sản thừa kế là tài sản của người chết để lại cho những người còn sống. Điều 612 Bộ luật dân sự 2015 (BLDS) quy định:
“Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác”

Thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế là bao lâu?

Thời hiệu yêu cầu chia di sản được quy định cụ thể tại Điều 623 Bộ luật Dân sự:
– Thời hiệu yêu cầu chia di sản là bất động sản: 30 năm; động sản: 10 năm kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này, di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó.
– Thời hiệu để yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình, bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm kể từ thời điểm mở thừa kế.
– Thời hiệu yêu cầu thực hiện nghĩa vụ tài sản của người chết để lại là 03 năm kể từ thời điểm mở thừa kế.

5/5 - (1 bình chọn)
Chuyên mục:
Dân sự

Comments are closed.