Hợp đồng bảo hiểm con người là gì theo Luật Kinh doanh bảo hiểm?

21/08/2021
Hợp đồng bảo hiểm con người
1129
Views

Chắc hẳn ai cũng đã biết đến những khoản bảo hiểm “khổng lồ” cho mạng sống của con người. Có thể qua phim ảnh, sách báo, đời sống. Câu hỏi đặt ra là đây là loại bảo hiểm gì mà chúng lại có giá trị lớn như vậy. Đây chính là bảo hiểm con người; và chính vì gắn với tính mạng, sức khỏe con người ma số tiền bảo hiểm có thể lên tới hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng. Vậy hợp đồng bảo hiểm con người là gì? Luật Sư 247 có nhận được câu hỏi như sau.

Chào Luật sư 247, tôi có thắc mắc như sau. Tôi có nhu cầu mua bảo hiểm cho chồng mình tại Manulife. Tôi được tư vấn loại bảo hiểm con người có giá trị rất lớn. Tuy nhiên tôi không nắm rõ về loại bảo hiểm này. Liệu đấy có phải chiêu trò lừa đảo của doanh nghiệp bảo hiểm hay không? Mong Luật Sư có thể giải đáp nhanh chóng giúp tôi. Xin cảm ơn Luật Sư.

Luật sư 247 xin tư vấn như sau:

Hợp đồng bảo hiểm con người là gì?

Hợp đồng bảo hiểm con người là hợp đồng bảo hiểm có đối tượng là tuổi thọ; tính mạng; sức khỏe; và tai nạn con người. Tuy nhiên, không phải tất cả các vấn đề liên quan đến tuổi thọ, sinh mạng, sức khỏe con người đều có thể trở thành đối tượng của hợp đồng. Theo quy định của pháp luật, bên mua bảo hiểm chỉ có thể mua bảo hiểm cho những người sau đây:

  • Bản thân bên mua bảo hiểm;
  • Vợ, chồng, con, cha, mẹ của bên mua bảo hiểm;
  • Anh, chị, em ruột; người có quan hệ nuôi dưỡng và cấp dưỡng;
  • Người khác, nếu bên mua bảo hiểm có quyền lợi có thể được bảo hiểm.

Bên mua bảo hiểm chỉ được mua bảo hiểm cho những người có quan hệ thân thích, gần gũi. Như vợ chồng, con, anh chị em ruột, cha mẹ…. và chính bản thân mình. Nếu là người khác thì phải có quyền lợi có thể được bảo hiểm. Vậy những quyền lợi được bảo hiểm phải gắn liền với bản thân người mua bảo hiểm.

Đóng phí bảo hiểm

Một trong những điều kiện để phát sinh trách nhiệm bảo hiểm đó là việc đóng phí bảo hiểm. Việc đóng phí bảo hiểm có thể theo hai phương thức. Đó là đóng phí một lần hoặc nhiều lần. Tùy thuộc vào thỏa thuận giữa bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm; được quy định trong hợp đồng bảo hiểm.

Trong trường hợp phí bảo hiểm được đóng nhiều lần và bên mua bảo hiểm đã đóng một hoặc một số lần phí bảo hiểm nhưng không thể đóng được các khoản phí bảo hiểm tiếp theo thì sau thời hạn 60 ngày, kể từ ngày gia hạn đóng phí, doanh nghiệp bảo hiểm có quyền đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng, bên mua bảo hiểm không có quyền đòi lại khoản phí bảo hiểm đã đóng nếu thời gian đã đóng phí bảo hiểm dưới hai năm, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Trong trường hợp bên mua bảo hiểm đã đóng phí bảo hiểm từ hai năm trở lên mà doanh nghiệp bảo hiểm đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng thì doanh nghiệp bảo hiểm phải trả cho bên mua bảo hiểm giá trị hoàn lại của hợp đồng bảo hiểm; trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Các bên có thể thỏa thuận khôi phục hiệu lực hợp đồng bảo hiểm đã bị đơn phương đình chỉ thực hiện trong thời hạn hai năm, kể từ ngày bị đình chỉ và bên mua bảo hiểm đã đóng số phí bảo hiểm còn thiếu.

Mời bạn đọc xem thêm:

Các trường hợp không trả tiền bảo hiểm

Trên thực tế, không phải lúc nào sự kiện bảo hiểm xảy ra thì doanh nghiệp bảo hiểm cũng trả tiền bảo hiểm. Và không phải lúc nào đóng đầy đủ phí bảo hiểm thì sẽ nhận được tiền bảo hiểm. Có một số trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm không phải trả tiền bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm không phải trả tiền bảo hiểm trong các trường hợp sau đây:

  • Người được bảo hiểm chết do tự tử trong thời hạn hai năm, kể từ ngày nộp khoản phí bảo hiểm đầu tiên; hoặc kể từ ngày hợp đồng bảo hiểm tiếp tục có hiệu lực.
  • Người được bảo hiểm chết hoặc bị thương tật vĩnh viễn do lỗi cố ý của bên mua bảo hiểm; hoặc lỗi cố ý của người thụ hưởng.
  • Người được bảo hiểm chết do bị thi hành án tử hình.

Trong trường hợp một hoặc một số người thụ hưởng cố ý gây ra cái chết hay thương tật vĩnh viễn cho người được bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm vẫn phải trả tiền bảo hiểm cho những người thụ hưởng khác theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.

Trong những trường hợp không trả tiền bảo hiểm nêu trên, doanh nghiệp bảo hiểm phải trả cho bên mua bảo hiểm giá trị hoàn lại của hợp đồng bảo hiểm; hoặc toàn bộ số phí bảo hiểm đã đóng sau khi trừ các chi phí hợp lý có liên quan; nếu bên mua bảo hiểm chết thì số tiền trả lại được giải quyết theo quy định của pháp luật về thừa kế.

Câu hỏi thường gặp

Có được yêu cầu người thứ ba bồi hoàn nếu họ làm người được bảo hiểm chết hay không?

Trong trường hợp người được bảo hiểm chết, bị thương tật hoặc đau ốm do hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp của người thứ ba gây ra, doanh nghiệp bảo hiểm vẫn có nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm mà không có quyền yêu cầu người thứ ba bồi hoàn khoản tiền mà doanh nghiệp bảo hiểm đã trả cho người thụ hưởng. Người thứ ba phải chịu trách nhiệm bồi thường cho người được bảo hiểm theo quy định của pháp luật.

Có được khởi kiện đòi đóng phí bảo hiểm con người không?

Trong bảo hiểm con người, nếu bên mua bảo hiểm không đóng hoặc đóng không đủ phí bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm không được khởi kiện đòi bên mua bảo hiểm đóng phí bảo hiểm.

Căn cứ trả tiền bảo hiểm tai nạn, sức khỏe con người là gì?

Trong bảo hiểm tai nạn con người, doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng trong phạm vi số tiền bảo hiểm, căn cứ vào thương tật thực tế của người được bảo hiểm và thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.
Trong bảo hiểm sức khỏe con người, doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho người được bảo hiểm trong phạm vi số tiền bảo hiểm, căn cứ vào chi phí khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi sức khỏe của người được bảo hiểm do bệnh tật hoặc tai nạn gây ra và thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.

Số tiền bảo hiểm con người được xác định như thế nào?

Số tiền bảo hiểm hoặc phương thức xác định số tiền bảo hiểm được bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.

Thông tin liên hệ Luật Sư

Trên đây là tư vấn của Luật sư 247 về Hợp đồng bảo hiểm con người. Chúng tôi hi vọng rằng bạn có thể vận dụng các kiến thức trên trong công việc và cuộc sống.

Để biết thêm thông tin chi tiết; và nhận thêm sự tư vấn, giúp đỡ của luật sư 247 hãy liên hệ 0833.102.102

5/5 - (1 bình chọn)
Chuyên mục:
Luật khác

Để lại một bình luận