Tội đưa hối lộ bị xử phạt bao nhiêu năm tù theo quy định pháp luật?

19/10/2021
Tội đưa hối lộ bị xử phạt bao nhiêu năm tù theo quy định pháp luật?
1062
Views

Tội đưa hối lộ là một trong các tội danh được pháp luật hình sự quy định. Các đối tượng thực hiện hành vi vi phạm này sẽ bị xử lý thích đáng và nghiêm minh. Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu rõ về các chế tài được quy định này. Xung quanh chủ đề này, chúng tôi nhận được rất nhiều các câu hỏi có liên quan từ các bạn độc giả. Trong đó có thắc mắc cụ thể như sau Tội đưa hối lộ bị xử phạt bao nhiêu năm tù?

“Chào Luật sư, tôi hiện đang sinh sống tại Hà Nội. Tôi có một câu hỏi như sau: Qua quá trình tìm hiểu tôi được biết với tội danh đưa hối lộ thì các đối tượng vi phạm sẽ bị xử lý theo chế tài đã được pháp luật quy định. Tuy nhiên tôi chưa biết rõ cụ thể các mức án được quy định như thế nào? Mong được Luật Sư 247 giải đáp, tôi cảm ơn.”

Căn cứ pháp lý

Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017

Hành vi đưa hối lộ là gì?

Đưa hối lộ, được hiểu là hành vi đưa tiền, tài sản; hoặc lợi ích vật chất khác (của hối lộ) dưới bất kỳ hình thức nào cho người có chức vụ, quyền hạn để họ làm; hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.

Ngoài ra đây cũng là hành vi dùng tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác hoặc lợi ích phi vật chất trực tiếp; hoặc qua trung gian đã đưa hoặc sẽ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn; hoặc người khác hoặc tổ chức khác để người có chức vụ, quyền hạn làm; hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.

Bên cạnh đó, hành vi đưa của hối lộ có thể diễn ra trước; hoặc sau khi người có chức vụ, quyền hạn làm theo yêu cầu của người đưa. Theo đó, người đưa hối lộ có thể yêu cầu người nhận hối lộ làm một công việc cụ thể; hoặc không làm để mang lại lợi ích cho mình. Hành vi đưa của hối lộ có thể được thực hiện trực tiếp hoặc qua trung gian; tài sản lợi ích hối lộ có thể được thụ hưởng bởi chính người có chức vụ, quyền hạn hoặc người khác; tổ chức khác theo ý chí của người có chức vụ, quyền hạn.

Hành vi đưa hối lộ bị khép vào tội gì?

Theo điều 364, Bộ luật hình sự 2015 quy định về tội đưa hối lộ như sau:

Người nào trực tiếp hay qua trung gian đã đưa hoặc sẽ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn; hoặc người khác hoặc tổ chức khác bất kỳ lợi ích nào sau đây để người có chức vụ, quyền hạn làm; hoặc không làm một việc vì lợi ích; hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ thì sẽ bị xử lý hình sự theo các mức hình phạt được quy định.

Như vậy với các đối tượng thực hiện hành vi vi phạm này có thể sẽ bị khép vào tội đưa hối lộ và bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo đúng quy định pháp luật.

Cấu thành tội phạm tội đưa hối lộ

Nếu hành vi vi phạm có đầy đủ các yếu tố dưới đây thì đối tượng vi phạm sẽ bị xử lý hình sự với tội danh đưa hối lộ.

Chủ thể của tội đưa hối lộ

Dù là người có chức vụ, quyền hạn hay người không có chức vụ, quyền hạn thì  chỉ trở thành chủ thể của tội phạm này trong những trường hợp sau:

Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội đưa hối lộ thuộc trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 364 Bộ luật hình sự; vì các trường hợp phạm tội này là tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

Khách thể của tội đưa hối lộ

Khách thể của tội đưa hối lộ là hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức; làm cho cơ quan, tổ chức bị suy yếu, mất uy tín; mất lòng tin của nhân dân vào chế độ; làm cho cán bộ, công chức ở cơ quan, tổ chức mình bị thoái hoá biến chất.

Mặt khách quan của tội đưa hối lộ

a. Hành vi khách quan của tội đưa hối lộ

Người phạm tội chỉ có hành vi khách quan duy nhất là “đưa”. Nhưng biểu hiện của hành đưa hối lộ rất đa dạng. Có trường hợp người phạm tội trực tiếp đưa hối lộ cho người nhận hối lộ; có trường hợp qua trung gian (người môi giới) để đưa hối lộ cho người nhận hối lộ; có trường hợp người đưa hối lộ dùng thủ đoạn tinh vi xảo quyệt không trực tiếp đưa hối lộ cho người nhận hối lộ cũng không qua trung gian mà tìm cách mua chuộc những người thân thích của người có chức vụ, quyền hạn theo kiểu “mưa dầm thấm đất”; cũng có trường hợp người đưa hối lộ thông qua việc thanh toán hợp đồng kinh tế, hợp đồng mua bán; thông qua việc nộp thuế, nộp lệ phí để đưa hối lộ từ ít đến nhiều.

Khi xác định hành vi đưa hối lộ cần phân biệt với hành vi làm môi giới hối lộ trong trường hợp người đưa hối lộ không dùng tiền, tài sản của mình và mục đích đưa hối lộ cũng không đem lại lợi ích cho mình mà đem lại lợi ích cho người mà người đưa hối lộ yêu cầu.

b. Hậu quả của tội đưa hối lộ

Hậu quả của tội phạm này không phải dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Tuy nhiên, nếu của hối lộ chưa đến 500.000 đồng thì hậu quả lại là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm; nhưng phải là hậu quả nghiêm trọng.

Hậu quả nghiêm trọng do hành vi đưa hối lộ là những thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm; danh dự, tài sản của con người; những thiệt hại về tài sản, uy tín của cơ quan; tổ chức và những thiệt hại phi vật chất khác.

Hành vi đưa hối lộ gây ra hậu quả nghiêm trọng; được xác định như là một nguyên nhân gián tiếp.

c. Các hậu quả nghiêm trọng cụ thể

Tuy chưa có hướng dẫn thế nào là gây hậu quả nghiêm trọng do hành vi đưa hối lộ gây ra; nhưng tham khảo hướng dẫn của liên ngành về các tội xâm phạm sơ hữu; thì có thể coi hậu quả nghiêm trọng do hành vi đưa hối lộ gây ra nếu:

– Làm chết một người;

– Gây thương tích; hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của một đến hai người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 61% trở lên;

– Gây thương tích; hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của ba đến bốn người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% đến 60%;

– Gây thương tích; hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 61% đến 100%; trong đó không có người nào có tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên;

– Gây thương tích; hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 30 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng;

– Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.

Mặt chủ quan của tội đưa hối lộ

Tội đưa hối lộ người thực hiện hành vi phạm tội do cố ý.

Động cơ phạm tội tuy không phải là yếu tố bắt buộc của cấu thành tội phạm này; nhưng hầu hết các trường hợp đưa hối lộ đều có động cơ.

Tội đưa hối lộ bị xử phạt bao nhiêu năm tù?

Theo điều 364, Bộ luật hình sự 2017 quy định về các khung hình phạt đối với tội đưa hối lộ như sau:

Khung 1

Người nào trực tiếp hay qua trung gian đã đưa hoặc sẽ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn; hoặc người khác hoặc tổ chức khác bất kỳ lợi ích nào sau đây để người có chức vụ, quyền hạn làm; hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ; thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng; phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

b) Lợi ích phi vật chất.

Khung 2

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

c) Dùng tài sản của Nhà nước để đưa hối lộ;

d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

đ) Phạm tội 02 lần trở lên;

e) Của hối lộ là tiền, tài sản; lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

Khung 3

Phạm tội trong trường hợp của hối lộ là tiền, tài sản; lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng; thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm.

Khung 4

Phạm tội trong trường hợp của hối lộ là tiền, tài sản; lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên; thì bị phạt từ tù 12 năm đến 20 năm.

Hình phạt bổ sung

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Các quy định khác

Người nào đưa hoặc sẽ đưa hối lộ cho công chức nước ngoài, công chức của tổ chức quốc tế công, người có chức vụ trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước cũng bị xử lý theo quy định tại Điều này.

Người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.

Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.

Như vậy, đối với tội đưa hối lộ thì mức phạt tù cao nhất lên đến 20 năm.

Mời bạn xem thêm bài viết:

Cán bộ kiểm lâm nhận hối lộ từ lâm tặc bị xử lý như thế nào?
Bác sĩ nhận phong bì có bị coi là tội nhận hối lộ hay không?
Cán bộ phòng chống buôn lậu nhận hối lộ bị xử lý như thế nào?

Trên đây là tư vấn của Luật sư 247 về “Tội đưa hối lộ bị xử phạt bao nhiêu năm tù theo quy định pháp luật?“. Nếu có thắc mắc gì thì xin vui lòng liên hệ: 0833102102

Câu hỏi thường gặp

Xử lý kỷ luật người nhận hối lộ?

Căn cứ Nghị định 112/2020/NĐ-CP, cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị áp dụng thức thức kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo.
Đối với cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thì có thể bị áp dụng hình thức kỷ luật giáng chức hoặc cách chức.
Công chức, viên chức phạm tội nhận hối lộ bị Tòa án kết án phạt tù mà không được hưởng án treo thì trong thời hạn 15 ngày làm việc, từ bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án, sẽ bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc.

Dùng thủ đoạn xảo quyệt trong tội đưa hối lộ là gì?

Dùng thủ đoạn xảo quyệt để đưa hối lộ là người phạm tội đưa hối lộ có những mánh khoé, cách thức gian dối, thâm hiểm làm cho người nhận hối lộ hoặc những người khác khó lường thấy được để đề phòng.
Những mánh khoé, cách thức mà người đưa hối lộ sử dụng để đưa hối lộ rất đa dạng, nhưng chỉ coi là dùng thủ đoạn xảo quyệt đối với những mánh khoé, cách thức làm cho người nhận không thể từ chối hoặc nếu biết cũng không đối phó được.

Án tử hình với tội nhận hối lộ?

Người bị kết án tử hình về tội nhận hối lộ mà đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì không bị thi hành án tử hình.

5/5 - (1 bình chọn)
Chuyên mục:
Hình sự

Trả lời