Quyền và nghĩa vụ nhân thân của vợ chồng

21/11/2021
Quyền và nghĩa vụ nhân thân của vợ chồng. Quyền và nghĩa vụ nhân thân của vợ chồng là gì? Đặc điểm quyền và nghĩa vụ nhân thân của vợ chồng?
973
Views

 Hôn nhân là cơ sở để hình thành gia đình – tế bào của xã hội. Sự kiện kết hôn làm phát sinh quan hệ pháp luật giữa vợ và chồng. Nội dung của quan hệ pháp luật này bao gồm các quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản, trong đó quan hệ nhân thân là cơ bản, đã được ghi nhận từ lâu, có ý nghĩa quan trọng đối với các chủ thể. Có thể thấy; có khá nhiều quyền và nghĩa vụ nhân thân tồn tại giữa vợ và chồng, đảm bảo cho quan hệ hôn nhân được gắn bó khăng khít, bền vững. Pháp luật về hôn nhân gia đình Việt Nam cũng đã có sự ghi nhận, đưa ra những quy định điều chỉnh vấn đề này một cách cụ thể. Vậy quyền và nghĩa vụ nhân thân của vợ chồng theo quy định pháp luật như thế nào? Luật sư 247 sẽ giải đáp thắc mắc cho bạn tại bài viết dưới đây:

Căn cứ pháp lý

Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014

Quyền và nghĩa vụ nhân thân của vợ chồng là gì?

Quyền và nghĩa vụ nhân thân mang yếu tố tình cảm, là lợi ích tinh thần giữa vợ và chồng, gắn liền với bản thân vợ chồng trong suốt thời kỳ hôn nhân. Nội dung của quyền và nghĩa vụ nhân thân giữa vợ và chồng là lợi ích tinh thần, là yếu tố tình cảm, không mang nội dung kinh tế, không phụ thuộc vào khả năng kinh tế của vợ chồng.

Quyền và nghĩa vụ nhân thân giữa vợ và chồng là chuẩn mực đạo đức, cách ứng xử mang tính tự nhiên và truyền thống giữa vợ và chồng. Vì vậy, khi điều chỉnh những quan hệ đó phải kết hợp giữa các quy định của pháp luật với những quy tắc đạo đức và lẽ sống trong xã hội.

Đặc điểm quyền và nghĩa vụ nhân thân của vợ chồng

Thứ nhất:

Thông thường, quyền và nghĩa vụ nhân thân giữa vợ, chồng phát sinh do sự kiện kết hôn, trừ trường hợp những trường hợp hai bên nam nữ chung sống với nhau trước ngày 03/01/1987 mà không có giấy đăng ký kết hôn. Như vậy, khi có sự kiện nam, nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định của pháp luật về điều kiện kết hôn và đăng kí kết hôn thì đương nhiên xuất hiện các quyền và nghĩa vụ nhân thân giữa họ.

Thứ hai

Quyền và nghĩa vụ nhân thân gắn liền với mỗi bên vợ chồng và không thể chuyển giao. Có nghĩa là nó có tính độc lập, cá biệt hóa cá nhân này với cá nhân khác, không thể trộn lẫn. Các quyền, nghĩa vụ nhân thân của vợ chồng không thể là đối tượng chuyển dịch cho bất kì ai, không thể do người khác thực hiện thay mà chỉ phụ thuộc giữa vợ và chồng. Nó chấm dứt khi quan hệ hôn nhân không còn tồn tại nữa.

Thứ ba

Quyền và nghĩa vụ nhân thân giữa vợ, chồng  được quy định tương ứng giữa hai bên. Tức là, quyền của người này chính là nghĩa vụ của người kia. Chúng tồn tại song hành lẫn nhau, tạo ra mối quan hệ gắn bó chặt chẽ giữa hai bên chủ thể trong suốt thời kì hôn nhân này.

Nội dung quyền và nghĩa vụ nhân thân của vợ chồng

Quyền và nghĩa vụ thể hiện mối quan hệ tình cảm với nhau

Nghĩa vụ yêu thương, chung thủy, quan tâm, chăm sóc nhau được điều chỉnh bằng các nguyên tắc đạo đức, truyền thống và theo phong tục, tập quán của người Việt Nam rồi sau đó được nâng dần lên thành luật. Vi phạm những quy tắc đạo đức chỉ bị xã hội lên án, vi phạm các quy tắc pháp luật sẽ bị xử phạt theo quy định.

Điều 19 Luật hôn nhân và gia đình nêu rõ:

 “1.Vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm chăm sóc, giúp đỡ lẫn nhau; cùng nhau chia sẻ , thực hiện các công việc trong gia đình.

      2.Vợ chồng có nghĩa vụ sống chung với nhau, trừ trường hợp vợ, chồng có có thỏa thuận khác hoặc do yêu cầu của nghề nghiệp, công tác, học tập, tham gia các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và lí do chính đáng khác.”

Như vậy, có thể thấy, luật rất đề cao sự gắn kết chặt chẽ giữa vợ, chồng trong đời sống hôn nhân gia đình. Hai bên có nghĩa vụ hỗ trợ, cùng nhau sinh sống, tạo lập sợi dây liên kết chung khăng khít bắt đầu từ nền tảng tình cảm tình yêu chân thành. Chỉ có sự yêu thương, quan tâm, chia sẻ thường xuyên, kịp thời giữa hai người thì hôn nhân mới có thể lâu dài, bền vững. Mục đích của việc quy định vợ chồng có nghĩa vụ yêu thương nhau, chung thủy với nhau là để ngăn các quan hệ bất chính, bảo vệ hạnh phúc gia đình.

 Về nghĩa vụ chung sống, có thể hiểu rằng hôn nhân trước hết là cuộc sống chung giữa người đàn ông và người phụ nữ: chung nhà, chung bàn ăn và chung chăn gối. Tất nhiên, vợ và chồng không nhất thiết phải ở chung, ăn chung, ngủ chung một cách liên tục, thường xuyên trong suốt thời kỳ hôn nhân; song, ít nhất giữa họ luôn phải có mối liên hệ sâu đậm về phương diện sinh hoạt vật chất và tinh thần. Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 ghi nhận một cách rõ ràng nghĩa vụ chung sống; tuy nhiên, không thể nói rằng mục đích của hôn nhân đã đạt được một khi hai bên kết hôn không thực sự chung sống với nhau. Việc không chung sống liên tục trong một thời gian dài có thể dẫn đến những khó khăn trong việc duy trì cơ sở đạo lý và cơ sở thực tế của quy tắc suy đoán con chung của vợ chồng. Vợ chồng sống chung với nhau dưới cùng một mái nhà, không bị chia cắt về vấn đề chỗ ở, không gian, địa lý…sẽ đảm bảo được sự gắn kết giữa hai bên, trừ các trường hợp khác luật đã dự liệu.

 Bên cạnh đó, vợ chồng còn có nghĩa vụ thể hiện mối quan hệ tình cảm bằng việc luôn tôn trọng, bảo vệ danh dự, nhân phẩm cho đối phương. Điều 21 Luật hôn nhân gia đình đã quy định:

“Vợ chồng có nghĩa vụ tôn trọng, giữ gìn và bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín cho nhau.”

Có thể thấy, vấn đề này có sự liên quan ảnh hưởng mật thiết giữa cả hai bên vợ và chồng. Khi vợ chồng có ý thức, trách nhiệm bảo vệ danh dự, uy tín của người kia thì đồng thời chính bản thân mình cũng sẽ được mọi người tôn trọng. Pháp luật không cho phép các trường hợp vợ, chồng xúc phạm, bôi nhọ, làm xấu đi danh dự, nhân phẩm, uy tín của nhau vì bất cứ mục đích nào. Bởi bất cứ ai có lời nói, cử chỉ, hành vi làm nhục người khác, xâm phạm đến danh dự uy tín đã là trái pháp luật thì vợ chồng-những người gắn kết với nhau bằng tình yêu, tự nguyện kết hôn chung sống tạo lập cuộc sống gia đình chung càng cần phải ý thức sâu sắc vấn đề bảo vệ, tôn trọng uy tín của nhau. Một khi vợ, chồng còn chưa trọng nhau thì việc để người khác tôn trọng mình là rất khó. Nếu sau khi kết hôn, giữa hai bên không tồn tại nền tảng tôn trọng cơ bản này thì sẽ không thể là hôn nhân hạnh phúc, bền vững.

Quyền bình đẳng, tự do dân chủ giữa vợ và chồng

Hiện nay, quyền bình đẳng, dân chủ giữa vợ và chồng được Bộ luật Dân sự và Luật HNGĐ 2014 điều chỉnh. Điều này thể hiện sự bình đẳng của vợ chồng khi cùng nhau bàn bạc, quyết định các vấn đề liên quan đến nhân thân của vợ chồng và của mỗi thành viên trong gia đình, liên quan đến đời sống chung của gia đình.

Quyền bình đẳng của vợ chồng được thể hiện qua quyền lựa chọn nơi cư trú (Điều 20 Luật HNGĐ 2014)

Việc lựa chọn nơi cư trú của vợ chồng không bị ràng buộc theo phong tục tập quán, địa giới hành chính, vợ chồng lựa chọn nơi cư trú hoàn toàn dựa vào hoàn cảnh thực tế, tính chất hoạt động nghề nghiệp, khả năng tài chính… Ngoài ra, trong trường hợp vợ chồng vì lí do công việc mà không thể cùng lựa chọn một nơi cư trú thì họ hoàn toàn có thể tự lựa chọn nơi cư trú riêng mà không ảnh hưởng tới việc thực hiện nghĩa vụ với nhau và với gia đình. Vợ, chồng bình đẳng, tự do thỏa thuận cùng nhau và đưa đến quyết định chung về việc chọn nơi cư trú. Không bên nào có quyền ép buộc người kia phải chọn nơi cư trú theo ý kiến của mình, thuận lợi cho bản thân mà gây khó khăn cho đối phương.

Quyền và nghĩa vụ của vợ chồng trong việc nuôi dạy con

Vợ, chồng đều bình đẳng với nhau trong việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con… tạo điều kiện cho con được sống trong môi trường lành mạnh, yêu thương, tôn trọng ý kiến của con, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con, quan tâm, chăm lo cho sự phát triển của con về cả thể chất lẫn tinh thần… Đồng thời, vợ chồng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi họ không thực hiện tốt nghĩa vụ của mình trong việc chăm sóc, giáo dục con.

Quyền được lựa chọn nghề nghiệp, học tập và tham gia các hoạt động kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội

Dựa trên nguyên tắc vợ chồng bình đẳng với nhau về mọi mặt theo Luật HNGĐ hiện hành và nguyên tắc nam nữ có quyền ngang nhau về mọi mặt: chính trị, kinh tế, văn hóa, gia đình và xã hội; việc vợ chồng được tự lựa chọn nghề nghiệp riêng cho bản thân là hoàn toàn chính đáng, nhằm xóa bỏ quan hệ bất bình đẳng trong quan hệ vợ chồng vẫn tồn tại hiện nay, đồng thời việc học tập nâng cao trình độ không chỉ là quyền mà còn là nghĩa vụ của mỗi công dân, do vậy vợ chồng cần có sự bình đẳng và không có sự ngăn cản nhau trong việc thực hiện quyền này.

Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo

Quyền này được quy định tại Điều 22 Luật HNGĐ 2014: “Vợ, chồng có nghĩa vụ tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhau.”

Đây là một quy định nhằm xóa bỏ hiện tượng khi kết hôn một bên vợ hoặc chồng ngăn cản sự tự do tín ngưỡng, tôn giáo của bên kia làm ảnh hưởng không chỉ quyền của công dân được pháp luật quy định mà còn ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình. Vợ, chồng không được cưỡng ép, cản trở nhau theo hoặc không theo một tôn giáo nào.

Mời bạn xem thêm bài viết:

Trên đây là tư vấn của Luật sư 247 về nội dung “Quyền và nghĩa vụ nhân thân của vợ chồng”

Chúng tôi hi vọng rằng bạn có thể vận dụng các kiến thức trên để sử dụng trong công việc và cuộc sống. Nếu có thắc mắc và cần nhận thêm sự tư vấn, giúp đỡ của luật sư ; hãy liên hệ qua hotline 0833.102.102

Câu hỏi thường gặp:

Điều kiện đăng ký kết hôn là gì?

Được quy định tại khoản 1 Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, cụ thể như sau:
– Về độ tuổi kết hôn: Nữ từ đủ 18 tuổi trở lên, nam từ đủ 20 tuổi trở lên;
– Về tính tự nguyện: Việc kết hôn phải dựa trên tinh thần tự nguyện của cả hai bên;
– Về mặt chủ thể: Hai bên nam nữ phải là người có đủ năng lực hành vi dân sự;
– Ngoài ra, việc kết hôn không được rơi vào trong các trường hợp sau đây: kết hôn giả tạo; tảo hôn; lừa dối; cưỡng ép hoặc cản trở kết hôn; vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng; có yếu tố loạn luân bao gồm kết hôn hoặc sống chung như vợ chồng với người cùng trực hệ, người trong phạm vi ba đời; giữa người đã và đang là cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người mà đã là cha chồng; cha dượng với con dâu; con riêng của vợ; giữa người đã là mẹ vợ; mẹ kế với con rể; con riêng của chồng.

Tổ chức kết hôn cho người chưa đủ tuổi bị xử lý như thế nào?

Phạt cảnh cáo từ 500.000 đồng đến 1.000.0000 đồng. Với hành vi cố ý duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đủ tuổi; mặc dù đã có quyết định của Tòa án buộc chấm dứt quan hệ; thì bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng. Ngoài ra, nếu cố tình tổ chức kết hôn cho người chưa đủ tuổi mà gây hậu quả nghiêm trọng còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

5/5 - (1 bình chọn)

Để lại một bình luận