Nhà nước thu hồi đất được bồi thường như thế nào?

09/10/2021
Nhà nước thu hồi đất được bồi thường như thế nào?
907
Views

Thế nào là thu hồi đất? Nhà nước thu hồi đất được bồi thường như thế nào? Được bồi thường bằng tiền, đất hay nhà ở…?

Vấn đề bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất là một trong nội dung đáng chú ý mà các cấp, các ngành đang tập trung thực hiện. Trong quá trình nhà nước bồi thường cho người có đất bị thu hồi; và những người có liên quan luôn tồn tại nhiều bất cập dẫn đến mẫu thuẫn; tranh chấp. Vậy, pháp luật có quy định như thế nào về vấn đề này. Luật sư 247 sẽ giải đáp thắc mắc ngay sau đây:

Căn cứ pháp lý

Luật Đất Đai năm 2013

Nghị định 01/2017/NĐ-CP

Nghị định 47/2014/NĐ-CP

Nhà nước thu hồi đất trong trường hợp nào?

Theo Khoản 11 Điều 3 Luật Đất Đai 2013 đã quy định rõ: “Nhà nước thu hồi đất là việc Nhà nước quyết định thu lại quyền sử dụng đất của người được Nhà nước trao quyền sử dụng đất hoặc thu lại đất của người sử dụng đất vi phạm pháp luật về đất đai.” Người sử dụng đất được thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình trong thời hạn sử dụng đất, được Nhà nước bảo hộ khi người khác xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp về đất đai của mình.

Nhà nước quyết định thu hồi đất của người sử dụng đất trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 16 Luật đất đai 2013, cụ thể như sau:

  • Thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng;
  • Thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai;
  • Thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật; tự nguyện trả lại đất; có nguy cơ đe dọa tính mạng con người.

Người sử dụng đất bị Nhà thu hồi đất phải đáp ứng đủ điều kiện được bồi thường theo luật định

Căn cứ khoản 1 Điều 74 Luật Đất đai 2013: “Người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất nếu có đủ điều kiện được bồi thường quy định tại Điều 75 của Luật này thì được bồi thường”. Như vậy, Người sử dụng đất sẽ được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất; khi sử dụng vào mục đích quốc phòng an ninh; phát triển kinh tể – xã hội vì lợi ích quốc gia; công cộng.

Tuy nhiên, không phải tất cả các chủ thể sử dụng đất bị thu hồi vì mục đích này đều được bồi thường; mà họ cần phải đáp ứng một số điều kiện nhất định do pháp luật quy định. Chẳng hạn, họ phải có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; có đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận…. Nếu không đủ điều kiện luật định sẽ không được Nhà nước bồi thường.

Bồi thường phải đảm bảo dân chủ, công bằng, kịp thời

Theo khoản 3 Điều 74 Luật Đất đai 2013: “Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, kịp thời và đúng quy định của pháp luật”. Dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, kịp thời và đúng quy định của pháp luật; đây là những yếu tố hết sức cần thiết giúp cho việc thực hiện công tác bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất đạt hiệu quả cao; đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người bị thu hồi đất và chủ đầu tư.

Ở nước ta, mặc dù đất đai thuộc sở hữu toàn dân; tuy nhiên Nhà nước đã giao quyền sử dụng đất cho người dân. Việc Nhà nước thu hồi đất sẽ ảnh hưởng rất lớn đến những lợi ích hợp pháp mà người sử dụng đất tạo ra trong quá trình sử dụng đất. Quy định nay giúp cho người dân được bảo đảm được quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của mình.

Việc thực hiện công khai, minh bạch là một trong những giải pháp quan trọng đề phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực đất đai nói chung và hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất nói riêng.

Nhà nước thu hồi đất được bồi thường như thế nào?

Bồi thường bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi hoặc bồi thường bằng tiền

Căn cứ khoản 2 Điều 74 Luật Đất đai 2013: “Việc bồi thường được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất”.

Khi Nhà nước lấy đi phần lợi ích của người dân; mà người dân có đầy đủ điều kiện được bồi thường; thì phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại bằng đất cùng loại; nếu không có đất cùng loại thì bồi thường bằng tiền với giá trị tương đương. Cách tiếp cận này xuất phát từ quan niệm coi đất đai là tài sản; có thể được trả thay bằng tiền bồi thường để mua được một thửa đất tương đương. Nhằm ngăn ngừa tình trạng người bị thu hồi đất đòi hỏi giá bồi thường quá cao; do giá trị của đất đai tăng lên từ việc chuyển mục đích sử dụng đất; hoặc do sự đầu tư của Nhà nước mang lại.

Các khoản hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất?

Khoản 2 Điều 83 Luật đất đai 2013 quy định về các khoản hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất bao gồm:

“a) Hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất;

b) Hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm đối với trường hợp thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp; thu hồi đất ở kết hợp kinh doanh dịch vụ của hộ gia đình, cá nhân mà phải di chuyển chỗ ở;

c) Hỗ trợ tái định cư đối với trường hợp thu hồi đất ở của hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà phải di chuyển chỗ ở;

d) Hỗ trợ khác.”

– Hỗ trợ di chuyển, ổn định đời sống, ổn định sản xuất:

Vấn đề thực hiện hỗ trợ ổn định đời sống khi Nhà nước thu hồi đất cho các đối tượng quy định tại các điểm a, b, c, d Khoản 1 Điều 19 nghị định Nghị định 47/2014/NĐ-CP:

  • Thu hồi từ 30% đến 70% diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng: Được hỗ trợ trong 6 tháng nếu không phải di chuyển chỗ ở; trong 12 tháng nếu phải di chuyển chỗ ở. Trường hợp phải di chuyển đến các địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn; đặc biệt khó khăn thì thời gian hỗ trợ tối đa là 24 tháng.
  • Thu hồi trên 70% diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng: Được hỗ trợ trong 12 tháng nếu không phải di chuyển chỗ ở; trong 24 tháng nếu phải di chuyển chỗ ở. Trường hợp phải di chuyển đến các địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn; đặc biệt khó khăn thì thời gian hỗ trợ tối đa là 36 tháng.
  • Mức hỗ trợ cho một nhân khẩu được tính bằng tiền tương đương 30 kg gạo trong 01 tháng; theo thời giá trung bình tại thời điểm hỗ trợ của địa phương.
  • Hộ gia đình, cá nhân được bồi thường bằng đất nông nghiệp thì được hỗ trợ ổn định sản xuất; gồm: Hỗ trợ giống cây trồng, giống vật nuôi cho sản xuất nông nghiệp; các dịch vụ khuyến nông, khuyến lâm, dịch vụ bảo vệ thực vật, thú y; kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi và kỹ thuật nghiệp vụ đối với sản xuất; kinh doanh dịch vụ công thương nghiệp.
  • Đối với tổ chức kinh tế, hộ gia đình; cá nhân sản xuất, kinh doanh; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thuộc đối tượng quy định tại Điểm đ Khoản 1 Điều này; được hỗ trợ ổn định bằng tiền với mức cao nhất bằng 30% một năm thu nhập sau thuế; theo mức thu nhập bình quân của 03 năm liền kề trước đó.

– Hỗ trợ chuyển đổi nghề và tạo việc làm

Hỗ trợ chuyển đổi nghề; tạo việc làm khi thu hồi đất quy định tại khoản 1 Điều 84 Luật đất đai 2013; được hướng dẫn cụ thể tại Điều 20 Nghị định 01/2017/NĐ-CP:

  • Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp; khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp mà không có đất nông nghiệp để bồi thường; thì ngoài việc được bồi thường bằng tiền còn được hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm. Trường hợp người được hỗ trợ chuyển đổi nghề; tìm kiếm việc làm trong độ tuổi lao động có nhu cầu được đào tạo nghề thì được nhận vào các cơ sở đào tạo nghề; được tư vấn hỗ trợ tìm kiếm việc làm; vay vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, kinh doanh.
  • Đối với hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất ở kết hợp kinh doanh dịch vụ; mà nguồn thu nhập chính là từ hoạt động kinh doanh dịch vụ; khi Nhà nước thu hồi đất phải di chuyển chỗ ở thì được vay vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, kinh doanh. Trường hợp người có đất thu hồi còn trong độ tuổi lao động; sẽ được hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm.

– Hỗ trợ tái định cư cho người bị thu hồi đất

Luật Đất đai năm 2013 đã quy định về lập và thực hiện dự án tái định cư; bố trí tái định cư cho người bị thu hồi đất ở mà phải di chuyển chỗ ở; nếu thuộc trường hợp quy định tại Điều 22 Nghị định 47/2014/NĐ-CP. Vấn đề hỗ trợ tái định cư cũng được thực hiện căn cứ trên số nhân khẩu của hộ gia đình và điều kiện cụ thể tại địa phương thu hồi đất.

Nếu đủ điều kiện để nhà nước hỗ trợ tái định cư; thì việc hỗ trợ được thực hiện dựa trên dự án tái định cư do Ủy ban nhân dân tỉnh; Ủy ban nhân dân huyện lập và thực hiện trước khi thu hồi đất. Theo đó, trường hợp mà số tiền bồi thường nhỏ hơn giá tiền của 01 suất đất tái định cư tối thiểu; sẽ được hỗ trợ thêm phần còn thiếu. Trường hợp tự lo chỗ ở thì được bồi thường về đất; hoặc nhận khoản tiền hỗ trợ tái định cư, mức hỗ trợ do UBND tỉnh quy định.

Mời bạn xem thêm

Trên đây là tư vấn của Luật sư 247 về vấn đề “Nhà nước thu hồi đất được bồi thường như thế nào?“. Để biết thêm thông tin chi tiết hoặc giải đáp những vấn đề pháp lý khó khăn; vui lòng sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật hoặc liên hệ hotline: 0833102102

Câu hỏi thường gặp

Thu hồi đất sẽ được bồi thường bao nhiêu tiền?

– Theo khoản 2 Điều 114 Luật Đất đai 2013, bảng giá đất được sử dụng để làm căn cứ để bồi thường tiền khi Nhà nước thu hồi đất.
– Bảng giá đất do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành. Bảng giá đất được ban hành căn cứ vào nguyên tắc, phương pháp định giá đất và khung giá đất do Chính phủ ban hành. Trước khi ban hành bảng giá đất, UBND cấp tỉnh xây dựng và trình HĐND cùng cấp thông qua.

Không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có được bồi thường không?

– Theo quy định tại khoản 1 Điều 13 Nghị định 47/2014/NĐ-CP: Trường hợp không có các giấy tờ về quyền sử dụng đất mà đủ điều kiện cấp Sổ đỏ khi Nhà nước thu hồi đất thì người sử dụng đất sẽ được bồi thường về đất.
– Người sử dụng đất không có Sổ đỏ được bồi thường khi bị thu hồi đất nếu trường hợp không có Sổ đỏ vì lý do là chưa được cấp sổ nhưng có đủ điều kiện để cấp.

5/5 - (1 bình chọn)
Chuyên mục:
Đất đai

Để lại một bình luận