Hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự theo Luật Kinh doanh bảo hiểm

21/08/2021
Hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự
1106
Views

Cụm từ “bảo hiểm trách nhiệm dân sự” có lẽ đã trở nên quen thuộc với đại đa số người dân. Bởi lẽ đây là loại bảo hiểm bắt buộc phải có khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, mọi người chỉ mua mà không nắm rõ loại bảo hiểm này được dùng để làm gì? Vậy hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự là gì? Luật Sư 247 có nhận được câu hỏi như sau.

Chào Luật sư 247, tôi có thắc mắc như sau. Tôi được biết là gần đây có yêu cầu chủ xe cơ giới bắt buộc phải mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự. Tuy nhiên tôi không biết chúng được dùng để làm gì, có tác dụng gì? Mong Luật Sư có thể giải đáp nhanh chóng giúp tôi. Xin cảm ơn Luật Sư.

Luật sư 247 xin tư vấn như sau:

Đối tượng của hợp đồng

Đối tượng của hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự là trách nhiệm dân sự của người được bảo hiểm đối với người thứ ba theo quy định của pháp luật.

Vậy trách nhiệm dân sự là gì? Trách nhiệm dân sự là những những hậu quả pháp lý mà luật dân sự quy định đối với trường hợp tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ dân sự nhưng không thực hiện; hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự đó; và vì thế phải chịu trách nhiệm đối với bên có quyền (tổ chức, cá nhân khác). Như vậy, hiểu đơn giản thì trách nhiệm dân sự là những việc bạn phải làm để chịu trách nhiệm khi không thực hiện; hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ của mình.

Trách nhiệm dân sự còn có cách gọi khác là trách nhiệm bồi thường thiệt hại; bao gồm trách nhiệm bồi thường thiệt
hại về vật chất, trách nhiệm bù đắp tổn thất về tinh thần:

  • Trách nhiệm bồi thường thiệt hại về vật chất là trách nhiệm bù đắp tổn thất vật chất thực tế; tính được thành tiền do bên vi phạm gây ra.
  • Trách nhiệm bù đắp tổn thất về tinh thần: ngoài việc chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai; còn phải bồi thường một khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị thiệt hại.

Vậy có thể hiểu đối tượng của hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự chính là trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bên thứ ba bị thiệt hại do hành vi của bên mua bảo hiểm gây ra.

Trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm

Một trong những điều kiện phát sinh trách nhiệm bảo hiểm đó là phát sinh trách nhiệm dân sự giữa bên mua bảo hiểm và bên thứ ba bị thiệt hại. Thông thường khi ai gây ra thiệt hại thì bản thân người đó sẽ có trách nhiệm bồi thường. Tuy nhiên, nếu đã mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ phải bồi thường. Trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm chỉ phát sinh; nếu người thứ ba yêu cầu người được bảo hiểm bồi thường thiệt hại do lỗi của người đó gây ra cho người thứ ba trong thời hạn bảo hiểm.

Người thứ ba không có quyền trực tiếp yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm trả tiền bồi thường.

Trên thị trường bảo hiểm Việt nam hiện nay các doanh nghiệp bảo hiểm đang cung cấp những loại sản phẩm bảo hiểm trách nhiệm dân sự như:

  • Bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đối với người thứ ba;
  • Bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đối với hành khách;
  • Bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe đối với hàng hoá vận chuyển;
  • Bảo hiểm trách nhiệm đối với người thứ ba của doanh nghiệp xây dựng.

Ngoài ra còn rất nhiều các loại bảo hiểm trách nhiệm dân sự khác. Nhưng phổ biến nhất; và nhiều người biết đến nhất chính là bảo hiểm trách nhiệm dân sự cho chủ xe cơ giới. Bởi lẽ đây là loại bảo hiểm mà pháp luật quy định chủ xe cơ giới bắt buộc phải mua.

Giới hạn trách nhiệm bảo hiểm

Trong phạm vi số tiền bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải trả cho người được bảo hiểm những khoản tiền mà theo quy định của pháp luật người được bảo hiểm có trách nhiệm bồi thường cho người thứ ba.

Ngoài việc trả tiền bồi thường kể trên, doanh nghiệp bảo hiểm còn phải trả các chi phí liên quan đến việc giải quyết tranh chấp về trách nhiệm đối với người thứ ba; và lãi phải trả cho người thứ ba do người được bảo hiểm chậm trả tiền bồi thường; theo chỉ dẫn của doanh nghiệp bảo hiểm.

Tổng số tiền bồi thường của doanh nghiệp bảo hiểm không vượt quá số tiền bảo hiểm, trừ trường hợp có thỏa thuận khác trong hợp đồng bảo hiểm.

Trong trường hợp người được bảo hiểm phải đóng tiền bảo lãnh; hoặc ký quỹ để bảo đảm cho tài sản không bị lưu giữ; hoặc để tránh việc khởi kiện tại tòa án thì theo yêu cầu của người được bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải thực hiện việc bảo lãnh; hoặc ký quỹ trong phạm vi số tiền bảo hiểm.

Mời bạn đọc xem thêm:

Câu hỏi thường gặp

Doanh nghiệp bảo hiểm được thay mặt bên mua bảo hiểm thương lượng mức bồi thường không?

Doanh nghiệp bảo hiểm có quyền thay mặt bên mua bảo hiểm để thương lượng với người thứ ba về mức độ bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác trong hợp đồng bảo hiểm.

Phương thức bồi thường trong hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự như thế nào?

Có hai phương thức bồi thường, theo yêu cầu của người được bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm có thể bồi thường trực tiếp cho người được bảo hiểm hoặc cho người thứ ba bị thiệt hại.

Một trách nhiệm dân sự có thể được bảo hiểm đồng thời tại các doanh nghiệp bảo hiểm khác nhau không?

Có thể xảy ra trường hợp trách nhiệm bồi thường của người được bảo hiểm đối với thiệt hại của bên thứ ba được bảo hiểm đồng thời bằng nhiều hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự. Nếu sự cố xảy ra thuộc phạm vi bảo hiểm của nhiều hợp đồng bảo hiểm, sẽ thực hiện việc chia sẻ trách nhiệm bồi thường.

Có áp dụng thế quyền trong bảo hiểm trách nhiệm dân sự không?

Thế quyền sẽ được áp dụng trong trường hợp xác định được trách nhiệm của người thứ ba (tổ chức, cá nhân không thuộc các bên của hợp đồng bảo hiểm) có lỗi đối với thiệt hại của đối tượng bảo hiểm xảy ra trong sự kiện bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm sau khi bồi thường sẽ thế quyền người được bảo hiểm để đòi tổ chức, cá nhân đó.

Thông tin liên hệ Luật Sư

Trên đây là tư vấn của Luật sư 247 về Hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự. Chúng tôi hi vọng rằng bạn có thể vận dụng các kiến thức trên trong công việc và cuộc sống.

Để biết thêm thông tin chi tiết; và nhận thêm sự tư vấn, giúp đỡ của luật sư 247 hãy liên hệ 0833.102.102

Đánh giá bài viết
Chuyên mục:
Luật khác

Để lại một bình luận