Người bảo lãnh có phải trả nợ thay cho người được bảo lãnh?

12/10/2021
Người bảo lãnh có phải trả nợ thay cho người được bảo lãnh?
829
Views

Người bảo lãnh có phải trả nợ thay cho người được bảo lãnh?

Chào Luật sư. Bạn tôi chuẩn bị làm hợp đồng vay bên phía công ty tài chính. Anh ấy nhờ tôi bảo lãnh để anh ấy vay. Anh ấy nói là tôi chỉ bảo lãnh chứ không phải chịu trách nhiệm gì cả. Vậy Luật sư cho tôi hỏi là Người bảo lãnh có phải trả nợ thay cho người được bảo lãnh hay không. Hi vọng nhận được phản hồi sớm từ Luật sư. Xin cảm ơn!

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi về cho Luật Sư 247. Với thắc mắc của bạn chúng tôi xin đưa ra quan điểm tư vấn như sau:

Căn cứ pháp lý

Nội dung tư vấn

Bảo lãnh là khái niệm khá phổ biến, đặc biệt trong các hợp đồng vay. Hình thức bảo lãnh khá phổ biến. Tuy nhiên, nếu không hiểu rõ về vấn đề này, bạn có thể phải gánh chịu những rủi ro pháp lý không đáng có.

Nghĩa vụ của bên vay tiền

Tại Điều 466 Bộ luật dân sự 2015 quy định về nghĩa vụ trả nợ của bên vay như sau:

“Điều 466. Nghĩa vụ trả nợ của bên vay

1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Như vậy, bên vay có nghĩa vụ trả nợ cho bên cho vay theo quy định

Bảo lãnh là gì?

Căn cứ theo Điều 335 của Bộ luật dân sự 2015 quy định khái niệm bảo lãnh như sau:

“Bảo lãnh là việc người thứ ba (sau đây gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (sau đây gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.”

Như vậy, bảo lãnh là một hình thức đảm bảo khá phổ biến; mang tính rủi ro thấp. Đồng thời mục đích của quy định này nhằm tạo điều kiện để thực hiện được các công việc liên quan nhanh chóng.

Ví dụ: A đến ngân hàng X vay vốn hợp đồng có bảo lãnh; Người bảo lãnh là B. Ngân hàng sẽ xem xét tình hình tài chính, tư cách pháp nhân, phương án kinh doanh để quyết định xem có bảo lãnh hay không. Nếu B tự nguyện bảo lãnh và đủ điều kiện, các bên sẽ tiến hành làm hợp đồng bảo lãnh.

Chủ thể của bảo lãnh

Người bảo lãnh là gì?

Người bảo lãnh là người cam kết với bên có quyền trong quan hệ dân sự sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho người có nghĩa vụ; nếu khi đến hạn mà người có nghĩa vụ hoặc theo thỏa thuận chỉ phải thực hiện nghĩa vụ khi người có nghĩa vụ không có khả năng thực hiện.

Người bảo lãnh chỉ được bảo lãnh bằng tài sản thuộc sở hữu của mình; hoặc bằng việc thực hiện nghĩa vụ. Khi nhiều người cùng bảo lãnh cho một nghĩa vụ thì tất cả những người này phải liên đới thực hiện việc bảo lãnh; trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

Người được bảo lãnh là gì?

Bên được bảo lãnh là bên có nghĩa vụ trong quan hệ nghĩa vụ được bảo đảm thực hiện bằng biện pháp bảo lãnh đó. Họ có thể biết ; hoặc không biết về việc xác lập quan hệ bảo lãnh để đảm bảo cho việc thực hiện nghĩa vụ của mình nhưng đều phải hoàn trả cho bên bảo lãnh các lợi ích mà bên đó đã thay mình thực hiện.

Đối tượng của bảo lãnh

Đối tượng của bảo lãnh là các cam kết của người bảo lãnh với người nhận bảo lãnh. Tuy nhiên, để thực hiện được cam kết đó thì người bảo lãnh phải có tài sản hoặc công việc phù hợp để đáp lại lợi ích của bên nhận bảo lãnh trong trường hợp người được bảo lãnh không thực hiện nghĩa vụ. Nếu người bảo lãnh không có tài sản hoặc công việc phù hợp thì không đủ điều kiện để bảo lãnh.

Lợi ích mà các bên chủ thể trong một quan hệ nghĩa vụ hướng tới là lợi ích vật chất. Vì vậy người bảo lãnh phải bằng một tài sản; hoặc bằng việc thực hiện một công việc thay cho người được bảo lãnh mới đảm bảo được quyền lợi cho người nhận bảo lãnh. Người bảo lãnh phải là người có khả năng thực hiện công việc đó.

Phạm vi bảo lãnh

Nghĩa vụ có thể được bảo đảm một phần hoặc toàn bộ theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật; nếu không có thỏa thuận và pháp luật không quy định phạm vi bảo đảm thì nghĩa vụ coi như được bảo đảm toàn bộ, kể cả nghĩa vụ trả lãi; tiền phạt và bồi thường thiệt hại.

Nghĩa vụ được bảo đảm có thể là nghĩa vụ hiện tại; nghĩa vụ trong tương lai hoặc nghĩa vụ có điều kiện.

Trường hợp bảo đảm nghĩa vụ trong tương lai thì nghĩa vụ được hình thành trong thời hạn bảo đảm là nghĩa vụ được bảo đảm; trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Nhiều người bảo lãnh một nghĩa vụ được không?

Theo Bộ luật dân sự 2015, nhiều người có thể cùng bảo lãnh cho một nghĩa vụ. Trường hợp này các cá nhân phải liên đới thực hiện việc bảo lãnh; trừ trường hợp có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định bảo lãnh theo các phần độc lập.

Bên có quyền có thể yêu cầu bất kỳ ai trong số những người bảo lãnh liên đới phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ. Khi một người trong số những người bảo lãnh liên đới đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh thì có quyền yêu cầu những người bảo lãnh còn lại phải thực hiện phần nghĩa vụ của họ đối với mình.

Người bảo lãnh có phải trả nợ thay cho người được bảo lãnh?

Theo điều 342 Bộ luật dân sự 2015:

Người bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ (trả nợ) nếu đến thời hạn mà bên được bảo lãnh không thực hiện; hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ của họ trước bên nhận bảo lãnh. Bên bảo lãnh không phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh trong trường hợp bên nhận bảo lãnh có thể bù trừ nghĩa vụ với bên được bảo lãnh.

Trong trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, bắt đầu từ thời điểm nào thì người bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ đó phải được xác định theo từng trường hợp cụ thể.

Theo Điều 335 Bộ luật dân sự năm 2015, bên bảo lãnh:

“sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ, nếu khi đến thời hạn mà bên được bảo lãnh không thực hiện; hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ, các bên cũng có thể thoả thuận về việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ khi bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ của mình” .

Người bảo lãnh phải trả nợ thay cho người bảo lãnh trong trường hợp nào?

Khi nghĩa vụ được bảo đảm bằng bảo lãnh đến thời hạn thực hiện

Xác định việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo lãnh bắt đầu từ thời điểm này trong trường hợp các bên trong quan hệ bảo lãnh không có thoả thuận khác về thời điểm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.

Như vậy; trong trường hợp này, bên nhận bảo lãnh có quyền yêu cầu bên bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ trả nợ kể từ thời điểm bên được bảo lãnh không thực hiện; hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ trả nợ đến hạn.

Khi bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ của mình.

Nếu các bên trong quan hệ bảo lãnh có thoả thuận về việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ khi bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ; thì dù nghĩa vụ đã đến thời hạn thực hiện mà bên được bảo lãnh không thực hiện; bên nhận bảo lãnh vẫn không được quyền yêu cầu bên nhận bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ đó khi chưa có đủ căn cứ để xác định bên được bảo lãnh không còn khả năng thực hiện nghĩa vụ.

Kết luận vấn đề

Như vậy, bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ trong trường hợp nghĩa vụ được bảo đảm bằng bảo lãnh đến thời hạn thực hiện. Ngoài ra, khi bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ của mình, bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ này. Do đó, khi đứng ra bảo lãnh, bạn phải cân nhắc và tìm hiểu kỹ càng để tránh trường hợp xấu xảy ra.

Mời bạn đọc xem thêm

Thông tin liên hệ

Trên đây là tư vấn của Luật sư 247 về nội dung vấn đề “Người bảo lãnh có phải trả nợ thay cho người được bảo lãnh?” Chúng tôi hi vọng rằng bạn có thể vận dụng các kiến thức trên để sử dụng trong công việc; cuộc sống. Nếu có thắc mắc; cần nhận thêm sự tư vấn, giúp đỡ hãy liên hệ 0833.102.102

Câu hỏi thường gặp

Bảo lãnh đối ứng là gì?


Bảo lãnh đối ứng (Counter Guarantee) là dịch vụ phổ biến trong tín dụng ngân hàng. Theo Thông tư số 07/2015/TT-NHNN:“Bảo lãnh đối ứng là một hình thức bảo lãnh ngân hàng; theo đó bên bảo lãnh đối ứng cam kết với bên bảo lãnh về việc sẽ thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với bên bảo lãnh trong trường hợp bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho bên được bảo lãnh là khách hàng của bên bảo lãnh đối ứng; bên được bảo lãnh phải nhận nợ và hoàn trả cho bên bảo lãnh đối ứng”.

Hợp đồng tín dụng là gì?

Hợp đồng tín dụng là sự thỏa thuận bằng văn bản giữa bạn và ngân hàng. Đây là thoả thuận về việc ngân hàng cấp cho bạn một khoản tiền trong một thời gian; với lãi suất cụ thể kèm theo các điều khoản về quyền và nghĩa vụ của bạn và ngân hàng.

Không có tài sản thế chấp có vay vốn ngân hàng được không?

Nếu không có tài sản để vay thế chấp, bạn có thể vay dưới hình thức vay ngân hàng dưới hình thức vay vốn không cần tài sản đảm bảo; hay còn gọi là vay tín chấp. Hình thức vay ngân hàng này dựa trên độ tín nhiệm của cá nhân khách hàng; để ngân hàng xét duyệt các khoản vay. Ngân hàng cũng có những chính sách về điều kiện vay tín chấp mà khách hàng cần tìm hiểu và đáp ứng đầy đủ để hồ sơ vay vốn được xét duyệt nhanh chóng.

5/5 - (1 bình chọn)
Chuyên mục:
Dân sự

Để lại một bình luận