Làm thế nào để đăng ký quyền tác giả theo quy định pháp luật?

21/11/2021
Làm thế nào để đăng ký quyền tác giả theo quy định pháp luật?
501
Views

Bản quyền là một trong những vấn đề rất được quan tâm hiện nay. Công nghệ thông tin phát triển dẫn đến việc đánh cắp bản quyền trở nên rất dễ dàng. Đặc biệt là các ca khúc, tác phẩm, hình ảnh đăng tải lên mạng xã hội. Việc đánh cắp trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Khi đã bị đánh cắp thì cũng rất khó khăn để chứng minh mình là người sáng tác. Vụ lùm xùm gần đây của chương trình “Rap Việt” là minh chứng. Cụ thể, ban tổ chức đã bị một nghệ sĩ tố ăn cắp hình ảnh thiết kế để làm poster chương trình. Thực hư chưa rõ nhưng điều này cũng khá ảnh hưởng đến danh tiếng của chương trình.

Một trong những cách đảm bảo an toàn cho các sáng tác đó là đăng ký quyền tác giả. Đồng thời là để tránh những tranh chấp không đáng có. Khi có quyền tác giả, tác phẩm sẽ được bảo hộ theo các quy định của pháp luật. Các cá nhân, tổ chức vi phạm tới quyền này có thể bị xử lý vi phạm hành chính. Trong trường hợp nghiêm trọng hơn có thể dẫn tới bị truy cứu trách nhiệm hình sự. 

Làm thế nào để đăng ký quyền tác giả theo quy định pháp luật? Hãy cùng Luật sư X giải đáp câu hỏi này nhé!

Cơ sở pháp lý

Nội dung tư vấn

Quyền tác giả là gì?

Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu. Quyền tác giả có thể bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản. 

Tác phẩm là sản phẩm sáng tạo trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học thể hiện bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào.

Đăng ký quyền tác giả là gì?

Đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan là việc tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan nộp đơn và hồ sơ kèm theo (sau đây gọi chung là đơn) cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để ghi nhận các thông tin về tác giả, tác phẩm, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan.

Việc nộp đơn để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan không phải là thủ tục bắt buộc để được hưởng quyền tác giả, quyền liên quan theo quy định của Luật này.

Tổ chức, cá nhân đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan không có nghĩa vụ chứng minh quyền tác giả, quyền liên quan thuộc về mình khi có tranh chấp, trừ trường hợp có chứng cứ ngược lại.

Làm thế nào để đăng ký quyền tác giả theo quy định pháp luật?

Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan theo quy định tại Điều 50 của Luật Sở hữu trí tuệ có thể trực tiếp hoặc ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác nộp 01 hồ sơ đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan tại trụ sở Cục Bản quyền tác giả hoặc Văn phòng đại diện của Cục Bản quyền tác giả tại thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng hoặc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nơi tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan cư trú hoặc có trụ sở. Hồ sơ có thể gửi qua đường bưu điện.

Đơn đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan

Đơn đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan bao gồm:

a) Tờ khai đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan.

Tờ khai phải được làm bằng tiếng Việt và do chính tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan hoặc người được ủy quyền nộp đơn ký tên và ghi đầy đủ thông tin về người nộp đơn, tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả hoặc chủ sở hữu quyền liên quan; tóm tắt nội dung tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình hoặc chương trình phát sóng; tên tác giả, tác phẩm được sử dụng làm tác phẩm phái sinh nếu tác phẩm đăng ký là tác phẩm phái sinh; thời gian, địa điểm, hình thức công bố; cam đoan về trách nhiệm đối với các thông tin ghi trong đơn.

Bộ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định mẫu tờ khai đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan;

b) Hai bản sao tác phẩm đăng ký quyền tác giả hoặc hai bản sao bản định hình đối tượng đăng ký quyền liên quan;

c) Giấy uỷ quyền, nếu người nộp đơn là người được uỷ quyền;

d) Tài liệu chứng minh quyền nộp đơn, nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền đó của người khác do được thừa kế, chuyển giao, kế thừa;

đ) Văn bản đồng ý của các đồng tác giả, nếu tác phẩm có đồng tác giả;

e) Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu, nếu quyền tác giả, quyền liên quan thuộc sở hữu chung.

Ngôn ngữ

Các tài liệu quy định tại các điểm c, d, đ và e trong điều trên phải được làm bằng tiếng Việt;

Trường hợp làm bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch ra tiếng Việt.

Thời hạn cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả

Trong thời hạn mười lăm ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn hợp lệ, cơ quan quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan có trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả. Trong trường hợp từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan thì cơ quan quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan phải thông báo bằng văn bản cho người nộp đơn.

Hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả.

1. Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả có hiệu lực trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

2. Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả do cơ quan quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan cấp trước ngày Luật này có hiệu lực tiếp tục được duy trì hiệu lực

Mời các bạn xem thêm:

Trên đây là nội dung tư vấn của luật sư X về câu hỏi trên. Hi vọng độc giả đã trả lời được câu hỏi: Làm thế nào để đăng ký quyền tác giả theo quy định pháp luật?

Mọi thắc mắc xin liên hệ: 0833102102

Câu hỏi thường gặp

Không đăng ký quyền tác giả thì có quyền tác giả không?

Không đăng ký quyền tác giả thì tác giả và chủ sở hữu vẫn được hưởng các quyền đó. Tuy nhiên sẽ dễ xảy ra tình huống tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ

Ai có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền tác giả?

1. Cơ quan quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan có quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan.
2. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan có quyền cấp lại, đổi, huỷ bỏ giấy chứng nhận đó

Đăng ký quyền tác giả ở Việt Nam thì có được bảo vệ ở phạm vi quốc tế không?

Không. Nếu muốn được bảo vệ ở phạm vi quốc tế thì cần có đăng ký quốc tế.

5/5 - (1 bình chọn)
Chuyên mục:
Sở hữu trí tuệ

Để lại một bình luận