Mua bằng giả nhưng chưa sử dụng có bị phạt?

29/07/2022
536
Views

Xin chào luật sư. Hiện nay tôi thấy tình trạng buôn bán văn bằng, chứng chỉ giả tràn lan. Nhiều vụ việc các công chức cán bộ sau thời gian làm việc lâu năm mới phát hiện họ sử dụng văn bằng giả. Vậy với hành vi sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả sẽ bị xử lý như thế nào? Nếu chỉ mua văn bằng, chứng chỉ giả về nhưng chưa sử dụng thì có bị phạt? Cán bộ, công chức sử dụng văn bằng giả sẽ bị kỷ luật với hình thức nào? Mong luật sư giải đáp giúp tôi.

Hiện tượng bằng đi mua, bằng giả vẫn luôn là vấn đề bức xúc trong nhân dân. Đặc biệt khi đối tượng vi phạm lại là cán bộ công chức. Nhiều người chỉ nghĩ rằng mua bằng, chứng chỉ để xin việc và không bị ai phát hiện là không sao đồng thời không cần mất nhiều thời gian học tập mà vẫn được công nhận về trình độ. Tuy nhiên hành vi này tiềm ẩn nhiều nguy cơ mà người vi phạm có thể phải đối mặt. Vậy việc sử dụng bằng giả bị xử lý như thế nào? Mua nhưng chưa sử dụng thì có bị phạt? Cán bộ, công chức vi phạm bị xử lý như thế nào? Để giải đáp vấn đề này, Luật sư 247 xin giới thiệu bài viết “Mua bằng giả nhưng chưa sử dụng có bị phạt?“. Mời bạn đọc cùng tham khảo.

Căn cứ pháp lý

Văn bằng, chứng chỉ giả là gì?

Luật giáo dục 2019 quy định như sau về văn bằng, chứng chỉ :

Điều 12. Văn bằng, chứng chỉ

1. Văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân được cấp cho người học sau khi tốt nghiệp cấp học hoặc sau khi hoàn thành chương trình giáo dục, đạt chuẩn đầu ra của trình độ tương ứng theo quy định của Luật này.

2. Văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân gồm bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, bằng tốt nghiệp trung cấp, bằng tốt nghiệp cao đẳng, bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ và văn bằng trình độ tương đương.

3. Chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân được cấp cho người học để xác nhận kết quả học tập sau khi được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ học vấn, nghề nghiệp hoặc cấp cho người học dự thi lấy chứng chỉ theo quy định.

4. Văn bằng, chứng chỉ do cơ sở giáo dục thuộc các loại hình và hình thức đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân cấp có giá trị pháp lý như nhau.

5. Chính phủ ban hành hệ thống văn bằng giáo dục đại học và quy định văn bằng trình độ tương đương của một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù.”

Theo đó văn bằng, chứng chỉ giả là văn bằng , chứng chỉ thuộc một trong các trường hợp sau:

  • Không do cơ quan có thẩm quyền cấp
  • Được cấp không theo trình tự, thủ tục pháp luật quy định

Các đối tượng làm văn bằng, chứng chỉ giả sử dụng các công nghệ tiên tiến làm giả giấy chứng nhận, giấy tờ, văn bản có dấu đỏ, in phôi giống hệt với các giấy tờ gốc và bản thật mà các tổ chức, cơ quan, trường học cấp khi một cá nhân đã hoàn thành xong khóa tốt nghiệp hoặc lấy quyết định, kết quả chứng nhận nào đó.

Hành vi này được sử dụng ở rất nhiều các lĩnh vực và khía cạnh, đặc biệt là khi chủ thể không muốn thực hiện hoạt động nào đó mà cần đến giấy chứng nhận thì sẽ làm bằng giả để lấy kết quả công nhận việc mình đã thực hiện hoạt động đó.

Mua bằng giả nhưng chưa sử dụng có bị phạt?
Mua bằng giả nhưng chưa sử dụng có bị phạt?

Sử dụng văn bằng giả bị xử lý như thế nào?

Tùy mức độ và tính chất nguy hiểm của việc sử dụng mà người vi phạm sẽ bị xử lý với hình thức tương ứng. Theo đó người này có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Xử lý hành chính

Theo quy định tại khoản 4 Điều 17 Nghị định 79/2015/NĐ-CP quy định:

Điều 17. Vi phạm quy định về sử dụng và công khai thông tin cấp văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp

4. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi mua bán, sử dụng văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp giả mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.”

Bên cạnh đó người này còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu văn bằng, chứng chỉ giả đã sử dụng. (khoản 6 Điều 17 Nghị định 79/2015/NĐ-CP)

Xử lý hình sự

Căn cứ Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định. Người sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả có thể bị truy cứu về tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức. Theo đó:

1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

a) Có tổ chức

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Làm từ 02 đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác;

d) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng;

đ) Thu lợi bất chính từ 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;

e) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Làm 06 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên;

b) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

c) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.”

Như vậy, việc sử dụng bằng giả được xem là có hành vi “sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ giả” là một điều cấm. Nhưng để xác định người sử dụng có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không thì phải xem xét mục đích của hành vi, nếu mục đích đó “nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân” để thực hiện hành vi trái pháp luật thì phải chịu trách nhiệm hình sự.

Người này sẽ bị bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm; tù từ 02 năm đến 05 năm; 03 năm đến 07 năm và bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng khi thuộc một trong các điểm khoản trên.

Mua bằng giả nhưng chưa sử dụng có bị phạt?

Căn cứ vào quy định trên thì hành vi mua bằng giả sẽ bị xử phạt hành chính. Tuy nhiên do việc mua nhưng chưa sử dụng, căn cứ Điều 341 Bộ luật hình sự:

Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.

Vì chưa sử dụng chứng chỉ để thực hiện hành vi trái pháp luật nên người vi phạm sẽ chỉ bị xử phạt hành chính mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi này.

Cán bộ, công chức sử dụng bằng giả như thế nào?

Cán bộ, công chức sử dụng bằng giả cũng sẽ bị xử lý theo quy định trên căn cứ vào mức độ vi phạm của họ. Nhưng bên cạnh đó, họ còn bị xử lý kỷ luật với hành vi sử dụng bằng giả. Cụ thể như sau:

Đối với công chức sử dụng bằng giả

Căn cứ Điều 13 Nghị định 112/2020/NĐ-CP:

Điều 13. Áp dụng hình thức kỷ luật buộc thôi việc đối với công chức

Hình thức kỷ luật buộc thôi việc áp dụng đối với công chức có hành vi vi phạm thuộc một trong các trường hợp sau đây:

3. Sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp để được tuyển dụng vào cơ quan, tổ chức, đơn vị;

Đối với cán bộ sử dụng bằng giả

Căn cứ Điều 12 Nghị định 112/2020/NĐ-CP:

Hình thức kỷ luật cách chức áp dụng đối với cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thuộc một trong các trường hợp sau đây:

4. Sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được bầu, phê chuẩn, bổ nhiệm vào chức vụ.

Như vậy, cán bộ, công chức sử dụng bằng giả, đối với cán bộ thì bị cách chức; đối với công chức bị xử lý kỷ luật với hình thức buộc thôi việc.

Riêng đối với trường hợp sử dụng bằng giả để học ở bậc học cao hơn thì bị xử lý với hình thức là đuổi học (nếu chưa học xong) hoặc hủy bỏ kết quả học tập, bằng (nếu đã học xong).

Thông tin liên hệ

Trên đây là tư vấn về “Mua bằng giả nhưng chưa sử dụng có bị phạt?”. Mong rằng các kiến thức trên có thể giúp ích cho bạn trong cuộc sồng hằng ngày. Hãy theo dõi chúng tôi để biết thêm nhiều kiến thức bổ ích. Và nếu quý khách có nhu cầu tìm hiểu về thủ tục cấp hộ chiếu tại Việt Nam; hoặc muốn sử dụng dịch vụ xác nhận tình trạng hôn nhân của chúng tôi; mời quý khách hàng liên hệ đến hotline để được tiếp nhận.

Liên hệ hotline: 0833102102. Hoặc bạn có thể tham khảo thêm các kênh sau:

Mời bạn xem thêm

Câu hỏi thường gặp

Người làm bằng giả thì bị xử lý như thế nào?

Theo quy định tại khoản 5 Điều 17 Nghị định 79/2015/NĐ-CP:
“5. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi làm giả văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.”
Do đó nếu chưa đến mức truy cứu hình sự người này sé bi phạt lên đến 20 triệu đồng.
Trường hợp người làm bằng giả mà với mục đích thực hiện hành vi trái pháp luật sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Tội làm giả con dấu tài liệu của cơ quan tổ chức theo Điều 341 Bộ luật hình sự.

Mua bằng giả nhưng bị bắt thì có đòi lại tiền đã mua bằng không?

Vì hành vi mua, sử dụng hay hành vi làm bằng giả đều là hành vi trái pháp luật. Số tiền bạn mua bằng giả sẽ được coi là số tiền thu lợi bất chính của người làm bằng nên sẽ bị tịch thu sung công quỹ nhà nước. Do đó bạn sẽ không được trả lại tiền và đồng thời có thể đối mặt với việc bị phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự với hành vi mua, sử dụng bằng giả trên.

Mượn bằng của người khác để sử dụng có vi phạm pháp luật?

Văn bằng, chứng chỉ được cấp cho người học đủ điều kiện qua quá trình đào tạo. Nó công nhận về trình độ của người học. Do đó nó chỉ có ý nghĩa với người đó. Vì vậy việc mượn bằng của người khác để sử dụng là hành vi vi phạm pháp luật. Bạn có thể bị phạt hành chính về hành vi này với mức phạt từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng theo Khoản 2 Điều 17 Nghị định 79/2015/NĐ-CP.

5/5 - (1 bình chọn)
Chuyên mục:
Luật khác

Comments are closed.