Điều kiện để vợ được gặp chồng đang chấp hành án phạt tù tại phòng thăm riêng

07/01/2022
Điều kiện để vợ được gặp chồng đang chấp hành án phạt tù tại phòng thăm riêng
1289
Views

Mặc dù bị hạn chế một số quyền trong cơ sở giam giữ nhưng với những phạm nhân tích cực, chấp hành án tốt sẽ được nhà nước tạo điều kiện cho hưởng một số quyền lợi. Một trong những chế độ mà người thi hành án nào cũng muốn là việc gặp thân nhân. Đặc biệt hơn chính là việc vợ chồng được gặp nhau trong phòng thăm riêng tại cơ sở giam giữ. Vậy Điều kiện để vợ được gặp chồng đang chấp hành án phạt tù tại phòng thăm riêng? Những đối tượng nào mới được hưởng chế độ này? Hãy cùng Luật Sư X tìm hiểu về vấn đề này nhé!

Căn cứ pháp lý

Nội dung tư vấn

Người chấp hành án phạt tù là ai?

Thi hành án phạt tù là việc cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của Luật này buộc phạm nhân phải chịu sự quản lý giam giữ, giáo dục, cải tạo để họ trở thành người có ích cho xã hội.

Do đó người chấp hành án phạt tù là người thực hiện tội phạm và bị Tòa án ra bản án quyết định áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với họ. Việc chấp hành án phạt tù được thực hiện tại cơ sở giam giữ do nhà nước quy định.

Phòng thăm riêng của vợ chồng tại cơ sở giam giữ

“Phòng hạnh phúc”, “Nhà 24 giờ”, “Buồng vợ chồng”… là những cái tên thường gọi của phòng riêng trong nhà thăm gặp ở trại giam. Nhìn chung thì đây là phòng riêng thường dành cho các phạm nhân cải tạo tốt có cơ hội được gặp riêng vợ/chồng mình trong vòng 24 giờ đồng hồ. Về lịch sử, Người có công sáng lập ra buồng hạnh phúc trong trại giam là cụ Hoàng Mai, nguyên Cục trưởng Cục Cảnh sát trại giam thời kỳ 1960.

Điều kiện để vợ được gặp chồng đang chấp hành án phạt tù tại phòng thăm riêng

Việc gặp thân nhân của người chấp hành án phạt tù

Việc gặp thân nhân của phạm nhân được quy định tại Luật Thi hành án hình sự 2019 và Thông tư 14/2020/TT-BCA.

Theo Luật thi hành án hình sự 2019 quy định về chế độ thăm gặp của phạm nhân:

Phạm nhân được gặp thân nhân 01 lần trong 01 tháng, mỗi lần gặp không quá 01 giờ. Căn cứ kết quả xếp loại chấp hành án, yêu cầu giáo dục cải tạo, thành tích lao động, học tập của phạm nhân, Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện quyết định kéo dài thời gian gặp thân nhân nhưng không quá 03 giờ hoặc được gặp vợ, chồng ở phòng riêng không quá 24 giờ. Phạm nhân được khen thưởng hoặc lập công thì được gặp thân nhân thêm 01 lần trong 01 tháng.”

Dù bị giam giữ nhưng khi đạt các điều kiện nhất định thì phạm nhân vẫn được gặp thân nhân. Tuy nhiên thời gian và số lần gặp đều bị hạn chế. Nó sẽ được tăng lên khi họ chấp hành án tốt và tuân thủ các nội quy của cơ sở giam giữ. Các điều kiện này được quy định cụ thể tại Thông tư 14/2020/TT-BCA.

Các đối tượng bị hạn chế gặp thân nhân

Theo Khoản 4, 5 Điều 3 Thông tư 14/2020/TT-BCA:

“4. Phạm nhân vi phạm nội quy cơ sở giam giữ phạm nhân bị xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức quy định tại khoản 1 Điều 43 Luật Thi hành án hình sự năm 2019 thì 02 tháng được gặp thân nhân 01 lần, mỗi lần không quá 01 giờ cho đến khi được Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện (sau đây gọi chung là Thủ trưởng cơ sở giam giữ phạm nhân) công nhận đã tiến bộ theo quy định.

Trường hợp phạm nhân bị kỷ luật không phải chịu thời gian thử thách để công nhận đã tiến bộ hoặc thời gian thử thách để công nhận đã tiến bộ ngắn hơn 02 tháng thì trong 02 tháng kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực phạm nhân được gặp thân nhân 01 lần không quá 01 giờ.

Phạm nhân đang bị giam tại buồng kỷ luật thì không được gặp thân nhân.

5. Phạm nhân đang bị điều tra, truy tố, xét xử về hành vi phạm tội khác mà cơ quan đang thụ lý vụ án có văn bản đề nghị cơ sở giam giữ phạm nhân không cho phạm nhân gặp thân nhân, đại diện cơ quan, tổ chức, cá nhân khác hoặc yêu cầu cơ sở giam giữ phạm nhân phối hợp để giám sát chế độ gặp của phạm nhân thì Thủ trưởng cơ sở giam giữ phạm nhân xem xét thực hiện theo đề nghị của cơ quan đang thụ lý vụ án và giải thích rõ cho người đến gặp phạm nhân.

Các đối tượng được gặp phạm nhân

Theo Điều 4 Thông tư 14/2020/TT-BCA:

“1. Thân nhân được gặp phạm nhân gồm:

Ông, bà nội; ông, bà ngoại; bố, mẹ đẻ; bố, mẹ vợ (hoặc chồng); bố, mẹ nuôi hợp pháp; vợ hoặc chồng; con đẻ, con dâu, con rể, con nuôi hợp pháp;

Anh, chị, em ruột, dâu, rể; anh, chị em vợ (hoặc chồng); cô, dì, chú, bác, cậu, cháu ruột.

Mỗi lần đến gặp phạm nhân tối đa không quá 03 thân nhân, trường hợp đặc biệt do yêu cầu giáo dục cải tạo, Thủ trưởng cơ sở giam giữ phạm nhân có thể quyết định việc tăng số lượng thân nhân được gặp phạm nhân nhưng không quá 05 người và phải đảm bảo việc phạm nhân gặp thân nhân không làm ảnh hưởng đến an ninh, an toàn cơ sở giam giữ phạm nhân.

2. Trường hợp đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khác đề nghị được gặp phạm nhân thì Thủ trưởng cơ sở giam giữ phạm nhân xem xét, giải quyết nếu xét thấy phù hợp với lợi ích hợp pháp của phạm nhân cũng như yêu cầu quản lý, giáo dục cải tạo phạm nhân và phòng, chống tội phạm.”

Điều kiện để vợ được gặp chồng đang chấp hành án phạt tù tại phòng thăm riêng

Dựa trên các quy định trên, để được gặp nhau tại phòng thăm riêng cần phải đáp ứng các điều kiện sau:

Với phạm nhân

-Phạm nhân, thuộc một trong các trường hợp:

+Có ít nhất hai quý liền kề thời điểm gặp thân nhân được xếp loại chấp hành án phạt tù từ khá trở lên và thời gian từ khi xếp loại quý liền kề gần nhất đến thời điểm gặp thân nhân được nhận xét, đánh giá, xếp loại chấp hành án phạt tù từ khá trở lên thì có thể được gặp vợ, chồng ở phòng riêng không quá 03 giờ;

+Có ít nhất bốn quý liền kề thời điểm gặp thân nhân được xếp loại tốt và thời gian từ khi xếp loại quý liền kề gần nhất đến thời điểm gặp thân nhân được nhận xét, đánh giá, xếp loại chấp hành án phạt tù tốt và được khen thưởng do có thành tích lao động, học tập theo quy định tại khoản 1 Điều 41 Luật Thi hành án hình sự năm 2019 thì có thể được gặp vợ, chồng ở phòng riêng từ trên 03 giờ đến không quá 24 giờ;

Về phía người vợ/chồng của phạm nhân

Thân nhân là vợ hoặc chồng của phạm nhân có đủ điều kiện gặp phạm nhân tại phòng riêng thì phải có giấy đăng ký kết hôn.

Trước khi thăm gặp phải kê khai đồ dùng, tư trang cá nhân để thực hiện thủ tục kiểm duyệt, phải viết giấy cam kết thực hiện nghiêm chỉnh Nội quy nhà thăm gặp, cam kết thực hiện, chấp hành quy định về pháp luật dân số, kế hoạch hóa gia đình hiện hành. Đặc biệt, đối với phạm nhân nữ phải sử dụng biện pháp tránh thai và có giấy cam kết không mang thai để đảm bảo thời gian chấp hành án phạt tù.

Đối với trường hợp gặp ở phòng riêng thì chỉ được mang theo quần áo, khăn mặt, bàn chải đánh răng, kem đánh răng, lược nhựa, nước uống, dụng cụ tránh thai và phòng bệnh lây nhiễm qua đường tình dục đối với trường hợp gặp vợ hoặc chồng.

Trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong việc gặp thân nhân của phạm nhân

Đối với cơ sở giam giữ

Khi phạm nhân được gặp vợ, chồng ở phòng riêng không quá 24 giờ thì trong thời gian phạm nhân gặp thân nhân, Thủ trưởng cơ sở giam giữ phạm nhân căn cứ điều kiện cụ thể có thể xem xét cho phạm nhân ăn cơm cùng thân nhân tại căng tin Nhà gặp phạm nhân, thời gian ăn cơm không quá 01 giờ. Ngoài ra, khi tổ chức Hội nghị gia đình phạm nhân, do yêu cầu giáo dục cải tạo, cần có sự phối hợp, tác động của gia đình để giáo dục phạm nhân thì Thủ trưởng cơ sở giam giữ phạm nhân có thể xem xét, giải quyết cho phạm nhân gặp và ăn cơm cùng thân nhân.

Việc tổ chức cho phạm nhân gặp và ăn cơm cùng thân nhân phải kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ. Bảo đảm tuyệt đối an toàn cơ sở giam giữ phạm nhân. Quản lý chặt chẽ phạm nhân, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và an toàn cho thân nhân phạm nhân.

Đối với thân nhân của phạm nhân

Thân nhân đến thăm gặp phạm nhân phải chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, Nội quy nhà thăm gặp, tuân theo sự hướng dẫn của cán bộ làm nhiệm vụ tổ chức thăm gặp và những cán bộ có trách nhiệm khác. Nếu gửi đồ vật cho phạm nhân thì phải kê khai danh mục các đồ vật. Cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc gửi đồ không đúng quy định. Không được đưa vào nhà thăm gặp các đồ vật cấm.

Đối với phạm nhân

Khi thăm gặp, phạm nhân phải mặc quần áo được cấp bảo đảm gọn gàng, sạch sẽ (trường hợp phạm nhân mới đến chấp hành án, chưa được cấp quần áo thì được mặc quần áo dài thường, nhưng phải đóng dấu theo Nội quy của cơ sở giam giữ); nghiêm chỉnh chấp hành Nội quy của cơ sở giam giữ, Nội quy nhà thăm gặp và tuân theo sự hướng dẫn của cán bộ làm nhiệm vụ tổ chức thăm gặp.

Thông tin liên hệ Luật Sư X

Trên đây là nội dung tư vấn về Điều kiện để vợ được gặp chồng đang chấp hành án phạt tù tại phòng thăm riêng. Mọi thắc mắc về thủ tục pháp lý có liên quan, dịch vụ luật sư tư vấn hình sựluật sư tranh tụng, luật sư bào chữa trong vụ án hình sự. Quý khách vui lòng liên hệ Luật Sư X để được hỗ trợ, giải đáp.

Gọi ngay cho chúng tôi qua hotline: 0833.102.102

Có thể bạn quan tâm:

Câu hỏi thường gặp

Phạm nhân có được gọi điện về nhà cho người thân?

Theo Khoản 2 Điều 54 Luật thi hành án dân sự 2019:
Phạm nhân được liên lạc điện thoại trong nước với thân nhân mỗi tháng 01 lần, mỗi lần không quá 10 phút, trừ trường hợp cấp bách. Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện xem xét, quyết định việc cho phạm nhân liên lạc bằng điện thoại và tổ chức kiểm soát việc liên lạc này.
Do đó phạm nhân vẫn có quyền gọi điện cho người thân. Tuy nhiên số lần và thời lượng cuộc gọi sẽ bị hạn chế.

Các hình thức kỷ luật đối với phạm nhân?

Phạm nhân vi phạm nội quy cơ sở giam giữ phạm nhân hoặc có hành vi vi phạm pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị kỷ luật bằng một trong các hình thức sau đây:
a) Khiển trách;
b) Cảnh cáo;
c) Giam tại buồng kỷ luật đến 10 ngày.

5/5 - (2 bình chọn)
Chuyên mục:
Hình sự

Comments are closed.