Mức phạt tội cưỡng đoạt tài sản là bao nhiêu?

28/07/2022
Mức phạt tội cưỡng đoạt tài sản là bao nhiêu?
370
Views

Xin chào luật sư. Mới gần đây, em gái tôi đang đi đường thì bị đe dọa cướp của, mất một số tiền khá lớn. May thay, tên cướp đã bị bắt chờ xử lý. Luật sư cho tôi hỏi, tên cướp sẽ bị phạt như thế nào? Mức phạt tội cưỡng đoạt tài sản là bao nhiêu? Mong được luật sư giải đáp. Tôi xin cảm ơn!

Cảm ơn quý khách hàng đã gửi câu hỏi đến Luật sư 247. Chúng tôi xin hân hạnh giải đáp thắc mắc của quý khách hàng qua bài viết dưới đây:

Căn cứ pháp lý

Bộ luật hình sự 2015

Thế nào là cưỡng đoạt tài sản? 

Cưỡng đoạt tài sản là hành vi xâm phạm quyền sở hữu của người khác bị pháp luật nghiêm cấm. Người thực hiện hành vi này thông qua việc đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc uy hiếp tinh thần bằng các thủ đoạn khác để buộc chủ tài sản (hoặc người có trách nhiệm với tài sản) phải giao tài sản.

Cụ thể:

– Hành vi đe dọa dùng vũ lực: Được hiểu là hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực gây thiệt hại cho nạn nhân với mục đích làm cho nạn nhân sợ hãi và giao tài sản.

Đáng lưu ý, giữa thời điểm đe dọa dùng vũ lực với thời điểm dùng vũ lực sẽ có một khoảng thời gian nhất định để người bị đe dọa có điều kiện suy nghĩ, cân nhắc để quyết định hành động. 

Việc đe dọa dùng vũ lực có thể thực hiện thông qua hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp:

+ Đe dọa trực tiếp: Đe dọa bằng lời nói, cử chỉ, hành động… trực tiếp, công khai với nạn nhân;

+ Đe dọa gián tiếp: Thông qua các hình thức như tin nhắn, điện thoại… mà không trực tiếp gặp nạn nhân.

– Thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác: Người cưỡng đoạt tài sản sẽ dùng các thủ đoạn gây áp lực về tinh thần của đối phương để họ hoang mang, lo sợ và giao tài sản theo yêu cầu. Ví dụ như: Dọa đốt nhà; dọa đập phá tài sản; dọa làm khó trong công việc…

Như vậy, chỉ khi mục đích của các hành vi de doạ trên là chiếm đoạt tài sản thì mới dược xác định là cưỡng đoạt tài sản. Ngược lại, nếu chỉ đe doạ dùng vũ lực, uy hiếp tinh thần mà không nhằm chiếm đoạt tài sản thì không được xem là cưỡng đoạt tài sản mà có thể là hành vi khủng bố, bức tử…

Cấu thành tội cưỡng đoạt tài sản

Về khách thể tội cưỡng đoạt tài sản

Tội cưỡng đoạt tài sản cùng lúc xâm hại đến hai khách thể (quan hệ sở hữu và quan hệ nhân thân), nhưng chủ yếu là quan hệ sở hữu. Trong đó, việc xâm hại đến quan hệ nhân thân không phải mục đích của tội phạm mà chỉ đe dọa tinh thần làm cho người bị cưỡng đoạt phải giao tài sản.

Về mặt khách quan tội cưỡng đoạt tài sản

Hành vi tội cưỡng đoạt tài sản:

Tội cưỡng đoạt tài sản thể hiện ở hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản.

– Về hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực là hành vi thể hiện thái độ, cử chỉ, lời nói tạo cho người bị đe dọa cảm giác sợ và tin rằng người phạm tội sẽ dùng bạo lực nếu không để cho lấy tài sản. Giữa thời điểm đe dọa sẽ dùng vũ lực với thời điểm dùng vũ lực có một khoảng cách nhất định về thời gian. Cho nên, người bị đe dọa có điều kiện suy nghĩ, cân nhắc để quyết định hành động.

– Về hành vi dùng thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản là hành vi đe dọa sẽ làm một việc gây thiện hại về tài sản, danh dự, uy tín nếu người bị uy hiếp không thỏa mãn yêu cầu chiếm đoạt tài sản của người phạm tội (như đe dọa hủy hoại tài sản, loan tin về đời tư, tố giác hành vi phạm pháp…của người bị đe dọa).

Tội cưỡng đoạt tài sản là tội có cấu thành hình thức và được coi là hoàn thành từ thời điểm người phạm tội thực hiện một trong các hành vi phân tích ở trên chứ không phụ thuộc vào việc có chiếm đoạt được tài sản hay không.

Hậu quả: Đe dọa đến quyền sở hữu và nhân thân của người bị hại.

Về mặt chủ quan tội cưỡng đoạt tài sản

Tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp. Mục đích chiếm đoạt tài sản là yếu tố bắt buộc của cấu thành tội phạm này.

Về chủ thể tội cưỡng đoạt tài sản 

Là người đủ tuổi và có năng lực trách nhiệm nhiệm hình sự.

Mức phạt tội cưỡng đoạt tài sản là bao nhiêu?

Mức phạt tội cưỡng đoạt tài sản là bao nhiêu?
Mức phạt tội cưỡng đoạt tài sản là bao nhiêu?

Điều 170 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội cưỡng đoạt tài sản như sau:

Điều 170. Tội cưỡng đoạt tài sản

1. Người nào đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;

d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

e) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Ngoài ra, theo điểm e khoản 2 Điều 15 Nghị định 144/2021, trường hợp cưỡng đoạt tài sản nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, người thực hiện hành vi có thể bị phạt tiền từ 03 – 05 triệu đồng. Đồng thời, buộc trả lại tài sản do chiếm giữ trái phép đối với hành vi vi phạm này.

Thông tin liên hệ

Trên đây là tư vấn của Luật Sư 247 về vấn đề “Mức phạt tội cưỡng đoạt tài sản là bao nhiêu?“. Để biết thêm thông tin chi tiết và nhận thêm sự tư vấn khi có nhu cầu về các vấn đề liên quan đến dịch vụ đăng ký xác nhận tình trạng hôn nhân; tạm ngừng kinh doanh chi nhánh; mẫu đơn xin giải thể công ty, dịch vụ công chứng giấy tờ tại nhà…. của Luật Sư 247, hãy liên hệ: 0833.102.102.

Có thể bạn quan tâm

Câu hỏi thường gặp

Tội cưỡng đoạt tài sản hoàn thành khi nào?

Do Tội cưỡng đoạt tài sản là tội phạm có cấu thành hình thức nên ngay cả khi người phạm tội chưa gây ra hậu quả (chưa chiếm đoạt được tài sản) nhưng có ý thức chiếm đoạt và đã thực hiện hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần của người có trách nhiệm quản lý về tài sản thì tội phạm đã được coi là hoàn thành.
Trường hợp gây ra hậu quả thì tuỳ thuộc vào tính chất, mức độ nguy hiểm mà người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo các khung hình phạt khác nhau

Cưỡng đoạt tài sản từ bao nhiêu tiền thì bị xử lý hình sự?

Khoản 1 Điều 170 Bộ luật Hình sự 2015:
1. Người nào đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm…
Điều này cũng có nghĩa, người thực hiện hành vi cưỡng đoạt tài sản chỉ cần có hành vi đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác để uy hiếp nhằm chiếm đoạt tài sản đã có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cưỡng đoạt tài sản mà không cần xác định số tiền người này chiếm đoạt được là bao nhiêu hay thậm chí là đã lấy được tài sản hay chưa.

Tội cưỡng đoạt tài sản có được hưởng án treo?

Khi phạm tội cưỡng đoạt tài sản nếu muốn được hưởng án treo thì cần phải đáp ứng các điều kiện theo quy định tại nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP cụ thể như sau:
– Bị xử phạt tù không quá 03 năm.
– Có nhân thân tốt.
– Có từ 02 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trở lên, trong đó có ít nhất 01 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự và không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự.
– Có nơi cư trú rõ ràng hoặc nơi làm việc ổn định để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giám sát, giáo dục.
.- Xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù nếu người phạm tội có khả năng tự cải tạo và việc cho họ hưởng án treo không gây nguy hiểm cho xã hội; không ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

5/5 - (1 bình chọn)
Chuyên mục:
Hình sự

Comments are closed.