Làm thế nào để trở thành công chứng viên?

18/09/2021
Làm thế nào để trở thành công chứng viên
1721
Views

Ngoài những thủ tục như xác nhận tình trạng hôn nhân; trích lục khai sinh… thì thủ tục công chứng cũng được rất nhiều người quan tâm. Nhiều loại hợp đồng, giao dịch pháp luật bắt buộc phải công chứng mới có hiệu lực. Người tiến hành hoạt động công chứng chính là công chứng viên. Vậy làm thế nào để trở thành công chứng viên? Đây có lẽ là câu hỏi được nhiều cá nhân quan tâm. Luật Sư 247 có nhận được câu hỏi như sau.

Chào Luật sư 247, tôi có thắc mắc như sau. Tôi hiện tại là sinh viên năm cuối ngành Luật, đang thực tập tại một văn phòng công chứng. Tôi cảm thấy rất thích thú với nghề này, và dự định trong tương lai sẽ theo học nghề này. Nhưng tôi không biết phải bắt đầu từ đâu? Mong Luật Sư có thể giải đáp nhanh chóng giúp tôi. Xin cảm ơn Luật Sư.

Luật sư 247 xin tư vấn như sau:

Công chứng viên là nghề gì?

Theo khoản 1 và khoản 2 Điều 2 Luật công chứng 2014 quy định:

Công chứng viên là người có đủ tiêu chuẩn theo quy định của Luật công chứng 2014, được Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm để hành nghề công chứng.

Công việc của công chứng viên là chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản (hợp đồng, giao dịch), tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt (bản dịch) mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng.

Mời bạn đọc xem thêm:

Công chứng viên hoạt động tại các trụ sở hành nghề công chứng. Các tổ chức hành nghề công chứng được thành lập theo hai hình thức chính là Phòng công chứng; và Văn phòng công chứng. Đối với hình thức Phòng công chứng, đây là loại hình thuộc Sở Tư pháp, được thành lập bởi quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, chịu sự giám sát của Nhà nước. Còn đối với hình thức Văn phòng công chứng, đây được coi là hình thức hoạt động “tư nhân” của công chứng viên. Công chứng viên có thể tự mình thành lập Văn phòng công chứng của riêng mình.

Điều kiện trở thành công chứng viên

Mang trong mình vai trò lớn như vậy; hẳn công chứng viên là một nghề rất khó; đỏi hỏi tính chuẩn xác và trách nhiệm nghề nghiệp rất cao. Vì vậy, để trở thành một công chứng viên cần đáp ứng rất nhiều điều kiện. Theo Điều 8 Luật Công chứng 2014 cụ thể như sau:

Ngoài yêu cầu là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam; tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; có phẩm chất đạo đức tốt thì bạn còn cần có đủ 05 điều kiện sau đây để được bổ nhiệm làm công chứng viên:

  • Có bằng cử nhân luật;
  • Có thời gian công tác pháp luật từ 05 năm trở lên tại các cơ quan, tổ chức sau khi đã có bằng cử nhân luật;
  • Tốt nghiệp khóa đào tạo nghề công chứng quy định tại Điều 9 của Luật công chứng 2014 hoặc hoàn thành khóa bồi dưỡng nghề công chứng quy định tại khoản 2 Điều 10 của Luật công chứng 2014;
  • Đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng;
  • Bảo đảm sức khỏe để hành nghề công chứng.

Các trường hợp không được bổ nhiệm

Công chứng viên là nghề yêu cầu người hành nghề cần phải đảm bảo rất nhiều yếu tố. Không chỉ là vấn đề về kiến thức pháp luật hành nghề; mà còn là về đạo đức, quy tắc hành nghề. Và tất nhiên, không phải lúc nào đáp ứng những điều kiện kể trên cũng sẽ đương nhiên được bổ nhiệm trở thành công chứng viên. Pháp luật cũng quy định những trường hợp không được bổ nhiệm công chứng viên. Cụ thể như sau:

  • Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đã bị kết tội bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về tội phạm do vô ý mà chưa được xóa án tích hoặc về tội phạm do cố ý.
  • Người đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
  • Người bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.
  • Cán bộ bị kỷ luật bằng hình thức bãi nhiệm, công chức, viên chức bị kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc hoặc sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân, sỹ quan, hạ sỹ quan, công nhân, viên chức trong đơn vị thuộc Công an nhân dân bị kỷ luật bằng hình thức tước danh hiệu quân nhân, danh hiệu Công an nhân dân hoặc đưa ra khỏi ngành.
  • Người bị thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư do bị xử lý kỷ luật bằng hình thức xóa tên khỏi danh sách của Đoàn luật sư, người bị tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề luật sư mà chưa hết thời hạn 03 năm kể từ ngày quyết định thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư có hiệu lực hoặc kể từ ngày chấp hành xong quyết định tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề luật sư.

Câu hỏi thường gặp

Những trường hợp được miễn đào tạo nghề công chứng?

Có một số trường hợp, không cần tham gia khóa đào tạo nghề công chứng mà chỉ cần hoàn thành khóa bồi dưỡng kỹ năng hành nghề công chứng và quy tắc đạo đức hành nghề công chứng (03 tháng) tại cơ sở đào tạo nghề công chứng trước khi đề nghị bổ nhiệm:
• Người đã có thời gian làm thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên từ 05 năm trở lên;
• Luật sư đã hành nghề từ 05 năm trở lên;
• Giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật, tiến sĩ luật;
• Người đã là thẩm tra viên cao cấp ngành tòa án, kiểm tra viên cao cấp ngành kiểm sát; chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp trong lĩnh vực pháp luật.

Chi phí cho khóa đào tạo công chứng viên mới là bao nhiêu?

Cơ sở đào tạo nghề công chứng theo quy định tại Điều 9 của Luật công chứng là Học viện Tư pháp thuộc Bộ Tư pháp. Học phí:
Đối với khóa đào tạo mở tại Hà Nội, các tỉnh Tây Nguyên và các tỉnh Thừa Thiên Huế trở ra mức học phí là 16.860.000 đồng/học viên/khóa đào tạo.
Đối với khóa đào tạo mở tại TP. Hồ Chí Minh, các địa phương lân cận và các tỉnh từ Đà nẵng trở vào mưc học phí là 20.475.000 đồng/học viên/khóa đào tạo.

Thời gian đào tạo nghề công chứng thông thường là bao lâu?

Thời gian đào tạo nghề công chứng thông thường là 12 tháng, nếu người tham gia đào tạo đầy đủ các bài học và không bỏ dở giữa chừng hay bị cho nghỉ học.

Thông tin liên hệ Luật Sư

Trên đây là tư vấn của Luật sư 247 về Làm thế nào để trở thành công chứng viên. Chúng tôi hi vọng bạn có thể vận dụng trong công việc và cuộc sống.

Để biết thêm thông tin chi tiết; và nhận thêm sự tư vấn, giúp đỡ của luật sư 247 hãy liên hệ 0833.102.102

5/5 - (1 bình chọn)
Chuyên mục:
Luật khác

Trả lời