Tạm giam người khác không có căn cứ thì ai phải bồi thường?

22/04/2022
Tạm giam người khác không có căn cứ thì ai phải bồi thường?
757
Views

Luật sư cho tôi hỏi tôi bị cơ quan điều tra tình nghi phạm tội buôn bán hàng giả. Bây giờ Viện Kiểm sát ra quyết định đình chỉ vụ án vì tôi không có tội. Vậy với thời gian tôi bị tạm giam là 3 tháng như vậy, tôi sẽ được hưởng những quyền lợi gì? Tôi cần chuẩn bị những giấy tờ gì và gửi đến đâu để yêu cầu bồi thường? Mong luật sư giải đáp.

Cám ơn câu hỏi của bạn. Việc được trả tự do do không có tội là một điều không hiếm thấy. Tuy nhiên người bị tạm giam mà không có căn cứ trên đã có thể phải chịu nhiều tổn thất từ cả vật chất và tinh thần? Vậy ai sẽ chịu trách nhiệm bồi thường cho họ đối vơi những thiệt hại xảy ra? Để yêu cầu bồi thường cần làm thủ tục gì? Cần chuẩn bị những giấy tờ nào? Sau đây, Luật sư X xin giới thiệu bài viết “Tạm giam người khác không có căn cứ thì ai phải bồi thường?. Mời bạn đọc cùng tham khảo.

Căn cứ pháp lý

Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn, cưỡng chế

Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước là việc nhà nước có trách nhiệm phải bồi thường đối với cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án. Đối với việc áp dụng biện pháp ngăn chặn; đây là một trong các hoạt động của tố tụng hình sự nên cũng thuộc phạm vi bồi thường của nhà nước. Tuy nhiên để được nhà nước bồi thường thì người bị thiệt hại và thiệt hại xảy ra cần đáp ứng các điều kiện nhất định. Vậy việc bị tạm giam trái pháp luật có được nhà nước bồi thường ?

Phạm vi trách nhiệm bồi thường của nhà nước đối với biện pháp ngăn chặn, cưỡng chế

Căn cứ Khoản 1,2, 3 Điều 18 Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước

“Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong các trường hợp sau đây:

1. Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp mà không có căn cứ theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và người đó không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật;

2. Người bị bắt, người bị tạm giữ mà có quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự quyết định trả tự do, hủy bỏ quyết định tạm giữ, không phê chuẩn lệnh bắt, quyết định gia hạn tạm giữ vì người đó không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật;

3. Người bị tạm giam mà có bản án, quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm hoặc đã hết thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm;

Bản án, quyết định trên chính là văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường. Người bị tạm giam cần chú ý yêu cầu cơ quan sai phạm; hoặc cơ quan có thẩm quyền (Tòa án) cung cấp văn bản trên để có thể làm hồ sơ yêu cầu bồi thường từ nhà nước. Nếu không có, yêu cầu bồi thường sẽ không được chấp nhận.

Tuy nhiên để xác đinh xem có được bồi thường không thì còn phải đáp ứng các điều kiện sau:

Căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường của nhà nước

Theo Điều 7 Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 quy định:

1. Nhà nước có trách nhiệm bồi thường khi có đủ các căn cứ sau đây:

a) Có một trong các căn cứ xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây thiệt hại và yêu cầu bồi thường tương ứng quy định tại khoản 2 Điều này;

b) Có thiệt hại thực tế của người bị thiệt hại thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước theo quy định của Luật này;

c) Có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại thực tế và hành vi gây thiệt hại.

Theo đó chỉ khi hành vi của người thi hành công vụ gây thiệt hại thực tế đến người bị tạm giam thì họ mới được bồi thường. Và thực tế việc tạm giam có thể gây ra thiệt hại về vật chất (như mất thu nhập); và thiệt hại về tinh thần (bị giam giữ, mất uy tín, danh dự,…). Do đó người bị giam trái pháp luật hoàn toàn có quyền được đòi bồi thường. Và văn bản yêu cầu bồi thường là một trong các điều kiện để được bồi thường.

Chủ thể có quyền yêu cầu bồi thường

Theo Điều 5 Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước quy định về Quyền yêu cầu bồi thường:

“Những người sau đây có quyền yêu cầu Nhà nước bồi thường:

1. Người bị thiệt hại;

2. Người thừa kế của người bị thiệt hại trong trường hợp người bị thiệt hại chết; tổ chức kế thừa quyền, nghĩa vụ của tổ chức bị thiệt hại đã chấm dứt tồn tại;

3. Người đại diện theo pháp luật của người bị thiệt hại thuộc trường hợp phải có người đại diện theo pháp luật theo quy định của Bộ luật Dân sự;

4. Cá nhân, pháp nhân được những người quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này ủy quyền thực hiện quyền yêu cầu bồi thường.”

Theo đó ngoài người bị thiệt hại trực tiếp yêu cầu thì còn có các chủ thể khác có thể thay người bị thiệt hại yêu cầu nhà nước bồi thường.

Thời hiệu yêu cầu bồi thường

Mặc dù hoàn toàn có căn cứ xác định việc bồi thường của nhà nước; nhưng nếu đã quá thời hiệu mà người có quyền không yêu cầu bồi thường thì Nhà nước cũng không còn trách nhiệm phải bồi thường cho họ. Theo đó thời hiệu yêu cầu bồi thường được quy định như sau:

Thời hiệu yêu cầu bồi thường là 03 năm kể từ ngày người có quyền yêu cầu bồi thường quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 5 của Luật này nhận được văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 52 của Luật này và trường hợp yêu cầu phục hồi danh dự.

Trong đó thời gian không tính vào thời hiệu yêu cầu bồi thường, bao gồm:

a) Khoảng thời gian có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan theo quy định của Bộ luật Dân sự làm cho người có quyền yêu cầu bồi thường quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 5 của Luật này không thể thực hiện được quyền yêu cầu bồi thường;

b) Khoảng thời gian mà người bị thiệt hại là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi chưa có người đại diện theo quy định của pháp luật hoặc người đại diện đã chết hoặc không thể tiếp tục là người đại diện cho tới khi có người đại diện mới.

Người yêu cầu bồi thường có nghĩa vụ chứng minh khoảng thời gian không tính vào thời hiệu trên.

Xác định thiệt hại được nhà nước bồi thường khi bị tạm giam trái pháp luật

Theo quy định, bạn bị tạm giam trái pháp luật mà đáp ứng các căn cứ trên; bạn hoàn toàn có thể yêu cầu cơ quan Nhà nước bồi thường những giá trị mà bạn bị thiệt hại. Cụ thể trường hợp của bạn; có thể được yêu cầu bồi thường đối với phần thu nhập thực tế bị mất; và thiệt hại do tổn thất về tính thần; các chi phí khác. Vậy xác định các thiệt hại này như thế nào?

Thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút

Điều 24 Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước quy định:

“Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại là cá nhân được xác định như sau:

a) Thu nhập ổn định từ tiền lương, tiền công được xác định theo mức tiền lương, tiền công của người bị thiệt hại trong khoảng thời gian tiền lương, tiền công bị mất hoặc bị giảm sút;

b) Thu nhập không ổn định từ tiền lương, tiền công được xác định căn cứ vào mức tiền lương, tiền công trung bình của 03 tháng liền kề trước thời điểm thiệt hại xảy ra trong khoảng thời gian tiền lương, tiền công bị mất hoặc bị giảm sút;

c) Thu nhập không ổn định theo mùa vụ được xác định là thu nhập trung bình của lao động cùng loại tại địa phương trong khoảng thời gian thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút. Nếu không xác định được thu nhập trung bình của lao động cùng loại tại địa phương thì thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút được bồi thường là 01 ngày lương tối thiểu vùng tại nơi người bị thiệt hại cư trú cho 01 ngày bị thiệt hại.

Ngày lương tối thiểu vùng được xác định là 01 tháng lương tối thiểu vùng do Nhà nước quy định chia cho 26 ngày.”

Theo đó tùy vào loại thu nhập của bạn mà bạn sẽ được bồi thường với các mức khác nhau.

Thiệu hại về tinh thần

Thiệt hại về tinh thần đối với trường hợp tạm giam được quy định tại Điều 27 Luật TNBT của nhà nước như sau:

Thiệt hại về tinh thần trong trường hợp người bị thiệt hại bị bắt, tạm giữ, tạm giam, chấp hành hình phạt tù được xác định là 05 ngày lương cơ sở cho 01 ngày bị bắt, tạm giữ, tạm giam, chấp hành hình phạt tù;

Theo đó nếu bạn bị tạm giam trái phép 3 tháng; bạn có thể nhận được số tiền là 150 ngày lương cơ sở.

Trường hợp người bị tạm giam bị thiệt hại về sức khỏe thì còn được bồi thường căn cứ vào mức độ sức khoẻ bị tổn hại; nhưng không quá 50 tháng lương cơ sở..

Ngày lương cơ sở được xác định là 01 tháng lương cơ sở chia cho 22 ngày.

Các chi phí khác được bồi thường

Các chi phí khác được bồi thường đối với trường hợp tạm giam trái pháp luật có thể là:

a) Chi phí thuê phòng nghỉ, chi phí đi lại, in ấn tài liệu; gửi đơn thư trong quá trình khiếu nại, tố cáo; chi phí thuê người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại;

b) Chi phí đi lại để thăm gặp của thân nhân người bị tạm giam trong tố tụng hình sự.

Hồ sơ, cơ quan tiếp nhận yêu cầu bồi thường

Hồ sơ yêu cầu bồi thường

Theo Điều 41, Luật TNBT của nhà nước, hồ sơ yêu cầu bồi thường bao gồm:

-Trường hợp người bị thiệt hại trực tiếp yêu cầu bồi thường 

a) Văn bản yêu cầu bồi thường;

b) Văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường; trừ trường hợp người bị thiệt hại không được gửi; hoặc không thể có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường;

c) Giấy tờ chứng minh nhân thân của người bị thiệt hại;

d) Tài liệu, chứng cứ có liên quan đến việc yêu cầu bồi thường (nếu có).

-Trường hợp người yêu cầu bồi thường là người thừa kế; hoặc là người đại diện của người bị thiệt hại thì còn phải có các tài liệu sau đây:

a) Giấy tờ chứng minh nhân thân của người thừa kế, người đại diện của người bị thiệt hại;

b) Văn bản ủy quyền hợp pháp trong trường hợp đại diện theo ủy quyền;

c) Trường hợp người bị thiệt hại chết mà có di chúc thì người yêu cầu bồi thường phải cung cấp di chúc, trường hợp không có di chúc thì phải có văn bản hợp pháp về quyền thừa kế.

Cơ quan tiếp nhận yêu cầu bồi thường

Người yêu cầu bồi thường nộp 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính tới cơ quan giải quyết bồi thường.

Trường hợp chưa xác định ngay được cơ quan giải quyết bồi thường; người yêu cầu bồi thường nộp hồ sơ đến Sở Tư pháp nơi người bị thiệt hại cư trú hoặc có trụ sở. Trong thời hạn 05 ngày làm việc; Sở Tư pháp có trách nhiệm xác định cơ quan giải quyết bồi thường; chuyển hồ sơ đến cơ quan giải quyết bồi thường và thông báo bằng văn bản cho người yêu cầu bồi thường.

Thông tin liên hệ

Trên đây là tư vấn về “Tạm giam người khác không có căn cứ thì ai phải bồi thường?“. Mong rằng các kiến thức trên có thể giúp ích cho bạn trong cuộc sồng hằng ngày. Hãy theo dõi chúng tôi để biết thêm nhiều kiến thức bổ ích. Và nếu quý khách có nhu cầu xác nhận tình trạng độc thân; hoặc muốn sử dụng dịch vụ tạm ngừng kinh doanh của chúng tôi; mời quý khách hàng liên hệ đến hotline để được tiếp nhận.

Liên hệ hotline: 0833102102. Hoặc bạn có thể tham khảo thêm các kênh sau:

Mời bạn xem thêm

Câu hỏi thường gặp

Phụ nữ có thai phạm tội có thể áp dụng biện pháp tạm giam không?

Theo Khoản 4 Điều 119 BLTTHS 2015 quy định:
Đối với bị can, bị cáo là phụ nữ có thai mà có nơi cư trú và lý lịch rõ ràng thì không tạm giam mà áp dụng biện pháp ngăn chặn khác, trừ các trường hợp:
a) Bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã;
b) Tiếp tục phạm tội;
c) Có hành vi mua chuộc, cưỡng ép; xúi giục người khác khai báo gian dối; cung cấp tài liệu sai sự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; đe dọa, khống chế; trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm hoặc người thân thích của những người này;
d) Bị can, bị cáo về tội xâm phạm an ninh quốc gia và có đủ căn cứ xác định nếu không tạm giam đối với họ thì sẽ gây nguy hại đến an ninh quốc gia.
Do đó phụ nữ có thai vẫn có thể bị tạm giam.

Thời hạn tạm giam là bao lâu?

Theo Khoản 1 Điều 173, thời hạn tạm giam được uqy định như sau:
Thời hạn tạm giam bị can để điều tra không quá 02 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá 03 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá 04 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Tuy nhiên trong trường hợp được gia hạn thì thời hạn tạm giam có thể lên tới 4 tháng với tội ít nghiêm trọng; 8 tháng với tội nghiêm trọng; 16 tháng với tội rất nghiêm trọng; và 24 tháng với tội đặc biệt nghiêm trọng.

5/5 - (1 bình chọn)
Chuyên mục:
Hình sự

Comments are closed.