Thủ tục chấm dứt việc nuôi con nuôi

29/11/2021
Thủ tục chấm dứt việc nuôi con nuôi. Căn cứ chấm dứt việc nuôi con nuôi. Chấm dứt nuôi con nuôi nộp lệ phí là bao nhiêu?
528
Views

Sau khi đăng ký nhận con nuôi, quan hệ cha mẹ nuôi và con nuôi sẽ được xác lập và pháp luật bảo vệ mối quan hệ này. Tuy nhiên, nếu sau khi đăng ký mà muốn chấm dứt quan hệ nuôi con nuôi thì phải làm sao để hợp pháp? Thủ tục chấm dứt việc nuôi con nuôi như thế nào? Luật sư 247 sẽ giải đáp thắc mắc cho bạn tại bài viết dưới đây

Căn cứ pháp lý

Luật Nuôi con nuôi năm 2010

Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015

Căn cứ chấm dứt việc nuôi con nuôi

Căn cứ chấm dứt việc nuôi con nuôi được quy định tại tại Điều 25 Luật Nuôi con nuôi 2010. Theo đó, việc nuôi con nuôi có thể bị chấm dứt trong các trường hợp sau đây: 

“1. Con nuôi đã thành niên và cha mẹ nuôi tự nguyện chấm dứt việc nuôi con nuôi;

2. Con nuôi bị kết án về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của cha mẹ nuôi; ngược đãi, hành hạ cha mẹ nuôi hoặc con nuôi có hành vi phá tán tài sản của cha mẹ nuôi;

3. Cha mẹ nuôi bị kết án về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con nuôi; ngược đãi, hành hạ con nuôi; 4. Vi phạm quy định tại Điều 13 của Luật này.”

Căn cứ “Con nuôi đã thành niên và cha mẹ nuôi tự nguyện chấm dứt việc nuôi con nuôi”

Xuất phát từ nguyên tắc của việc nuôi con nuôi là phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người được nhận làm con nuôi và người nhận con nuôi và trên cơ sở tự nguyện, nên khi con nuôi đã thành niên tức là từ đủ 18 tuổi trở lên thì giữa con nuôi và cha mẹ nuôi có quyền thỏa thuận với nhau chấm dứt việc nuôi con nuôi. Khi đó, con nuôi đã thành niên hoặc cha mẹ nuôi có quyền làm đơn yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết chấm dứt việc nuôi con nuôi. Do đó, nếu chỉ một bên là con nuôi đã thành niên hoặc cha mẹ nuôi làm đơn yêu cầu Tòa án chấm dứt việc nuôi con nuôi nhưng bên còn lại không đồng ý chấm dứt việc nuôi con nuôi thì Tòa án không chấp nhận việc chấm dứt nuôi con nuôi.

Căn cứ “Con nuôi bị kết án về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của cha mẹ nuôi; ngược đãi, hành hạ cha mẹ nuôi hoặc con nuôi có hành vi phá tán tài sản của cha mẹ nuôi” và “cha mẹ nuôi bị kết án về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con nuôi; ngược đãi, hành hạ con nuôi”.

Trong căn cứ thứ hai và thứ ba này, pháp luật không quy định con nuôi đã thành niên hay chưa thành niên. Do đó, nếu con nuôi bị kết án về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của cha mẹ nuôi; ngược đãi, hành hạ cha mẹ nuôi hoặc hoặc con nuôi có hành vi phá tán tài sản của cha mẹ nuôi hoặc cha mẹ nuôi bị kết án về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con nuôi; ngược đãi, hành hạ con nuôi thì cha mẹ nuôi hoặc con nuôi hoặc cơ quan lao động, thương binh và xã hội, Hội liên hiệp phụ nữ trong một số trường hợp theo quy định của pháp luật có quyền làm đơn yêu cầu Tòa án chấm dứt việc nuôi con nuôi mà không phụ thuộc vào việc con nuôi hoặc cha mẹ nuôi có đồng ý chấm dứt việc nuôi con nuôi hay không.

Các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người (cha mẹ nuôi hoặc con nuôi) được quy định tại Chương XIV từ Điều 123 đến 156 của Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình được quy định tại Điều 185 của Bộ luật Hình sự năm 2015.

Về hành vi phá tán tài sản thì hiện nay pháp luật hoặc cơ quan có thẩm quyền chưa có quy định hoặc hướng dẫn cụ thể thế nào là hành vi phá tán tài sản. Tuy nhiên, có thể hiểu hành vi phán tán tài sản của cha mẹ nuôi thể hiện qua các hành vi như: đập phá tài sản, trộm cắp tài sản để bán lấy tiền tiêu xài cá nhân… hành vi này có thể xảy ra nhiều lần và người có hành vi phá tán tài sản có thể đã được nhắc nhở hoặc giáo dục nhưng không sửa đổi.

Căn cứ “Vi phạm quy định tại Điều 13 của Luật Nuôi con nuôi”

Các hành vi bị cấm quy định tại Điều 13 Luật Nuôi con nuôi như sau: Lợi dụng việc nuôi con nuôi để trục lợi, bóc lột sức lao động, xâm hại tình dục; bắt cóc, mua bán trẻ em;  Giả mạo giấy tờ để giải quyết việc nuôi con nuôi; Phân biệt đối xử giữa con đẻ và con nuôi; Lợi dụng việc cho con nuôi để vi phạm pháp luật về dân số; Lợi dụng việc làm con nuôi của thương binh, người có công với cách mạng, người thuộc dân tộc thiểu số để hưởng chế độ, chính sách ưu đãi của Nhà nước; Ông, bà nhận cháu làm con nuôi hoặc anh, chị, em nhận nhau làm con nuôi; Lợi dụng việc nuôi con nuôi để vi phạm pháp luật, phong tục tập quán, đạo đức, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Nếu phát hiện có những hành vi bị cấm quy định tại Điều 13 Luật Nuôi con nuôi năm 2010 thì tùy trường hợp cụ thể mà tổ chức, cá nhân được quy định tại Điều 26 Luật Nuôi con nuôi (bao gồm con nuôi đã thành niên, cha mẹ nuôi, cha mẹ đẻ hoặc người giám hộ của con nuôi, cơ quan lao động, thương binh và xã hội, Hội liên hiệp phụ nữ) có quyền làm đơn yêu cầu Tòa án chấm dứt việc nuôi con nuôi.

Thủ tục chấm dứt việc nuôi con nuôi

Ai được yêu cầu chấm dứt nuôi con nuôi?

Theo quy định tại Điều 26 Luật Nuôi con nuôi, người có quyền yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi gồm:

– Cha mẹ nuôi.

– Con nuôi đã thành niên.

– Cha mẹ đẻ hoặc người giám hộ của con nuôi.

– Cơ quan lao động, thương binh và xã hội hoặc Hội liên hiệp phụ nữ có quyền yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi khi có một trong các căn cứ để chấm dứt nuôi con nuôi ở trên (trừ trường hợp con nuôi đã thành niên và cha mẹ nuôi tự nguyện chấm dứt việc nuôi con nuôi).

Cơ quan có trách nhiệm giải quyết

Điều 10 Luật Nuôi con nuôi quy định, thẩm quyền giải quyết yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi là Tòa án nhân dân.

Theo khoản 4 Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, việc giải quyết nuôi con nuôi thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện.

Đồng thời, điểm l khoản 2 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 nêu rõ:

Tòa án nơi cha, mẹ nuôi hoặc con nuôi cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi;

Từ các căn cứ trên, nơi có thẩm quyền giải quyết chấm dứt nuôi con nuôi thuộc về Tòa án nhân dân cấp huyện nơi cha, mẹ nuôi hoặc con nuôi cư trú, làm việc.

Hồ sơ cần chuẩn bị gồm những gì?

Để được giải quyết chấm dứt nuôi con nuôi, người có yêu cầu phải gửi đơn yêu cầu về việc chấm dứt nuôi con nuôi đến Tòa án có thẩm quyền. Theo đó, căn cứ khoản 2 Điều 362 Bộ luật Tố tụng dân sự, đơn yêu cầu phải có các nội dung sau đây:

– Ngày, tháng, năm làm đơn;

– Tên Tòa án có thẩm quyền giải quyết việc dân sự;

– Tên, địa chỉ; số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người yêu cầu;

– Những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết và lý do, mục đích, căn cứ của việc yêu cầu Tòa án giải quyết việc chấm dứt nuôi con nuôi;

– Tên, địa chỉ của những người có liên quan đến việc giải quyết việc dân sự đó (nếu có);

– Các thông tin khác mà người yêu cầu xét thấy cần thiết cho việc giải quyết yêu cầu của mình;

– Người yêu cầu là cá nhân phải ký tên hoặc điểm chỉ, nếu là cơ quan, tổ chức thì đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó phải ký tên và đóng dấu vào phần cuối đơn.

Ngoài ra, nộp kèm đơn yêu cầu là các tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp như giấy chứng nhận nuôi con nuôi, Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân, sổ hộ khẩu…

Thời gian giải quyết là bao lâu?

Căn cứ các Điều 363, Điều 365, 366 Bộ luật Dân sự năm 2015

– Trong thời hạn 03 ngày làm việc sau khi nộp đơn sẽ có Thẩm phán được phân công giải quyết đơn yêu cầu. Nếu đơn chưa đầy đủ nội dung thì được sửa đổi, bổ sung trong 07 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu.

– Sau khi xét thấy đơn đủ điều kiện thụ lý thì thông báo cho người yêu cầu nộp lệ phí trong thời hạn 05 ngày làm việc. Và sau khi người này nộp biên lai thu tiền lệ phí thì Tòa án sẽ thụ lý đơn yêu cầu.

– Việc thông báo thụ lý đơn yêu cầu sẽ được thực hiện trong 03 ngày làm việc và xét đơn yêu cầu được thực hiện trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày Tòa án thụ lý.

– Tòa án phải mở phiên họp để giải quyết việc dân sự trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày ra quyết định mở phiên họp.

Căn cứ các quy định trên, việc giải quyết chấm dứt nuôi con nuôi sẽ được thực hiện trong thời gian nhanh nhất là khoảng 02 tháng.

Chấm dứt nuôi con nuôi lệ phí là bao nhiêu?

Khi yêu cầu chấm dứt nuôi con nuôi, bạn phải nộp lệ phí cho Tòa án theo quy định tại Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 là 300.000 đồng.

Mời bạn xem thêm bài viết

Trên đây là tư vấn của Luật sư 247 về nội dung vấn đề “Thủ tục chấm dứt việc nuôi con nuôi” Chúng tôi hi vọng rằng bạn có thể vận dụng các kiến thức trên để sử dụng trong công việc; cuộc sống. Nếu có thắc mắc và cần nhận thêm sự tư vấn, giúp đỡ hãy liên hệ 0833.102.102

Câu hỏi thường gặp

Điều kiện đối với người nhận con nuôi là gì?

Cá nhân muốn nhận con nuôi thì phải đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 14 Luật nuôi con nuôi năm 2010, cụ thể các điều kiện bao gồm:
Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
Hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên;
Có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi;
Có tư các đạo đức tốt.

Các trường hợp không được nhận con nuôi?

Đang bị hạn chế một số quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên;
Đang chấp hành quyết định xử lý hành chính tại cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh; Đang chấp hành hình phạt tù;
Chưa được xóa án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của người khác;
Ngược đãi hoặc hành hạ ông bà; cha mẹ; vợ chồng; con; cháu; người có công nuôi dưỡng mình; Dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người chưa thành niên vi phạm pháp luật; Mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em.

5/5 - (1 bình chọn)

Để lại một bình luận