Nộp đơn tố cáo ở đâu? Những lưu ý khi nộp đơn tố cáo

19/09/2021
Nộp đơn tố cáo,
871
Views

Tố cáo là quyền và nghĩa vụ của mỗi người khi phát hiện hành vi vi phạm. Vậy theo quy định hiện hành, người dân có thể nộp đơn tố cáo ở đâu? Những lưu ý khi nộp đơn tố cáo. Hãy cùng phòng tư vấn pháp luật của Luật sư 247 tìm hiểu về các vấn đề này nhé.

Căn cứ pháp luật

Luật tố cáo 2018

Nội dung tư vấn

Khái niệm về tố cáo

Căn cứ khoản 1 điều 2 luật tố cáo 2018 quy định về tố cáo như sau:

– Tố cáo là việc cá nhân theo thủ tục quy định của Luật này báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

– Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ: là tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của các đối tượng sau đây:

+ Cán bộ, công chức, viên chức; người khác được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ;

+ Người không còn là cán bộ, công chức, viên chức nhưng đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian là cán bộ, công chức, viên chức; người không còn được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ nhưng đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ;

+ Cơ quan, tổ chức.

– Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực là tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào về việc chấp hành quy định của pháp luật, trừ hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ.

Những lưu ý khi nộp đơn tố cáo

Căn cứ điều 23 luật tố cáo 2018; trường hợp tố cáo được thực hiện bằng đơn thì trong đơn tố cáo phải ghi rõ những thông tin sau:

+ Ngày, tháng, năm tố cáo;

+ Địa chỉ của người tố cáo

+ Cách thức liên hệ với người tố cáo

+ Hành vi vi phạm pháp luật bị tố cáo

+ Người bị tố cáo và các thông tin khác có liên quan.

Lưu ý:

– Trường hợp nhiều người cùng tố cáo về cùng một nội dung thì trong đơn tố cáo còn phải ghi rõ họ tên, địa chỉ, cách thức liên hệ với từng người tố cáo; họ tên của người đại diện cho những người tố cáo.

– Người tố cáo phải ký tên hoặc điểm chỉ vào đơn tố cáo.

Người dân có thể nộp đơn tố cáo ở đâu

Đối với hành vi vi phạm pháp luật trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức thì tố cáo đến người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức đó. Nếu người có hành vi vi phạm là người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức thì tố cáo đến người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức đó.

Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm thuộc thẩm quyền quản lý của nhiều cơ quan, tổ chức thì tố cáo đến người đứng đầu cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý cán bộ, công chức, viên chức này.

Đối với hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác (không phải cán bộ, công chức, viên chức trong thi hành nhiệm vụ, công vụ) thì nội dung liên quan đến chức năng quản lý của cơ quan nào thì cơ quan đó có trách nhiệm giải quyết.

Thông thường, người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính có thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý được giao. Nếu hành vi vi phạm của người bị tố cáo có dấu hiệu tội phạm thì vụ việc sẽ được chuyển cho Cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát để giải quyết tố cáo.

Nếu tố cáo có nội dung liên quan đến chức năng quản lý của nhiều cơ quan thì có thể tố cáo đến 01 hoặc tất cả các cơ quan này.

Các hình thức tố cáo hiện nay

Người tố cáo có thể lựa chọn nộp đơn tố cáo hoặc tố cáo trực tiếp:

Trong Đơn tố cáo phải ghi rõ ngày, tháng, năm tố cáo; họ, tên, địa chỉ của người tố cáo; nội dung tố cáo. Đơn tố cáo phải do người tố cáo ký tên hoặc điểm chỉ. Trường hợp nhiều người cùng tố cáo bằng đơn thì trong đơn phải ghi rõ họ, tên, địa chỉ của từng người tố cáo, có chữ ký hoặc điểm chỉ của những người tố cáo; họ, tên người đại diện cho những người tố cáo.

Trường hợp đến tố cáo trực tiếp thì người tiếp nhận hướng dẫn người tố cáo viết đơn tố cáo hoặc người tiếp nhận ghi lại việc tố cáo bằng văn bản và yêu cầu người tố cáo ký tên hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản, trong đó ghi rõ nội dung tố cáo. Trường hợp nhiều người đến tố cáo trực tiếp thì người tiếp nhận hướng dẫn người tố cáo cử đại diện để trình bày nội dung tố cáo.

Xem thêm:

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi. Hy vọng bài viết bổ ích với bạn đọc!

Hãy liên hệ khi có nhu cầu sử dụng dịch vụ của Luật sư 247: 0833.102.102.

Câu hỏi thường gặp

Trình tự thủ tục giải quyết đơn tố cáo?

Trình tự giải quyết tố cáo:
– Thụ lý tố cáo.
– Xác minh nội dung tố cáo.
– Kết luận nội dung tố cáo.
– Xử lý kết luận nội dung tố cáo của người giải quyết tố cáo.

Trách nhiệm phối hợp của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc giải quyết tố cáo?

Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm phối hợp với người giải quyết tố cáo; cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến nội dung tố cáo theo quy định của pháp luật; áp dụng các biện pháp bảo vệ người tố cáo theo thẩm quyền; xử lý người có hành vi vi phạm pháp luật theo kết luận nội dung tố cáo; xử lý cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về tố cáo.

Thời hạn xử lý ban đầu sau khi người dân nộp đơn tố cáo?

Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được tố cáo, cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm vào sổ, phân loại, xử lý ban đầu thông tin tố cáo, kiểm tra, xác minh thông tin về người tố cáo và điều kiện thụ lý tố cáo; trường hợp phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm hoặc phải ủy quyền cho cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kiểm tra, xác minh thì thời hạn này có thể kéo dài hơn nhưng không quá 10 ngày làm việc.

5/5 - (1 bình chọn)
Chuyên mục:
Luật khác

Trả lời