Thừa kế di sản luôn là một trong các vấn đề gây tranh cãi giữa các thành viên gia đình. Rất nhiều trường hợp anh em trong nhà kiện yêu cầu Tòa án giải quyết chia tài sản thừa kế. Vậy nếu không có tên trong di chúc thì có được hưởng thừa kế di sản? Đối tượng nào sẽ được hưởng? Cần đáp ứng những điều kiện gì? Xác định phần được hưởng như thế nào? Cùng Luật sư 247 tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này nhé.
Căn cứ pháp lý
Di chúc là gì?
Theo quy định tại Điều 624 Bộ luật Dân sự 2015 thì:
“Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết”.
Đồng thời, theo quy định về người lập di chúc quy định tại Điều 625 Bộ luật Dân sự thì:
“1. Người thành niên có đủ điều kiện theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 630 của Bộ luật này có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình.
2. Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi được lập di chúc, nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc.”
Như vậy, di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân người để lại tài sản cho người khác trước khi chết. Đây được coi là một hành vi pháp lý đơn phương. Khi đủ điều kiện để lập di chúc theo quy định pháp luật, người lập di chúc có thể chỉ định người thừa kế và phân định tài sản của mình không cần sự đồng ý của bất kỳ ai.
Người có quyền thừa kế di sản
Thừa kế có thể dựa trên nội dung di chúc hoặc theo quy định pháp luật về người thừa kế. Theo đó những người có quyền thừa kế di sản bao gồm: người được di chúc chỉ định hoặc người thuộc hàng thừa kế theo pháp luật trừ các trường hợp không được hưởng di sản thừa kế.
Người không được quyền hưởng di sản
Điều 621 Bộ luật dân sự 2015 quy định:
1. Những người sau đây không được quyền hưởng di sản:
a) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó;
b) Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản;
c) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng;
d) Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.
2. Những người quy định tại khoản 1 Điều này vẫn được hưởng di sản, nếu người để lại di sản đã biết hành vi của những người đó, nhưng vẫn cho họ hưởng di sản theo di chúc.“
Pháp luật quy định khi các đối tượng có các hành vi xâm phạm tới người để lại di sản hoặc ngăn cản, làm sai lệch việc lập di chúc thì họ sẽ không có quyền hưởng di sản. Quy định này nhằm đảm bảo tính công bằng giữa các chủ thể được hưởng thừa kế. Mục đích nhằm hạn chế người thừa kế có các hành vi sai trái để chuộc lợi thừa kế.
Nhưng nếu người để lại di sản dù biết nhưng vẫn cho họ hưởng thì họ vẫn có quyền hưởng.
Từ chối nhận di sản
Theo Điều 620 Bộ luật dân sự 2015:
“1. Người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác.
2. Việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản và gửi đến người quản lý di sản, những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản để biết.
3. Việc từ chối nhận di sản phải được thể hiện trước thời điểm phân chia di sản.“
Những người có quyền thừa kế cũng sẽ có quyền từ chối không nhận di sản. Phần di sản đó sẽ được chia cho những người hưởng thừa kế khác. Tuy nhiên trong trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác thì họ sẽ không được phép từ chối.
Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc
Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc là những người vẫn được hưởng thừa kế dù di chúc không hề nhắc đến họ trong phần chia thừa kế. Đây là một trong các đối tượng được hưởng thừa kế khi họ thuộc các trường hợp theo pháp luật quy định.
Để bảo vệ quyền của những người được thừa kế trên, BLDS quy định về vấn đề này như sau:
Đối tượng hưởng
Theo quy định tại khoản 1 Điều 644 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015:
“Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:
a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
b) Con thành niên mà không có khả năng lao động”.
Điều kiện hưởng
Căn cứ Khoản 2 Điều 644 BLDS năm 2015:
Các đối tượng nêu trên chỉ được hưởng thừa kế khi đáp ứng điều kiện sau:
- Người lập di chúc không cho họ hưởng di sản hoặc cho hưởng thấp hơn hai phần ba suất thừa kế theo pháp luật
- Người đó không từ chối nhận di sản
- Không thuộc người không có quyền hưởng di sản.
Xác định mức hưởng của người thừa kế không phụ thuộc nội dung di chúc
Theo quy định thì người thừa kế không phụ thuộc nội dung di chúc được hưởng bằng hai phần ba suất thừa kế bắt buộc. Phần di sản này sẽ được xác định như sau:
Bước 1: xác định di sản dùng để chia thừa kế
Di sản để lại không làm căn cứ chia vì chưa thực hiện các nghĩa vụ thanh toán.
Phần này sau khi đã thanh toán toàn bộ nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại theo thứ tự ưu tiên thanh toán được quy định tại Điều 658 BLDS năm 2015 gồm: Mai táng phí cho người đó; các khoản cấp dưỡng còn thiếu; các khoản bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, tài sản của người khác; các khoản nợ của nhà nước, của các chủ thể khác; chi phí quản lý, bảo quản di sản… sẽ là phần di sản dùng để chia thừa kế.
Bước 2: Xác định những người thừa kế theo pháp luật
Việc xác định những người thừa kế theo pháp luật căn cứ vào Điều 651 BLDS.
Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
+Hàng thừa kế thứ nhất gồm:
Vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
+Hàng thừa kế thứ hai gồm:
Ông bà nội, ngoại; anh chị em ruột; cháu ruột mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
+Hàng thừa kế thứ ba gồm:
Cụ nội, cụ ngoại; bác, chú, cậu, cô, dì ruột; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
-Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
-Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Bước 3: xác định phần thừa kế
Phần di sản thừa kế được đem chia cho những người thừa kế tại hàng thừa kế thứ nhất có quyền hưởng, được bao nhiêu nhân với hai phần ba của suất đó và người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc được hưởng phần đã được xác định theo cách tính này.
Giải đáp
Dựa trên sự phân tích bên trên, dù không có tên trong di chúc nhưng nếu thuộc các đối tượng và đủ điều kiện theo Điều 644 BLDS 2015 thì người đó vẫn có quyền hưởng di sản thừa kế. Mức hưởng sẽ là hai phần ba suất thừa kế theo pháp luật. Để xác định mức hưởng bạn có thể tham khảo các bước bên trên.
Trên đây là tư vấn của Luật sư 247 về nội dung vấn đề “Không có tên trong di chúc thì có được hưởng thừa kế?” Hy vọng rằng các kiến thức trên có thể giúp ích cho bạn trong công việc và cuộc sống. Nếu có thắc mắc cần thêm sự tư vấn và giúp đỡ hãy liên hệ 0833102102.
Mời bạn xem thêm
- Thừa kế là gì?
- Phân chia di sản thừa kế theo pháp luật hiện nay
- Quy định của pháp luật về người thừa kế theo di chúc?
- Di chúc có hiệu lực trong bao lâu?
Câu hỏi thường gặp
Thừa kế là việc thực thi chuyển giao tài sản, lợi ích, nợ nần, các quyền, nghĩa vụ từ một người đã chết sang một người còn sống nào đó (cá nhân hoặc tổ chức).
Thừa kế được chia thành thừa kế theo pháp luật và thừa kế theo di chúc.
Thừa kế theo di chúc là việc chuyển dịch tài sản thừa kế của người đã chết cho người còn sống theo sự định đoạt của người đó khi còn sống. Thừa kế theo di chúc được quy định tại chương XXII của BLDS 2015.
Thừa kế theo pháp luật là việC dịch chuyển tài sản thừa kế của người đã chết cho người sống theo quy định của pháp luật nếu người chết không để lại di chúc hoặc để lại di chúc nhưng di chúc không hợp pháp. Thừa kế theo pháp luật được quy định tại chương XXIII của BLDS 2015.