Phạm tội khi bị bệnh tâm thần có phải chịu trách nhiệm hình sự không?

13/11/2021
Phạm tội khi bị bệnh tâm thần có phải chịu trách nhiệm hình sự không?
544
Views

Trên thực tế có rất nhiều vụ án người vi phạm pháp luật thoát tội vì họ bị tâm thần. Vụ việc nữ giám đốc công ty bất động sản lừa đảo đang là chủ để được quan tâm gần đây. Trần Thị Mỹ Hiền bị cáo buộc là chủ mưu, tổ chức bán các dự án “ma”, chiếm đoạt số tiền hơn 260 tỷ đồng. Nhưng trong quá trình điều tra, “siêu lừa” này trưng ra giấy tờ chứng minh mình… bị tâm thần. Trong vụ án này, người được xác định là chủ mưu, cầm đầu, tổ chức thực hiện hành vi phạm tội là bị can Trần Thị Mỹ Hiền (58 tuổi, giám đốc công ty TNHH thương mại – dịch vụ Đất Vàng Hoàng Gia)

Vấn đề bất cập xưa nay lại được đào lên. Phạm tội khi bị tâm thần có phải chịu trách nhiệm hình sự không? Hãy cùng Luật sư X tìm ra lời giải đáp nhé!

Cơ sở pháp lý

  • Bộ luật Hình sự 2015
  • Thông tư 23/2019/TT-BYT về Quy trình giám định pháp y tâm thần và Biểu mẫu sử dụng trong giám định pháp y tâm thần do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành

Nội dung tư vấn

Bệnh tâm thần là gì?

Bệnh tâm thần là bệnh lý rối loạn hoạt động não bộ. Bệnh này gây ra những biến đổi bất thường về lời nói, tác phong, tình cảm, hành vi, ý tưởng,… Bệnh tâm thần nguy hiểm bởi người bệnh không thể tự điều chỉnh được hành động và suy nghĩ của mình.

Phạm tội khi bị bệnh tâm thần có phải chịu trách nhiệm hình sự không?

Trách nhiệm hình sự là gì?

Trách nhiệm hình sự là một dạng trách nhiệm pháp lý. Đồng thời là hậu quả pháp lý bất lợi mà người phạm tội phải gánh chịu trước Nhà nước do việc người đó thực hiện tội phạm. Là kết quả của việc áp dụng các quy phạm pháp luật hình sự. Được thể hiện ở bản án kết tội của Tòa án có hiệu lực pháp luật, hình phạt và một số biện pháp cưỡng chế hình sự khác do luật hình sự quy định.

Theo khoản 1 điều 2 BLHS 2015, Chỉ người nào phạm một tội đã được Bộ luật hình sự quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự.

Tuy nhiên, xác định cấu thành tội phạm cần xem xét các dấu hiệu.

Dấu hiệu cấu thành tội phạm:

Về mặt khách quan:

Một người chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội. Hành vi là cách cư xử của con người ra thế giới khách quan được thể hiện bằng hành động hoặc không hành động trách nhiệm hình sự chỉ phát sinh khi có hành vi phạm tội. Hành vi đó có thể gây thiệt hại hoặc có nguy cơ gây thiệt hại cho xã hội.

Về mặt chủ quan:

Người phạm tội nhận thức rõ ràng được hành vi của mình hành vi gây nguy hiểm cho xã hội. Hành vi này sẽ tác động tiêu cực đến trật tự xã hội. Tuy nhiên, người phạm tội vẫn mong muốn thực hiện hành vi này bất chấp hậu quả.

Về mặt khách thể:

Khi thực hiện hành vi phạm tội, người phạm tội phải xâm hại đến quan hệ xã hội được pháp luật hình sự bảo vệ. Đây là dấu hiệu bắt buộc để xác định có cấu thành tội phạm hay không. Ngoài ra có các dấu hiệu không bắt buộc như: đối tượng của tội phạm, người bị hại.

Về mặt chủ thể:

Chủ thể của tội phạm là người có năng lực trách nhiệm hình sư, tức là khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội có khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của mình. Người đó phải đủ độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự quy định tại điều 12 của Bộ luật hình sự.

Tóm lại, Phạm tội khi bị bệnh tâm thần có phải chịu trách nhiệm hình sự không?

Như đã đề cập, người bị bệnh tâm thần không có khả năng kiểm soát được suy nghĩ và hành vi của mình. Xét về mặt chủ thể và mặt chủ quan, họ không có khả năng nhận thức và năng lực trách nhiệm hình sự. Người bệnh tâm thần không biết rằng hành vi của mình có yếu tố “lỗi” và gây nguy hiểm cho xã hội, gây tác động tiêu cực đến các chuẩn mực đạo đức, xã hội, pháp luật.

Căn cứ theo Điều 21 Bộ luật Hình sự 2015:

Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Lưu ý:

Không phải tất cả các loại bệnh tâm thần đều dẫn tới việc mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi. Đối với trường hợp bệnh tâm thần chỉ làm hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi, người phạm tội có thể vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, đây được coi là một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự (điểm l khoản 1 điều 51 BLHS 2015)

Để xác định mức độ bệnh cần giám định pháp y tâm tâm thần. Việc này cũng để đảm bảo người phạm tội không cố giả bệnh để thoát tội.

Giám định pháp y tâm thần

Giám định pháp y tâm thần là gì?

Giám định pháp y tâm thần là công tác chuyên môn nhằm xác định tình trạng bệnh lý thần kinh của một người. Thông thường, công việc này sẽ liên quan tới các vấn đề dân sự, hình sự. Mục đích để xác định một cá nhân có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, năng lực trách nhiệm hình sự, khả năng nhận thức hay không. Giám định pháp y tâm thần do cán bộ ngành y tế (giám định viên), Viện kiểm sát, Tòa án, Công an phối hợp thực hiện.

Các hình thức giám định

Giám định nội trú

Là giám định tại cơ sở giám định pháp y tâm thần, áp dụng đối với những trường hợp chẩn đoán bệnh và xác định năng lực hành vi của đối tượng giám định khó khăn và phức tạp

Giám định tại phòng khám

Áp dụng đối với những trường hợp đơn giản, không khó khăn trong chẩn đoán, xác định năng lực và trách nhiệm hành vi

Giám định tại chỗ

Áp dụng đối với những trường hợp đối tượng giám định đang bị giam giữ nếu đưa ra ngoài sẽ khó khăn và không an toàn trong công tác quản lý đối tượng giám định hoặc một số trường hợp đặc biệt không thể đưa đối tượng đến giám định tại Tổ chức pháp y tâm thần

Giám định trên hồ sơ (Giám định vắng mặt)

Hình thức này chỉ áp dụng trong trường hợp đối tượng giám định đã bị chết hoặc bị mất tích hoặc theo quy định của các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Giám định bổ sung

Tiếp nhận hồ sơ trưng cầu hoặc yêu cầu giám định bổ sung: Theo quy định tại điểm 1 khoản I phần B Quy trình này kèm theo các tài liệu liên quan đến tình tiết mới của vụ án, vụ việc đã được kết luận (trong trường hợp phát sinh vấn đề mới cần phải giám định liên quan đến tình tiết của vụ án, vụ việc đã có kết luận giám định trước đó), bản sao kết luận giám định pháp y tâm thần.

Giám định lại

Việc giám định lại được thực hiện theo quy định tại khoản 2 điều 29 Luật giám định tư pháp. Các giám định viên đã tham gia giám định lần đầu không được tham gia giám định lại. Căn cứ Quyết định trưng cầu, vụ việc cụ thể hoặc tùy từng trường hợp giám định cụ thể, Thủ trưởng Tổ chức pháp y tâm thần lựa chọn hình thức giám định pháp y tâm thần phù hợp với quy định

Giám định lại lần thứ hai, giám định đặc biệt

Căn cứ vào quyết định trưng cầu hay yêu cầu giám định, căn cứ từng trường hợp cần giám định lại lần II hay giám định đặc biệt cụ thể, Hội đồng giám định lại lần II hoặc Hội đồng giám định đặc biệt lựa chọn hình thức giám định phù hợp.

Xử lý người phạm tội mắc bệnh tâm thần như thế nào?

Căn cứ theo điều 49 Bộ luật Hình sự 2015:

Trường hợp 1:

Đối với người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi mắc bệnh quy định tại Điều 21 của Bộ luật này, Viện kiểm sát hoặc Tòa án căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh.

Trường hợp 2:

Đối với người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự nhưng trước khi bị kết án đã mắc bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần, Tòa án có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, người đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.

Trường hợp 3:

Đối với người đang chấp hành hình phạt tù mà bị bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần, Tòa án có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, nếu không có lý do khác để miễn chấp hành hình phạt, thì người đó phải tiếp tục chấp hành hình phạt.

Thời gian bắt buộc chữa bệnh được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù.

Mời bạn xem thêm bài viết:

Trên đây là bài viết tư vấn của chúng tôi về vấn đề trên: “Phạm tội khi bị bệnh tâm thần có phải chịu trách nhiệm hình sự không? Hy vọng bài viết có ích cho độc giả. Mọi thắc mắc xin vui lòng liên hệ: 0833.102.102

Câu hỏi thường gặp

Người tham gia giám định là ai?

Người giám định pháp y tâm thần là người được cấp có thẩm quyền bổ nhiệm làm Giám định viên pháp y tâm thần (sau đây gọi tắt là giám định viên, viết tắt là GĐV) theo quy định của Luật giám định tư pháp số 13/2012/QH13

Mỗi trường hợp giám định pháp y tâm thần có bao nhiêu giám định viên?

Thông thường có 03 GĐV tham gia. Trường hợp phức tạp, khó khăn thì có thể có 05 GĐV tham gia.

Có phải bệnh tâm thần nào cũng gây ra mất năng lực trách nhiệm hình sự không?

Không. Đối với những bệnh tâm thần không nghiêm trọng thì có thể chỉ gây hạn chế năng lực trách nhiệm hình sự.

5/5 - (1 bình chọn)
Chuyên mục:
Hình sự

Trả lời