Sổ đỏ ghi tên hộ gia đình chia thừa kế như thế nào?

11/11/2022
Sổ đỏ ghi tên hộ gia đình chia thừa kế như thế nào
231
Views

Theo quy định hiện nay, ngoài sổ đỏ chỉ đứng tên một cá nhân nào đó thì còn có sổ đỏ hay còn gọi là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, khi đó các thành viên trong hộ gia đình sẽ có chung quyền sử dụng đất đối với một mảnh đất nhất định. Vậy Sổ đỏ ghi tên hộ gia đình chia thừa kế như thế nào? Việc phân chia thừa kế đối với sổ đỏ ghi tên hộ gia đình phải thực hiện như thế nào để bảo đảm quyền cũng như nghĩa vụ mà những thành viên sẽ có. Bài viết dưới đây của Luật sư X sẽ giúp các bạn giải đáp.

Căn cứ pháp lý

Sổ đỏ ghi tên hộ gia đình là gì?

Khoản 29 Điều 3 Luật Đất đai 2013 quy định:

“Hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất.”

Theo đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ cấp Giấy chứng nhận cho hộ gia đình sử dụng đất nếu có đủ các điều kiện sau:

Điều kiện 1: Có quan hệ hôn nhân (vợ chồng), quan hệ huyết thống (cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ, ông nội, bà nội với cháu nội, ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại,…), quan hệ nuôi dưỡng (cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi).

Điều kiện 2: Đang sống chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất; cho thuê đất; công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất (thời điểm nhận chuyển nhượng; nhận tặng cho; nhận thừa kế,…).

Điều kiện 3: Có quyền sử dụng đất chung bằng các hình thức như: Cùng nhau đóng góp; tạo lập hoặc được tặng cho; thừa kế chung…

Điểm c khoản 1 Điều 5 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT quy định ghi tên tại trang 1 của Giấy chứng nhận như sau:

“Hộ gia đình sử dụng đất thì ghi “Hộ ông” (hoặc “Hộ bà”), sau đó ghi họ tên, năm sinh, tên và số của giấy tờ nhân thân của chủ hộ gia đình như quy định tại Điểm a Khoản này; địa chỉ thường trú của hộ gia đình. Trường hợp chủ hộ gia đình không có quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình thì ghi người đại diện là thành viên khác của hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình” 

Trường hợp chủ hộ gia đình hay người đại diện khác của hộ gia đình có vợ hoặc chồng cùng có quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình thì ghi cả họ tên, năm sinh của người vợ hoặc chồng đó”

Như vậy, nếu chủ hộ có quyền sử dụng đất chung với các thành viên khác trong hộ gia đình thì Giấy chứng nhận sẽ ghi tên chủ hộ.

Sổ đỏ ghi tên hộ gia đình, nếu người có đủ 2 điều kiện nêu ở trên thì có chung quyền sử dụng đất.

Khi chuyển quyền sử dụng đất (chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế…) của hộ gia đình thì phải có văn bản đồng ý của các thành viên được công chứng hoặc chứng thực theo quy định.

Còn sổ đó cá nhân quyền sử dụng đất là tài sản riêng cá nhân người đứng tên sổ đỏ; cá nhân được cấp sổ đỏ có toàn quyền quyết định trong việc chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế… nếu đủ điều kiện theo quy định. Trừ trường hợp quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ chồng nhưng chỉ có vợ hoặc chồng đứng tên.

Khi có chung quyền sử dụng đất thì các thành viên trong gia đình có quyền chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có đủ điều kiện.

Quyền lập di chúc đất thừa kế đất hộ gia đình

Để xác định những người nào có quyền sử dụng với lô đất trên, bạn cần căn cứ theo số nhân khẩu có tên trong hộ khẩu vào thời điểm cấp đất, đồng thời dựa trên giấy tờ kê khai khi nhà nước cấp đất cho hộ gia đình thì thể hiện tên những ai, những người có tên trên giấy tờ thực hiện thủ tục đất cấp cho hộ gia đình sẽ là những người có quyền sử dụng với lô đất này.

Bộ luật Dân sự 2015 có quy định tại Điều 212 về sở hữu chung của các thành viên gia đình như sau:

“Điều 212. Sở hữu chung của các thành viên gia đình

1. Tài sản của các thành viên gia đình cùng sống chung gồm tài sản do các thành viên đóng góp, cùng nhau tạo lập nên và những tài sản khác được xác lập quyền sở hữu theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan.

2. Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của các thành viên gia đình được thực hiện theo phương thức thỏa thuận. Trường hợp định đoạt tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký, tài sản là nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình phải có sự thỏa thuận của tất cả các thành viên gia đình là người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp luật có quy định khác.

Trường hợp không có thỏa thuận thì áp dụng quy định về sở hữu chung theo phần được quy định tại Bộ luật này và luật khác có liên quan, trừ trường hợp quy định tại Điều 213 của Bộ luật này.

Theo đó, việc định đoạt với mảnh đất này phải thông qua sự thỏa thuận của tất cả thành viên trong gia đình. Như vậy, mẹ bạn không có quyền để lại thừa kế cho anh trai bạn với toàn bộ mảnh đất, mà chỉ có thể lập di chúc để lại cho người anh trai phần đất thuộc sở hữu của mẹ trong mảnh đất được cấp cho hộ gia đình.

Nếu đã xác định đây là mảnh đất được cấp cho hộ gia đình, thì những thành viên trong gia đình (những người có quyền với đất cấp cho hộ gia đình được xác định thông gia giấy tờ kê khai cấp đất) đều có quyền với mảnh đất đó.

Sổ đỏ ghi tên hộ gia đình chia thừa kế như thế nào
Sổ đỏ ghi tên hộ gia đình chia thừa kế như thế nào

Sổ đỏ ghi tên hộ gia đình chia thừa kế như thế nào?

Cách chia thừa kế theo di chúc

Căn cứ khoản 2 Điều 626 Bộ luật Dân sự 2015; người lập di chúc có quyền phân định phần di sản cho từng người thừa kế. Hay nói cách khác; người thừa kế được hưởng bao nhiêu phụ thuộc vào nội dung di chúc nếu di chúc đó hợp pháp.

Lưu ý: Những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc.

Khoản 1 Điều 644 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:

“1. Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật; trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:

a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;

b) Con thành niên mà không có khả năng lao động.”

Theo đó, con chưa thành niên, cha, mẹ; vợ, chồng và con thành niên mà không có khả năng lao động của người lập di chúc sẽ được hưởng phần di sản thừa kế bằng 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc cho hưởng phần di sản ít hơn 2/3 suất đó.

Quy định người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc trên đây không áp dụng đối với người từ chối nhận di sản hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản.

Cách chia thừa kế đất hộ gia đình theo pháp luật

Trường hợp chia thừa kế theo pháp luật

Theo Khoản 1 Điều 650 Bộ luật Dân sự 2015 thì sẽ chia thừa kế theo pháp luật trong các trường hợp sau:

  • Không có di chúc.
  • Di chúc không hợp pháp.
  • Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
  • Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

Ngoài ra, thừa kế theo pháp luật cũng được áp dụng đối với các phần di sản sau đây:

  • Phần di sản không được định đoạt trong di chúc.
  • Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật.
  • Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.

Cách chia thừa kế theo pháp luật

Theo Điều 649 BLDS 2015 thì chia thừa kế theo pháp luật là chia theo hàng thừa kế. Theo đó, hàng thừa kế sẽ được chia theo thứ tự tại Điều 651 BLDS 2015 bao gồm:

+, Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

+, Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

+, Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.”

Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau (khoản 2 Điều 651 BLDS 2015). Và những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước đó đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản theo khoản 3 Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015.

Như vậy, sau khi hoàn tất việc chia thừa kế phần đất của người chết trong phần đất của hộ gia đình, ngoài trừ phần đất đã được chia thì các thành viên còn lại trong hộ gia đình vẫn có các quyền đối với phần đất chung còn lại.

Thông tin liên hệ

Trên đây là tư vấn của Luật sư X vấn đề “Sổ đỏ ghi tên hộ gia đình chia thừa kế như thế nào“. Chúng tôi hy vọng rằng bạn có thể vận dụng các kiến thức trên để sử dụng trong công việc và cuộc sống.

Nếu quý khách có nhu cầu Tư vấn về tranh chấp đất thừa kế, làm sổ đỏ, chia thừa kế đất hộ gia đình, xin cấp lại sổ đỏ bị mất, giá đất bồi thường khi nhà nước thu hồi đất, đất nông nghiệp chuyển sang đất thổ cư giấy giao nhận tiền đặt cọc mua bán nhà đất, muốn tách sổ đỏ,… của Tư vấn luật đất đai, mời quý khách hàng liên hệ đến hotline: 0833.102.102.

Câu hỏi thường gặp

Bán đất sổ đỏ ghi tên hộ gia đình có cần phải có sự đồng ý của các thành viên hay không?

Khoản 5 Điều 14 Thông tư 02/2015/TT-BTNMT quy định:
“Người có tên trên Giấy chứng nhận hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật về dân sự quy định tại Khoản 1 Điều 64 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP chỉ được thực hiện việc ký hợp đồng, văn bản giao dịch về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất khi đã được các thành viên trong hộ gia đình sử dụng đất đồng ý bằng văn bản và văn bản đó đã được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật”
Theo đó, đối với trường hợp hộ gia đình là người sử dụng đất thì khi chuyển nhượng, tặng cho…phải có sự đồng ý của các thành viên trong hộ gia đình bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực.

Xác định di sản để chia thừa kế khi chia đất có sổ đỏ hộ gia đình

Cách xác định: Tùy vào từng trường hợp cụ thể mà mức độ khó dễ khi xác định là khác nhau. Để xác định chính xác phải dựa vào 03 căn cứ trên.
Sau khi xác định di sản thừa kế cần xem người để lại di sản có di chúc hay không; nếu có di chúc hợp pháp thì chia theo di chúc, nếu không sẽ chia theo pháp luật; hoặc vừa chia theo di chúc; vừa chia theo pháp luật khi một phần di chúc không hợp pháp; hoặc không định đoạt hết phần di sản là quyền sử dụng đất.

Điều kiện để di chúc hợp pháp như thế nào?

Căn cứ Điều 630 Bộ luật Dân sự 2015, di chúc hợp pháp là di chúc phải có đủ các điều kiện sau:
Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;
Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.



5/5 - (1 bình chọn)
Chuyên mục:
Chưa phân loại

Comments are closed.