Xin chào Luật sư, xin luật sư cho biết các quy định của pháp luật về quyền liên quan đến quyền tác giả? Các trường hợp nào sử dụng quyền liên quan không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao? Tôi xin chân thành cảm ơn!
Căn cứ pháp lý
Luật sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009
Nội dung tư vấn
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi về cho chúng tôi. Luật sư 247 xin phép trả lời câu hỏi các quy định của pháp luật về quyền liên quan đến quyền tác giả ngay sau đây:
Thế nào là quyền liên quan đến quyền tác giả?
Theo khoản 3 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung 2009 quy định như sau:
“Quyền liên quan đến quyền tác giả (gọi là quyền liên quan) là quyền của cá nhân; tổ chức đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, tín hiệu vệ tinh; chương trình phát sóng mang chương trình được mã hóa”. Có thể được hiểu, những chủ thể được sở hữu quyền liên quan này khi họ thực hiện một cuộc biểu diễn; hoặc tổ chức một buổi ghi hình, ghi âm, buổi biểu diễn…
Thời hạn bảo hộ quyền liên quan đến quyền tác giả?
Theo quy định tại Điều 34 Luật sở hữu trí tuệ như sau:
“Điều 34. Thời hạn bảo hộ quyền liên quan
1. Quyền của người biểu diễn được bảo hộ năm mươi năm tính từ năm tiếp theo năm cuộc biểu diễn được định hình.
2. Quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình được bảo hộ năm mươi năm tính từ năm tiếp theo năm công bố hoặc năm mươi năm kể từ năm tiếp theo năm bản ghi âm, ghi hình được định hình nếu bản ghi âm, ghi hình chưa được công bố.
3. Quyền của tổ chức phát sóng được bảo hộ năm mươi năm tính từ năm tiếp theo năm chương trình phát sóng được thực hiện.
4. Thời hạn bảo hộ quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này chấm dứt vào thời điểm 24 giờ ngày 31 tháng 12 của năm chấm dứt thời hạn bảo hộ các quyền liên quan.”
Các hành vi xâm phạm các quyền liên quan?
Những hành vi xâm phạm quyền liên quan được pháp luật quy định tại Điều 35 Luật Sở hữu trí tuệ như sau:
“1. Chiếm đoạt quyền của người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng.
2. Mạo danh người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng.
3. Công bố, sản xuất và phân phối cuộc biểu diễn đã được định hình, bản ghi âm, ghi hình; chương trình phát sóng mà không được phép của người biểu diễn; nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng.
4. Sửa chữa, cắt xén, xuyên tạc dưới bất kỳ hình thức nào đối với cuộc biểu diễn gây phương hại đến danh dự và uy tín của người biểu diễn.
5. Sao chép, trích ghép đối với cuộc biểu diễn đã được định hình, bản ghi âm, ghi hình; chương trình phát sóng mà không được phép của người biểu diễn; nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng.
6. Dỡ bỏ hoặc thay đổi thông tin quản lý quyền dưới hình thức điện tử mà không được phép của chủ sở hữu quyền liên quan.
7. Cố ý huỷ bỏ hoặc làm vô hiệu các biện pháp kỹ thuật do chủ sở hữu quyền liên quan thực hiện để bảo vệ quyền liên quan của mình.
8. Phát sóng, phân phối, nhập khẩu để phân phối đến công chúng cuộc biểu diễn; bản sao cuộc biểu diễn đã được định hình hoặc bản ghi âm, ghi hình khi biết; hoặc có cơ sở để biết thông tin quản lý quyền dưới hình thức điện tử đã bị dỡ bỏ; hoặc đã bị thay đổi mà không được phép của chủ sở hữu quyền liên quan.
9. Sản xuất, lắp ráp, biến đổi, phân phối, nhập khẩu, xuất khẩu; bán hoặc cho thuê thiết bị khi biết hoặc có cơ sở để biết thiết bị đó giải mã trái phép một tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá.
10. Cố ý thu hoặc tiếp tục phân phối một tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá khi tín hiệu đã được giải mã mà không được phép của người phân phối hợp pháp”.
Các trường hợp sử dụng quyền liên quan không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao?
Căn cứ theo Điều 32 Luật sở hữu trí tuệ quy định các trường hợp sử dụng quyền liên quan không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao như sau:
– Tự sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học của cá nhân;
– Tự sao chép một bản nhằm mục đích giảng dạy, trừ trường hợp cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng đã được công bố để giảng dạy;
– Trích dẫn hợp lý nhằm mục đích cung cấp thông tin;
– Tổ chức phát sóng tự làm bản sao tạm thời để phát sóng khi được hưởng quyền phát sóng.
– Tổ chức, cá nhân sử dụng quyền quy định tại khoản 1 Điều này không được làm ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng và không gây phương hại đến quyền của người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng.
Tổ chức phát sóng có quyền gì theo quy định của pháp luật?
Theo quy định tại Điều 31 Luật sở hữu trí tuệ, tổ chức phát sóng có quyền sau đây:
“1. Tổ chức phát sóng có độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện các quyền sau đây:
a) Phát sóng, tái phát sóng chương trình phát sóng của mình;
b) Phân phối đến công chúng chương trình phát sóng của mình;
c) Định hình chương trình phát sóng của mình;
d) Sao chép bản định hình chương trình phát sóng của mình.
2. Tổ chức phát sóng được hưởng quyền lợi vật chất khi chương trình phát sóng của mình được ghi âm, ghi hình, phân phối đến công chúng.”
Điểm giống nhau giữa quyền tác giả và quyền liên quan?
Căn cứ các quy định, quyền tác giả và quyền liên quan có những điểm giống nhau sau đây:
– Quyền tác giả và quyền liên quan cùng bảo vệ thành quả sáng tạo; một số đối tượng không được bảo hộ nếu có nội dung vi phạm pháp luật. đạo đức.
– Một tác phẩm sẽ tự động được bảo hộ ngay khi ra đời mà không cần đăng ký; nộp lưu, nộp phí hay thực hiện bất cứ một thủ tục hành chính nào khác.
Nhưng chủ thể của quyền tác giả, quyền liên quan vẫn có thể thực hiện thủ tục đăng ký để đảm bảo quyền lợi của chủ thể khi có tranh chấp xảy ra.
Đối với những quyền tài sản thuộc quyền tác giả và quyền liên quan; đây là quyền chỉ được bảo hộ có thời hạn. Khi hết thời hạn bảo hộ, chúng sẽ không được bảo hộ nữa; và được coi là thuộc về sở hữu công cộng.
Mời bạn xem thêm
- So sánh quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả?
- Hành vi nào xâm phạm quyền liên quan đến quyền tác giả?
- Thủ tục đăng ký bản quyền bài hát?
Trên đây là tư vấn của Luật sư 247 về nội dung vấn đề ”Quy định của pháp luật về quyền liên quan đến quyền tác giả?” Chúng tôi hi vọng rằng bạn có thể vận dụng các kiến thức trên để sử dụng trong công việc; cuộc sống. Nếu có thắc mắc và cần nhận thêm sự tư vấn, giúp đỡ hãy liên hệ 0833102102.
Câu hỏi thường gặp
-Các quyền nhân thân: bảo hộ vô thời hạn trừ quyền công bố tác phẩm.
– Các quyền tài sản: Có thời hạn bảo hộ như sau:
+ Tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, sân khấu, mỹ thuật ứng dụng, tác phẩm khuyết danh: Thời hạn bảo hộ là 75 năm, kể từ khi tác phẩm được công bố lần đầu tiên.
+ Tác phẩm còn lại: Có thời hạn bảo hộ là suốt cuộc đời tác giả và 50 năm tiếp theo năm tác giả chết; trong trường hợp tác phẩm có đồng tác giả thì thời hạn bảo hộ chấm dứt vào năm thứ 50 sau năm đồng tác giả cuối cùng chết.
Để quyền liên quan được bảo hộ thì phải đảm bảo điều kiện là có tính nguyên gốc, phải có dấu ấn sáng tạo của chủ thể liên quan và không gây phương hại đến quyền tác giả.