Điều kiện và thủ tục để được xóa án tích

31/12/2021
Dịch vụ xác nhận độc thân. Quy trình để cấp giấy xác nhận tình trạng độc thân. Tại sao lại yêu cầu có giấy xác nhận tình trạng độc thân?
779
Views

Trong Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung cơ bản liên quan đến xóa án tích, đặc biệt đương nhiên được xóa án tích là một chế định quan trọng trong pháp luật hình sự thể hiện tính nhân đạo và nguyên tắc công bằng dân chủ, tôn trọng, bảo vệ quyền con người, tạo điều kiện cho những người được xóa án tích tái hòa nhập với cộng đồng, ổn định làm ăn, sinh sống. Vậy điều kiện và thủ tục để được xóa án tích là như thế nào theo quy định pháp luật? Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, Luật sư 247 mời bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây

Căn cứ pháp lý

Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017

Bộ luật tố tụng hình sự 2015

Luật lý lịch tư pháp 2009

Án tích, xoá án tích là gì?

Án tích hiểu theo đúng nghĩa đen là các vết tích, dấu tích về việc một người nào đó đã từng bị kết án. Xóa án tích là việc xóa đi các dấu tích, vết tích về việc người đó đã bị kết án. Việc xóa án tích được quy định tại chương X của bộ luật hình sự, cụ thể tại khoản 1 điều 60 quy định “Người được xóa án tích coi như chưa bị kết án“. Ngoài ra tại khoản 2 điều 60 có quy định: “Người bị kết án do lỗi vô ý về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và người được miễn hình phạt không bị coi là có án tích“.

Các trường hợp xóa án tích

Theo quy định của bộ luật hình sự hiện nay có 3 trường hợp được xoá án tích bao gồm:

  • Đương nhiên được xóa án tích khi đáp ứng về một thời gian nhất định sau khi chấp hành hình phạt
  • Xóa án tích theo quyết định của tòa án khi đáp ứng về thái độ chấp hành hình phạt, thái độ lao động
  • Xóa án tích trong các trường hợp đặc biệt khi người bị kết án lập công hoặc được địa phương đề nghị xoá án tích

Điều kiện để được xóa án tích

Đương nhiên được xóa án tích

Theo quy định tại điều 70 bộ luật hình sự người được xoá án tích phải đáp ứng các quy định tại đây:

Điều 70. Đương nhiên được xóa án tích
1. Đương nhiên được xóa án tích được áp dụng đối với người bị kết án không phải về các tội quy định tại Chương XIII và Chương XXVI của Bộ luật này khi họ đã chấp hành xong hình phạt chính, thời gian thử thách án treo hoặc hết thời hiệu thi hành bản án và đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.
2. Người bị kết án đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây:
a) 01 năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo;
b) 02 năm trong trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm;
c) 03 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm;
d) 05 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án.
Trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt bổ sung là quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, tước một số quyền công dân mà thời hạn phải chấp hành dài hơn thời hạn quy định tại các điểm a, b và c khoản này thì thời hạn đương nhiên được xóa án tích sẽ hết vào thời điểm người đó chấp hành xong hình phạt bổ sung.
3. Người bị kết án đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi hết thời hiệu thi hành bản án, người đó không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này.
4. Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp có trách nhiệm cập nhật thông tin về tình hình án tích của người bị kết án và khi có yêu cầu thì cấp phiếu lý lịch tư pháp xác nhận không có án tích, nếu có đủ điều kiện quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều này.

Xóa án tích theo quyết định của tòa án

Xoá án tích theo quy định của toà án được quy định tại điều 71 bộ luật hình sự cụ thể như sau:

Điều 71. Xóa án tích theo quyết định của Tòa án
1. Xóa án tích theo quyết định của Tòa án được áp dụng đối với người bị kết án về một trong các tội quy định tại Chương XIII và Chương XXVI của Bộ luật này. Tòa án quyết định việc xóa án tích đối với người bị kết án căn cứ vào tính chất của tội phạm đã thực hiện, thái độ chấp hành pháp luật, thái độ lao động của người bị kết án và các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Người bị kết án được Tòa án quyết định việc xóa án tích, nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây:
a) 01 năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo;
b) 03 năm trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm;
c) 05 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm;
d) 07 năm trong trường hợp bị phạt tù trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án.
Trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt bổ sung là quản chế, cấm cư trú, tước một số quyền công dân mà thời hạn phải chấp hành dài hơn thời hạn quy định tại điểm a, điểm b khoản này thì Tòa án quyết định việc xóa án tích từ khi người đó chấp hành xong hình phạt bổ sung.
3. Người bị Tòa án bác đơn xin xóa án tích lần đầu, thì sau 01 năm kể từ ngày bị Tòa án bác đơn mới được xin xóa án tích; nếu bị bác đơn lần thứ hai trở đi, thì sau 02 năm kể từ ngày bị Tòa án bác đơn mới được xin xóa án tích.

Xóa án tích trong trường hợp đặc biệt

Việc xoá ánh tích trong trường hợp đặc biệt theo quy định tại điều 72 như sau:

Điều 72. Xóa án tích trong trường hợp đặc biệt
Trong trường hợp người bị kết án có những biểu hiện tiến bộ rõ rệt và đã lập công, được cơ quan, tổ chức nơi người đó công tác hoặc chính quyền địa phương nơi người đó cư trú đề nghị, thì Tòa án quyết định việc xóa án tích nếu người đó đã bảo đảm được ít nhất một phần ba thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 70 và khoản 2 Điều 71 của Bộ luật này.

Thủ tục xóa án tích như thế nào?

Thủ tục xoá án tích được quy định tại điều 369 bộ luật tố tụng hình sự 2015 như sau:

Điều 369. Thủ tục xóa án tích
1. Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của người được đương nhiên xóa án tích và xét thấy có đủ điều kiện quy định tại Điều 70 của Bộ luật hình sự thì cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp cấp phiếu lý lịch tư pháp là họ không có án tích.
2. Những trường hợp quy định tại Điều 71 và Điều 72 của Bộ luật hình sự thì việc xóa án tích do Tòa án quyết định. Người bị kết án phải có đơn gửi Tòa án đã xét xử sơ thẩm vụ án có nhận xét của chính quyền xã, phường, thị trấn nơi họ cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi họ làm việc, học tập.
Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được đơn của người bị kết án, Tòa án đã xét xử sơ thẩm chuyển tài liệu về việc xin xoá án tích cho Viện kiểm sát cùng cấp. Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận tài liệu do Tòa án chuyển đến, Viện kiểm sát cùng cấp có ý kiến bằng văn bản và chuyển lại tài liệu cho Tòa án.
Nếu xét thấy đủ điều kiện thì trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận tài liệu do Viện kiểm sát chuyển đến, Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm phải ra quyết định xóa án tích; trường hợp chưa đủ điều kiện thì quyết định bác đơn xin xóa án tích.
Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày ra quyết định xóa án tích hoặc quyết định bác đơn xin xóa án tích, Tòa án đã ra quyết định phải gửi quyết định này cho người bị kết án, Viện kiểm sát cùng cấp, chính quyền xã, phường, thị trấn nơi họ cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi họ làm việc, học tập.

Thủ tục trong trường hợp đương nhiên xóa án tích

Đối với các trường hợp được nhiên được xóa án tích, người yêu cầu làm thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp theo quy định sau đó sẽ được cấp phiếu lý lịch tư pháp về việc không có án tích

Thủ tục xóa án tích theo quyết định của tòa án

Người yêu cầu làm đơn (có xác nhận của chính quyền xã, phường, thị trấn nơi cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi họ làm việc, học tập) gửi tòa nơi đã xét xử sơ thẩm vụ án để làm thủ tục xóa án tích. Hồ sơ kèm theo gồm giấy chứng nhận không phạm tội mới của cơ quan công an cấp huyện nơi người bị kết án thường trú; giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù; Giấy xác nhận của cơ quan thi hành án dân sự về việc thi hành xong các khoản bồi thường, án phí, tiền phạt; bản sao sổ hộ khẩu; bản sao chứng minh nhân dân. Thời gian tối đa giải quyết xóa án tích là 13 ngày làm việc.

Mời bạn xem thêm bài viết

Trên đây là quan điểm của Luật sư 247 về vấn đề “Điều kiện và thủ tục để được xóa án tích”. Để biết thêm thông tin chi tiết hoặc giải đáp những vấn đề pháp lý khó khăn; vui lòng sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật hoặc liên hệ hotline: 0833.102.102.

Câu hỏi thường gặp

Án treo là gì?

Án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện, được Tòa án áp dụng đối với người phạm tội bị phạt tù không quá 03 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, xét thấy không cần bắt họ phải chấp hành hình phạt tù.

Những trường hợp nào không được hưởng án treo?

+ Người phạm tội là người chủ mưu; cầm đầu; chỉ huy; ngoan cố chống đối; côn đồ; dùng thủ đoạn xảo quyệt; có tính chất chuyên nghiệp; lợi dụng chức vụ quyền hạn để trục lợi; cố ý gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
+ Người thực hiện hành vi phạm tội bỏ trốn; và đã bị các cơ quan tiến hành tố tụng đề nghị truy nã.
+ Người được hưởng án treo phạm tội mới trong thời gian thử thách; người đang được hưởng án treo bị xét xử về một tội phạm khác thực hiện trước khi được hưởng án treo.
+ Người phạm tội bị xét xử trong cùng một lần về nhiều tội, trừ trường hợp người phạm tội là người dưới 18 tuổi.
+ Người phạm tội nhiều lần, trừ trường hợp người phạm tội là người dưới 18 tuổi.
+ Người phạm tội thuộc trường hợp tái phạm, tái phạm nguy hiểm.

5/5 - (1 bình chọn)
Chuyên mục:
Hình sự

Comments are closed.